Kỳ 20.
-Đa tạ sư phụ, ta cũng chưa biết đi về đâu. Nghe nói ở Tây Châu có Phạm Thị Tâm đang dựng cờ chiêu mộ anh hùng hào kiệt đánh Tô Định, ta định về đó đầu quân.
Ni cô hỏi:
-Thí chủ có biết võ nghệ không?
-Dạ, ta biết, khi cưỡi ngựa phá vây ra khỏi nhà ta đã giết vài chục tên lính của Tô Định, vài trăm tên khác bị thương.
Ni cô nói:
-Tốt quá, sư trụ trì chùa Tiên La đang định đi mời võ sư về dạy võ nghệ cho các sư để bảo vệ chùa đề phòng bọn Tô Định tới cướp phá, thời buổi loạn lạc quá, không biết võ không được. Thí chủ chờ ta lên hỏi sư phụ, nếu được thí chủ ở lại chùa Tiên La này giúp chúng ta.
-Đa tạ sư phụ, được vậy thì tốt.
Ni cô đi một lát rồi về, theo sau là một nhà sư mặc áo vàng, cổ đeo tràng hạt khoảng 70 tuổi chống thiền trượng đến. Nàng Thục vội đứng dậy chắp tay cúi đầu:
-Thảo dân xin chào sư phụ.
Sư phụ cúi đầu chắp tay:
-Nam mô a di đà Phật, thí chủ ngồi đi.
-Đa tạ sư phụ.
Sau một tuần nước, sư phụ nói:
-Bần tăng là sư trụ trì ở chùa Tiên La này. Pháp danh là Tọa Đăng. Nay nghe ni cô nói về hoàn cảnh của thí chủ, chùa của bần tăng cũng đang cần một võ sư dạy võ cho một chục sư trẻ trong chùa để bảo vệ chùa, để phòng bọn giặc Hán đến xâm phạm. Nghe nói thí chủ có võ nghệ cao cường, có thể ở lại chùa giúp bần tăng được không?
Thục Nương cúi đầu chắp tay:
-Nam mô a di đà Phật, đa tạ sư phụ đã tin cậy. Thảo dân xin ở lại.
Sư Tọa Đăng vui mừng:
-Thế thì tốt quá. Ngày mai xin thí chủ ra võ đường tiếp nhận học trò.
-Đa tạ sư phụ.
Từ đó trên bãi rộng sau chùa, hàng ngày nàng Thục dạy kiếm thuật cho khoảng 10 sư trẻ. Sau đó tiếng lành đồn xa, trai tráng một vùng từ Bố Hải Khẩu[1] đến khắp Giao Chỉ, Cửu Chân kéo về học. 2 năm sau võ sinh đã lên 2.000 người. Nàng Thục liền thành lập trang viên Tiên La, trang viên lên đến hàng nghìn cư dân, sản xuất lương thực, rèn vũ khí, chăn tằm dệt vải, chăn nuôi ngựa, trâu bò lợn gà vịt, họp chợ, đóng thuyền đánh cá. Một hôm nàng Thục nói với các võ sinh:
-Thằng Tô Định nghe nói trang viên ta phát đạt, giàu có nhất định sẽ cho quân xuống cướp bóc. Ta tuyên bố thành lập nghĩa binh để bảo vệ trang viên. Đàn ông từ 18 đến 50 tuổi phải vào nghĩa binh, ngày ngày rèn luyện võ nghệ, cưỡi ngựa bắn cung để bảo vệ trang viên. Hàng ngày ba hồi trống bình thường là tập trung luyện tập, trống thúc ngũ liên là giặc đến, trang viên nguy cấp phải tập trung ngay để chống giặc, ai trái lệnh bị phạt, ai liên kết với giặc làm phản chém cả nhà. Ta sẽ dựng một lá cờ vàng vì “Đại nghĩa". Huynh đệ thấy thế nào?
Toàn bãi tập hàng nghìn người hô vang:
-Tuân lệnh chủ tướng.
Một hôm Thục Nương đang ngồi trong hành dinh thì có lính vào báo:
-Dạ bẩm sư phụ, có một nữ kiếm khách muốn xin vào gặp.
-Cho vào ngay.
-Dạ.
Nữ kiếm khách mặt hoa da phấn xinh đẹp bước vào chắp tay cúi đầu:
-Xin chào võ sư, muội là Cao Thị Liên muốn đến dưới cờ của sư phụ để được đánh giặc vì đại nghĩa.
Thục Nương chào và nói:
-Mời muội ngồi, người đâu.
-Dạ.
-Rót nước và nấu hai suất cơm rượu lên đây.
-Dạ.
Sau tuần nước Thục Nương hỏi:
-Muội quê ở đâu?
-Dạ, muội tên là Cao Thị Liên, quê ở quận Cửu Chân.
-Đa tạ muội đã về với đại nghĩa giết giặc. Nay muội là phó tướng và là võ sư, hàng ngày thay ta luyện kiếm pháp, võ nghệ bắn cung cưỡi ngựa cho nghĩa binh, 2.000 nghĩa binh một mình ta không làm hết.
-Đa tạ chủ tướng.
Tháng sau, khi Thục Nương đang ngồi trong hành dinh thì lính do thám về báo:
-Dạ bẩm chủ tướng, 2 vạn quân Hán do tướng Mã Giang Long chỉ huy đang tiến về Tiên La để tiêu diệt chúng ta.
