Vấn đề đặt ra trong chiến lược số hóa báo chí đến năm 2025 và định hướng đến 2030 (Phần II)

Chuyển đổi số một nội dung cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0, là việc thay đổi phương thức phát triển, cách sống, làm việc của con người để nâng cao năng suất và, tạo lợi thế cạnh tranh. Chiến lược chuyển đổi số và định hướng phát triển đến năm 2030 tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả về  nghiệp vụ, quản lý nhà nước và nghiên cứu đào tạo

hg-1656171228.jpeg

4. Giải pháp thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí

Chuyển đổi số báo chí đòi hỏi Nhà nước phải đảm bảo những nền tảng, điều kiện và thể chế cơ bản để bảo vệ, quản lý và phát triển báo chí trên không gian mới.  Để thực hiện các mục tiêu Chiến lược, dự thảo chiến lược đã xác định những nhóm nhiệm vụ và giải pháp liên hệ chặt chẽ với nhau trong quá trình triển khai thực hiện, tập trung vào các mặt dưới đây:

Về nâng cao nhận thức và tăng cường hoạt động tuyên truyền. Dự thảo đã tập trung làm rõ việc nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý; lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên về vai trò và sự cấp thiết phải triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia.; tăng cường hoạt động tuyên truyền, biểu dương và tôn vinh những tổ chức, cá nhân tích cực trong quá trình chuyển đổi số báo chí nhằm chia sẻ kinh nghiệm lan tỏa và nhân rộng

Để hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật Dự thảo nhấn mạnh việc rà soát, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nền tảng công nghệ số và phân phối nội dung báo chí thông qua những nền tảng này.Theo đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách và phát triển mô hình liên kết báo chí với các công ty công nghệ số, nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp quảng cáo và các nền tảng phân phối nội dung xuyên biên giới để đa dạng hóa nguồn thu.

 Về phát triển các sản phẩm báo chí số Dự thảo Chiến lược đã hướng vào ưng dụng thành tựu khoa học công nghệ để thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung.số; sáng tạo mô hình sản phẩm thông tin trên nền tảng khác nhau để tăng mức độ tương tác với độc giả; phát triển sản phẩm chất lượng cao; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Dựa trên dữ liệu phân tích, cần sáng tạo mô hình kinh doanh có sự chia sẻ lợi ích đối với những nội dung được tạo ra bởi cộng đồng.

Về phát triển nền tảng số, cần xây dựng công cụ và nền tảng thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí, xây dựng chỉ số đánh giá truyền thông xã hội dựa vào tác động của thông tin báo chí trên không gian mạng.Trên nền tảng chia sẻ dữ liệu; cần phát triển báo chí dữ liệu để làm giàu tài nguyên tri thức, nâng cao kiến thức cho bạn đọc. Hỗ trợ đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ cho cơ quan báo chí thực hiện theo nguyên tắc phân phối nội dung trên không gian mạng để khuyến khích cơ quan báo chí tự xây dựng nền tảng phục vụ chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử;ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông qua các chương trình trọng điểm quốc gia.

Để bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống, ứng dụng và nền tảng
phục vụ chuyển đổi số,  cần triển khai giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các hệ thống, ứng dụng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số; quản lý và giám sát an toàn thông tin;  bảo mật những dữ liệu có khả năng tự sàng lọc hoặc phát hiện có mã độc tấn công; tổ chức  ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng cho toàn hệ thống dựa trên nền tảng hạ tầng phục vụ chuyển đổi số

Về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo chiến lược đã nhấn mạnh và tập trung vào xây dựng và ban hành chuẩn chương trình và trình độ đào tạo , rà soát, cập nhật nội dung chương trình đào tạo và nội dung thông tin liên quan đến báo chí số.; tập huấn cán bộ quản lý thông tin truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí về kỹ năng cần thiết cho chuyển đổi số báo chí; tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an toàn
thông tin mạng nhằm thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu, sản xuất, phân phối nội dung và giám sát, đánh giá chất lượng thông tin.

Trong hợp tác quốc tế cân nhắc tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong phát triển một lĩnh vực mới, dự thảo chiến lược đã hướng vào nâng cao trình độ hợp tác và học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển; tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Chuyển đổi số là xu thế bắt buộc và là việc làm cần thiết của mỗi cơ quan báo chí. Điều bình thường là sàng lọc tự nhiên để giữ lại những cơ quan báo chí mạnh, có đủ điều kiện hoạt động và phát triển. Với vai trò dẫn dắt tạo nền tảng, Nhà nước cần xây dựng thể chế, hỗ trợ nguồn lực, nhưng không làm thay cơ quan báo chí trong thực hiện những giải pháp nêu ra.

