LTS: Bằng hình tượng văn học nghệ thuật, tiểu thuyết “Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng” làm sống lại gần1000 nữ tướng cùng với chủ tướng của mình là hai Trưng Nữ Vương chiến đấu chống giặc Đông Hán suốt từ năm 40 đến năm 43 giành độc lập dân tộc và anh dũng hi sinh trên khắp các mặt trận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, viết nên những trang sử hi hữu của dân tộc và của phụ nữ trong lịch sử vẻ vang của mình.
Kỳ 1. I
Năm 179 trước công nguyên, bằng gian kế bần tiện, Triệu Đà nước Nam Việt đánh chiếm được nước Âu Lạc. Nam Việt từ khi Triệu Đà cát cứ xưng Đế Vương có 3 quận: quận Nam Hải (thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay), Quế Lâm (Đông Bắc Quảng Tây) và quận Tượng (Tây bộ Quảng Tây và Nam bộ Quý Châu). Sau khi chiếm được Âu Lạc, Triệu Đà chia thành hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân. Như vậy Nước Nam Việt, Bắc giáp Mân Việt và Phong Quốc Trường Sa của nhà Hán, Tây giáp nước Hạ Lang, Nam giáp Chiêm Thành, Đông Nam giáp biển. Đứng đầu mỗi quận là Thái Thú người Nam Việt do triều đình Phiên Ngung cử đến. Quận Giao Chỉ từ Ninh Bình ngày nay đổ ra hết miền Bắc, quận Cửu Chân gồm Thanh Hóa Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ngày nay. Dưới quận, triều đình Phiên Ngung vẫn duy trì các bộ do Lạc tướng người Âu Lạc đứng đầu. Dưới bộ là công xã nông thôn do Bồ chính đứng đầu, dưới công xã nông thôn là làng bản do già làng, trưởng bản đứng đầu. Nhìn chung, từ cấp bộ trở xuống, quan lại vẫn là người Âu Lạc.
Thực ra, sau khi cát cứ tách khỏi Trung Nguyên, nước Nam Việt luôn luôn bị nhà Hán đe dọa uy hiếp. Sau khi lật đổ nhà Tần năm 206 trước công nguyên thì Lưu Bang (Hán) lại chiến tranh với Hạng Vũ (Sở) mà lịch sử gọi là Hán Sở tranh hùng. Năm 202 trước công nguyên, Lưu Bang tiêu diệt Hạng Vũ, bá chủ Trung Quốc và lập ra nhà Hán.
Trước sự uy hiếp của nhà Tây Hán (năm 202 trước công nguyên đến năm 8 sau công nguyên), năm 196 trước công nguyên, Triệu Đà phải thần phục triều đình Trường An, làm chư hầu của nhà Hán, song thực tế vẫn giữ quyền tự chủ. Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang mất, Lữ Hậu nắm quyền nhiếp chính, gây khó dễ cho họ hàng quê hương của Triệu Đà ở Chân Định, Hà Bắc (Trung Quốc). Đà mâu thuẫn gay gắt với Lữ Hậu nên xưng Triệu Vũ Đế. Năm 179 trước công nguyên, Đà lại quy phục nhà Hán một lần nữa nhưng chỉ là bề ngoài. Đà vẫn giữ đế hiệu. Năm 137 trước công nguyên, Triệu Vũ Đế chết sau khi đã thọ 100 tuổi, cháu nội Đà là Triệu Mật lên ngôi xưng là Triệu Văn Đế. Năm 125 trước công nguyên, Triệu Văn Đế qua đời, con là Triệu Tề Anh lên ngôi tức là Triệu Minh Vương. Trước đó, Triệu Minh Vương có sang Trung Quốc làm con tin. Trong thời gian sinh sống ở Trường An, Triệu Minh Vương trúng kế mỹ nhân của nhà Hán , lấy người đàn bà người Hoa ở Hàm