40 năm trước, mình đã thi và trúng tuyển vào đại học báo chí như thế 

Những ngày này, các "sĩ tử" cả nước ta đã hoàn thành việc thi, đăng ký chọn trường và háo hức chờ đợi ngày khai giảng... Tròn 40 năm trước, mình cũng bất ngờ được Báo Quân đội Nhân dân xét chọn và giới thiệu với Trường Tuyên huấn Trung ương 1, để thi tuyển sinh vào lớp đào tạo Đại học Báo chí, khóa 1984 – 1989. Làm bài thi không tệ, nên sau đó là một thời gian dài hồi hộp và háo hức chờ đợi kết quả nhập học

dt1dvh1-1724468540.jpg
 

Đó là vào những ngày đầu năm 1984, mình đang là một phóng viên trẻ của Báo Quân khu Một. Dù mới được điều về Tòa soạn được hơn một năm, nhưng đã được cấp Thẻ Nhà báo, nên cảm thấy tự hào và hăng hái lắm. Nghe tin chiến sự đang diễn ra ác liệt tại địa bàn huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Mình liền viết đơn xung phong đến mặt trận này, để trực tiếp viết tin bài. Tràng Định cũng chính là địa bàn đóng quân làm nhiệm vụ của Sư đoàn 347, nơi mình đã cùng đồng đội có mặt làm nhiệm vụ từ tháng 5/1979, tới tháng 12/1982 thì nhận quyết định điều động về làm Trợ lý Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân khu I.

dt4dvh4-1724468641.jpg
 

Nhận được đơn đề nghị của một cây bút trẻ hăng hái như mình, Thủ trưởng đơn vị đã không chỉ ủng hộ ngay và còn biểu dương tinh thần dũng cảm trước cơ quan. Chiều tối, cầm giấy công tác và công văn giới thiệu đóng dấu đỏ xong, mình hăm hở khoác ba lô đi nhờ xe của cơ quan Tác chiến Quân khu đi suốt đêm để kịp đến Lạng Sơn đang sôi động tiếng súng.

Hồi ấy, giao thông từ Kỳ Lừa lên thị trấn Thất Khê của huyện Tràng Định còn rất khó khăn, hầu hết các cây cầu trên đường số 4 đều đã bị lính Trung Quốc phá sập, phải qua ngầm. Đường toàn “ổ voi” chứ không phải “ổ gà”, lại phải cảnh giác vì nhiều đoạn đường lượn sát biên giới, ta và địch cách nhau không xa. Có thể chúng quan sát, phát hiện ra mục tiêu và nã pháo.

dt2dvh2-1724468733.jpg
 

Tới cơ quan Sư đoàn bộ ở Bản Chu, xã Hùng Sơn, gặp lại anh em trong đơn vị cũ, ai cũng tay bắt mặt mừng. Trình công văn xong, mình xin xuống Trung đoàn 199 luôn. Ai cũng ngăn cản, vì tình hình chiến sự phức tạp và nguy hiểm, khuyên ở cơ quan Sư đoàn cũng nắm được thông tin rồi. Nhưng mình vẫn kiên quyết và háo hức khoác ba lô đi bộ vào xã Quốc Khánh. Đó là nơi đơn vị đang trực tiếp chiến đấu ở tuyến đầu, với 2 điểm cao rất nổi tiếng là 820 và 636 đang ầm ầm đấu pháo suốt ngày đêm. Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Đóa vồn vã và ân cần tiếp mình như người nhà, vì quen biết và quý mến đã lâu. Bố trí chỗ ăn ngủ xong, tranh thủ phổ biến tình hình địch. Ngoài phương tiện tác nghiệp mang theo từ Quân khu, mình cũng được đơn vị phát cho một khấu AK47 và đầy đủ cơ số đạn, đề phòng địch tập kích bất ngờ.

Giấy công tác chỉ có thời hạn 15 ngày, nhưng mình đã sống và chiến đấu cùng cán bộ chiến sĩ ở đây gần 3 tháng, để viết và hàng chục tin bài gửi cho Tòa soạn “báo nhà”, cùng Báo Quân đội nhân dân và Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân. Ngày đó, phương tiện liên lạc về cơ quan Quân khu tại Thái Nguyên rất hạn chế. Muốn điện thoại về cơ quan, phải đăng ký đường dài, qua nhiều tổng đài, chờ đợi rất nhiêu khê và tín hiệu cũng rất kém. Nên chủ yếu là gửi thư qua bưu điện, hoặc nhờ cán bộ chiến sĩ đi công tác chuyển giúp. Đây cũng là thời gian mình đã viết “Nhật ký bằng thơ trên điểm tựa”: https://www.facebook.com/share/p/2TrGNg3RDhRjiEz1/?mibextid=oFDknk. Nhiều bài trong nhật ký này đã được đăng trên báo chí, trong đó có Tạp chí Văn nghệ Quân đội…

