Vĩnh Phúc: Phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám

Với khát vọng độc lập, tự do, mùa Thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. 79 năm đã trôi qua, nhưng hào khí và những bài học kinh nghiệm quý giá mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám sẽ luôn là động lực mạnh mẽ, cổ vũ các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

img-8369-1723691387.jpeg
Đô thị Vĩnh Phúc ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Trà Hương

Mốc son lịch sử chói lọi

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Vĩnh Phúc (khi đó là 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên) sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng. Các tổ chức Đảng lần lượt được ra đời như: Chi bộ đồn điền Đa Phúc ra đời tháng 3/1933, Chi bộ đồn điền Tam Lộng ra đời tháng 10/1933, Chi bộ Vĩnh Tường ra đời tháng 8/1938, Chi bộ Dẫn Tự - Hòa Lạc ra đời năm 1939…

Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, các Ban cán sự Đảng và đặc biệt là sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương thông qua 2 đội công tác về xây dựng khu an toàn của Xứ ủy và Trung ương, phong trào cách mạng của tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ. Phong trào thành lập Mặt trận Việt Minh phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh; các khu căn cứ du kích ở bắc Tam Dương - Lập Thạch, căn cứ Ngọc Thanh (Phúc Yên) lần lượt ra đời.

Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ban bố “Quân lệnh số 1” chính thức phát lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước. Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và vận dụng Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Đảng bộ 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên đã phát động nhân dân khởi nghĩa.

Ở Vĩnh Yên, cuộc khởi nghĩa nổ ra ở nhiều xã, huyện rồi lan rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, huyện Lập Thạch là nơi diễn ra khởi nghĩa sớm nhất (ngày 17/8), tiếp đó là huyện Bình Xuyên (ngày18/8), Vĩnh Tường (ngày 21/8), Yên Lạc (ngày 22/8)...

Ở Phúc Yên, sáng 19/8, hàng vạn quần chúng nhân dân đã giương cao cờ đỏ sao vàng, từ nhiều hướng tiến về thị xã khởi nghĩa giành chính quyền. Mặc dù vấp phải sự ngăn chặn của bọn phản động cách mạng, nhưng trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, chính quyền đã thuộc về nhân dân. Ngày 30/8, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Phúc Yên được thành lập…

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Vĩnh Phúc góp phần cùng nhân dân cả nước đập tan xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa thực dân trong hơn 80 năm, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế suốt 1.000 năm trên lãnh thổ Việt Nam, cho ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người tự do, người làm chủ vận mệnh dân tộc mình.

Phát huy bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc đổi mới

Cách mạng Tháng Tám thành công là thắng lợi của khát vọng tự do, độc lập, của tinh thần tự chủ, sáng tạo, của sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động giữa Ðảng với nhân dân.

79 năm kể từ mùa Thu lịch sử cho đến nay, những bài học kinh nghiệm mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám về việc nhạy bén tiếp thu và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng; phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh toàn dân, tinh thần yêu nước nồng nàn, kiên cường, bất khuất của mỗi người dân… luôn được Vĩnh Phúc vận dụng và phát huy.

Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đặc biệt là từ khi tái lập (năm 1997) đến nay, tỉnh đã có những bước tiến quan trọng. Vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám trong thời kỳ đổi mới, trên cơ sở thực tế tình hình của đất nước, bối cảnh thế giới và yêu cầu phát triển cụ thể của tỉnh, Vĩnh Phúc đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, tranh thủ thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Từ một tỉnh thuần nông, tỉnh đã chuyển mình trở thành tỉnh công nghiệp, là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt hơn 31.200 tỷ đồng, thu nội địa nằm trong 8 địa phương cao nhất cả nước.

6 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 15.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc với 44 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt gần 436 triệu USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ, vượt mục tiêu kế hoạch cả năm 2024.

Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành và phê duyệt hầu hết các quy hoạch, trong đó, có quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch phân khu và các quy hoạch ngành, lĩnh vực.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; nhiều tuyến đường quan trọng của tỉnh được xây dựng và nâng cấp, tạo sự kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông quốc gia.
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, phát triển con người với quan điểm xuyên suốt “Không ngừng cải thiện, nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân”, “Mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh”.

Năm 2023, các chỉ số về thu nhập, đời sống người dân của Vĩnh Phúc đều nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số tốt nhất cả nước; chất lượng GDĐT tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu với 2 năm liên tiếp đứng thứ nhất toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (năm 2023 và năm 2024)…

Những dấu mốc, sự kiện lịch sử, khí phách hào hùng của Cách mạng Tháng Tám là mốc son lịch sử chói lọi luôn được lớp lớp thế hệ người dân Vĩnh Phúc khắc ghi. Kế thừa, phát huy hào khí và những bài học kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, quý giá từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là động lực để tỉnh tiếp tục vững bước trên những chặng đường mới, thực hiện khát vọng xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Lê Mơ

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/vinh-phuc-phat-huy-hao-khi-cach-mang-thang-tam-a11215.html