Đan là Cù Thị và sinh một con trai là Triệu Hưng. Khi Tề Anh lên ngôi lập Triệu Hưng làm Thái Tử, Cù Thị làm Vương Hậu. Năm 113 trước công nguyên, Triệu Minh Vương chết, Triệu Hưng khi đó mới 5 tuổi lên ngôi, tức là Triệu Ai Vương, mẹ là Cù Hậu buông rèm nhiếp chính. Thái Hậu là người Hán nên hai mẹ con muốn đầu hàng nhà Hán khi đó dưới thời Hán Vũ Đế. Năm 112 trước công nguyên, thừa tướng của Nam Việt là Lữ Gia đã giết chết hai mẹ con Cù Thái Hậu và tình nhân của bà ta là An Quốc Thái úy, đại diện cho nhà Hán ở Nam Việt. Lữ Gia đã đưa anh cùng cha khác mẹ của Triệu Ai Vương lên ngôi, tức là Triệu Thuật Dương Vương. Năm 111 trước công nguyên, Hán Vũ Đế sai hai tướng là Dương Bộc và Lộ Bác Đức đem quân đánh Nam Việt. Quân Nam Việt thất bại, Lữ Gia và Triệu Thuật Dương Vương bị giết hại. Nước Nam Việt diệt vong sau 97 năm tồn tại với 5 đời vua. Nam Việt và cả lãnh thổ Âu Lạc bị nhà Hán thống trị.
Hán Vũ Đế đặt ra đơn vị hành chính lớn nhất là châu, đứng đầu châu là Thứ sử, dưới châu là cấp quận đứng đầu là Thái thú. Châu Giao ở Miền Nam Trung Quốc khi đó có chín quận, trong đó đất Âu Lạc được chia thành 3 quận: Quận Giao Chỉ (từ Ninh Bình ngày nay ra hết miền Bắc), quận Cửu Chân (thuộc đất Thanh Hóa ngày nay) và quận Nhật Nam (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình). Đứng đầu Quận là thái thú người Hán. Dưới quận là huyện. Ba quận của Âu Lạc bao gồm 56 huyện. Trước năm 43, từ huyện trở xuống vẫn do người Âu Lạc nắm giữ.
Bọn phong kiến xâm lược nhà Hán thi hành những chính sách thống trị, áp bức bóc lột hết sức tàn bạo đối với người Lạc Việt và Âu Việt. Về kinh tế, nhà Hán đặt ra nhiều thứ thuế, nặng nhất là thuế muối và thuế sắt. Đánh thuế muối và sắt nặng để nhằm hạn chế nhân dân Âu Lạc dùng sắt chế tạo vũ khí chống lại quân xâm lược, hạn chế muối để nhằm làm Âu Lạc thiếu muối trong chế biến thực phẩm trong ăn uống, làm suy yếu sức khỏe và suy yếu nòi giống của người Việt. Ngoài ra, còn nhiều thứ thuế với mức độ nặng để bần cùng hóa dân tộc bị thống trị. Ngoài thuế, nhà Hán còn buộc nhân dân Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam phải cống nạp những sản vật quý như ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, đồi mồi, những vị thuốc quý, còn bóc lột sức lao động như đi phu phen, lao dịch, xây thành đắp lũy mà không được trả công, bắt những người giỏi lành nghề sang Trung Quốc. Những chính sách này của nhà Hán đã kìm hãm sự phát triển của sản xuất, đẩy phần lớn nhân dân vào cảnh khốn cùng về mọi mặt. Các thứ vơ vét được, quan lại nhà Hán một phần đưa về triều đình Trường An, một phần hối lộ cho cấp trên là Thứ sử Châu Giao, nhưng phần lớn để thỏa lòng tham lam như thùng không đáy của Thái thú ở các địa phương quận Giao chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, còn là để nuôi quân đội xâm lược chiếm đóng.
