Làm Báo với làm Đại biểu Quốc Hội

Nhân ngày Nhà Báo xin chia sẻ đôi điều : Đời tôi có gần 30 năm làm báo nếu lấy cái mốc cho lập và làm tổng biên tập một tờ báo, tuy nhỏ (Xưa&Nay từ 1994 đến nay), rồi lại có 19 năm làm Đại biểu QH (từ 6-2002 đến 6-2021). Làm hai việc lâu dần cảm thấy nó chỉ là một.

ui3-1655819911.jpg

Nói cho cùng thì nếu báo chí còn được gọi là "ngôn luận"(luận bàn bằng lời nói) thì Quốc hội càng sát với nghĩa "ngôn luận". Cụ Hồ có một định nghĩa rất sát "Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng". Quốc hội là một tập thể có năng lực "mở miệng" hiểu theo nghĩa là phải nói ra quan điểm của mình để tác động vào Nhà nước và để dân giám sát tư cách của người mình bàu ra.
Chỉ có điều viết báo thì đưa ngôn luận của mình lên trang giấy (truyền thống) và ngày nay thì "đa phương tiện". Còn Quốc hội thì cũng là một thứ ngôn luận hiểu theo nghĩa là chuyển ý dân lên một diễn đàn chung. Người viết báo viết ý của mình và phản ảnh ý của thiên hạ chọn đăng trên một phương tiện (báo-đài); còn đại biểu QH cũng trình bày quan điểm của mình và có trách nhiệm phản ánh ý kiến của cử tri tới QH cũng như với cử tri của mình và qua truyền thông tác động vào xã hội.
Quốc hội có giới hạn số người được bàu ra cho mỗi nhiệm kỳ và các đại biểu phải thể hiện ngôn luận của mình để làm sao được cử tri tín nhiệm bàu tiếp (lý thuyết). Còn người viết báo có thể là chuyên nghiệp (có thẻ) và có thể là mọi người muốn viết phải thể hiện năng lực của mình để sản phẩm được sử dụng. Quốc hội thì làm việc theo luật tổ chức để phát huy cao nhất hiệu quả và hiệu lực. Người làm báo thì tổ chức diễn đàn của mình sao cho có uy tín (để tác nghiệp thuận lợi với trên và có nguồn thu bán sản phẩm hay dịch vụ quảng cáo). Đó là chưa nói tới thời đại mạng xã hội đang muốn thay thế nhiều cái vốn có mà không chịu thay đổi…

ui1-1655819966.jpg

So sánh thường là khập khiễng, nhưng không phải là không có lý. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất và thành viên QH là người cũng có những quyền hạn không nhỏ những đôi khi không làm được những việc dư luận xã hội, người làm báo và các phương tiện truyền thông làm được. Là người trong (cả hai) cuộc (làm báo&đại biểu QH) tôi hiểu vì nhiều lẽ, nhưng chắc chắn cái tính chuyên nghiệp và sâu sát thực tiễn thì nhà báo luôn có phần hơn… Để thực thi chức trách của mình, nhà báo phải tác nghiệp : thu thập tài liệu, lắng nghe dư luận, điều tra, phỏng vấn và nghiên cứu luật lệ có liên quan, viết sai lĩnh đủ. Các đại biểu QH cũng vậy nếu thực sự có ý thức đi sâu sát thực tiễn để phản ảnh ý dân trên cơ sở hiểu biết pháp luật của mình…trong khi số đại biểu chuyên trách còn là thiểu số, còn các vị không chuyên trách thì dễ "amateur"(tài tử)…
Nói thì còn dài… nhưng để rồi tôi tự mình rút ra bài học : một đại biểu QH mà có kỹ năng của người làm báo cũng như một người làm báo có mối quan hệ tích cực với đai biểu QH thì sẽ là một "cặp bài trùng" phát huy được hiệu quả vì sứ mệnh của cả hai là thể hiện được ý dân….
Tôi chỉ xin kể một trải nghiệm (nay trở thành một kỷ niệm) về một việc, không biết là nhỏ hay lớn :
Ngay trong kỳ họp thứ hai của QH khóa XI, tháng 11-2002, QH bàn về quyết định cao trình của Đập thủy điện Sơn La và đưa ra 3 phương án : Cao-Trung Bình và Thấp. Đề án cho biết : cao thì hiệu quả kinh tế cao nhưng nếu có rủi ro thì hậu quả lớn. Thấp thì đương nhiên hiệu quả kinh tế thấp nhưng nếu gặp rủi ro thì hậu quả cũng hạn chế… kèm theo hàng loạt những vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, tác động môi trường thiên nhiên và xã hội v.v…

