Độc đáo tác phẩm sanh cổ Cửu Long Tranh Châu

Cửu Long Tranh Châu là một loại bonsai có giá trị cao về hình thể và thẩm mỹ, lôi cuốn với những tạo hình công phu, độc đáo. Đặc biệt, tác phẩm bonsai còn thể hiện nhiều triết lí sâu sắc về thiên nhiên và con người.

z5771513504994-0a4e327172896dd33605a7db26087311-1724750430.jpg

Tạo hình đồ sộ của Cửu Long Tranh Châu

"Cửu Long Tranh Châu" là một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật thuộc dòng cây xanh cổ, xuất hiện lần đầu tiên tại triển lãm Sinh Vật Cảnh Việt Nam, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dáng cây mô tả chín con rồng đang tranh nhau một viên ngọc. Tác phẩm này được coi là độc nhất vô nhị, cả về tuổi đời, lịch sử, sự bề thế và đã được xếp vào một trong 19 kỷ lục của Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thế cây được các nhà sưu tập trong lịch sử tạo tác, đến nay đã được các nghệ nhân phục dựng lại nguyên mẫu, đặc biệt là bộ rễ. Mặc dù dáng thân không còn nguyên vẹn như cách đây hàng chục thập kỷ, nhưng giá trị nghệ thuật và lịch sử của cây vẫn được bảo tồn.

Theo nghệ nhân cây cảnh Nguyễn Văn Tuấn, người trực tiếp tạo tác tác phẩm này chia sẻ: "Năm 2008, tôi được chủ cây mời đến để bàn bạc và chăm sóc, tạo dựng lại tác phẩm này cho đẹp hơn. Chúng tôi đã quyết định theo dáng Cửu Long, và giáo sư Trần Duy Quý đề nghị đặt tên là 'Cửu Long Tranh Châu.' Lúc ấy, cây chủ yếu sống bằng nước, không có đất nên phải nuôi trong 6 tháng mới bắt đầu làm được."

Chơi cây cảnh là một thú chơi văn hóa truyền thống có lịch sử lâu đời ở Việt Nam. Ban đầu, thú chơi này chỉ phổ biến trong các gia đình quyền quý. Ngày nay, nó đã lan rộng và trở nên phổ biến với nhiều tầng lớp, đặc biệt là người lớn tuổi. Cây cảnh không chỉ phản ánh sự hùng vĩ của thiên nhiên mà còn thể hiện triết lý: con người có thể hoàn thiện thiên nhiên nhưng không thể sáng tạo ra thiên nhiên.

img-0702-1724769761.jpeg
Tác phẩm có bộ rễ ấn 

Thú chơi cây cảnh nghệ thuật xưa thường chỉ có ở những người có học vấn hoặc quan lại. Lối chơi cây của người Hà Nội xưa luôn giữ được nét tinh túy qua nhiều thời kỳ. Ngày nay, lối chơi cây của người Hà Nội vẫn rất đặc biệt và ngày càng được nâng tầm. 

Việc để cây phát triển tự nhiên là điều quan trọng, nhưng để cây đạt đến sự hoàn hảo về nghệ thuật với bộ gốc rễ hài hòa, cân đối thì cần có bàn tay điêu luyện, sự kiên nhẫn và tâm huyết của người chơi. Một cây cảnh đẹp đặc biệt chú trọng đến bộ gốc rễ, từ đó người chơi gửi gắm tâm tư, tình cảm qua cách tạo dáng cho cây.

Được biết, Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật đang một số cơ quan đánh giá giá trị nhiều mặt của các cây cổ thụ gắn với giá trị văn hóa, lịch sử như tác phẩm Cửu Long Tranh Châu. Từ đó để xuất đưa những câu cảnh quý hiếm vào danh mục quản lý đặc biệt như bảo vật quốc gia, là phải nơi lưu giữ những cái nguồn gen quý của Việt Nam, tránh việc quản lý chưa thật chặt chẽ vấn đề này này, cây cảnh là tài sản nằm trong danh mục tài sản nhưng mà lại chưa nằm trong danh mục cổ vật để có những cái chính sách bảo vệ thích hợp thì từ đó mà những cái giá trị nó sẽ được lưu giữ.

