Hơn cả tin tức, tri thức quyết định tương lai của báo chí trong thời đại Công nghệ 4.0

Trong không khí đổi mới của công tác quản lý báo chí, xin được giới thiệu một góc nhìn riêng về vấn đề này của Nhà báo Vương Xuân Nguyên, Chuyên trang Hội nhập văn hóa và phát triển về vấn đề này.

Bước vào năm 2020, không ít người làm báo bày tỏ tâm tư, trăn trở tâm huyết của mình về nghề báo trong cuộc đua với những người không lồ truyền thông công nghệ mạng xã hội. Thay vì những cách nhìn u ám, nhiều nhà báo tâm huyết đã tìm cho mình và tòa soạn của mình những hướng đi mới của nghề báo trong thời đại Công nghệ 4.0.

Ở đó, chất lượng báo chí không chủ yếu nằm ở việc “các nhà báo kinh nghiệm đi đến các nơi,…phát hiện các nguồn tin, xác minh và tái xác minh dữ kiện”…mà chất lượng báo chí thực sự nằm ở những hoạt động báo chí làm tăng hiểu biết của chúng ta về thế giới.

Đây không chỉ là tinh thần được trình bày trong cuốn sách HƠN CẢ TIN TỨC, TƯƠNG LAI CỦA BÁO CHÍ của tác giả Mitchell Stephens được NXB Trẻ ấn hành 2019, mà còn là kết quả được rút ra từ hoạt động thực tiễn sục sôi của nhiều nhà báo tâm huyết.

btttt1-1626675766.jpg Nhà phê bình nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường (bên phải) tặng tác giả bài viết cuốn sách ảnh tư liệu báo chí

Thời của Tạp chí

Theo nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống & Pháp luật thì sự lệ thuộc của báo chí vào Google, Facebook - cho dù là với mục đích rất thực tế là hướng dẫn bạn đọc tìm đến với bài viết nhanh chóng hơn, lan tỏa nội dung đến nhiều người hơn-một bộ phận báo chí đang vong thân trước mạng xã hội: bám theo hot trend (thuật ngữ có nghĩa đen là xu hướng “nóng”)- mà đa phần là các trend rất nhảm nhí; dùng thủ thuật đẩy - kéo view bằng mọi giá để làm đẹp chỉ số Google Analytis (một công cụ đo lượng người dùng) thay vì cung cấp thông tin, chuyển tải những thông điệp nội dung kịp thời và hữu ích cho bạn đọc.

Với góc nhìn của một nhà báo lão luyện đã trải qua 30 năm trong nghề, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh nhận định, trên phạm vi toàn cầu, báo chí hiện đại đang chuyển dần sang xu hướng tạp chí hóa, bằng chứng là nhiều cơ quan truyền thông lớn của các quốc gia có truyền thống hàng trăm năm về báo chí đang tiệm cận gần hơn đến phương thức khai thác thông tin của tạp chí: “bán” góc nhìn và quan điểm thay vì “bán” tin tức. Mặt khác, sự trỗi dậy trở lại của Tạp chí khiến còn thể hiện ở các hình thức báo chí online đang rất được bạn đọc quan tâm, mà Long-form (hình thức sản phẩm báo chí online với các bài viết dài và dung lượng nội dung lớn) và e-magazine (kiểu bài báo đa phương tiện ) là một minh chứng cho điều này.

Từ những phân tích về cơ sở thực tiễn và xu thế tất yếu của dòng chảy thông tin hiện đại, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh bày tỏ sự nghiêm túc và chân thành nhất của mình một cách mãnh liệt rằng, hiện tại (và cả tương lai) chính là THỜI CỦA TẠP CHÍ.

Ở đó, các tòa soạn tiếp cận bạn đọc bằng những bài viết có quan điểm, góc nhìn sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chắc chắn các cơ quan báo chí thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án quy hoạch quản lý và phát triển báo chí toàn quốc giai đoạn 2015-2025 sẽ thành công và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Tiểu thuyết mang ngôn ngữ báo chí

Còn nhà báo Vũ Xuân Bân, nguyên Trưởng Ban tin trong nước TTXVN, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam sau hơn 40 năm làm báo chuyên nghiệp lại tìm cho mình một sự trải nghiệm mới thông qua tiểu thuyết đầu tay mang tựa đề Tơ Vò.

