Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần VII)

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

NGÀY 2/6/1971
Về tới ban Tuyên huấn. Nơi đây cũng là rừng núi, hang lèn.
Cửa khầu kẹt nên cuộc sống khô khan. Gạo ít, phải ăn tiết kiệm, ghế thêm sắn. Tuy nhiên, so với Khu vẫn tươi hơn nhiều vì có mắm cái, đậu phộng và một lon rưỡi gạo một ngày.

b-1658192541.jpg
Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần VII)

TỪ NGÀY 14/6/1971
Phải dọn nhà sang ở chung với ban Binh vận. Dăng tăng ở tạm. Trời lại đổ mưa sầm sập. Mối bay ra dầy đặc, bu khắp người, rất khó chịu. Chật chội, ướt át.
Chúng tôi dự hội nghị do Tỉnh uỷ tổ chức về triển khai công tác nổi dậy. Tinh thần chung là phải bám sát dân, phát động phong trào nổi dậy, kết hợp với tấn công vũ trang, mở rộng vùng giải phóng. Dự hội nghị có cán bộ các xã trong tỉnh, hầu hết còn rất trẻ. Các anh ở ban Tuyên huấn nói với tôi rằng cuộc chiến đấu dưới đồng bằng rất khốc liệt, cán bộ hy sinh liên tục, do đó hiếm có cán bộ lớn tuổi. Nhiều khi, qua một kỳ hội nghị, đến hội nghị sau, đã gặp tới gần một nửa là cán bộ mới. Số bị thay, hầu hết đã hy sinh, chỉ rất ít được rút lên tỉnh và hoạ hoằn mới có kẻ phản bội.
Anh Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, hướng dẫn thảo luận: Phải đứng trên vị trí của người cách mạng triệt để mà đánh giá tình hình địch - ta. Phải có quan điểm thực tiễn. Không nhìn chung chung mà phải nhìn rất cụ thể: âm mưu, thủ đoạn, lực lượng địch. Là cán bộ ở cơ sở, càng phải thấy rõ chỗ nào địch mạnh, yếu? Đánh giá quần chúng cũng vậy, không thể chung chung, vơ đũa cả nắm.
Anh Toàn gợi ý mấy điểm để hội nghị chú ý về cách đánh giá địch - ta như sau: Hiện còn lúng túng về đánh giá chỗ mạnh, chỗ yếu của địch. Nói chung, nhìn chung thì thấy địch yếu, nhưng nhìn ở xã mình lại thấy địch mạnh. Địch yếu, nhưng quá tàn bạo, do vậy, khó đưa quần chúng lên hành động.
Các đại biểu dự hội nghị phát biểu rất sôi nổi. Tôi ghi lại mấy ý kiến như sau:
- Đồng chí Tiến, xã Mỹ Lợi huyện Phù Mỹ: Địch ở địa phương tôi nhiều, có mạnh, nhưng chỉ mạnh khi ta không đánh. Khi ta đánh, chúng rất hoang mang, bỏ chạy. Du kích ít, đánh nhỏ, nhưng địch cũng hoảng sợ. Do đó kết luận địch rất yếu.
- Đồng chí Bình, xã Cát Khánh huyện Phù Cát: Địch yếu rõ ràng. Cụ thể ở Tường Lâm: địch đông, nhưng yếu cả về tư tưởng và tổ chức, nội bộ mâu thuẫn, thua quần chúng, ta nổ súng là bỏ chạy. Sở dĩ chúng còn vênh vang, kích bác vì ta hoạt động yếu. Có bữa chỉ có 2 người đánh vài quả lựu đạn mà địch cũng chạy, nhưng sau đó lại không có ai đánh chúng nữa.
- Đồng chí Hương, huyện Tuy Phước: Nhìn về hiện tượng, thấy địch đông, bên trong cài cấy gián điệp, thủ đoạn thâm hiểm, gây cho ta những khó khăn nhất định. Nhưng đó chỉ là tạm thời. Qua hoạt động của ta, lộ ra những mặt yếu của địch - yếu về tinh thần, mâu thuẫn nội bộ, không tin nhau. Trong số địch, phần lớn là tiêu cực, lưng chừng, ít tên ngoan cố - bọn này bị cô lập. Cũng phải thấy mặt mạnh của địch, qua đó mà cảnh giác.
