Ngày 15/8, UBND huyện Lâm Hà tổ chức hội nghị đánh giá sản phẩm OCOP (đợt 1) năm 2024 cho hộ dân, doanh nghiệp. Cụ thể, Hội đồng OCOP huyện Lâm Hà tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện (đợt 1) năm 2024 với 10 sản phẩm của 5 chủ thể trên địa bàn các 4 xã: Hoài Đức, Mê Linh, Đạ Đờn và Gia Lâm tham gia.
Đến nay, huyện Lâm Hà có tổng số 34 sản phẩm của 23 chủ thể (14 doanh nghiệp, 6 HTX, 3 cơ sở sản xuất kinh doanh) trên địa bàn các xã: Gia Lâm, Nam Hà, Phú Sơn, Đạ Đờn, Phúc Thọ, Hoài Đức, Tân Hà, Đan Phượng, Liên Hà, Tân Thanh và thị trấn Nam Ban đã được cấp thẩm quyền công nhận sản phẩm OCOP (13 sản phẩm OCOP hạng 4 sao, 21 sản phẩm OCOP 3 sao).
Đồng thời, thông qua việc tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP, người nông dân tăng thêm kiến thức và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để tạo ra nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt và sản lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho người sản xuất.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các sở và huyện đã nghiên cứu và xem xét kỹ các sản phẩm để đánh giá và chấm điểm bảo đảm chặt chẽ, khách quan, minh bạch. Bên cạnh đó, đánh giá các sản phẩm có nhiều cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trên cơ sở kết quả chấm thẩm định, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã đánh giá 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; 3 sản phẩm tiếp tục hướng dẫn Chủ thể hoàn thiện hồ sơ heo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng để trình Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm tỉnh công nhận 4 sao.
Cùng đó, ông Lê Văn Thiêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà đề nghị trong thời gian tới các địa phương và các chủ thể tiếp tục phối hợp với các phòng chuyên môn hoàn thiện hồ sơ để hội đồng đánh giá trình UBND huyện công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện, đồng thời, tiếp tục đổi mới cách thức quảng bá, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, chuyển dần sản xuất theo hướng kinh tế thị trường, tạo hướng đi mới trong kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm OCOP với quy mô lớn và chất lượng ổn định; ưu tiên củng cố, kiện toàn và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn...
Song Anh
Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/lam-ha-to-chuc-hoi-nghi-danh-gia-san-pham-ocop-nam-2024-a11789.html