Đọc xong mỗi trang viết trong Tờ Vò, chúng ta như được "gỡ rối" trong lòng khi định vị ngày càng rõ hơn được không gian, thời gian, bối cảnh diễn ra câu chuyện và nhận thấy chân dung của hơn 20 nhân vật ngoài đời qua 11 chương, 341 trang viết mang phong cách báo chí, thời sự và lối kể chuyện.

Viết về tham nhũng quyền lực, đặc biệt là về những cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hoá, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là một đề tài nhạy cảm đòi hỏi người viết không chỉ có tâm có tầm mà còn phải có tinh thần cách mạng chân chính. Ở tác phẩm Tơ Vò, người viết đã thể hiện được đầy đủ tinh thần chống tham nhũng do Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện nhưng lại tránh đi vào lối mòn của cách viết tuyên truyền khô cứng và vượt qua được những giới hạn của ngôn ngữ báo chí truyền thống.

Mới đây, trả lời phỏng vấn Báo Đại đoàn kết về lý do để một nhà báo sau gần 40 năm làm báo tại TTXVN lại đột ngột chuyển viết tiểu thuyết thời sự, Nhà báo Vũ Xuân Bân đã trải lòng: "Đúng là trước tiểu thuyết Tơ vò, tôi chưa từng sáng tác văn chương, kể cả truyện ngắn. Nghề báo khi ở cương vị là Trưởng ban biên tập Tin trong nước TTXVN cho tôi biết nhiều thông tin, nhưng tôi nghiệm thấy bài vở, tin tức trên mặt báo trôi đi rất nhanh, ít đọng lại trong lòng công chúng. Nhiều cái muốn nói, muốn viết lột tả sự vật, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng mà mình mới chỉ thể hiện được một mức độ nhất định mà đành chịu. Vì thế sau khi đến tuổi nghỉ hưu, tuy vẫn làm báo nhưng ở cấp độ Tạp chí, không còn áp lực thông tin thời sự, bao quát chuyên môn như trước, công việc rảnh rỗi hơn nên tôi mạnh dạn viết tiểu thuyết để chuyển tải tới bạn đọc tốt hơn những ngõ ngách, phức tạp, sâu kín của khối tư liệu mình có được...".

Có thể thấy qua tiểu thuyết Tơ Vò, Nhà báo Vũ Xuân Bân đã cố tìm đến một thể loại văn chương để làm rõ tính hiện thực sâu sắc, sự đấu tranh quyết liệt mang hơi thở của cuộc sống đương đại trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy phức tạp hiện nay ở một địa phương cụ thể. Tiểu thuyết văn chương nhưng vẫn mang đầy đủ tính thời sự của một tác phẩm báo chí dài kỳ. Mỗi người đọc ở những góc nhìn khác nhau, địa vị khác sẽ có những đánh giá khác nhau về tác phẩm. Thông tin dẫu có tính đa chiều nhưng tính định hướng nhận thức chung tích cực cho xã hội vẫn rất rõ ràng, không phủ định những thành quả đã đạt được, dù phức tạp nhưng khẳng định được sự lãnh đạo của Đảng mới đưa sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đến thành công.

Đồ họa hóa thông tintư liệu báo chí

Với Nhà nghiên cứu phê bình nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường lại mang đến cho độc giả một góc nhìn mới lạ khi hệ thống những tư liệu ảnh, thông tin bằng phương pháp "đồ họa hóa thông tin tư liệu báo chí". Những tác phẩm sách ảnh báo chí như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp; Những kỳ quan và di sản của nhân loại...được tác giả Trần Mạnh Thường trình bày bằng phương pháp này đã giúp người đọc có cái nhìn bao quát, toàn diện hơn và dễ dàng cho việc tra cứu một hệ thống tri thức đồ sộ.

Thực tế, thông tin đồ họa đã không còn là một khái niệm xa lạ với báo chí thế giới từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Tờ USA Today (Mỹ) đã đưa vào các trang báo nhiều biểu đồ, đồ thị và hình ảnh lớn được trình bày với màu sắc bắt mắt để làm tăng tính hấp dẫn cho thông tin so với các trang báo màu xám và dài dòng thời đó (1982). Sau này, cách thức truyền tải thông tin bằng đồ họa đã lan sang các nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha...Thông tin đồ họa hay Infographics có thể hiểu đơn giản là một công cụ đưa tin của báo chí có khả năng biến khối dữ liệu khổng lồ thành những hình ảnh đồ họa sống động, dễ hiểu, rõ ràng ở mọi chủ đề mà công chúng quan tâm.

Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, một sản phẩm Infographics hoàn chỉnh (không còn đóng vai trò minh họa, bổ trợ cho bài viết), thường được thiết kế theo hai phong cách nổi bật. Một là, phong cách chính thống graphic news mà các hãng tin lớn hay áp dụng, theo đó tin đồ họa có phần tiêu đề (title), nội dung nổi bật (lead) và phần nội dung chính. Cách trình bày kiểu tin đồ họa này khá gọn gàng. Hai là, phong cách infographics với cách trình bày bắt mắt (thậm chí có lúc bị nhồi nhét quá nhiều thông tin), có thể chứa đựng nhiều nội dung và có thể kéo dài vì thường sử dụng trên website. Dù ở dạng nào hay được thiết kế theo phong cách nào, Thông tin đồ họa cũng đều xuất hiện dưới những hình thức như biểu đồ, đồ thị, bản đồ, sơ đồ, hình ảnh minh họa và bảng biểu.

Thiết lập, quản lý tốt Mạng xã hội và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong báo chí

Đồng tình với quan điểm, tạo lập môi trường thông tin lành mạnh, an toàn sẽ góp phần tích cực, hiệu quả, bảo vệ, gìn giữ môi trường chính trị, xã hội ổn định, làm nền tảng cho đất nước phát triển bền vững, Nhà báo Trần Duy Quý, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Nhà báo Phạm Việt Long, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam lại trăn trở về việc thiết lập và quản lý chặt chẽ Mạng xã hội "made in Việt Nam".

Thực tế, truyền thông xã hội là một “dòng chảy thông tin” trên nền tảng, dịch vụ công nghệ cho phép người dùng tạo ra, chia sẻ, trao đổi, thảo luận và thay đổi các nội dung, thiết lập thành các mạng lưới liên kết và tương tác xã hội. Ở đó, mạng xã hội liên tục được hỗ trợ bởi những công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội. Các thuật toán cho phép các nền tảng truyền thông xã hội thiết lập các cộng đồng hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau (diễn đàn, nhóm, hội công khai, hoặc bí mật...) có thể thu hút từ hàng nghìn lên đến hàng triệu thành viên, không giới hạn về địa lý, thành phần xã hội. Sự tiếp cận đến từng cá nhân người dùng với tốc độ nhanh tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích về truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ, thông tin, tri thức; phục vụ các nhu cầu đa dạng của cộng đồng như: kết bạn, giải trí, kinh doanh, bày tỏ quan điểm, phản biện xã hội, lan tỏa những điều tốt đẹp…

Có thể nhận thấy, “hệ sinh thái” mạng xã hội đã hình thành tầng lớp KOLs (Key Opinion Leader), influencers là những người có “thương hiệu” hoặc là “người bình thường” mà thông tin, quan điểm nêu ra có sức thu hút, ảnh hưởng, được “cư dân mạng” chia sẻ, khuếch tán nhanh trên phạm vi rộng. Họ đa phần là những chủ thể tích cực góp phần tạo nên đời sống thông tin lành mạnh.

Đồng thời, cũng từ các nền tảng truyền thông xã hội bộc lộ những tác động tiêu cực, ẩn chứa những nguy cơ phức tạp, khó lường, thậm chí có khả năng gây chia rẽ sâu sắc, kích động hận thù trong các cộng đồng xã hội, nhất là ở các quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo. Những KOLs, influencers có động cơ không trong sáng, nền tảng văn hóa thấp, bất mãn, thậm chí từng vi phạm pháp luật nhưng lại biết “khơi gợi những cảm xúc xấu xa”; lạm dụng chữ nghĩa, ảo tưởng “quyền lực bàn phím”, luôn tìm cách điều hướng dư luận; tấn công doanh nghiệp nhằm trục lợi; đe dọa, xúc phạm cá nhân, tổ chức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội.

Thực tế đó càng đòi hỏi chúng ta phải chủ động thiết lập và tăng cường quản lý mạng xã hội phù hợp với điều kiện công nghệ và thực tiễn Việt Nam thay vì việc lệ thuộc quá mức vào mạng xã hội từ bên ngoài. Những mạng xã hội nội địa được chủ động thiết lập bởi những pháp nhân đủ năng lực và được kiểm duyệt nội dung phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam sẽ là môi trường thông tin lành mạnh, là mảnh đất "màu mỡ" cho báo chí cách mạng phát triển bền vững và luôn đồng hành với vận mệnh dân tộc.