- Đồng chí Vui, huyện An Nhơn: Hiện nay Bảo An là bọn dã man tàn bạo nhất. Chúng chỉ đánh đập chứ không xét hỏi quần chúng. Địch cũng rất nham hiểm, dùng chiến tranh tâm lý, dùng điệp ngầm phá hoại ta. Từ chỗ có 26 trung đội Dân vệ, nay chúng đã có 67 trung đội - chúng đã thực hiện được âm mưu đôn quân, bắt lính. Địch dự định đến cuối năm 1970 bình định xong An Nhơn, và đã tiến hành bình định Nhơn Mỹ đầu tiên, nhưng đến nay vẫn không thực hiện được. Chúng phải giải tán toàn bộ mười một đoàn Bình định, tăng cường lực lượng cảnh sát, chứng tỏ chúng không còn lừa mị được dân nữa. Đã đến lúc quần chúng nổi dậy. Bọn ác ôn chạy dạt, cả tháng không dám về, do vậy thế kìm kẹp của địch bị lỏng. Bọn Bảo an tuy còn hung hăng, tàn bạo, nhưng không dám bung ra như trước. Tuy vậy, số tàn bạo rất ít, phần đông là lừng chừng. Ví dụ ở Nhơn Hậu có 7 trung đội Bảo an nhưng không hoạt dộng gì.
- Đồng chí Thành, huyện Phù Mỹ: Địch còn mạnh: quân số còn đông, phương tiện chiến tranh còn khá (còn nguyên 45 trung đội Dân vệ, tăng thêm 3 trung đội thanh niên chiến đấu thành 28 trung đội). Địch yếu về tư tưởng, tổ chức, giữa trên và dưới mâu thuẫn, khi bị đánh thì mạnh trên trên chạy, mạnh dưới dưới chạy. Dân vệ, Phòng vệ dân sự tổ chức lỏng lẻo, bất tuân lệnh. Mạnh là tạm thời, yếu là cơ bản. Ví dụ: mới đây chỉ có 6 du kích, chia làm 3 tổ đánh cũng làm cho một tiểu đoàn cùng 24 tên Thám báo phải chạy tán lọan.
- Đồng chí Lam, huyện Phù Cát: Địch đông, nhưng bị phân hóa, nhiều người bị ép buộc, đa số là nông dân. Địch gian ác, nham hiểm, luôn tìm chỗ yếu của ta mà đánh phá. Tuy vậy, chúng rất sợ bạo lực quần chúng.
Tổng kết hội nghị, anh Toàn nêu những vấn đề cơ bản như sau:
Thấy rõ âm mưu địch vô cùng xảo quyệt. Lực lượng kìm kẹp nhân dân chủ yếu là ác ôn trong ngụy quân, ngụy quyền. Địch còn mạnh về vũ khí, quân số, thủ đoạn tàn bạo, nham hiểm, nhưng đã lộ rõ nhiều mặt yếu cơ bản: ô hợp, không được lòng dân, yếu về chính trị, bị cô lập.
Chúng ta chưa sát, chưa hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; đánh giá quần chúng gia đình cách mạng không đúng, có lúc nghi ngờ, thậm chí có nơi vi phạm chính sách đối với gia đình cách mạng.
