Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 23

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.  

  Kỳ 23.

        Sớm hôm sau giữa mùa hạ rực rỡ của Tôki ô, Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính xuống tàu về nước. Tăng Bạt Hổ đi tiễn nói:

        -Chúc thượng lộ bình an, huynh và đệ bảo trọng. Cho tôi gửi lời thăm Tiểu La và các đồng chí trong hội.

        -Đa tạ, đa tạ, đệ ở lại bảo trọng.

         Con tàu rời bến, Tăng Bạt Hổ đứng trên cầu cảng nhìn con tàu rời bến xa mờ dần trong biển cả mệnh mông, không thấy tận cùng của trời đất.

        Từ Hải Phòng, Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính về qua Nghệ An. Đăng Tủ Kính đi về Nghi Lộc, Phan Bội Châu về Nam Đàn rẽ về thăm nhà, thăm ba đứa con và hai phu nhân. Hai ngày sau, khi ba đứa con còn ngủ say, vẫn trong hai đôi mắt của hai phu nhân và tiếng khóc nghẹn ngào, Phan Bội Châu chia tay lên đường về Nghi Lộc, thăm nhà Đặng Tử Kính, sau đó cả hai cùng đi về huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Mãi tối, hai người mới đến Nam Thịnh sơn trang. Sau bữa cơm tối, Tiểu La Nguyễn Thành, Kỳ Ngoại hầu Cường Để, Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính ngồi bên bàn trà. Sau một lượt trà, Phan Bội Châu tường thuật lại những công việc đã làm sau 6 tháng ở Nhật Bản. Cuối cùng Phan Bội Châu nói:

         -Nhật Bản từ chối giúp quân đội vào Việt Nam đánh Pháp lý do là Nhật hiện tại không có mâu thuẫn gì với Pháp nên không thể vô cớ gây chiến tranh. Nhật Bản sợ gây chiến với Pháp sẽ đối đầu với các nước Châu Âu.

        -Thứ hai để bù lại, Nhật Bản đồng ý giúp ta đưa thanh niên sang để học tập kỹ thuật quân sự và tri thức khoa học kỹ thuật và sau đó về Việt Nam Duy Tân, tự vận động giải phóng và phát triển đất nước. Với lưu học sinh, Nhật Bản không thu học phí, không lấy tiền nhà ở ký túc nhưng ăn uống sinh hoạt cá nhân Việt Nam phải chi trả. Cho nên chúng ta phải có một số tiền rất lớn cho du học sinh trong ba bốn năm.

         Ở Nhật Bản, ba chúng tôi đã được gặp nhà Duy tân nổi tiếng của Trung Quốc Lương Khải Siêu bị Từ Hi Thái hậu là phái bảo thủ truy nã phải chạy trốn sang Nhật. Lương Khải Siêu có khuyên là không nên cầu viện quân đội Nhật Bản vào Việt Nam vì sau khi có đánh được quân Pháp, họ chưa chắc đã rút ra trao độc lập cho Việt Nam. Lương Khải Siêu nói dã tâm tham vọng đất đai của Nhật Bản đã hé lộ sau cuộc chiến tranh Trung-Nhật, đặc biệt sau cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Trước hết đối với Triều Tiên, Bán đảo Liêu Đông và đảo Đài Loan của Trung Quốc. Lương Khải Siêu có khuyên phải đẩy mạnh viết và xuất bản sách báo để tuyên truyền thức tỉnh đồng bào, thanh niên và các thành viên trong Duy Tân hội, trước mắt để vận động cho phong trào Đông Du.

        Ba người nghe Phan Bội Châu nói xong thì trầm ngâm suy nghĩ. Một lát sau Tiểu La Nguyễn Thành nói:

        -Vậy trước mắt công việc của Duy Tân hội là xuất bản ngay tác phẩm “Việt Nam vong Quốc sử” để truyền bá. Thứ hai là lựa chọn những thanh niên ưu tú, thông minh, hiếu học chịu được gian khổ sang Nhật Bản học tập. Thứ ba là tiến hành lập các hội như Nông hội, Hội buôn, Hội học để chuẩn bị phát triển Duy Tân hội ra toàn quốc sâu rộng hơn, chuẩn bị lực lượng cho bạo động vũ trang, để quyên góp lấy nguồn tài chính cho lưu học sinh ở Nhật Bản. Thứ tư nhanh chóng đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để sang Nhật Bản học tập.

