Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 28

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.    

Kỳ 28.

Nói xong Lưu Vĩnh Phúc đứng dậy theo người gia nhân ra ngoài đón khách. Lưu Vĩnh Phúc reo lên:

-Tiên sinh Phan Bội Châu, cơn gió lành nào đưa ngài tới đây.

Phan Bội Châu chắp tay:

-Xin chào Tướng quân Đề đốc. Tôi từ Xiêm La tới. Đây là người Trong Duy Tân hội của tôi: Đặng Tử Kính và Kỳ Ngoại hầu Cường Để.

Lưu Vĩnh Phúc chắp tay:

-Xin chào hai tiên sinh.

-Xin chào Đề đốc Tướng quân.

-Đa tạ, xin mời ba vị vào nhà.

Ba người theo Lưu Vĩnh Phúc vào nhà. Lưu Vĩnh Phúc gọi:

-Bay đâu.

-Dạ chủ nhân.

-Pha trà.

-Dạ.

Khi gia nhân bê trà lên, Lưu Vĩnh Phúc dặn:

-Trưa nay nấu bốn suất cơm rượu đem lên đây rõ chưa, nhà ta có khách quý.

-Dạ.

Sau một lượt trà Lưu Vĩnh Phúc hỏi:

-Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản, tiên sinh lưu lạc sang Xiêm La à?

Phan Bội Châu nói:

-Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản, đa số sang Trung Quốc gia nhập quân đội của ngài Tôn Dật Tiên tham gia cách mạng, một số ít về nước, khoảng 50 hội viên theo tôi sang Xiêm La làm ruộng chờ thời cơ phục quốc. Vừa rồi tôi nhận được thư của của một hội viên Đông Du, hiện phục vụ trong Quân đội Trung Hoa Dân Quốc báo tin ngài Tôn Trung Sơn đã lật đổ nhà Thanh, chúng tôi vội về Trung Quốc để có thể lập một chính đảng mới để phục quốc.

Lưu Vĩnh Phúc nói:

-Hảo, hảo, đối với giặc Pháp thì phải tả, tả.

Mọi người nghe xong thì cười nói vui vẻ.

Sau bữa cơm tối, bên ấm trà, Phan Bội Châu hỏi:

-Tướng quân Đề đốc có biết nhiều về ngài Tôn Dật Tiên không?

Lưu Vĩnh Phúc đáp:

-Ở Trung Quốc này ai mà không biết Tôn Dật Tiên cơ chứ.

Rồi vừa uống nước Lưu Vĩnh Phúc vừa kể:

-Tôn Trung Sơn nguyên danh là Tôn Văn, hiệu là Dật Tiên, sinh ngày 12-11-1866 ở tỉnh Quảng Đông, trong một gia đình nông dân khá giả. Năm 13 tuổi được người anh làm nghề buôn bán đưa sang theo học ở Honulu, tiểu bang Hawai Hoa Kỳ, vì thế chịu ảnh hưởng lớn những tư tưởng dân chủ của Phương Tây. Năm 1883 Tôn Dật Tiên về nước, 1886 học Đại học y khoa ở Hương Cảng, năm 1892 tốt nghiệp và thành bác sĩ nhưng ông bỏ nghề y đi theo con đường hoạt động chính trị. Tôn Dật Tiên theo Ki tô giáo, Ki tô giáo gắn với lý tưởng cách mạng và canh tân đất nước. Năm 1894 Tôn Dật Tiên thành lập Hưng Trung hội với mục đích là đánh đổ nhà Mãn Thanh, khôi phục Trung Hoa. Năm 1905 Tôn Dạt Tiên hợp nhất Hưng Trung Hội vơi một số tổ chức khác lập Trung Quốc Đồng Minh Hội do ông làm Tổng lý. Ra tờ báo công bố chủ nghĩa Tam dân: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc. Chủ nghĩa Tam dân rất nổi tiếng ở Trung Quốc và một số nước Châu Á. Ngày 10-10-1911 Đồng Minh hội vận động binh lính ở Vũ Xương khởi nghĩa mở đầu cho cách mạng bùng nổ và thắng lợi. 29-12-1911 Tôn Dật Tiên từ Nhật Bản về nước, tổ chức Đại hội đại biểu các tỉnh họp ở Nam Kinh. Tôn Dật Tiên được bầu làm Đại Tổng thống. Ngày 1-1-1912 ông tuyên thệ nhậm chức Đại Tổng thống lâm thời Trung Hoa Cộng Hòa dân quốc tại Nam Kinh. Nhưng một tháng sau, Tôn Dật Tiên lại nhường chức cho Viên Thế Khải là một tay quân phiệt với điều kiện Khải phải buộc Phổ Nghi, vua cuối cùng của nhà Thanh thoái vị để lập chế độ cộng hòa nhưng Viên Thế Khải đã phản bội lời hứa, đàn áp lực lượng Cộng hòa, Viên Thế Khải đang mưu đồ lên ngôi hoàng đế, lập lại chế độ Quân chủ. Tình hình Trung Quốc cũng đang phức tạp và căng thẳng. Năm 1900 Tôn Dật Tiên đã đến Sài gòn và ở đó 2 tuần, tháng 12 năm 1902, ngài đã đến Hà Nội và ở Hội Quán Quảng Đông, 22 phố Hàng Buồm. Tôn Dật Tiên có hai bà vợ, vợ đầu là Lô Mô Trinh, có con trai là Tôn Khoa, vợ thứ hai là bà Tống Khánh Linh, một chính khách cũng rất nổi tiếng.