Đã nhận thức rõ hơn về quần chúng: Địch bắt lính nhiều, do đó gia đình bính sĩ ngụy rất đông. Số gia đình đó khổ vì địch, ôm mối hận thù với địch, nhiều gia đình muốn tham gia cách mạng. Nếu vận động quần chúng nổi dậy mà không đi vào những gia đình binh sĩ ngụy thì không được. Do vậy, phải chú ý cả những gia đình binh sĩ ngụy. Mặt tích cực của quần chúng là cơ bản: Luôn luôn đối lập vơí kẻ thù. Căm thù địch sâu sắc. Ngay ở trong vùng địch kẹp, sự lãnh đạo của ta ít, quần chúng vẫn nổi dậy phá đồn bốt, đánh Mỹ. Quan hệ giữa quần chúng với Đảng rất gắn bó, quần chúng luôn luôn tin Đảng. Bất cứ người cách mạng nào cũng phải hiểu quần chúng, tin quần chúng, gắn bó với quần chúng, nếu tách rời quần chúng sẽ chết khô như cây mất rễ. Khả năng bạo lực vũ trang của quần chúng sắp đến còn mạnh hơn nhiều hiện nay.
Trên cơ sở nhận thức mới, đã tin hơn ở khả năng diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ, tin hơn ở bạo lực của quần chúng.
Anh Toàn nhấn mạnh về hướng chỉ đạo sắp tới của Tỉnh ủy: Phải theo dõi sát địch, hiểu rõ địch để đánh địch. Quá trình đánh bại âm mưu bình định nông thôn của địch là quá trình tấn công liên tục và toàn diện. Phải kết hợp giữa thường xuyên tấn công và các cao điểm tấn công. Tấn công toàn diện, cả chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - tư tưởng. Tấn công và chống phản kích phải gắn chặt với nhau. Cách tấn công tốt nhất, quyết định thắng lợi, là dùng bạo lực của quần chúng. Tất nhiên phải kết hợp tốt lực lượng quân sự - đó là yếu tố quan trọng. Phải kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, tấn công bằng 3 mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận), chống mọi biểu hiện ỷ lại quân sự đơn thuần. Tấn công gắn liền với làm rã ác ôn ngụy quân ngụy quyền, do vậy phải đẩy mạnh công tác binh vận, không những vận động binh sĩ địch, mà phải vận động cả vào hàng ngũ ngụy quyền. Tấn công phải nhằm đúng đối tượng, vì sức ta không thể làm tràn lan được. Ví dụ: tập trung diệt ác ôn đầu sỏ - quan trọng nhất là chất lượng từng tên địch bị ta diệt. Tấn công vào những mục tiêu mà quần chúng bức xúc nhất, như bắt lính, dồn dân. Phải trụ bám, xây dựng lực lượng, làm công tác tư tưởng. Một cơ sở đưọc coi là đã làm chủ phải đạt 5 tiêu chuẩn: Lực lượng địch tan rã. Quần chúng được phát động. Quần chúng có thực lực 3 mũi giáp công. Quần chúng chịu sự chỉ đạo của Đảng. Động viên được nhân tài vật lực.
Anh Toàn khái quát 5 vấn đề cơ bản là: Trụ bám. Phát động quần chúng. Xây dựng thực lực. Ba mũi giáp công. Tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo. 4 mục tiêu là: Diệt ác, giành quyền làm chủ tại chỗ, nhanh chóng xây dựng lực lượng. Nắm vững thời cơ, nổi dậy thường xuyên, trọng điểm, bức chốt nhổ đồn, đưa dân về, tạo cơ sở sản xuất. Nổi dậy liên mảng. Chống phản kích.
