Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 6

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.   

Kỳ 6.

Từ ngoài bước vào một nữ tướng tóc búi cao, võ phục màu nâu, áo giáp sắt, lưng mang gươm bước vào chắp tay:

-Kính chào nữ tướng Lê Chân, mạt tướng là Đàm Ngọc Nga vâng lệnh của nữ chúa Trưng Trắc có thư cho nữ chủ tướng.

Lê Chân nói:

-A, nữ tướng Đàm Ngọc Nga, ta đã nghe danh từ lâu nay mới được gặp. Ngồi đi.

-Đa tạ chủ tướng.

-Người đâu.

-Dạ.

-Lấy bát rót rượu cho nữ tướng.

-Dạ.

Hai người cụng bát nhau và cạn, khi đặt bát xuống Lê Chân mới mở thư của Trưng Trắc. Thư viết: “Kính gửi nữ tướng Lê Chân. Ta là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị khởi binh ở Mê Linh đánh Tô Định để trả thù nhà nợ nước. Ta biết tướng quân cũng mang nặng mối thù giết cha mẹ với giặc Tô Định. Ta chúc mừng chiến thắng vừa qua của nghĩa binh và nữ tướng khi chúng tấn công vào trang viên. Trận đánh này làm giặc rất khiếp sợ và làm chấn động Giao Chỉ, làm phấn chấn tinh thần của bách tính. Nay xin mời tướng quân về Mê Linh, hợp sức tạo thế mạnh chiến thắng quân thù. Nếu tướng quân đồng ý thì không cần đem quân về Mê Linh, cứ ở lại trang viên rèn binh giáp, khi nào ta tấn công Luy Lâu, tướng quân đem quân đánh từ mặt đông vào Luy Lâu để phối hợp là bảo đảm chiến thắng. Nay kính thư: Trưng Trắc".

Lê Chân đọc xong thư rất mừng gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Nấu hai suất cơm rượu ngon lên đây ta cùng ăn với tướng quân.

-Dạ.

Lê Chân dùng cơm rượu với Đàm Ngọc Nga, sau đó trao cho Đàm Ngọc Nga một bức thư và nói:

-Nhờ tướng quân chuyển hộ thư cho nữ chúa Trưng Trắc. Ta đồng ý đứng dưới lá cờ đại nghĩa của nữ chúa và chờ lệnh của ngài sai khiến. Trong thư ta đã nói rõ rồi. Tạm biệt tướng quân, hẹn ngày gặp lại.

Đàm Ngọc Nga nhận thư, cho vào túi cẩn thận và cúi mình:

-Xin tạm biệt nữ tướng  Lê Chân, hẹn ngày tái ngộ trong niềm vui chiến thắng. Tạm biệt.

Đàm Ngọc Nga lên con ngựa màu nâu hùng dũng, hông mang gươm, phi ngựa theo đường bộ xa dần về hướng tây đầy gió bụi.

Trong Tổng hành dinh ở Mê Linh, Trưng Trắc nhận được thư của Lê Chân, mở thư ra đọc. Thư viết: “Tại hạ từ lâu đã nghe tiếng hai nữ chúa như sấm bên tai, đa tạ đã cho tại hạ đứng dưới cờ đại nghĩa. Tại hạ ở trang viên Vụ Nông rèn binh sửa giáp chờ mệnh lệnh của nữ chúa khi tấn công Luy Lâu. Đa tạ, hẹn ngày xum họp trong chiến thắng. Kính thư. Lê Chân”.

*      *

*

Buổi trưa một ngày cuối xuân sang hạ, nắng vẫn chưa gay gắt nhưng lan tràn khắp vùng Gia Lâm, quận Giao Chỉ, muôn cây xanh ngát dưới bầu trời xanh. Sông Cái (sông Hồng) vẫn lững lờ đưa nước màu hồng nhạt về Lục Đầu Giang, xuôi ra các sông khác ở đồng bằng và ra biển. Tại một khu trấn trị cách bờ sông Cái không xa, một khuôn viên tường gạch bị bao phủ bởi cây xanh và tre, cây xanh và tre bao phủ cả ngôi nhà ngói tường gạch khang trang. Trước ngôi nhà khang trang là cái sân gạch vuông vắn gắn với nhà chính và nhà bếp. Hai cạnh của sân là bờ dậu và những cây cau vươn lên cao vút, lá cau đón gió làm tán lá lắc lư chuyển động đung đưa, khoe sức deo dai của mình. Nối liền gốc cau là bờ dậu nở hoa màu tím, màu vàng, màu đỏ. Đây là dinh thự của quan huyện lệnh Gia Lâm Mai Tiến. Ông Mai Tiến là chồng của phu nhân Lê Thị Hoa. Hai người cưới nhau khi bà Hoa 18 tuổi, ông Mai Tiến 19 tuổi. Bà Lê Thị Hoa đẹp như trăng rằm. Hai ông bà đã sinh được bốn người con trai, con trưởng là Mai Đạt, sinh năm Mậu Dần (năm 18), thứ hai là Mai Thỏa sinh năm Canh Thìn (năm 20), Mai An sinh năm Nhâm Ngọ (năm 22), con trai út là Mai Tri sinh năm Ất Dậu (năm 26).

