Kỳ 3.
-Nhưng sao? Tô Định sốt ruột.
-Vẫn như trước kia, việc gom gái đẹp vẫn bị chống đối quyết liệt. Có những trường hợp giết cả nhà, còn nữ quái trốn đi và nhiều người đã xây dựng căn cứ khởi binh chống lại ta.
-Sao không đem binh đàn áp?
-Dạ bẩm, nhiều trường hợp đem binh đàn áp nhưng thất bại, quân ta bị tổn thất nặng nề. Hiện nay hầu như khắp bốn quận nơi nào cũng có khởi nghĩa, xây dựng căn cứ chống lại chúng ta.
Lưu Đại Ý vừa dứt lời thì một tên lính từ bên ngoài vào báo có thám mã xin vào gặp bẩm việc khẩn cấp.
Tô Định nói:
-Cho vào!
Một tên thám mã bước vội vào, chắp tay bẩm báo:
-Dạ bẩm Thái Thú, theo tin tức chúng tôi thu nhận được thì huyện lệnh huyện Châu Diên là Thi Sách đã liên kết với nữ kiệt nổi tiếng ở Mê Linh là Trưng Trắc và Trưng Nhị đang chuẩn bị nổi dậy chống chúng ta. Mong Thái thú định đoạt.
Tô Định gầm lên:
-Phản rồi, phản rồi. Tướng Mã Giang Long, Tổ Hoài Đức đâu, đem 3 nghìn quân đến huyện Châu Diên bắt và giết Thi Sách cho ta.
Mã Giang Long và Tổ Hoài Đức cùng bước ra:
-Mạt tướng tuân lệnh.
Tô Định hỏi:
-Thi Sách là huyện lệnh châu Diên, còn Trưng Trắc và Trưng Nhị có phải là con gái huyện lệnh Mê Linh không?
Hoàng Sùng Chính đứng dậy chắp tay:
-Dạ bẩm Thái thú, Trưng Trắc và Trưng Nhị là con gái của huyện lệnh Mê Linh Hùng Định, Quận Giao Chỉ. Hai kiều nữ này là mỹ nhân tuyệt sắc thời nay, giỏi võ nghệ, binh pháp. Trưng Trắc là vợ chưa cưới của huyện lệnh châu Diên Thi Sách. Hai dòng họ này đang liên kết với nhau để làm phản, chống lại quân của Thiên triều ta.
Tô Định gằn giọng:
-Phải giết Thi Sách trước và sau đó bắt Trưng Trắc, Trưng Nhị để phá vỡ liên minh này.
II.
Một buổi sáng mùa hè đang chuyển sang trưa, ánh nắng chan hòa rải xuống thành Luy Lâu, nắng rải xuống vùng Thuận Thành, nắng rãi xuống những lũy tre xanh cao vút bao quanh thành, nắng rải xuống dòng sông chiến hào bên trong lũy tre, bao quanh thành. Trên sông những thuyển chiến của quân Hán đậu san sát. Tường thành bốn chung quanh cao vút đen thẫm màu đá soi bóng xuống sông hào lung linh lay động. Gió lay động lũy tre tạo nên bản nhạc xạc xào. Lá tre khô héo rơi lả tả tung bay theo gió.
Trong căn phòng sang trọng của Luy lâu, Thái thú Tô Định đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng. Hai thị nữ đứng hai bên hầu hạ tiếp trà, một người cầm quạt quạt cho Tô Định. Ngoài cửa hai người lính mặc quân phục đen cầm giáo đứng canh. Chợt có một người lính vào quỳ và báo:
-Bẩm thái thú, có lính do thám từ vùng An Biên xin vào gặp.
-Hả, cho vào.
Tên thám mã vào quỳ vòng tay và nói:
-Bẩm Thái thú, tuân lệnh ngài đi dò la tin tức của mỹ nhân trong thiên hạ, nay đã tìm được một người tuyết sắc. Bẩm ngài.
Tô định sáng mắt vươn cái cổ béo của hắn ra:
-Nàng ta đang ở đâu? Gia thế thế nào, con cái nhà ai?
-Dạ bẩm Thái thú, nàng ta tên là Lê Chân ở trang Yên Biên, huyện Khúc Dương, quân Giao Chỉ [1]. Cha Lê Chân là Lê Đạo, làm nghề thầy thuốc, mẹ là Trần Thị Châu. Hai người này nhân từ hay giúp đỡ người nghèo khó. Bà Trần Thị Châu làm nghề chăn tằm dệt vải. Theo người dân ở đó kể lại, Lê Chân vốn là một tiên nữ cung đình, bị Ngọc Hoàng phạt xuống trần gian, đầu thai vào nhà ông bà Lê Đạt và Trần Thị Châu vì gia đình phúc đức. Quả nhiên lớn lên Lê Chân có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành.
Tô Định nghe khoái chí cười:
-Ha!ha!ha! Là tiên hả. Tốt quá, bắt được tiên làm tì thiếp quả là phúc lớn. Tô Long đâu?
-Dạ, có đệ.
-Đệ đem 2.000 kỵ binh do tên lính đây dẫn đường về Yên Biên bắt Lê Chân về cho ta. Nếu người nhà chống cự giết chết nhưng nhớ không được giết hoặc làm bị thương Lê Chân.