Tranh thủ những lúc nghỉ của hội nghị, tôi gặp gỡ các đồng chí cán bộ xã, hỏi và ghi chép được khá nhiều chuyện về tấn công, nổi dậy, những gương diệt ác, phá kìm... Tôi rất quan tâm đến việc đánh giá kẻ địch: Từ đầu tháng 5, chúng bắt đầu "Bình định mới" - vẫn bằng thủ đoạn tam giác chiến nhưng thâm độc hơn: Dùng phân đội nhỏ bung ra, có khi dùng máy bay tập kích bất ngờ vào vị trí của ta. Dùng cảnh sát (dã chiến và đặc biệt) làm xung kích trong bình định mới - mỗi xã có một phân chi cảnh sát 15 tên. Phát triển mạnh gián điệp trong quần chúng, qua đó phát hiện cơ sở cách mạng, khống chế, uy hiếp, giao nhiệm vụ, đánh vào hạ tầng cơ sở cách mạng, vô hiệu hóa cơ sở ta. Đôn quân bắt lính. Cơ động hóa lực lượng Bảo an. Có khi đôn thẳng từ Phòng vệ dân sự (như du kích của ta) lên Cộng hòa (như bộ đội chủ lực của ta). Động viên lính đi bắt thanh niên: đơn vị nào bắt được 10 - 15 thanh niên bổ sung vào lính thì không phải đi Tây nguyên. Bảo an đã trở thành lực lượng nòng cốt chủ yếu ở địa phương để thực hiện bình định mới. Quân số bọn Bảo an đầy đủ hơn, sung sức hơn, tinh thần khá hơn bọn Cộng hòa, Dân vệ. Chặn hành lang, cửa khẩu của ta. Rải chất độc tàn phá mùa màng ở vùng núi. Tăng cường vơ vét, cướp bóc ở nông thôn. Tăng thuế ở thành thị...
Tôi tự nhủ phải khai thác được tài liệu để viết tin, bài chống lại những thủ đoạn trên đây của địch.
Chia tay các đồng chí, hẹn gặp nhau ở đồng bằng.
Tôi tranh thủ thời gian viết bài về anh hùng Bùi Đức Sơn và nhờ Thiện - tổ trưởng tổ điện đài của Ban Tuyên huấn tỉnh - chuyển về Khu:

NHỮNG TRẬN CHIẾN ĐẤU XUẤT SẮC CỦA ANH HÙNG BÙI ĐỨC SƠN
Trung đội trưởng Minh dẫn về trung đội 1 một thanh niên gày gò. Anh em xúm lại thăm hỏi:
- Sao, tân binh hả?
- Về làm liên lạc được chứ?
- Này, đừng tưởng nhé, một tay chiến đấu cừ đấy. Cứ nhìn đôi mắt sáng, nhìn cái dáng lanh lợi của cậu ta mà xem!
Nói vậy, nhưng thấy Sơn nhỏ yếu quá, anh em trong trung đội chẳng để Sơn làm việc gì cả. Còn Sơn, cậu ta cũng không chịu ngồi yên, Sơn xin về đơn vị chủ lực này có phải là để được chiều chuộng đâu? Mơ ước được tham gia những trận đánh lớn, diệt thật nhiều địch cứ cháy bỏng trong lòng người thanh niên 18 tuổi ấy. Sơn mò mẫm xem từ khẩu CKC đến quả lựu đạn chày. Vũ khí của tụi địch, Sơn không lạ gì, vì hồi ở du kích, Sơn đã dùng hoài rồi. Nhưng vũ khí của ta thì Sơn chưa quen. Sơn nằn nì anh em chỉ cho cách lên đạn, chỉnh súng, liệng lựu đạn chày... Trưa nào Sơn cũng cắm cúi tháo, lắp, ngắm, chỉnh.
Sau khi Sơn về được 3 ngày thì đơn vị bước vào trận chiến đấu quyết liệt với bọn không vận Mỹ. Hôm ấy, mới sớm tinh mơ, địch đã cho máy bay lên bắn phá vùng chợ Cát. Đơn vị đã sẵn sàng ở công sự chờ chúng. Xin mãi, Sơn mới được anh Minh giao cho khẩu CKC và mấy quả lựu đạn. Nhưng anh dặn dò rất cẩn thận.
- Cứ theo sát anh, chú Sơn nhé!