Hôm nay theo thường lệ, bữa cơm trưa bao giờ cũng vắng chủ nhân là ông Mai Tiến vì ông ở lại phủ đường và ăn tại đây, bữa tối ông mới ăn cơm ở nhà. Bà Lê Thị Hoa cùng bốn con và người giúp việc ngồi quây quần quanh một chiếc bàn đặt tại bếp để cùng ăn. Tiếng rằng quan một huyện nhưng chỉ đến tối khi ông Mai Tiến về nhà thì sinh mệnh ông mới an toàn, bà Lê Thị Hoa và các con mới tạm thời hết lo lắng. Bởi vì ông Mai Tiến là quan thanh liêm, hay bênh vực người dân Việt nên thường mâu thuẫn với thói tham tàn bạo ngược của những viên quan người Hán, nhất là với tên thái thú Tô Định. Mâu thuẫn giữa ông Mai Tiến và Thái thú Tô Định ngày càng gay gắt. Tô Định đã nhiều lần dọa giết ông. Bà Lê Thị Hoa đã nhiều lần khuyên ông bỏ chức quan mà về nhưng ông Mai Tiến nói:

-Ta không phải tham chức tham quyền nhưng ta ở lại là vì muốn bênh vực bảo vệ những người dân Việt bị nhiều oan trái chết chóc.

Hôm nay khi cả nhà ăn gần xong bữa cơm trưa thì người lính hầu cận của ông Mai Tiến hớt hải chạy về vừa khóc vừa quỳ xuống mà nói:

-Trình phu nhân, không xong rồi.

Bà Lê Thị Hoa hỏi:

-Có việc gì vậy, bình tĩnh nói xem nào.

-Thưa phu nhân, hôm qua ông từ chối không giết một người dân vô tội, bị oan. Hôm nay Tô Định đã cho quân đến vây huyện đường bắt quan lớn và giết hại rồi.

-Hả.

Cả nhà bàng hoàng, bốn cậu con trai khóc như mưa gió. Lê phu nhân cố nén tiếng khóc, giận dữ nói:

-Thằng súc sinh giám giết hại cả quan huyện lệnh sao.

Người lính nói:

-Dạ Phu nhân chúng khộng từ một tội ác nào, phu nhân nên đem cả nhà trốn đi.

Lê Phu nhân nói:

-Anh nói phải lắm, anh cùng chị giúp việc mau thu xếp quần áo và ít tiền bạc đem ra xe ngựa. Nhanh lên kẻo thằng Tô Định sai lính đến ngay bây giờ.

-Dạ, phu nhân.

Khoảng một canh giờ sau, Lê Phu Nhân cùng ba con trai, em gái Mai Tiến là Mai Hoa, người giúp việc lên xe ngựa, người lính và Mai Đạt mỗi người một ngựa cùng xe ngựa vội vã chạy về hướng nam. Canh giờ sau 100 lính Hán đã tới nhưng không có ai, chúng đốt nhà và quay về.

Lê phu nhân cho mọi người chạy về quê ngoại là thôn Thượng Linh, xã Cảo Linh, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, đạo Nam Sơn. Mọi người tạm vào nhà ông bà ngoại nghỉ ngơi. Thân phụ của phu nhân Lê Thị Hoa là ông Lê Thái, thân mẫu là bà Dương Thị Tạo ra đón con và các cháu. Khi biết chuyện, bà Dương Thị Tạo, Lê phu nhân và các con khóc lóc đau thương, nước mắt như mưa. Ông Lê Thái nói với mọi người:

-Không ổn rồi, ngày mai thằng Tô Định thế nào cũng truy sát tới đây. Sáng mai cha sẽ đưa con và các cháu về vùng đất Yên Nội thuộc huyện Dư Phát[1], quận Cửu Chân lánh nạn. Vùng đất này còn rất hoang sơ, thằng Tô Định chưa thể biết được.

Lê Phu nhân nói:

-Con vâng lời cha.

Sớm hôm sau, khi trời còn tối khoảng mới canh tư cả nhà đã dậy ăn cơm, sau đó Lê phu nhân cùng ba con trai, em là Mai Hoa cùng người giúp việc lên xe ngựa do ông Lê Thái điều khiển. Người lính và Mai Đạt vẫn cưỡi hai con ngựa. Trước khi lên xe, Lê phu nhân ôm mẫu thân mà khóc, bà ngoại cũng ôm các cháu mà nghẹn ngào, rồi tất cả lên xe và lên ngựa. Đi theo xe còn có Mai Hoa, em gái ông Mai Tiến. Bà ngoại 70 tuổi nhìn theo xe xa dần về hướng nam, lẫn trong gió bụi, đôi mắt già lệ tuôn mãi không nguôi.

Người và ngựa đi gần một ngày, chiều thì ông Lê Thái cho dừng lại một nơi đồng ruộng bao la nhưng hoang hóa, cỏ dại lau sậy um tùm, chỉ một vài miếng đất có lúa xanh và một vài căn nhà gianh của nông dân nghèo. Lê Phu nhân hỏi:

-Thưa cha, đây là đâu ạ?

Ông Lê Thái đáp:

-Đây là đất Yên Nội thuộc Dư Phát, Cửu Chân. Xưa đi ngao du trong giới võ lâm, ta đã kết bạn với mấy người ở đây. Đêm nay tạm trú ngụ ở đây, ngày mài làm nhà cửa các con và các cháu sinh sống lâu dài ở đây. Đây là vùng đất còn hoang vu, thằng Tô Định không biết đâu.

-Dạ, con vâng lời cha.

Xe và ngựa dừng lại trước một căn nhà có vẻ khang trang hơn, làm bằng gỗ, rộng rãi. Một người đàn ông khoảng 70 tuổi bước ra, trông thấy ông Lê Thái, người đó mừng rỡ:

-A, cố nhân lâu mới gặp.

Ông Lê Thái cũng mừng:

-Chào cố nhân, khỏe không?

Rồi ông quay lại nói với Lê Phu nhân:

-Đây là thúc thúc Nguyễn Bảo, bạn kết giao với cha khi còn là kiếm khách.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] . Nay là huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-6-a12812.html