Thục Nương bảo Cao Thị Liên:
-Muội cho thúc trống tập hợp nghĩa binh nhanh.
-Dạ. Tuân lệnh chủ tướng.
Lại nói Mã Giang Long, Tổ Hoài Đức kéo 2 vạn quân về Tiên La, người ngựa thành một hàng dài trên con đường nhỏ hẹp, đầy cây cối rậm rạp như rừng trên hai bờ sông Tiên Hưng. Gần đến cầu Tiên La thì quân tiên phong về báo:
-Dạ bẩm Tướng quân, cầu Tiên La để tiến vào Sơn Trang của nghĩa quân đã bị phá hỏng.
Mã Giang Long ra lệnh:
-Hả, nhanh chóng bắc cầu mới để tấn công.
-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.
Trong khi chờ làm cầu, đội hình quân Hán dừng lại nên dồn ứ lại. Thốt nhiên từ bờ sông những con thuyền nhỏ lướt nhanh và bắn hàng nghìn mũi tên nỏ vào quân Hán. Bên đường trong các bụi rậm cũng hàng nghìn mũi tên phóng ra, hàng nghìn quân Hán gục chết máu đầm đìa. Bị đánh bất ngờ, thế trận quân Hán tan vỡ hốt hoảng, phía hậu quân bỏ chạy về hướng bắc rồi tất cả cùng tháo chạy. Nghĩa quân trong bờ rậm đổ ra truy kích băm giặc như chém chuối. Mã Giang Long, Tổ Hoài Đức thoát khỏi trận địa mai phục. Điểm lại quân số, 1 vạn quân Hán bỏ mạng tại Tiên La. Hai tướng dẫn bại quân thất thểu về Luy Lâu.
Sau trận chiến thắng đó, Thục Nương cho nghĩa binh ăn mừng và viết lại trên lá cờ vàng dòng chữ: “Bát Nạn tướng quân”[2]. Xuân canh Tý năm 40, nhận lời mời của Nữ chúa Trưng Trắc, Thục Nương liền tập hợp nghĩa binh và nói:
-Nay ta nhận lời mời của nữ chúa Trưng Trắc, đem đại quân về Mê Linh chuẩn bị đại phá Luy Lâu bắt thằng Tô Định. Nay ta giao cho nữ Phó tướng Cao Thị Liên 1.000 quân bảo vệ Sơn Trang Tiên La, còn đại binh kéo về Mê Linh.
Toàn quân hô vang:
-Tuân lệnh Bát Nạn tướng quân.
-Xuất phát.
Thục Nương cưỡi ngựa nâu đi đầu, dưới lá cờ vàng “Bát Nạn tướng quân” bay phấp phới, 2.000 nghĩa binh theo sau. Bách tính sơn trang Tiên La ra tiễn những đứa con của mình đi về hướng tây đầy gió bụi. Họ hiểu những người con của họ đang bước vào một cuộc trường chinh mới diệt thù cứu nước, như chữ được ghi trên cờ đang phấp phới tung bay.
*
* *
Một sáng mùa hè, làng Vũ Ẻn, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) uốn quanh soi mình xuống dòng sông Thao. Sông Thao in bóng trời xanh, cây lá mải mê đưa nước về xuôi, vài con thuyền xuôi ngược như những con cá khổng lồ bơi trên mặt nước. Cách không xa bờ sông một ngôi nhà xây bằng gạch lợp ngói ba gian. Vuông góc với ngôi nhà chính là ngôi nhà bếp bé hơn cũng lợp bằng ngói. Một cái sân vuông vức nối nhà chính với nhà bếp. Chung quanh sân những cây cau lâu năm cao vút lên không trung, lá xum xuê đung đưa theo gió. Hoa cau trên buồng đang nở đưa hương thơm ngát. Trong gian bên của căn nhà, một người con gái xinh đẹp đang ngồi đăm chiêu. Đó là nàng Đinh Thị Nguyệt, sau này đổi là Đinh Phật Nguyệt. Cha nàng là ông Đinh Văn Bôn, mẹ là bà Phi Thị Vang. Cha nàng là thầy thuốc nổi tiếng vì chữa bệnh và nhân đức cứu người nghèo. Đến tuổi đi học nàng Nguyệt được cha cho đi học võ. Nàng đam mê cung kiếm, ngoài ra còn được cha đem vào nhà chùa để học Kinh dịch, Phật học, Thiên văn địa lý, Binh pháp. Nhưng năm 15 tuổi cả cha và mẹ nàng từ trần. Hai ông bà bỏ nàng đi sớm vì mãi khi thân phụ mẫu cao tuổi mới sinh ra Phật Nguyệt. Trong lòng nàng theo năm tháng nhớ thương cha, mẹ không nguôi. Hàng ngày nàng chứng kiến tội ác của giặc Hán gieo xuống cho dân lành không ngớt. Lớn lên khi đã thành thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, nàng càng căm thù giặc. Phật Nguyệt nung nấu một ý định khởi binh đánh giặc. Một hôm nàng nói ông cậu là Phi Bảo Hoàn:
-Cháu muốn kết giao và chiêu mộ các anh hùng hào kiệt trong thiên hạ để đánh giặc. Cậu có quen ai thì dắt về cho cháu nha.
(Còn nữa)
CVL
[1] . Nay là tỉnh Thái Bình.
[2] . Nghĩa là Tướng quân cứu nạn.
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-20-a14904.html