Bên cạnh chính sách bóc lột, nhà Hán còn tiến hành chính sách đồng hóa văn hóa, tiêu diệt văn hóa Việt, buộc dân Việt phải theo văn hóa Hán. Đó là chính sách cơ bản xuyên suốt, liên tục nhằm biến người Việt thành người Trung Quốc. Văn hóa là nguồn gốc sức mạnh, là linh hồn của một dân tộc. Một dân tộc khi bị ngoại bang thống trị, nếu vẫn giữ được nền văn hóa thì còn linh hồn, còn sức sống. Khi kẻ thù suy yếu thì còn có thời cơ quật khởi đứng dậy lật đổ chúng mà giành độc lập dân tộc. Khi mất văn hóa tức là kẻ thù ngoại bang đã đồng hóa thành công thì dân tộc mất linh hồn, mất sức sống, biến thành dân Hán và mãi mãi khuất phục, không bao giờ có thể vùng dậy giành độc lâp được nữa. Nhà Hán và bọn quan cai trị của chúng ở các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam hiểu rõ điều đó nên chúng ráo riết liên tục đẩy mạnh chính sách này. Chúng du nhập chữ Hán, du nhập phong tục tập quán Hán vào Âu Lạc và buộc cư dân Việt phải học, phải theo phong tục, tập quán Hán. Chúng mở trường dạy chữ Hán, đào tạo trí thức người Việt làm tay sai cho chúng, nhồi nhét tư tưởng Hán vào đầu người Việt. Chúng buộc dân Việt thay đổi y phục, mặc y phục người Hán, truyền bá tôn giáo Hán, đưa người Hán xuống định cư, sống chung với người Việt để đồng hóa người Việt. Dã man hơn, chúng giết hại đàn ông người Việt, buộc phụ nữ Việt phải lấy đàn ông Hán, con người Việt sinh ra phải khai họ Hán. Chúng buộc người Việt nói ngôn ngữ Hán, tiêu diệt ngôn ngữ Việt. Chúng đập phá văn bia, đền miếu của người Việt. Chúng buộc người Việt phải tuân theo pháp luật của người Hán, xóa bỏ luật Việt khi đó mới chỉ là phong tục tập quán để điều chính các mối quan hệ xã hội. Chúng đã xúc phạm nặng nề phong tục tập quán, đời sống tinh thần, nề nếp lâu đời quen thuộc hàng ngày của người dân Việt. Trước những chính sách thâm độc đó của bọn thống trị Hán, nguy cơ những tộc người Việt bị diệt vong đã quá rõ ràng.
Cùng với sự áp bức bóc lột đồng hóa là những chính sách thống trị chính trị rất tàn bạo, đó là dùng lực lượng quân sự để dàn áp, giết chết những người có tinh thần yêu nước, những người chúng nghi ngờ có tư tưởng chống lại chính quyền, những người không đáp ứng những tham vọng của chúng. Chúng mua chuộc bọn Việt gian phản quốc làm tay sai, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.
Tiêu biểu cho sự tham lam tàn bạo là những tênThái thú đứng đầu các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Thời Hán Vũ Đế có những tên thái thú Tích Quang và Nhâm Diên. Hai Thái thú này ra sức thực hiện chính sách bóc lột và đồng hóa văn hóa. Đến thời kỳ Đông Hán, năm 34, Hán Quang Vũ sai Tô Định sang làm Thái Thú. Tô Định là tên Thái thú khét tiếng tàn bạo, dâm ô và tham lam cực điểm. Tô Định đã tăng thuế khóa, tăng phu phen tạp dịch, giết hại những người yêu nước, những Lạc tướng mà hắn cho rằng có tư tưởng chống đối không ghê tay, giết hại sinh linh Việt không kể xiết khi lên rừng tìm ngà voi, tê giác, lặn xuống biển mò ngọc trai, đồi mồi cho hắn. Tô Định còn là kẻ dâm đãng, bạo ngược. Nhà nào có con gái đẹp mà không chịu cống nạp cho hắn thì hắn giết hại cả nhà, cả họ. Không biết có bao nhiêu gia đình có con gái đẹp đã chết thảm thương. Với Tô Định, kẻ thống trị ngoại bang không cần luật pháp. Tô Định là tên mãnh thú tiêu biểu cho sự thống trị của nhà Hán ở đất Âu Lạc xưa.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-1-a12063.html