Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 7

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024

Kỳ 7.

Lê phu nhân và mọi người vòng tay:

-Dạ, xin kính chào thúc thúc.

Ông Nguyễn Bảo tươi cười nói:

-Xin chào các cháu, vào nhà, vào nhà.

Cạnh bàn trà, ông Lê Thái và ông Nguyễn Bảo chuyện trò, ôn lại ngày xưa. Ông gọi:

-Người đâu.

Một người giúp việc chạy vào:

-Dạ, chủ nhân.

-Bảo bà nhà ta có khách, làm thêm tám suất cơm ngon, nhớ cho mấy con ngựa ăn no và uống nước, rõ chưa?

-Dạ, con rõ.

Ông Lê Bảo rút ra một bọc và nói:

-Các cháu còn làm phiền thúc thúc lâu dài vì muốn định cư ở đây cho đến khi làm được nhà mới. Đây là 50 lạng bạc đệ cầm tạm còn mua thức ăn, mua nguyên vật liệu làm nhà cho các cháu.

-Dạ, huynh khách sáo quá, cứ coi như các cháu về nhà mình thôi mà.

-Đa tạ thúc thúc.

Ông Lê Thái chỉ vào người nhà:

-Đây là con gái lớn của huynh là Lê Thị Hoa, còn đây là bốn con trai của nó. Còn đứa kia là em chồng của Lê Thị Hoa, tên là Mai Hoa. Còn anh và chị đây là người nhà của huynh. Số là nhà huynh vừa có chuyện buồn, con rể là Mai Tiến, bố của bốn cháu ngoại đây vừa mới mất đột ngột, cháu Lê Thị Hoa không muốn ở quê nhà vì buồn phiền, huynh mới đưa chúng tới đây để sinh sống cho vơi nỗi buồn. Ngày mai nhờ đệ giúp cho mẹ con chúng một căn nhà để trú ngụ, an cư lạc nghiệp.

Ông Nguyễn Bảo nói:

-Xin chia buồn với gia đình huynh vì con rể trưởng mà ra đi quá sớm. Căn nhà gianh thì không khó. Ngày mai đệ sẽ cùng một số bạn bè làm nhà cho cháu, chỉ vài ngày là xong.

-Đa tạ đệ.

Sau năm ngày, ông Nguyễn Bảo cùng năm người bạn của ông và ông Lê Thái đã dựng xong căn nhà tre ba gian lợp lá cỏ gianh và ba gian nhà bếp nhỏ cũng lợp gianh, vách buộc nan tre và nhào bùn với rơm mà trát. Vách đất vốn là truyền thống làm nhà của bao nhiêu người dân nghèo Cửu Chân từ lâu đời. Phu nhân Lê Thị Hoa làm mấy mâm cơm rượu vào nhà mới để cảm ơn ông Nguyễn Bảo và các bạn bè của ông, còn thêm mỗi người 2 lạng bạc làm quà. Đêm hôm đó mọi người đã ngủ, khi còn hai cha con với nhau, phu nhân Lê Thị Hoa nói với cha:

-Thưa cha con muốn chiêu mộ trai tráng khởi nghĩa tiêu diệt tên Thái thú Tô Định tán ác để trả thù cho nhà con và cho biết bao gia đình bị chúng giết hại.

Ông Lê Thái trầm ngâm một lúc và nói:

-Muốn chiêu mộ lực lượng khởi binh thì phải chuẩn bị lượng thực, quân lương, rèn vũ khí. Trước mắt con nên chiêu mộ dân cư các nơi về Yên Nội khai hoang, mở đất để có cái ăn, từ đó phát triển các nghề rèn đúc, dệt vải, đóng thuyền, lấy đó rèn luyện võ nghệ, bắn cung. Tóm lại trước khi khởi nghĩa phải lập Sơn Trang Yên Nội để có mọi thứ đã. Khi đã khởi binh thì Tô Định sẽ tấn công tiêu diệt. Cho nên phải có căn cứ, phải có lực lượng để tiêu diệt chúng. Không bảo vệ được mình thì làm sao tiêu diệt giặc để trả thù. Ít nhất vài năm sau con mới khởi binh được.

-Cha nói đúng lắm, con vâng lời cha. Cha hãy dùng mối giao hảo trước đây, giúp con vận động bách tính Nga Sơn, Nam Đinh về Yên Nội khai hoang, lập Yên Nội Sơn Trang.

Ông Lê Thái đáp:

-Vì trả thù cho con rể Mai Tiến, vì sự nghiệp của con cha sẽ cố gắng.

Lê phu nhân quỳ xuống cúi đầu vòng tay:

-Con xin đa tạ cha.

-Đứng dậy đi.

-Dạ, con vâng lời cha.

Từ đó ông Lê Thái cùng các bạn hữu trong Trang Viên Yên Nội, Mai Hoa cùng người lính trung thành của ông Mai Tiến đi khắp vùng Nga Sơn, Hoa Lư, Hà Nam, Nam Định chiêu dụ những nông dân thiếu ruộng đất đói khổ về khai hoang lập nghiệp trên đất Yên Nội, xây dựng xóm làng. Năm năm sau Yên Nội trở thành một trang viên no ấm. Ngoài nghề nông còn có nghề chăn nuôi gia cầm gia súc, nuôi ngựa, còn có nghề rèn, rèn nông cụ vũ khí, còn có nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải, nghề đánh cá, nghề buôn bán ở chợ. Trang viên phồn vinh, tấp nập. Một hôm họp trang viên, Lê phu nhân nói:

-Ta nghe nói tên Thái thú Tô Định đã ra lệnh cho tên quận trưởng quận Cửu Chân Lâm Tiến sẽ đem quân tấn công trang viên để cướp bóc, giết người, bắt đàn bà con gái, vợ con của các huynh đệ, các huynh đệ sẽ bị bắt đi phu phen và bị giết. Nay chúng ta đành bó tay ngồi nhìn quân thù đến thỏa mãn thói tàn ác của chúng hay sao?

