Đọc tiểu thuyết “Cây thay lá” của Nhà báo Vũ Xuân Bân với bút danh Quân Yên

Tôi đã đọc tiểu thuyết “Tơ vò” của Vũ Xuân Bân (bút danh Xuân Vũ) cách nay 6 năm. Đó là cuốn sách rất đáng đọc và suy ngẫm. Nhưng đọc xong “Tơ vò” tôi cảm thấy hình như còn thiếu thiếu một cái gì đó. Phải chăng là ở trong thời gian ấy (2018) tác giả chưa thể đi xa hơn về việc phản ánh thực trạng xã hội cũng như nội dung của mạch tiểu thuyết? Đây cũng là suy nghĩ của nhiều độc giả sau khi đọc “Tơ vò”.

bia-cay-thanh-la-1725376362.jpg

Tiểu thuyết CÂY THAY LÁ của Quân Yên- bút danh của Vũ Xuân Bân do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 5/2024.

 

Thế rồi tháng 8 – 2024, tôi nhận được “Cây thay lá” của anh với bút danh Quân Yên. Rất mừng vì đó chính là “Tơ vò” tập 2 mà tôi mong đợi. “Cây thay lá” là tiếp nối mạch của “Tơ vò”, là phản ánh tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng quyền lực mà Đảng ta đã tiến hành suốt những năm thời kỳ đổi mới cho tới hiện tại, nhất là từ khi có chủ trương tái lập một số tỉnh từng sáp nhập trước đây quá lớn để phù hợp với trình độ, quy mô quản lý hành chính trong quá trình CNH, HĐH, đồng thời đẩy mạnh cuộc đấu tranh này (đấu tranh chống "giặc nội xâm") ở một tỉnh được tái lập cách nay gần 30 năm.

Như chúng ta đã biết, bước vào thời kỳ xây dựng đất nước sau mấy chục năm đổ xương máu giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta hầu như chưa có gì trong tay (kể cả nhân lực và vật lực). Những người cán bộ được bố trí vào các cơ quan công quyền của chính quyền mới chưa có điều kiện được đào tạo bài bản cho công việc này mà vẫn phải lấy từ hàng ngũ những người cán bộ vừa bước ra khỏi chiến tranh. Vì thế cán bộ của các cấp chính quyền còn yếu kém về chuyên môn, mang tư tưởng quan liêu bao cấp. Đó là chưa kể có một bộ phận khá lớn trong họ nảy sinh tư tưởng tranh thủ hưởng thụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu vén quyền lợi cho cá nhân mình. Tiến thêm một bước nữa, những người này dần thu nạp thêm vây cánh gồm anh em, gia đình, họ hàng, người quen thân của họ vào các vị trí công quyền. Những phần tử này tranh giành quyền lợi, thanh trừng lẫn nhau, tham ô, tham nhũng, hối lộ khiến cho trong thì Đảng bị vi phạm kỷ cương, ngoài thì nhân dân bị chèn ép, đói khổ. Tình hình đó ngày càng trầm trọng. Đã đến lúc Đảng ta nhận thấy muốn đưa đất nước tiến lên thì cần tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại và xóa bỏ vấn nạn này.

Sau một thời gian tiến hành đấu tranh chống giặc nội xâm, chính nó cho tới những năm này đã bộc lộ ra nhiều điều. Đảng ta nhận thấy rằng cần phải phá bỏ những rào cản không còn phù hợp với sự tiến triển của xã hội, mở đường cho xã hội tiến lên. Cho nên vấn đề cải cách hành chính, đào tạo và tiêu chuẩn hóa cán bộ để khắc phục dần nạn thiếu hụt cán bộ có chuyên môn, bồi dưỡng cán bộ vừa có năng lực, vừa có đạo đức… Vấn đề chỉnh đốn Đảng cần được thực hiện ráo riết hơn. Để được lòng dân và khôi phục niềm tin của nhân dân với Đảng thì những chính sách như giáo dục đạo đức cách mạng người cộng sản, làm trong sạch hàng ngũ đảng viên, hàng ngũ cán bộ cơ sở cũng cần được thực hiện nghiêm túc thêm một bước mới. Mỗi đảng viên cần phải thực hiện triệt để quy định “Những điều đảng viên không được làm” để họ trở thành lực lượng nòng cốt trong mọi tầng lớp xã hội đưa cuộc đấu tranh chống giăc nội xâm đến thắng lợi to lớn hơn. Và “Cây thay lá” cũng đã ra đời gắn với mục tiêu ấy của Đảng, tiếp tục mạch của “Tơ vò”, đảm nhận nhiệm vụ phản ánh thực trạng giai đoạn cách mạng này.