dt3dvh-1724468784.jpg
 

Tháng 5/1984, các điểm cao 820 và 636 ở Tràng Định, là địa bàn ác liệt liệt và tâm điểm chú ý của Lạng Sơn. Một hôm, có đoàn công tác của tỉnh và các đoàn thể lên thăm trận địa. Trưởng đoàn là ông Đinh Ích Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dẫn đầu. Mình đã biết ông Toàn từ năm 1980, khi còn là anh lính trẻ, nhưng đã vinh dự được Đại tá Đào Đình Bảng, Trưởng ty Công an Lạng Sơn mời đi viết sách tuyên truyền. Để có tin bài và ảnh nóng cho báo chí, mình đã theo đoàn xe của Tỉnh ủy Lạng Sơn về thị xã, rồi sang huyện Đình Lập chụp một số ảnh. Sau đó, bắt nhiều chặng xe để đi về ngay Hà Nội, trực tiếp mang bài và ảnh "nóng" cho Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân...

Đó cũng là thời gian Tổng cục Chính trị Quân đội đang xét chọn người từ các đơn vị và các báo chí trong toàn quân, để giới thiệu với Trường Tuyên huấn Trung ương 1, thi tuyển sinh vào lớp đào tạo Đại học Báo chí, khóa 1984 – 1989. Trước mình, đã có 2 người đã được chọn là Thượng úy Vũ Quang Trạch (cộng tác viên của Báo Quân đội nhân dân) và Trung úy Bùi Thanh Long (cộng tác viên của Báo Quân khu Thủ đô). Thêm Thiếu úy Đặng Vương Hưng là người thứ 3, nhưng mình lại là người duy nhất đã có Thẻ Nhà báo, vì đang là Phóng viên của Báo Quân khu Một. Thời điểm đó, mình đã có quân hàm Trung úy (được phong trước thời hạn, vì có thành tích trực tiếp tham gia chiến đấu tại Mặt trận Lạng Sơn, thực hiện được nhiều tin bài và ảnh có giá trị cho công tác tuyên truyền). Nhưng vì Quyết định chưa được Cục Chính trị Quân khu 1 công bố, nên công văn giới thiệu của Cục Cán bộ Chính trị vẫn để quân hàm Thiếu úy.

Theo mình biết, hồi ấy đào tạo Đại học Báo chí ở nước ta còn do Trường Tuyên huấn Trung ương 1 (trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng) đảm nhiệm, thời gian học là 5 năm. Đây là một địa chỉ hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất trên toàn quốc, mà các phóng viên muốn được đào tạo chính quy phải qua. Hầu như các trường Đại học khác còn chưa có Khoa đào tạo cử nhân Báo chí như bây giờ. Cũng vì tầm quan trọng và vinh dự ấy, mà trong thủ tục hồ sơ nhập học bắt buộc phải có: Quyết định cử cán bộ đi học của Ban Tổ chức Thành ủy, Tỉnh ủy, cấp Bộ, hoặc tương đương (các cơ quan cấp khác nếu có ra Quyết định cũng đều không hợp lệ).

Thêm một chi tiết nhỏ: Chờ đợi mãi, đến ngày cuối cùng của năm 1984 mình mới nhận được “Giấy triệu tập vào học” của Trường Tuyên huấn Trung ương 1. Báo Quân khu 1 muốn giữ người làm việc, nên cứ dùng dằng mãi. Thành ra, tới tháng 5/1985 mới đồng ý cho đi học. Mình đi học muộn sao với quy định nhập trường, nên lại phải làm Đơn trình bày và đề nghị nhà trường và các cơ quan đơn vị có thẩm quyền xem xét, mới được chấp nhận.

Thời gian đào tạo lớp cử nhân Báo chí thời đó, cụ thể là lớp Báo viết, Đại học Báo chí khóa VI, Trường Truyên huấn Trung ương 1, là 5 năm (1984 – 1989), nhưng mình học chỉ được 2 năm, thì lại quyết định lặng lẽ xin thi tuyển, rồi làm đơn xin chuyển sang học trường Đại học khác. Mặc dù mình không hề bị nhà trường “đuổi học”, cũng không bị kỷ luật, mà chỉ vì lý do riêng là đam mê sáng tác. (Sẽ dành cho một bài viết khác, để hầu chuyện bạn đọc sau ạ).

Bắc Giang, 24/8/2024

TTNL

Trái Tim Người Lính

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/40-nam-truoc-minh-da-thi-va-trung-tuyen-vao-dai-hoc-bao-chi-nhu-the-a12612.html