Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 4

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.   

Kỳ 4.

Bọn giặc dùng gươm và gậy gộc phá tan ngôi nhà ngói ba gian và cả gian bếp. Chúng còn giết cả người nữ tì 40 tuổi là người giúp việc cho gia đình. Một gia đình đang bình yên phút chốc tan nát và bị giết gần hết. Cảnh tượng này không biết Tô Định đã gây ra cho không biết bao gia đình trên đất Việt.

 Qua ba ngày sau, đoán là quân giặc đã rút đi, vả lại cũng là ba ngày bố, mẹ qua đời, Lê Chân quay lại nhà nhờ dân làng bới đống đổ nát gạch ngói ngổn ngang tìm thi hài cha mẹ và chôn cất ngay trong khu vườn nhà. Trên hai mộ Lê Chân lấy hai phiến đá dùng kiếm khắc tên cha mẹ và dựng thành bia. Nàng mặc áo trắng trên đầu quỳ khóc lóc và vái lạy. Dân cư làng xã cũng quỳ khóc lóc và thương xót cho hai ông bà nhân hậu, đã từng giúp đỡ họ nhiều. Trước mộ cha mẹ, Lê Chân nói:

     -Cha mẹ dưới suối vàng yên tâm, con thề sẽ trả thù cho cha mẹ.

     Cùng khi đó bầu trời nổi sấm sét rồi mưa như trút nước. Trời cũng nổi giận trước tội ác của bọn Tô Định. Phía đông sóng nổi cao từng đợt và gầm gào nức nở.

     Lo xong việc cho ca mẹ, Lê Chân cảm tạ họ hàng dân làng rồi lưng đeo tay nải, hông mang kiếm lên con ngựa màu nâu mà nàng cướp được của giặc rời Khúc Dương đi về hướng Nam. Dân làng đứng trông theo bóng nàng, người và ngựa khuất dần vào nẻo xa xăm đầy gió bụi.

     Ngựa chạy mãi, chạy mãi đưa Lê Chân qua không biết bao nhiêu xóm, bao nhiêu làng. Trời xế chiều, con ngựa đưa nàng đến một bãi đất rộng mênh mông, khu vực ngã ba của ba con sông: Sông Kinh Thầy, sông Vân và sông Cấm. Nàng xuống dắt ngựa đi lại một căn lều tranh, ngó vào thì không có người, lều bỏ hoang của một dân chài, chỉ còn lại ổ rơm xưa chủ nhân trải làm chiếu nằm. Lê chân dắt ngựa vào lều cho nó ăn rơm. Nàng nhìn ra xa, phía ven sông cũng có mấy căn lều nữa. Nàng buộc ngựa lại, còn mình thì đi bộ về phía có lều hi vọng mua được cái gì đế ăn. Nàng ngó vào một chiếc lều thấy có hai ông bà già, một người phụ nữ và bốn đứa nhỏ. Lê Chân đứng trước lều chắp tay chào và nói:

     -Xin chào hai cụ, chào tỉ, tôi là người qua đường, xin cụ chỉ cho đây là vùng nào đây ạ?

     Cụ gia đáp:

     -Đây là vùng Vụ Nông, vùng đất ngã ba của sông Kinh Thầy, sông Vân và sông Cấm. Cô nương đi đường xa chắc đã đói rồi. Mời cô nương vào ăn tạm lưng cơm.

     -Đa tạ cụ và gia đình đã cứu giúp.

     Ăn cơm xong, Lê Chân chào mọi người  rồi trở lại căn lều có con ngựa của mình. Bà cụ hỏi:

     -Tối nay tiểu thư ngủ ở đâu?

     -Dạ, con đã tìm thấy một căn lều hoang cách đây không xa. Căn lều đó hình như không có người ở phải không cụ.

     Bà cụ ra ngó theo tay chỉ của Lê Chân rồi nói:

     -Phải rồi, ở đây có vài lều của dân chài bỏ đi. Tiểu thư cứ nghỉ ở đó.

     -Cảm ơn cụ.

     Bóng tối lan dần. Lê Chân cho ngựa ra bờ sông uống nước và nàng cũng vốc nước lên tay mà uống. Sau đó nàng dắt ngựa vào lều tranh buộc lại và nằm xuống ổ rơm, thanh gươm nàng đặt bên mình đề phòng đêm bất trắc. Nàng nằm trong tối, nước mắt chảy đầm đìa, thương cha mẹ và thương thân mình từ đây bỗng nhiên sống kiếp bèo dạt mây trôi. Rồi Lê chân ngủ thiếp đi trong đầm đìa nước mắt.