Với 11 chương sách gồm 234 trang là sự phản ánh những bước đi vững chắc trong cuộc chiến này. Những con sâu mọt đã bị trừng trị theo phép nước, hợp với lẽ phải, hợp lòng dân tạo nên những thay đổi đáng kể trong xã hội. Những bản làng, ngành nghề, đời sống nhân dân nhờ đó mà được cải thiện hơn. Cùng với những cán bộ tha hóa, biến chất, những đảng viên kém phẩm chất cũng đã được loại bỏ khỏi các cấp chính quyền. Trong xã hội cái xấu dần ít đi, cái tốt dần trở lại nhiều hơn. Lòng tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước đã có chiều hướng quay về…

Trong “Cây thay lá”, chúng tôi đặc biệt bị lôi cuốn bởi các chương 4, 5, 6… Đó là những chương sách mô tả về hiện trạng tham nhũng, hối lộ, suy thoái đạo đức xã hội của một số cá nhân, một số nhóm gia tộc, anh chị em nuôi, bè cánh… Bản thân họ thường xuất phát từ chỗ còn thấp kém về trình độ văn hóa nhưng nhờ thân quen trong quan hệ “bố con nuôi”, “anh chị em nuôi” mà chui vào các cấp chính quyền. Từ đó bằng nhiều mánh khóe gian manh khác nhau họ nịnh trên nạt dưới, vơ vét thật nhiều tiền của của Nhà nước, của dân, rồi dùng tiền ấy hối lộ chạy chức chạy quyền, mua chuộc, lôi kéo cán bộ các cấp vào một giuộc với mình tạo thành những nhóm lợi ích, những dây tham nhũng hối lộ, những băng nhóm ăn chơi, ăn chia, thanh trừng lẫn nhau… Điển hình cho kiểu tham nhũng này là phe cánh của một đại gia Tiền Nổ. Tác giả đã phân tích khá kỹ và rất thuyết phục về bài bản của Tiền Nổ từ khi xuất phát là một thanh niên mới học hết cấp 2 (Trung học cơ sở), bỏ học đi chăn vịt (với danh xưng là Tiền Vịt) rồi làm thuê theo mùa kiếm sống… đến lúc được một “ông to” ở tỉnh nhận làm “con nuôi” rồi từng bước ỷ thế “bố nuôi” giành những dự án béo bở để kiếm tiền làm vốn, rồi lấy vốn ấy nuôi dần thành vốn to quay vòng mua chuộc hối lộ bề trên để giành tiếp những dự án to hơn, rút ruột những dự án nghìn tỷ đồng của Nhà nước làm giầu lên nhanh chóng. Khi đã có hàng ngàn tỷ đồng trong tay, Tiền Nổ liên kết với Lý Tơ, một kẻ cũng tiến thân bằng con đường giống như thế: Từ một quan chức nhỏ, một Phó cục thuế tỉnh cũng nhờ quan hệ “bố con nuôi” mà được trúng Tỉnh uỷ viên vượt mặt cả Cục trưởng, cất nhắc lên làm Bí thư huyện Đá Lập chuẩn bị cán bộ nguồn cho những khóa Đại hội Đảng tiếp theo.  Chỉ vài năm sau, Lý Tơ đã vào Thường vụ Tỉnh ủy, làm Phó chủ tịch tỉnh thường trực, rồi vào Phó bí thư Tỉnh uỷ leo lên Chủ tịch tỉnh được nửa nhiệm kỳ thì bị gục ngã. Lý Tơ kết hợp quyền chức của mình với trọc phú Tiền Nổ hối lộ lôi kéo không những bố nuôi mà hàng loạt quan chức khác, từng bước hướng họ đi vào con đường tha hoá đạo đức, lối sống, dạy cho họ những ngón nghề mà mình đã trải nghiệm, thành thạo… Và thế là từ quan to đến quan bé, từ "bố đến con nuôi", từ anh chăn vịt, từ một quan chức nhỏ, một khi họ đã nhúng tay vào tham nhũng quyền lực, có tiền có quyền trong tay họ đã nghiễm nhiên trở thành những kẻ lái cả một mảng quan chức cấp tỉnh đi chệch mục tiêu của Đảng, làm mất lòng tin của dân vào Đảng và chính quyền Nhà nước (tr. 73 – tr. 102).