5. Định hướng chuyển đổi số báo chí, đề xuất từ các nhà nghiên cứu

Từ niềm trăn trở của các nhà khoa học và quản lý tại hội thảo “Chuyển đổi số báo chí - một số vấn đề lý luận và thực tiễn” trong khuôn khổ “Diễn đàn báo chí tháng 6”của trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, các nhà khoa học đã có những đóng góp cụ thể về định hướng chiến lược chuyển đổi số báo chí quốc gia.

images1744929-chuy-n-s-1656171308.jpg

Từ góc nhìn nghiên cứu, PGS TS. Đặng thu Hương, phó Hiệu trưởng nhà Trường nhận xét “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam là một chủ đề thời sự, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả về nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu  Việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức”

Tiếp nối suy nghĩ này; PGS.TS. Bùi Chí Trung và cộng sự cho rằng“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là văn bản mang tính chiến lược nhưng cũng là kế hoạch hành động để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp triển khai việc chuyển đổi số trong đơn vị mình”. Trên quan điểm người dân là trung tâm PGS nhận định, Chương trình này đã xác định rõ những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày đối với người dân, làm thay đổi nhận thức để mang lại hiệu quả, cần được ưu tiên chuyển đổi trước.

Theo các nhà nghiên cứu, chuyển đổi số trước hết là chuyển hóa thông tin. Thông tin về bản chất là chức năng của báo chí. Trong lịch sử tồn tại của nhân loại, con người chỉ tiêu dùng mà chưa từng tạo ra tài nguyên. Báo chí là nền tảng để tạo nguồn tài nguyên thông tin vô giá. Trên thực tế ,báo chí đã tác động tới đông đảo công chúng trên khắp các vùng miền, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Báo chí cùng các phương tiện truyền thông đóng vai trò trung gian (Mediated) như chất keo kết nối từng cá nhân trong xã hội. Nói cách khác, mọi hoạt động của đời sống hiện đại đều cần có sự kết nối của truyền thông. Truyền thông là yếu tố trung gian của xã hội thông tin. Và như vậy, báo chí truyền thông cần được coi là nguồn sống, là động lực của mọi lĩnh vực hoạt động.

Trong bối cảnh ngày nay, dường như báo chí đang ở vị thế thứ yếu và đi sau. Để thực hiện tốt chức năng của mình, báo chí không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, thậm chí cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi này. Cần coi chuyển đổi số báo chí là hoạt động của một trong những ngành quan trọng trong hệ thống nền kinh tế quốc dân để nhìn từ góc độ chính trị, văn hóa  ở các khía cạnh khác nhau.

Trước những thách thức về an ninh thông tin và an ninh cá nhân trên mạng, giới nghiên cứu cho rằng cần tập trung nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về bảo vệ thông tin .Thế giới đã có hơn 40 quốc gia ban hành quy định luật pháp về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm trong chiến lược chuyển đổi số báo chí nước nhà.

Chuyển đổi số báo chí là việc đổi mới hạ tầng công nghệ; thúc đẩy hạ tầng công nghệ mới phải dựa trên luật pháp về công nghệ phù hợp. Sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Viễn thông đã bộc lộ nhiều vấn đề cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác
thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển của những loại hình dịch vụ kinh
doanh. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi và sớm xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số.để thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông kết hợp với hạ tầng kỹ thuật khác để phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, của môi trường truyền
thông số trong đó báo chí có vai trò rất quan trọng.

Chuyển đổi số hệ thống báo chí không thể đồng loạt theo một “công thức chung” cho mọi cơ quan báo chí. Chiến lược này cần có những “đột phá” ở những mắt xích trọng yếu. Trước hết cần tập trung đầu tư xây dựng và hiện đại các cơ quan báo chí, truyền thông đa phương tiện chủ lực Quốc gia với 6 cơ quan theo Quy hoạch báo chí. Đặc biệt là thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, hình thành các loại hình truyền thông mới và cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng xã hội để nội dung báo chí chính thống chiếm lĩnh được nền tảng số và trở thành dòng chảy chính về thông tin định hướng dư luận trên không gian mạng. Theo đó, các nhà khoa học đã có một số gợi mở từ những góc nhìn khác nhau

Trước hết là xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số báo chí, Qua đó, hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể phối hợp với  các cơ quan, ban, ngành tổ chức những diễn đàn để quy tụ nhiều nhà quản lý, chuyên gia phân tích báo chí truyền thông và những nhà công nghệ lớn để cùng trao đổi.

Nếu nhận thức chuyển đổi số là cho tương lai thì động lực khai mở sẽ là thế hệ trẻ của đội ngũ làm báo ngày nay. Cần tạo điều kiện để những mô hình nhà báo trẻ có cơ hội trở thành hiện thực. Do vây, cần phải có những “không gian mô phỏng” tiến trình chuyển đổi số báo chí theo những đặc thù cơ bản về loại hình, quy mô và yêu cầu cụ thể. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần phối hợp cùng các trung tâm đào tạo báo chí truyền thông tại ba miền Bắc - Trung- Nam xây dựng những mô hình thực hành, thực nghiệp đổi mới sáng tạo báo chí .Đó vừa là đầu tư cho hiện tại lại vừa là đầu tư cho thế hệ tương lai.

Thay vì chờ đợi nguồn ngân sách công để đầu tư mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất rất cần tạo cơ chế xã hội hóa với sự tham gia của những nhà công nghệ để khai thác những hệ thống trang thiết bị mới nhất. Thay vì phụ thuộc nguồn nhân lực công nghệ từ bên ngoài, có thể tái đào tạo và tạo cơ hội học tập trọn đời trên môi trường số cho đội ngũ đôngđảo nhân sự báo chí truyền thông hiện nay.