     Sáng hôm sau nữa, Lê Chân lên ngựa quay về làng cũ Khúc Dương nói với ông trưởng họ Lê cũng là trưởng làng:

     -Cháu đã đến một miền đất rộng mênh mông, ngã ba của sông Kinh Thầy, sông Cấm và sông Vân, đất tốt mà còn hoang hóa. Ở quê ta thì thiếu đất quanh năm đói khổ. Ông hãy họp dân làng lại những ai muốn đến đó sinh sống cháu dẫn đi, tha hồ ruộng đất mà cấy hái, trồng trọt.

     Ông trưởng họ Lê, Lê Bao nói:

     -Cháu nói đúng, để ông họp dân làng lại xem sao.

     Khi đã đầy đủ dân làng, Lê Chân nói:

     -Làng ta thiếu đất nên quanh năm đói khổ, vừa rồi trong lúc chạy nạn cháu đã đến vùng đất Vụ Nông, ngã ba của con sông Kinh Thầy, Sông Vân và sông Cấm còn hoang hóa, không có dân ở, đất rất là tươi tốt. Những ai muốn đến đó khai hoang mở đất lấy ruộng cày cấy thì cháu sẽ dẫn đi.

     Cụ Lê Bảo nói:

     -Cháu Lê Chân nói đúng đấy. Ở ta ít ruộng đất quanh năm thiếu đói, nếu đến đó nhiều ruộng đất thì may ra sẽ đổi đời. Nhà ai đi thì giơ tay lên.

     Khoảng 20 người giơ tay lên. Ông Bảo nói tiếp:

     -Trước mắt 20 gia đình hãy cho đàn ông và thanh niên đi trước dựng nhà cửa, khai hoang trồng lúa. Khi có nhà cửa và vào mùa lúa chín, có chỗ ăn chỗ ở hãy về đón người già và trẻ em đi. Ngày mai phải đi ngay đề phòng thằng Tô Định lại quay lại bắt cháu Lê Chân.

     Mọi người đồng thanh đáp:

     -Xin nghe lời của Lão Trượng, xin đa tạ cháu Lê Chân.

     Sơm hôm sau Lê chân cưỡi ngựa đi trước, đám đông theo sau khoảng 60 người, toàn đàn ông và thanh niên khỏe mạnh kéo những chiếc xe bò hai bánh chở đầy cuốc xẻng, mai, thuổng, dao, nồi cơm, ấm nước, quần áo, gạo và thóc giống, mắm muối đi về hướng Nam. Trên xe còn có cả chum vại chậu để dùng đựng nước. Chiều hôm đó tới nơi. Sáng hôm sau khi ăn sáng xong, Lê chân cho mọi người lên rừng lấy gỗ chặt cỏ gianh về dựng nhà. Sau đó việc khai hoang mở đất được tiến hành khẩn trương trên trang viên mới. Tới mùa tháng năm, những bãi hoang hóa trở thành những cánh đồng vàng lúa mênh mông bát ngát. Lê chân cho người của các gia đình về đón cả gia đình ở An Biên về quê mới. Nhiều gia đình nghe nói làm ăn được cũng tiếp tục kéo về. Lê Chân cho tổ chức thành một trang viên mới có quy củ, no ấm. Gần sông nên Lê Chân còn khuyến khích đóng thuyền phát triển nghề chài lưới đánh cá, mở xưởng rèn nông cụ và vũ khí để tự vệ, trồng dâu nuôi tằm dệt vải, kế tục nghề lâu đời ở An Biên. Một hôm Lê Chân nói với dân làng:

     -Làng ta còn ai muốn về đây thì các huynh đón về, đi đâu, thấy dân ở đó không có ruộng đất đói khổ thì cũng đón về cho họ sinh sống, đất đai ở ta còn rộng mệnh mông.

     Một cụ già nói:

     -Cháu nói đúng lắm, như vậy trang viên của chúng ta ngày càng đông đúc. Già còn có ý này nữa.

     -Ý gì xin mời lão trượng nói.

     -Ta nên mở chợ để giao lưu với dân bốn phương, ta mới có điều kiện bán sản phẩm làm ra, còn mua cái thiếu của ta nhưng thiên hạ có để mà dùng.

     Lê Chân nói:

 -Lão trượng nói hay lắm, ta tổ chức họp chợ giữa trang viên, một tháng họp ba lần và ngày 5, 15 và 25.

Từ đó dân nghèo bốn phương đổ về sinh sống ở Vụ Nông, trang viên ngày càng đông đúc, chợ búa buôn bán tấp nập, lại giáp ba con sông nên trên bến dưới thuyền nhộn nhịp.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-4-a12573.html