Trong “Cây thay lá” tác giả đã giúp bạn đọc hiểu biết quá trình hình thành và phát triển của nạn tham nhũng quyền lực trong xã hội Việt Nam mấy chục năm qua: Từ cá nhân, lẻ tẻ, những con người, những cán bộ trong bộ máy Đảng và Nhà nước không vượt qua được cám dỗ của quyền lực và tiền bạc đã gục ngã, trở thành những con sâu mọt, những “tổ kiến hổng đục toang đê vỡ”.

Bên cạnh việc phản ánh thực tế tai hại của nạn tham nhũng, tác giả cũng phân tích, củng cố lòng tin đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”. Những kẻ rắp tâm gây ra vụ án oan "Trang trại đồng Cạn" cũng khó thoát, sẽ đến lúc pháp luật rờ tới làm sáng tỏ, bảo đảm thượng tôn pháp luật, công bằng xã hội. Những kẻ này đang bị quả báo nghiệt ngã. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ ra rằng: Chỉ có đấu tranh không ngừng nghỉ, không lơ là bất cứ lúc nào, luôn kiên quyết thì mới mong giành được thắng lợi.  Mặt khác vẫn phải kiên trì từng bước giáo dục cán bộ, đảng viên để họ nhận rõ  bản thân họ cần phải cảnh giác với chính mình. Một khi mà người đảng viên, người các bộ vượt qua được sự cám dỗ, nhận rõ nguy cơ con đường tham nhũng ngay trước mắt thì kiên quyết không bước vào. Còn nếu bản thân nể nang, “tặc lưỡi” thì sẽ bị nhấn chìm và lĩnh hậu quả. Việc giáo dục đảng viên có chức có quyền trong “Cây thay lá” và nguyên tắc những điều đảng viên không được làm đã được tác giả đề cao trong tác phẩm. Bằng những tư liệu thực tế, tác giả trong tác phẩm của mình đã điển hình hóa những nhân vật cụ thể, đã chỉ ra rằng họ (những nhân vật xuất hiện từ đầu cuộc đấu tranh chống tham nhũng) đã làm những gì mà vướng vào vòng lao lý; họ đã gieo nhân và nhận hậu quả thế nào trong cuộc đấu tranh này? Không chỉ là những quan chức cấp dưới mà cả nhiều những quan chức cấp tỉnh, có những vị cấp cao nhất của tỉnh đã bị đào thải sau nhiều năm nắm giữ chức quyền. Đó là những Trương Tồn, Trần Bố, Phạm Vấn, Ngọc Hồn, Thạch Phí, Thùy Lê, Tiền Nổ, Lý Tơ, Phụng Tiên.v.v… Từ những quan chức mới chập chững có cơ hội nắm quyền lực và cả những quan chức kỳ cựu đang say sưa với ánh hào quang chiến thắng, được Đảng mến dân tin… vì lợi ích của riêng cá nhân mình, họ đã quên đi danh dự, quên sự hy sinh xương máu của đồng đội vừa mới đây thôi để bỗng chốc bước vào tham nhũng hối lộ lúc nào không hay!