Với sự vào cuộc của các nhà quản lý, người làm báo, chuyên gia, nhà nghiên cứu và sự trợ giúp của những người làm công nghệ giỏi, cần tạo điều kiện để họ có thể giới thiệu công nghệ, tập huấn đội ngũ phóng viên, tạo cơ hội cho các nhà báo trẻ được trải nghiệm và làm thật. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những chương trình nghiên cứu, dự án đầu tư, hỗ trợ cho cơ sở nghiên cứu, đào tạo báo chí về chuyển đổi số.

Đi từ ít đến nhiều, khi mọi nhà báo, phóng viên, biên tập viên và cán bộ của các cơ quan báo chí được tiếp cận với tri thức, công nghệ và công cụ để đổi mới sáng tạo, đưa báo chí bước sang một trang mới, thì lúc đó “không ai bị bỏ lại phía sau”sẽ  trở thành hiện thực.Xu hướng này sẽ tạo ra một dạng “văn hóa đổi mới sáng tạo” trong lĩnh vực báo chí truyền thông,

Vấn đề báo chí số hay báo chí hội tụ, báo chí đa phương tiện không chỉ là công nghệ mà cốt lõi nằm ở con người. Liên quan đến con người trong chuyển đổi số là nhu cầu công chúng và năng lực của người cung cấp thông tin. Trong hai yếu tố này, nhu cầu của công chúng có thể thấy được thông qua khảo sát tình hình sử dụng các phương tiện ,nền tảng khác nhau trong tiếp nhận thông tin.Vấn đề còn lại nằm ở năng lực, tư duy và thói quen của người cung cấp
thông tin, ở đây là lãnh đạo các cơ quan báo chí và chính các nhà báo, phóng viên cung cấp thông tin cho công chúng. Để có một nhà báo chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển báo
chí và của công chúng phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông, những tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và chính bản thân nhà báo. Trong 3 yếu tố kể trên, các đơn vị đào tạo báo chí truyền thông có vai trò rất quan trọng.

Nghề báo là nghề có thể tự học, tự rèn luyện, nhưng nếu được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp thì con đường đến với báo chí chuyên nghiệp của mỗi người sẽ được rút ngắn đáng kể.. Trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí, vai trò của tổ chức đào tạo lại càng trở nên quan trọng. Bởi nhà báo hiện đại không chỉ học kỹ năng khai thác thông tin mà còn cần được trang bị một cách chuyên nghiệp những kiến thức, kỹ năng của công nghệ hiện đại.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số báo chí truyền thông là đáp ứng với thực tế phát triển của Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Đó là tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu, sản xuất, phân phối nội dung và giám sát, đánh giá chất lượng thông tin.

Thực tiễn báo chí đòi hỏi chuyên ngành đào cần phải tiến hành cập nhật, bổ sung kiến thức vào các giáo trình, chương trình đào tạo những kiến thức và kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số cho người học và điều quan trọng là mở ra các chương trình đào tạo chuyên biệt cho ngành báo chí truyền thông số.

Kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số cần được trang bị một cách hệ thống, theo chuyên ngành riêng bên cạnh việc cập nhật, bổ sung vào các chương trình có sẵn. Như vậy, trong tương lai, nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số báo chí mới đồng bộ cả về tâm lý sẵn sàng đối diện với nền báo chí số và kỹ năng để đáp ứng đòi hỏi của công việc. Đó là một trong những vấn đề quan trọng để đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số báo chí quốc gia..

6. Thay lời kết luận

Trong chuyển đổi số quốc gia,với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội để thực hiện thành công chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò rất quan trọng . Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh từng chia sẻ, mục tiêu cốt lõi của chuyển đổi số báo chí là “để phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Chiến lược này có tác động tới toàn bộ hệ thống cả về nghiệp vụ quản lý nhà nước cũng như đào tạo và nghiên cứu.

 Phân tích những quan điểm, từ góc nhìn nghiên cứu và thực tiễn báo chí sẽ góp phần làm rõ mục tiêu, nhiệm vụ và tầm nhìn để xây dựng giải pháp phù hợp cho toàn hệ thống.cũng như với từng cơ quan, tổ chức báo chí.

Đại hội Đảng XIII đã khẳng định chủ trương“tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”; Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”đã đưa Việt Nam  trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Trong những trao đổi gần đây. các nhà khoa học và đông đảo công chúng đều thể hiện niềm trăn trở và quyết tâm thực hiện.

Mặc dù hạ tầng cơ sở viễn thông nước ta đang còn hạn chế, song yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa của chuyển đổi số báo chí quốc gia đang đà mở rộng, Hy vọng, ý Đảng lòng dân  đã thuận sẽ là cơ sở để thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số báo chí Quốc gia đến năn 2025 và tần nhìn 2030./.

Lê Thành Ý (tổng hợp)

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/van-de-dat-ra-trong-chien-luoc-so-hoa-bao-chi-den-nam-2025-va-dinh-huong-den-2030-phan-ii-a1263.html