- Dạ! - Sơn ngoan ngoãn trả lời và ngước mắt nhìn lên bầu trời xanh lồng lộng. Trên đó, giờ đây không chỉ có mây trắng và nắng vàng, mà còn có những cái bóng đen ngòm của bầy trực thăng Mỹ. Chúng xà xuống rất thấp. Dải đất cát mịn mà trắng xoá bỗng cuộn thốc lên. Không gian chìm ngập trong bụi cát vàng khè, khói bom đạn đen đặc. Những cây dừa, phi lao oằn mình sát đất, quằn quại, ngả nghiêng. Sơn dướn người khỏi công sự, nhìn chằm chằm vào trảng cát, mắt không chớp. Hàng chục chiếc máy bay đang sà xuống, chong chóng xoay tít. Bỗng có cái tụt hẫng xuống, có cái đột ngột vọt lên cao. Những thằng Mỹ vừa rời khỏi máy bay cụm lại, bò xoài trên cát. Cối và đại liên của ta bố trí từ xa nã đạn tới tấp vào giữa đội hình chúng.
- Xuất kích! Xung phong!
Sơn bật dậy, phốc khỏi công sự, lao đi trong tiếng hò reo của dồng đội. Thấy một thằng Mỹ đang thu mình giữa đám cát bụi, Sơn thốc tới như một cơn lốc.
- Đoàng! Khẩu CKC nổ đanh gọn. Thằng Mỹ dẫy dẫy. Sơn nhào tới, đâm ngập lưỡi lê vào cái lồng ngực đỏ ối của nó rồi nhanh chóng rút ra, vọt đuổi theo những thằng Mỹ khác, nện từng phát đạn chắc chắn...
Đơn vị tạm rút về công sự. Lũ máy bay địch bị đánh bất ngờ, vọt cả lên, bỏ lại xác đồng bọn ngổn ngang trên trảng cát. Anh Minh vỗ vai Sơn:
- Chú đánh khá lắm!
Sơn gật gật đầu, song lại cắn cắn môi, mắt chăm chăm nhìn ra trảng cát. Nghĩ lại "hiệp" vừa rồi, Sơn bực quá: "Anh em có AK, chắc quạt được nhiều địch lắm. Mình bắn CKC đì đọp, diệt chưa đủ chục thằng, ít quá!"
- Xung phong!
Sơn lại lao như bay về phía trảng cát. Trước mắt Sơn chỉ thấy một màu vàng lẫn màu xám đen và lồ lộ thân hình to lớn của một chiếc bay lên thẳng đang hạ xuống. Nó xuống dần, xuống dần, sắp sát đất rồi. Cánh cửa giữa thân nó mở trống hốc, nhốn nháo những thằng lính. Sơn lao thẳng tới trước cửa chiếc máy bay, vung tay.
- Ầm! Một tia chớp loé lên giữa đám khói mù mịt, kèm theo một tiếng nổ dữ dội. Tiếng nổ lại làm bùng lên một ngọn lửa hừng hực phủ kín cả chiếc máy bay. Sơn thoáng cười, rồi lại xách súng lao lên, tìm diệt những tên khác...

Cuộc chiến đấu sôi nổi cứ cuốn hút Sơn đi. Bước chân người chiến sĩ Giải phóng đã đi qua biết bao làng xóm của miền Trung rực lửa, tìm diệt quân thù. Hôm nay, Sơn lại cùng đồng đội trở về chiến đấu ngay trên đất Bình Định, quê hương anh.
Một buổi chiều êm ả, Sơn, Hoài ra Đá Bàn ngồi nhìn về phía đồng bằng. Hoài người cùng huyện Hoài Nhơn với Sơn. Hai anh em thân nhau như hình với bóng. Sơn, Hoài ngồi kề bên nhau, đau đáu nhìn về quê hương. Làng Phụng Du thân thương của Sơn đó. Ngày xưa, nơi đây rợp bóng dừa, nhìn từ xa đến chỉ thấy bao la bát ngát một mầu xanh hiền hoà. Màu xanh của ruộng vườn nối liền với màu xanh của biển cả trải rộng tới tận chân trời. Sơn nắm chặt tay Hoài, lòng quặn đau. Màu xanh ấy giờ đây đâu còn nguyên vẹn nữa. Khắp nơi chi chít những vết bom đạn đỏ lói. Nhiều cây dừa, phi lao cụt ngọn chọc thẳng lên trời xanh cái thân hình tơi tả, gầy guộc. Ngay trên nền làng cũ của anh, đất bị cày ủi tung lên, đỏ quạch. Một cái sở Mỹ lố lăng nằm nghễu nghện ngay trên khu nhà cũ của Sơn, nhức nhối giữa mắt Sơn như một cái gai, quanh đó là đồn bốt, lô cốt, rào vi. Sơn chỉ về phía gò Ú nói với Hoài:
- Nhà tao chỉ cách đó 500 mét thôi mi ạ. Không biết giờ đây bà già ra sao. Ông già bị tụi hắn bắt đầy ra Côn Đảo cũng biệt tích...