-Dạ, tuân lệnh huynh, hãy chờ tin mừng của đệ.
Tô Long lui ra điểm 2.000 kỵ binh tinh nhuệ do tên do thám dẫn đường kéo về Yên Biên, miền đông bắc, vó ngựa khua cát bụi mù mịt dọc đường, nắng rải xuống đồi núi huyện Khúc Dương nhấp nhô cao thấp. Ruộng lúa nương dâu dưới thung lũng xanh bạt ngàn. Gió đưa những ngọn lau, những nương dâu khua xào xạc. Vùng này còn gọi là Đông Triều, nghĩa là thủy triều phía đông. Phía đông của huyện giáp biển, ngày đêm sóng biển dạo nên những khúc nhạc rì rầm muôn thuở. Biển ở đây êm dịu vì nằm trong vịnh Bái Tử Long và phía nam là vịnh Hạ Long. Từ mặt biển nhô lên những hòn đá hình thù kỳ quái. Phong cảnh Khúc Dương và toàn cảnh miền đông bắc Giao Chỉ quả là bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ.
Giữa một bãi dâu xanh ngát bao quanh có một ngôi nhà ba gian xây gạch, lợp ngói khang trang. Vuông góc với gian nhà chính là ngôi nhà nhỏ hơn dùng làm bếp. Trước nhà chính và nhà bếp là một cái sân vuông, hai cạnh sân gắn với vườn có những dàn hoa màu đỏ vàng tím, xen vào đó là bốn cây cau vươn lên thẳng tắp. Thân mỗi cây cau mang nặng nhưng dây trầu không bám vào leo lên tỏa lá xanh rờn đung đưa theo gió. Trong sân một thiếu nữ kiều diễm, mắt phượng mày ngài, môi son má phấn, tóc dài búi cao đang luyện kiếm. Ngọn kiếm nàng đang múa biến thành một ánh hào quang bao quanh người nàng nghe vun vút như gió thổi, như chớp bay. Đó chính là Lê Chân. Trong nhà ông Lê Đạo quắc thước đang ngồi uống nước trà và xem con gái múa gươm. Vách giữa gian uống trà kê bàn thờ gia tiên, bài vị sơn son thếp vàng óng ánh. Hai cây cột trước bàn thờ treo hai câu đối màu đen viết chữ Hán màu đỏ. Gian bên trong rộng hơn bà Trần Thị Châu đang ngồi chăm chú dệt vải tơ tằm. Dưới nhà bếp người giúp việc đang nấu cơm chiều.
Trong không gian yên bình bỗng vang lên tiếng 2.000 chiến mã đang lao tới, chúng dẫm đạp lên cả ruộng dâu và lao về phía nhà ông Lê Đạo. Đến nhà Tô Long ra lệnh:
-Bao vây khu nhà cho nghiêm ngặt, rõ chưa!
Bọn lính rút gươm và nói:
-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.
Tô Long nhìn thấy Lê chân ở sân, tay cầm gươm nhìn hắn vừa ngạc nhiên vừa tức giận. Hắn nhìn Lê Chân, quả là một thiếu nữ sắc nước hương trời đúng là một nàng tiên. Tô Long bước vào trong nhà. Ông Lê Đạo vội đứng dậy:
-Chào tướng quân, sao tướng quân đem quân đến đây vậy?
Tô Long lớn tiếng:
-Nghe nói ông có cô con gái xinh đẹp, ta tuân lệnh Thái thú đến đưa về Luy Lâu làm thiếp cho Thái thú. Ông có đồng ý không?
Ông Lê Đạo cả sợ nhưng nói:
-Bẩm tướng quân, hai ông bà giả tôi chỉ có một đứa con gái để nương tựa lúc tuổi già. Mong tướng quân thông cảm tha thứ.
Tô Long gằn giọng:
-Lệnh của Thái thú không ai được chống lại. Đồng ý thì sống, chống lại thì chết cả nhà.
Ông Lê Đạo quát:
Ta thà chết chứ không bao giờ dâng con cho loài dã thú lang sói các ngươi.
Tô Long rút gươm và quát:
-Giết cả nhà và bắt Lê Chân. Không được làm Lê Chân bị thương.
Bọn lính dạ ran, rút gươm và tràn vào nhà. Ông Lê Đạo kêu to:
-Chạy đi con!
Ông vừa dứt lời thì bị Tô Long đâm một nhát gươm vào ngực, máu phun cả vào mặt Tô Long. Tô Long đi vào gian trong nơi bà Trần Thị Châu đang dệt vải và rút gươm đâm chết bà, máu phun đầm đìa, bà gục xuống chết cạnh khung dệt. Ngoài sân bọn lính vây kín Lê Chân. Nàng múa gươm và đã chém chết chục tên lính. Nàng định xông vào nhà giết chết tên Tô Long cứu cha mẹ nhưng không được, nàng tung người lên không lao xuống lia chết một chục tên lính nữa. Lần thứ ba nàng tung người lên không rồi cướp một con ngựa của giặc ở ngoài đường và phi một mạch về hướng nam trước sự khiếp sợ của bọn lính Tô Định. Tô Long ra lệnh:
-Đốt nhà.
Nhà gạch ngói chúng đốt không cháy. Tô Long ra lệnh:
-Phá nhà.
(Còn nữa)
CVL
[1] . Nay thuộc An Biên, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-3-a12376.html