        Cuối cùng Tiểu La kết luận:

         -Tôi và ngài Chủ Tịch Phan Bội Châu thay mặt Duy Tân Hội chính thức phát động phong trào Đông Du. Trong khi ngài Phan Bội Châu và ngài Cường Để làm việc lãnh đạo du học sinh ở Nhật Bản thì tôi và các đồng chí ở trong nước thông qua các Hội học, Hội công, Hội nông, Hội thương lo sản xuất kinh doanh, lo quyền góp tiền bạc để lấy tiền đó gửi sang cho du học sinh ở Nhật Bản, có tiền để xuất bản sách báo của Duy Tân hội.

        Phan Bội Châu, Cường Để và Đặng Tử Kính cùng nói:

       -Nhất trí với kế hoạch cụ thể của ngài Tổng Thư ký.

        Những nhiệm vụ trên còn được nhấn mạnh lại trong cuộc họp tháng 8 năm 1905 của Ban lãnh đạo Duy Tân hội. Lúc này “Việt Nam vong quốc sử” đã được in và phát hành kêu gọi thanh niên du học đã làm chấn động ba kỳ. Tháng 10 năm 1905, Phan Bội Châu và 3 thanh niên du học đầu tiên lên đường đi Nhật Bản. Đó là Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Điền, Lê Khiết.

         Năm 1906, Minh chủ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sang Nhật Bản, được bố trí vào học Trường Quân sự Tôkiô. Tiếp đó các năm sau, Cường Để, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính lần lượt đón các nhóm lưu học sinh lần lượt sang Nhật Bản, đến năm 1908 thì số học sinh Việt Nam đã lên đến 200 người, trong đó có anh em Lương Ngọc Quyến, Lương Nhị Khanh là con Lương Văn Can, một trong những người đứng đầu Trường Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội nổi tiếng, cùng chuyến với Lương Ngọc Quyến, Lương Nhị Khanh có Nguyễn Điền. Cường Để được bố trí vào học trường Chấn Võ học hiệu cùng vơi Lương Ngọc Quyến. Còn hầu hết được bố trí vào học ở Trường Đông Á Đồng văn Thư viện. Trường của Nhật nhưng đặt ở Tô giới của Nhật Bản ở Thượng Hải. Chương trình học tập cả ngày. Sáng và trưa học tiếng Nhật, học những tri thức phổ thông, buổi chiều học tri thức quân sự, đặc biệt là luyện tập thao tác quân sự. Chương trình và quy tắc học tập đều do người Nhật quy định. Còn ngoài trường Việt Nam tự quản lý.

        Để quản lý du học sinh, tháng 10-1907 Phan Bội Châu và các đồng chí đã lâp ra Hội Việt Nam Cống Hiến hội  do Cường Để làm Hội Trưởng, Phan Bội Châu làm Tổng thư ký kiêm Giám đốc trục tiếp chỉ đạo tổ chức này. Hội có 4 Bộ lớn, mỗi bộ có 3 đại biểu Bắc, Trung, Nam:

        1.Bộ kinh tài chuyên phụ trách thu chi và các việc trù bị, họ cũng là những người vận động tranh thủ sự ủng hộ của trong và ngoài nước, Bộ này gồm các ủy viên Đặng Tử Kính, Đặng Bỉnh Thành, Phan Chấn Yêm.

          2. Bộ Kỷ luật chuyên theo dõi ưu khuyết điểm để thưởng phạt học sinh. Các ủy viên gồm Đàm Kỳ Sinh, Phan Bá Ngọc, Hoàng Quang Thành.

               3. Bộ Giao tế phụ trách việc giao thiệp với người nước ngoài và đưa đón người trong nước sang Nhật và về. Bộ gồm các ủy viên Phan Thế Mỹ, Nguyễn Thái Bạt và Lâm Quang Trung.

        5. Bộ văn Thư phụ trách việc giấy tờ đi lại, phát hành và lưu trữ các văn kiện. Bộ gồm các ủy viên Hoàng Trọng Mậu, Đặng Ngô Lân và Hoàng Hưng.