Hoài nhìn Sơn thân thiết:
- Nhớ nhà lắm ne? Tao cũng nhớ quá mi ơi! Trận này hai thằng phải đánh cho ngon nhen.
Sơn thấy có bàn tay ai đặt nhẹ lên vai. Quay lại đã thấy đại đội trưởng Siêu, chính trị viên Hợp đứng đó từ lúc nào. Hai anh ngồi xuống, bá vai Hoài và Sơn.
- Sao, hai đứa sắp được đánh địch ngay trên quê hương, có vui không?
- Dạ, vui lắm anh!
- Bọn ta giao ước nhé: chuyến này đánh tan gò Ú, giải phóng xã thằng Sơn, xong sẽ giải phóng luôn xã thằng Hoài, được chứ?
Giọng nói sôi nổi của hai anh làm Hoài và Sơn mới thoáng buồn vì chạnh nhớ quê hương, bỗng vui lên. Bốn bàn tay siết chặt, bốn đôi mắt nhìn thẳng vào nhau, sáng lên: chúng ta sẽ chiến đấu quét sạch quân giặc, giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam.
... Hôm nay đã là ngày 8 tháng 1 rồi. Mùa xuân mới lại đến. Mùa Xuân gợi nhớ những ngày tổng tấn công sôi nổi. Đêm nay, đơn vị Sơn hành quân đi đánh vị trí gò Ú. Mưa xuân rắc nhẹ. Gió xuân mơn man da thịt những chiến sĩ Giải phóng. Đơn vị của Sơn đã đến vị trí tập kết và đang chuẩn bị tiếp cận vị trí địch. Sau những ngày trực tiếp đi điều tra, luồn vào tận chỉ huy sở địch, hôm nay với cương vị trung đội trưởng, Sơn xung phong làm mũi trưởng mũi chủ yếu. Những người chiến sĩ Giải phóng đang tiến sát vào tim kẻ thù. Sơn bò trước tiên. Anh dán mình trên đất quê hương, nhoài tới. Đất pha sỏi lởm chởm làm da thịt anh rớm máu. Nhưng những giọt mưa xuân thấm đượm trên mặt đất mát rượi lại làm Sơn thấy thật dễ chịu. Anh em vẫn tiến vào một cách êm nhẹ, nhanh chóng. Đã qua bốn lớp rào rồi. Trên trời, thỉnh thoảng lại bùng lên một phát pháo sáng. Đồn địch chợt hiện lên nhợt nhạt dưới ánh sáng vàng vọt. "Mũi" của Sơn dừng lại trước lớp rào thứ 5. Thằng lính gác đang đi tới, đi lui ngay trước cửa mở. Chiếc đèn pin của nó lia qua lia lại như mắt con thú dữ. Mũi súng AK của Sơn cũng rê đi rê lại theo bóng nó, sẵn sàng nhả đạn. Ánh đèn lại lướt tới, rọi giữa đội hình của anh em rồi phụt tắt. Thằng giặc chắc phát hiện ra quân ta, tắt đèn định bắn. Nhưng khẩu AK của Sơn đã nổ hai phát ròn tan. Thằng địch vừa ngã vật xuống. Sơn đã vọt qua lớp rào, đạp lên xác hắn, phốc vào khu trung tâm.
- Ầm! ầm! ầm!