Hàng nghìn người trong trang viên lo lắng hốt hoảng. Một bô lão nói:

-Lê Phu nhân đã tổ chức khai khẩn đất hoang lập trang viên mới làm cuộc đời chúng tôi no ấm. Xin phu nhân nghĩ cách cứu trang viên cứu chúng tôi thoát khỏi nanh vuốt của loài giặc hổ đói đó.

Lê phu nhân nói:

-Ta có cách này không biết bá tính trong trang viên có nghe không?

Bá tính đồng thanh đáp:

-Xin phu nhân cứu giúp, xin phu nhân nói, chúng tôi nghe.

-Cùng ta dương cờ đại nghĩa, lập đội nghĩa binh hùng mạnh, giặc đến thì quyết tử để bảo vệ gia đình, bảo vệ trang viên.

-Đúng rồi xin phu nhân dựng cờ đại nghĩa. Chúng tôi tôn phu nhân làm chủ tướng, liều chết đánh giặc để bảo vệ trang viên, bảo vệ con em cha mẹ mình.

-Tốt lắm, bắt đầu từ hôm nay ta tuyên bố dựng cờ đại nghĩa. Ta ra lệnh đàn ông từ 18 đến 40 tuổi trở thành nghĩa binh, ai đánh giặc thì ra đứng dưới cờ.

Hàng nghìn cánh tay giơ lên xin đi theo chủ tướng. Lê Phu nhân nói:

-Có mấy công việc khẩn cấp, ta ra lệnh mở thêm hàng trăm lò rèn khẩn cấp rèn gươm giáo, vũ khí, ta ra lệnh mở 50 xưởng làm cung và sản xuất cung tên. Hẹn trong 20 ngày nữa phải sản xuất vũ khí cung nỏ đủ dùng để chiến đấu. Ta ra lệnh sản xuất vài chục bộ giáp cho chủ tướng và các phó tướng. Ta ra lệnh từ ngày mai, 2.000 nghĩa binh bắt đầu mở võ đường luyện tập võ nghệ, bắn cung cưỡi ngựa. Đã là nghĩa binh thì kỷ luật nghiêm như quân đội, ai vi phạm sẽ bị xử nặng nhẹ tùy mức độ phạm tội. Ta quy định trống ba hồi là tập hợp rèn luyện, hết giờ thì trống hai hồi, trống đánh ngũ liên ba hồi gấp gáp là trang Viên nguy biến có giặc dã cướp bóc, nghe trống thúc ngũ liên dù đêm hay ngày đều phải tập trung nhanh chóng để chiến đấu, ai không có mặt xử phạt nặng. Trống thì dùng cả trống lớn da bò và cả trống đồng nếu như có. Nay ta phải rèn luyện, trang bị khẩn cấp, giặc sẽ kéo đến bất cứ lúc nào. Còn về sau quy định ngày mùa màng gặt hái thì nghỉ huấn luyện, khi hết ngày mùa sẽ luyện tập. Khi vào chiến đấu tuyệt đối phải tuân theo mệnh lệnh của chủ tướng và phó tướng. Không được phản bội trang viên theo giặc. Ai phạm tội này chém cả nhà.

Hàng nghìn âm thanh hô vang:

-Xin tuân lệnh chủ tướng.

-Còn nữa ai biết được anh hùng hào kiệt các nơi thì mời về trang viên để họ tham gia làm nghĩa binh của ta thêm hùng mạnh.

-Xin tuân lệnh chủ tướng

Từ đó trong trang viên hàng ngày có khoảng hơn 2.000 nghĩa binh luyện tập, các lò rèn ngày đêm rực lửa sản xuất giáo, gươm, cung tên. Trên sân đình lá cờ vàng viết chữ Hùng Lạc màu đen: “Giết giặc Tô Định” treo cao, ngày đêm tung bay theo gió như vẫy gọi. Chiêng trống tập trận vang lên không ngừng. Trang viên Yên Nội ngày đêm bừng bừng khí thế giết giặc. Các anh hùng hào kiệt các nơi cũng lần lượt kéo về tham gia. Một hôm Lê phu nhân đang ngồi trong bản doanh thì có nghĩa binh vào báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, có hai nữ hào kiệt muốn vào gặp chủ tướng.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

Từ ngoài đi vào hai nữ hào kiệt mặc võ phục nâu, hông mỗi người đều lủng liểng kiếm. Hai người ai cũng mặt hoa da phấn. Lê Thị Hoa đứng dậy đón. Hai nữ hào kiệt chắp tay cúi đầu:

-Xin kính chào nữ chủ tướng, chúng tôi đến để gia nhập vào nghĩa binh của sơn trang để diệt giặc. Mong Chủ tướng dung nạp cho đứng dưới cờ.

Lê phu nhân nói:

-Mời ngồi.

-Đa tạ chủ tướng.

-Người đâu.

-Dạ.

-Rót nước.

-Dạ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-7-a12971.html