        Ngoài ra còn có các Cục Kiểm Tra để giám sát nhân viên các Bộ trong khi thừa hành nhiệm vụ. Các Ủy viên của Cục gồm Lương Nhập Nham, Trần Hữu Long và Nguyễn Điền.

        Việt Nam Cống Hiến hội chú trong mở những buổi sinh hoạt chính trị cho du học sinh, giúp họ rèn luyện tư tưởng, đạo đức trong các chương trình nghị sự. Trong các buổi sinh hoạt, Tổng Lý và Hội Trưởng phải huấn thị trước như khuyến cáo các vấn đề có liên quan đến học tập, sinh hoạt. Có khi bình giảng đến nội dung một cuốn sách, nhắc nhở nhiệm vụ các học viên trước tổ quốc, sau đó các hội viên góp ý trao đổi những vấn đề dặt ra, hoặc những vấn để giúp đỡ nhau học tập.

        Để hưởng ứng phong trào Đông du ở trong nước cũng nở rộ phong trào lập các Hội nông, Hội công thương, Hội học. Do ảnh hưởng của “Việt Nam vong quốc sử” phong trào sáng tác  thơ văn yêu nước dậy sóng với các tác phẩm “Hải ngoại huyết thư”, “Việt Nam quốc sử khảo”, “Tân Việt Nam”, “Sùng bái giai nhân” của Phan Bội Châu từ Nhật Bản bí mật gửi về. “Viên hải quy hồng” của Nguyễn Thượng Hiền, “Kính cáo Toàn quốc” của Cường Để gửi về nước cổ động phong trào Đông Du đang lan khắp ba kỳ nhưng sôi nổi nhất là Nam Kỳ.

         Ở Nam Kỳ, Tri phủ Trần Chánh Chiếu đã lập ra khách sạn Nam Trung để làm nơi gặp gỡ của các nhà yêu nước, lập Minh Tâm Công Thệ xã để chấn hưng công thương nghiêp, vừa có tiền ủng hộ phong trào Đông Du. Toàn quốc, Tiểu La đã liên hệ được với 72 cơ sở thương hội. Riêng Tiểu La đã góp cả cổ phần kinh doanh của riêng mình lấy tiền dùng cho Du học sinh. Trong một năm số tiền gửi cho du học sinh đã là 12.000 đồng. Tiểu La là người giữ vai trò quan trọng trong nước Duy Tân hội nói chung và phong trào Đông du nói riêng.

        Chánh Chiếu còn là chủ bút tờ báo “Nông Cổ mín đàm” và “Lục Tỉnh tân văn" đăng những bài có tư tưởng chống Pháp.

       Nhiều nhân sĩ khác hết lòng lo cho sự nghiệp Đông du như Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn An Khương, Bùi Chí Nhuận, Đăng Minh Chương...

        Năm 1906, đêm mùa xuân, Tôkiô chìm trong ánh điện sáng lung linh như dãy ngân hà ở mặt đất. Đêm đã khuya, phố xá xe cộ và người đi lại chỉ còn thưa thớt, bớt ồn ào muôn thưở của một thủ đô hiện đại. Đường phố chỉ còn vài chiếc xe bật đèn xé màn đêm lao nhanh về phía trước.

         Tại một căn phòng nhỏ của nhà trọ, Lương Ngọc Quyến, Đặng Tử Kính, Cường Để đang ngủ, riêng Phan Bội Châu vẫn còn thao thức dù ngày mai có một việc quan trọng là phải đi đón  Phó bảng Phan Chu Trinh từ Việt Nam sang thăm Phan Bội Châu và tiện thể thăm luôn Nhật Bản nổi tiếng, một nước duy nhất ở chấu Á nhờ cách mạng năm 1868, nhờ Minh Trị Duy tân mà trở thành cường quốc không bị phương Tây xâm lược, còn đánh bại cả một đế quốc hùng cường của châu Âu là nước Nga. Phan Bội Châu nhớ lại những kỷ niệm của ông về Phan Chu Trinh.

 (Còn nữa)

  CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/ong-gia-ben-ngu-tieu-thuyet-lich-su-ky-23-a10031.html