Phải nói rằng khi đọc đến đây, bản thân tôi càng thấy giá trị của khối tư liệu rất phong phú và chất lượng mà tác giả dành để viết nên “Cây thay lá”. Đó là khối tư liệu, là những điều tra thực tế, những bản tin hàng ngày diễn ra trong xã hội Việt Nam đương thời. Tất cả đã tạo nên sức thu hút độc giả khi đọc “Cây thay lá”. Vì vậy mà khi tác phẩm vừa mới ra đời đã kéo về phía mình nhiều bạn đọc bởi lẽ họ thấy chính nhân vật trong câu chuyện không phải do hư cấu mà là những con người bằng xương bằng thịt ở quê hương họ, đã và đang sống cùng với họ. Hình ảnh các nhân vật rõ ràng như một tấm gương trước mắt khiến người đọc nhận được chân giá trị bài học của họ từ những việc làm của nhân vật.

Mục tiêu của Đảng ta là xây dựng đất nước ta giầu mạnh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no hạnh phúc, được thụ hưởng giá trị của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vì thế Đảng ta đã dầy công kiên trì trong đấu tranh chống “giặc nội xâm” gian khổ, lâu dài và to lớn này. Cuộc đấu tranh mà không phải phân biệt bằng hai chiến tuyến rõ ràng ta và địch, mà là phân định bằng hai xu thế trong chính bản thân một con người, một tổ chức, một xã hội: Xu thế cản trở, kéo lùi xã hội, kéo lùi lịch sử và xu thế tăng cường động lực để xã hội phát triển. Nó không có tiếng súng nhưng sự hy sinh mất mát của nó không kém gì máu đổ, xương rơi ngoài chiến trường. Cuộc đấu tranh này hiện tại vẫn đang tiếp diễn, nhưng những gì mà nó đưa lại cho đất nước và nhân dân trong mấy chục năm qua theo phản ánh của “Tơ vò” và “Cây thay lá” thật sự lớn lao.  Điều ấy chỉ ra rằng mục tiêu mà Đảng ta luôn hướng tới trong cuộc đấu tranh này sẽ là một thành công tất yếu, không thể nghi ngờ.

Cuối cùng chúng tôi nghĩ rằng thành công của “Tơ vò” và nay là “Cây thay lá” chính là sự kết hợp tài tình của tác giả có trong mình ba con người năng động: Một nhà nghiên cứu lịch sử, một phóng viên chiến trường và một nhà văn đã khéo léo sâu chuỗi sự kiện, dự báo khá chuẩn xác trong tác phẩm về quy luật nhân quả và số phận những quan tham “không vượt qua được chính mình” sẽ bị gục ngã. Bởi thế “Cây thay lá” vừa có hơi thở nóng hổi của thời đại trên những tư liệu lịch sử chân thực, vừa có chọn lọc tinh tế những mảng mầu đặc sắc của xã hội đương đại lại vừa có bút pháp uyển chuyển, văn phong phóng khoáng, dễ đọc, dễ nghe của một nhà văn. Chính vì vậy “Cây thay lá” chiếm được cảm tình của lớp bạn đọc hiện nay với một tầm dân trí đã được nâng cao. Bạn đọc đã được lắng nghe từng nhịp thở của “Tơ vò” và “Cây thay lá”, trong đó có nhịp thở của tác giả và từng dõi theo những bước thăng trầm của đất nước chúng ta trong cuộc đấu tranh chống “giăc nội xâm”, trong đó có những bước chân tác giả.

Cám ơn tác giả vì hai cuốn tiểu thuyết còn nóng hổi tính thời sự và còn thơm mùi mực. Chúc tác giả sức khỏe và tiếp tục những thành công mới trong sự nghiệp của mình.

Hà Nội, ngày 2 tháng 9 năm 2024

  N.T.Q                                                                                 

TS. Nguyễn Thị Quế

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/doc-tieu-thuyet-cay-thay-la-cua-nha-bao-vu-xuan-ban-voi-but-danh-quan-yen-a14174.html