ui2-1655819972.jpg
 

Mới "chân ướt chân ráo" tham gia QH cũng cảm thấy băn khoăn pha chút hoang mang nữa khi đến ngày thảo luận rồi biểu quyết lựa chọn (lúc đó họp ở Hội trường cũ Ba Đình thời chưa có nút bấm điện tử , phải dơ biển khi biểu quyết).. mình sẽ quyết định ra sao ? Có thời gian hơn 1 tuần để các đại biểu suy nghĩ trước phiên thảo luận và biểu quyết Tôi bèn trở lại vai trò người làm báo đi phỏng vấn 3 nhân vật mà tôi có điều kiện tiếp cận và tin rằng họ là những người sáng suốt.
Tôi đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chủ tịch Danh dự của Hội Sử chúng tôi) trình bày mọi ý và hỏi theo Bác nên chọn chuẩn nào ? Đại tướng nói rằng, kinh tế là rất quan trọng nhưng an ninh, an toàn không thể coi nhẹ. Thời điểm đó vụ khủng bố ở New York đang rung động toàn cầu. Khủng bố sinh thái cũng là một nguy cơ. Hồi đó rộ lên trong hội trường QH kiến nghị của một hội nghề nghiệp cảnh báo nếu đập cao quá mà vỡ thì cái xe tăng cũng có thể trôi từ hạ lưu là Hòa Bình ra Vịnh Hạ Long , nên nguy cơ vỡ đập không thể coi thường cả do yếu tố kỹ thuật hay có kẻ khủng bố. Là một nhà quân sự, Đại tướng còn nói rằng đập cao thì mặt hồ trữ nước càng lớn sẽ có nguy cơ xâm nhập bằng quân thủy từ phía Bắc phải đề phòng…Tóm lại vị tướng cho rằng phải biết hy sinh phần nào lợi ích kinh tế để bảo đảm an ninh…(không nói ra là chọn Thấp nhưng chắc không chấp nhận mức Cao nhất).
Tôi bay tiếp vào TPHCM gặp Thày Trần Văn Giàu (cũng là vị Chủ tịch Danh dự của Hội Sử) hỏi câu tương tự thì Thày trả lời : Nước ta có địa hình trải dài, chiều ngang hẹp đễ bị chia cắt. Có đường dây cao tải Bắc Nam là tốt nhưng nên xây nhiều nhà máy điện đừng to quá và rải ở nhiều địa phương để ứng phó khi cần thiết như thời chiến tranh nhân dân, hậu cần tại chỗ vậy, xây tập trung những cái lớn quá như Sơn La khi gặp biến khó ứng xử v.v…
Từ nhà Thày Giàu tôi sang nơi làm việc của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt một người gắn bó với nhiều hoạt động sử học của chúng tôi. Hôm ấy đúng ngày sinh nhật thứ 80 của Ông (23-11-2002). Vẫn câu hỏi ấy nhưng lại nhận được câu trả lời chắc nịch :" Phải giàu thì mới mạnh được. Thời đại này không có sức mạnh kinh tế thì không thể nào an ninh, an toàn cao được. Phải tranh thủ thời gian đừng để lỡ cơ hội. Rồi Ông phân tích công trình này do thời Liên Xô thiết kế, thời mà ông đánh giá là họ có tài và có tâm (ít chuyện tiêu cực kiểu thị trường bây giờ), vả lại ta cũng đã tham khảo nhiều chuyên gia lớn của các nước lớn khác có kinh nghiệm trên lĩnh vực này như Mỹ, Pháp, Thụy Điển…Rồi Ông chọn : mức cao nhất của đề án.
Đến lúc này thì đến lượt tôi phải chọn ai trong ý kiến của ba bậc trưởng thượng ấy ?. Thấy tôi suy nghĩ dò hỏi nhiều người, bà xã tôi phán : cứ theo lệ thường thì anh cộng lại chia đều, hay cứ lấy mức trung bình là tốt nhất, chẳng mếch lòng ai… Cứ nghĩ đó là câu bình luận tầm phào. Tại cuộc thảo luận ở QH tôi cũng nêu ý kiến của ba nhân vật mà không ai không biết để nói đến khó khăn trong việc chốt một cao độ tối ưu cho con đập…
Nhưng rồi cuối cùng cũng phải biểu quyết : kết quả đúng như bà xã tôi phán : số đông chọn mức trung bình. Khi đó tôi mới chợt nhớ rằng bà xã mình cũng là một…cử tri. Phải chăng tâm tính của số đông dân mình vẫn trọng hai chữ "trung dung" ?
Mười năm sau, ngày 23-12-2012, công trình Thủy điện Sơn La khánh thành (đợt 1), con số cao độ của đập được công bố là 138,1m tạo ra một lưu vực 43.760 km2, dung tích 9,26 tỷ m3, những năm đầu cấp trung bình 1,267 tỷ kWh…. Năm 2020 Thủy điện Sơn La cán mốc 100tỷ kWh và mới đầu năm nay 2022 chính phủ đang có chủ trương nâng công suất Thủy điện Sơn La lên 3200MW… QXN

Dương Trung Quốc

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/lam-bao-voi-lam-dai-bieu-quoc-hoi-a1210.html