Tác phẩm sanh cổ Cửu Long Tranh Châu là loại Sanh lá móng, một loại sanh quý được giới sành chơi cây cảnh nghệ thuật rất ưa thích bởi có nhiều ưu điểm như lá đẹp, mau dăm, thân u ục nần nù, quanh năm ra lộc và lộc có màu rất đẹp. Tác phẩm được trồng trong chậu có bộ rễ với chu vi 9,1m, dài 3,7m, ngang 2m và cao 1,9m. Chiều cao bộ rễ là 0,55m. Chiều cao cây là 3,2m. Nếu tính cả chậu, tổng chiều cao lên đến 3,7m.

Kết quả giám định của bộ môn Dược liệu trường Đại học Dược Hà Nội vào năm 2010, xét theo mẫu vật lấy tại cành cây Sanh này cho số tuổi khoảng 152 năm tuổi. Trên thực tế tuổi thọ của cây còn cao hơn nhiều, tuy nhiên qua năm tháng cây biến dị nên việc xác định chính xác số tuổi gặp rất nhiều khó khăn cho giới khoa học. Hiện tại bộ dễ bến chặt vào đá, sụn sịn biến dị tuôn chảy như nhám thạch. 

img-0704-1724769563.jpeg
img-0703-1724769563.jpeg
Bộ rễ biến dị tuôn chảy như nhám thạch

Nhiều nhà sưu tập cây cảnh danh tiếng đất Bắc cho rằng, thì tác phẩm Cửu Long Tranh Châu chính là cây sanh mà quyền tuần phủ Hưng Yên năm 1887 Hoàng Cao Khải mang tặng cho một viên quan phụ trách thành Hà Nội bây giờ. Sau khi Hà Nội bị thực dân pháp chiếm đóng và trong thời kỳ đất nước gặp khó khăn những tác phẩm nghệ thuật bị lãng quên. Tác phẩm độc đáo này chỉ được biết đến qua những lời truyền tụng của những bô lão yêu cây về một cây cảnh phải có gần 40 lính khố đỏ vận chuyển từ Hưng Yên lên.

Trước thềm Festival Sinh Vật Cảnh Hà Nội 2024, cảm thức trước tác phẩm Cửu Long Tranh Châu, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý đã viết bài thơ tư tuyệt: 

"NHẤT VIÊN NGỌC BẢO CỬU LONG TRANH
CỬU DẠNG DIỆU HUYỀN VŨ TRỤ THANH
DIỄM VĨ CỔ KIM, KỲ ĐỘC THỤ
VIÊT NAM ĐỆ NHẤT THẾ HÙNG ANH"

(Một viên ngọc quý chín rồng tranh
Chín dáng diệu huyền vũ trụ  xanh
Kỳ vĩ cổ kim cây độc lạ
Việt Nam đẹp nhất thế hùng anh)

Với những giá trị nhiều mặt về văn hóa, nghệ thuật, nguồn gen, tác phẩm Cứu Long Tranh Châu là mình chứng cho nghệ thuật chơi cây cảnh ở Việt Nam tuy chịu ảnh hưởng từ các trường phái Nhật Bản, Hà Lan và Trung Quốc, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Dù là trường phái hiện đại hay cổ điển, chơi cây cảnh luôn là thú chơi tao nhã, mang tính nghệ thuật cao và ý nghĩa triết lý sâu sắc. Qua thú chơi này, con người đã gửi gắm tình yêu quê hương, đồng thời thể hiện ý chí vươn tới chân, thiện, mỹ.

Quyết Tuấn

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/doc-dao-cay-canh-nghe-thuat-cua-long-tranh-chau-a13118.html