Lâm Đồng: Việc định hướng giảm dần diện tích nhà kính cần có lộ trình dài hạn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, việc giải quyết hiện trạng của nhà kính tại khu vực các phường của TP Đà Lạt sau hơn 20 năm phát triển đại trà, thiếu sự kiểm soát là khá phức tạp, vậy nên phải có sự đồng bộ từ các sở ngành, cũng như thay đổi tư duy của người sản xuất cùng sự hưởng ứng của người nông dân, doanh nghiệp.

455216041-10233363827982893-4044126621664387753-n-1724831114.jpg

Nhà kính tại khu vực các phường của TP Đà Lạt sau hơn 20 năm phát triển đại trà, thiếu sự kiểm soát là khá phức tạp. Nguồn Internet

Thông tin từ Sở NN&PTNT Lâm Đồng, tính đến hết quý I/2024, diện tích nhà kính toàn tỉnh 5.688,48 ha, tăng gần 271,6 ha so với năm 2022. Riêng thành phố Đà Lạt gần 2.900,3 ha, các huyện Đức Trọng 317,6 ha, Đơn Dương 450 ha, Lạc Dương gần 1.648,2 ha. So với năm 2022, diện tích nhà kính làm mới tại Đà Lạt giảm 7 ha, tại Đức Trọng tăng gần 19,2 ha; Đơn Dương tăng 48 ha. Đáng chú ý Lạc Dương tăng tới hơn 182,6 ha. Còn diện tích giải tỏa nhà kính trái phép ở Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương lần lượt gần 71,6 ha; 3,5 ha; hơn 14,7 ha và gần 4,7ha.

Theo đó, nguyên nhân nhà kính tăng mạnh do việc canh tác rau, hoa trong nhà kính giảm 30% lượng nước tưới và phân bón, giảm 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều doanh nghiệp, nông dân thu nhập hàng tỷ đồng thông qua ứng dụng công nghệ nhà kính. Từng loại rau, hoa…khi công nghệ nhà kính ứng dụng đồng bộ với các công nghệ cao khác, năng suất cao hơn 2 - 3 lần, giá trị nông sản cao hơn 1,5 - 2 lần so với cây trồng không trồng trong nhà kính.

Tuy nhiên việc phát triển nhà kính quá mức kiểm soát với mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị; đồng thời mức độ đầu tư nhà kính đạt chuẩn chi phí cao, trong khi nguồn lực của người dân còn hạn chế. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng nhà kính không đạt chuẩn ở mức cao sẽ tạo dòng chảy lớn, gây bồi lắng ao, hồ và lòng suối, làm tăng nhiệt độ cục bộ vào buổi trưa so với nền nhiệt độ chung của TP Đà Lạt. Ngoài ra, đa số nhà kính chưa quy hoạch đường giao thông nội đồng, chưa xây dựng hệ thống thu, thoát nước; chưa kể nhiều nhà kính xây dựng độ dốc cao, ven sông, suối khi gặp mưa lớn liên tục gây tốc mái, sạt lở đất, ngập úng cục bộ.

Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hầu hết các loài hoa đang trồng ở Đà Lạt là hoa cắt cành, hoa chậu (chiếm 90% diện tích) được trồng trong nhà kính ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện chưa có giống thích nghi và mô hình canh tác ngoài trời. Năm 2023, sản xuất hơn 4 tỉ cành hoa. Đây cũng là lý do khiến nhà kính phát triển tràn lan.

Sở NN&PTNN cũng cho rằng bên cạnh lợi ích kinh tế việc ứng dụng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, thì cũng cần chế tài việc phát triển nhà kính tự phát, chưa hài hòa với cảnh quan và môi trường để giảm phát thải nhà kính. Vì vậy, khi xây dựng nhà kính, cũng cần chú ý một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại nhà kính đối với môi trường như: Đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phù hợp điều kiện tự nhiên như địa hình, địa chất, thủy văn, đất đai, nguồn nước, môi trường, khí hậu, tài nguyên, cảnh quan.

Bên cạnh đó, ứng dụng nhà kính kiểu mới cần đảm bảo quy cách thiết kế mở mái tự động trên 50% khi thời tiết nắng nóng, khi đất nghỉ không canh tác giữa các mùa vụ. Cần thiết kế đường ống dẫn và thu hồi nước mưa, mương nước xây dựng xung quanh nhà kính, dẫn tới mương thủy lợi. Nên xây dựng hồ chứa nước mưa để phục vụ sản xuất khép kín, tránh gây xói mòn đất.

Nhà kính không được xây dựng hết diện tích đất. Phải đảm bảo phân bố cho các mục đích khác như làm đường nội bộ. Trồng cây xanh xung quanh để điều hòa khí hậu xung quanh nhà kính. Canh tác trong nhà kính đảm bảo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. Vật liệu làm nhà kính dùng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng.

Ngoài ra, để xây dựng mới, di dời, cải tạo chỉnh trang nhà kính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng ghi nhận rằng, rất khó thực hiện gói tín dụng ưu đãi lãi suất áp dụng riêng trên địa bàn Lâm Đồng do chính sách tín dụng phải triển khai trong phạm vi toàn quốc hoặc khu vực và có sự thống nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Song Anh

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/lam-dong-viec-dinh-huong-giam-dan-dien-tich-nha-kinh-can-co-lo-trinh-dai-han-a13276.html