Phan Bội Châu lại hỏi Lưu Vĩnh Phúc:

-Đô đốc có biết nhiều về chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên không?

Lưu Vĩnh Phúc đáp:

 -Tôi không nhớ hết nhưng đại lược là Dân thứ nhất dân tộc độc lập, Dân thứ hai là Dân quyền tự do, thứ ba là Dân sinh hạnh phúc, vậy nên có tên là Tam dân. À, tôi có một bài báo nói về chủ nghĩa Tam dân, tôi cho tiên sinh mà đọc.

-Đa tạ Tướng quân Đề đốc.

Suốt đêm đó khi mọi đã đi ngủ Phan Bội Châu thức để đọc chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên được đăng trên tờ báo. Sớm hôm sau sau bữa ăn sáng, bên ấm trà Lưu Vĩnh Phúc hỏi:

-Bây giờ Duy Tân hội và phong trào Đông du đã tan rã, tiên sinh định thế nào?

-Phan Bội Châu đáp:

-Tối hôm qua tôi đọc kỹ chủ ngĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên, có lẽ tôi sẽ cải tổ Duy Tân hội, thành lập tổ chức cách mạng mới với tên gọi là Việt Nam Quang Phục hội với mục đích là đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho Việt Nam và thành lập nhà nước Cộng hòa dân chủ để thực hiện Tam Dân: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc.

Lưu Vĩnh Phúc cười lớn:

-Tốt lắm, con người ta sợ nhất là bảo thủ, nay tiên sinh quả nhiên là thức thời cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Vậy kế hoach tiến hành thành lập Việt Nam Quang Phục hội thế nào?

Phan Bội Châu đáp:

-Trước hết vẫn phải nhờ Đề đốc giúp đỡ thì mới hoàn thành được.

-Lão phu giúp được gì xin tiên sinh cứ nói.

-Duy Tân hội chúng tôi còn 50 hội viên từ Nhật Bản sang Xiêm La từ 1909, đang ở Bạn Thầm. Nay nhờ Tướng quân Đề đốc cho sang đây mượn địa điểm cư trú tạm thời và mượn địa điểm Đại hội thành lập Việt Nam Quang Phục hội. Sau khi thành lập sẽ tìm căn cứ và trụ sở sau.

Lưu Vĩnh Phúc vui vẻ:

-Được được, cho ở và cho mượn địa điểm thì lão phu thừa khả năng.

-Đa tạ Tướng quân Đề đốc.

Sau đó Phan Bội Châu nói với Đặng Tử Kính:

-Tiên sinh hãy về Bạn Thầm lệnh cho 50 hội viên thu xếp về Quảng Đông, về nhà Tướng quân Đề đốc để Đại Hội thành lập Đảng cách mạng mới.

-Dạ, tiên sinh.

Đặng tử Kính lại từ Quảng Đông Trung Quốc đi về căn cứ Bạn Thầm Xiêm La bảo 50 hội viên của Duy Tân hội gói ghém đồ đạc, chia thành từ tốp 5 người giả làm lái buôn đi cách thời gian, tốp trước cách tốp sau vài ngày. Một tháng sau, 50 hội viên đã tới được nhà Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Đông. Cuối năm 1912, tại nhà khách lớn của Lưu Vĩnh Phúc, Phan Bội Châu và Cường Để cho Đại hội thành lập Việt Nam Quang Phục hội, mục đích là đánh đuổi người Pháp khỏi Đông Dương, khôi phục Việt Nam, thành lập Việt Nam dân quốc. Trong tổ chức mới, Hội chủ là Cường Để, Phó hội chủ Phan Bội Châu kiêm Tổng lý. Cường Để là Bộ trưởng Tổng vụ của một hội đoàn mới mang tên Việt Nam Quang Phục hội. Phan Bội Châu kiêm đại diện Trung Kỳ, Nguyễn Thượng Hiền đại diện Bắc Kỳ và Nguyễn Thần Hiến đại diện Nam Kỳ. Ba ông là thành phần Bình Nghị bộ của hội. 10 thành viên khác là Chấp Hành bộ lo việc điều hành công việc gồm:

1.Quân vụ ủy viên Hoàng Trọng Mậu và  Lương Ngọc Quyến.

2.Kinh tế Ủy viên: Đặng Tử Kính và Mai Lão Bạng

3. Giao tế ủy viên: Lâm Đức Mậu và Đặng Bỉnh Thành.

4.Văn hóa Ủy viên: Phan Bá Ngọc và Nguyễn Yên Dược.

5. Thư vụ Ủy viên: Đinh Tế Dân và Phan Quý Chức.

Trụ sở của Việt Nam Quang Phục hội đặt tại Quảng Châu Trung Hoa.

Thành phần trong nước có ba Ủy viên đảm nhiệm ba kỳ: Bắc Kỳ là Đặng Xung Hồng (Đặng Hữu Bằng), Trung Kỳ là Lâm Quang Trung (Võ Quảng) và Nam Kỳ là Đặng Bỉnh Thành.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/ong-gia-ben-ngu-tieu-thuyet-lich-su-ky-28-a10803.html