Truyền thông mạng xã hội nếu tích hợp một cách hoàn chỉnh hơn với công nghệ hiện đại và trí tuệ nhân tạo sẽ càng ngày càng tạo ra những ảnh hưởng lớn hơn với cuộc sống của chúng ta. Một bài báo, một đoạn tin, một mẩu chuyện hay cả một cuốn tiểu thuyết dày vài ngàn trang chỉ cần mất mấy giây là đã có thể trở thành một sản phẩm truyền thông đa phương tiện hoàn thiện có cả âm thanh, hình ảnh minh họa, người dẫn truyền hình được chia sẻ và tương tác nhanh chóng với cộng đồng mạng xã hội. Quyền lực truyền thông mạng xã hội đang dần dần lấn lướt vị thế của báo chí truyền thống là một thách thức không thể xem nhẹ. Công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp sức cho những "tin tức" được chia sẻ rời rạc bởi từng cá nhân trên truyền thông mạng xã hội gia tăng thêm hàm lượng "tri thức" và tính tự kiểm chứng thông tin đa chiều.

Một nghiên cứu mới đây của Gallup cho thấy hiện 76% số người dân Mỹ đọc, thấy hoặc có nghe nói về những dòng đăng tải của Tổng thống Trump trên Twitter. Khoảng 26% số người Mỹ có tài khoản Twitter và 30% trong số đó đang theo dõi tài khoản của tổng thống Mỹ. Khoảng 55% số người theo dõi cho biết họ đọc mọi bài đăng của tổng thống trong khi 25% cho biết chỉ đọc vài bài. Phần lớn người Mỹ hiện nay biết đến các quan điểm, chính sách của tổng thống là thông qua mạng xã hội của ông chứ không phải các kênh truyền thông chính thức. Những dòng trạng thái của Tổng thống Trump trên mạng xã hội hàng ngày đã tri phối những thông tin trên báo chí toàn cầu, nó tác động đến thị trường chứng khoán, kết quả của các hội nghị đa phương và song phương càng cho thấy "quyền lực" của mạng xã hội đang tác động đến tâm tư, tình cảm và hành động của công chúng lớn như thế nào trong thời đại Công nghệ 4.0.

Chính vì những điều trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng luôn dành nhiều tâm huyết trăn trở về xây dựng Mạng xã hội "made in Việt Nam" đủ sức hấp dẫn và cạnh tranh với mạng xã hội toàn cầu. Cùng với đó, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cũng đặt ra yêu cầu phải đổi mới công nghệ làm báo để báo chí không bị lạc hậu trong dòng chảy thông tin thời đại Công nghệ 4.0. Mới đây tại Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc tạo ra nhiều tri thức mới, công cụ mới cho nghề báo. "Công nghệ tạo cuộc chơi mới, tạo mô hình kinh doanh mới. Vì thế, quá trình tìm tòi lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí, trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có những biến động mạnh, đặt tất cả chúng ta trước bài toán khốc liệt để tồn tại và phát triển.Có thể những người làm báo chúng ta nghĩ rằng công nghệ mới thì phức tạp, mà lại không nghĩ rằng, công nghệ thì phức tạp thật nhưng lại làm cho việc làm nghề của chúng ta đơn giản hơn. Hãy luôn nghĩ về công nghệ như vậy, vì chúng ta là người sử dụng công nghệ, sự phức tạp của công nghệ không liên quan đến chúng ta. Hãy đẩy sự phức tạp của công nghệ cho công ty công nghệ...", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Nhân việc nhiều tờ báo thuộc các tổ chức Hội quần chúng chuyển thành Tạp chí từ ngày 01/04/2020, xin được trải lòng góp thêm đôi điều tâm tư trước những xu hướng mới của dòng chảy báo chí trong thời đại công nghệ 4.0, người viết bài này, thấy mình thật hạnh phúc, vì suốt 20 năm quan đã lựa chọn con đường dấn thân vào nghề báo và vinh hạnh được gần gũi học tập nhiều Nhà báo lão thành cách mạng, cũng như được đồng hành làm việc cùng những người thầy, người anh tên tuổi trong làng báo luôn trăn trở về con đường đồng hành cùng vận mệnh dân tộc trên Mặt trận Thông tin!

Vương Xuân Nguyên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/hon-ca-tin-tuc-tri-thuc-quyet-dinh-tuong-lai-cua-bao-chi-trong-thoi-dai-cong-nghe-40-a1206.html