Ba quả thủ pháo từ tay Sơn phóng vọt vào nhà chỉ huy và cụm điện đài, nổ vang. Bọn địch trong nhà đứa chết rụi, đứa bị thương kêu như bò rống. Hai tên giặc văng ra khỏi nhà, la chí choé. Sơn nhào tới nện cho mỗi đứa một báng súng, chúng câm lặng.
Sau phút bàng hoàng, chiếc lô cốt gần chỉ huy sở choàng dậy, khạc đạn ra phía cửa mở. Anh em bị cản lại trước làn đạn đỏ lừ, dày đặc. Sơn đang tung hoành giữa trung tâm, thoáng nhìn thấy làn đạn ác hiểm ấy, bèn vòng lại phía sau, xáp thẳng tới lô cốt, dộng cho nó một trái thủ pháo. Khẩu đại liên câm bặt. Bộ đội ta ào ào xông lên. Những tia chớp thủ pháo nhoáng lên khắp nơi, tiến sâu vào giữa căn cứ địch, kéo theo những tiếng nổ dữ dội, bùng lên những khối lửa khổng lồ, thiêu rụi quân địch. Sơn thét lớn:
- B40 lên ngay!
Thinh xách B40 tới. Sơn chỉ về phía một ngôi nhà lớn nằm sâu phía sau khu chỉ huy:
- Kho đạn đấy, cho nó một phát!
"Bình!"- Quả đạn lao vút lên, kéo theo một luồng lửa lớn, đâm sầm vào ngôi nhà, bung ra một chùm hoa cải rực rỡ. Kho đạn rùng mình, cháy phực lên, nổ loạn xạ.
Bọn địch trong các nhà, lô cốt bị đánh chết nằm la liệt. Những tên sống sót xô nhau nhảy xuống giao thông hào, chạy về phía hầm ngầm. Sơn cứ chạy dọc theo bờ hào, bắn những loạt AK khiến nhiều đứa ngã gục xuống, xác đè lên nhau.
15 phút trôi qua. Anh em đã đánh hết thủ pháo, lựu đạn. Bọn địch đã bị diệt gần hết, chỉ còn một cụm dưới hầm ngầm. Sơn ra lệnh cho anh em rút. Còn anh thì chạy đi kiếm vũ khí của bọn địch để diệt nốt chúng. Chạy tới cửa mở gặp Hợp, Sơn vội báo báo:
- Hiện giờ chỉ còn một cụm quân ở hầm ngầm. Đề nghị anh dẫn anh em ra, để tôi vào đánh luôn.
Hợp đưa thủ pháo, lựu đạn và chai cháy cho Sơn, hỏi:
- Có cần người phối hợp không?
- Báo cáo, chỉ còn một cụm địch, tôi diệt được.
Sơn trả lời rồi lao vụt đi. Một quả pháo sáng từ đồn bọn Mỹ tận xa hốt hoảng vụt lên, nổ bục, treo lơ lửng trên đầu Sơn. Bóng Sơn thấp thoáng giữa những ngôi nhà, lô cốt địch đổ nát, cháy rừng rực. Sơn lao tới phía hầm ngầm. Bọn địch đang chen lấn nhau ở phía miệng hầm. Anh nghiến răng, liệng vô đó một quả thủ pháo, một quả lựu đạn. Bọn địch đổ rạp xuống, rên la. Những tiếng kêu quái gở như của ma quỷ từ địa ngục phát lên vậy. Sơn thoáng nghĩ: "Không ăn thua, hầm sâu tới 7 mét, dài 100 mét, đứng trên đánh không được gọn. Phải chui xuống đánh". Không để bọn địch kịp rúc sâu vào trong, Sơn nhảy đại xuống. Thịch! Thịch! Một bậc. Hai bậc... Sơn lọt thỏm vào giữa cái miệng hầm đen ngòm. Lòng hầm tối om, chỉ nghe bọn địch rên rỉ, la hoảng dưới đó. Sơn khom người nắm chặt trái thủ pháo và chai cháy, liệng vô giữa chỗ ồn ào nhất rồi vọt lên.
- Ùng!
Tiếng nổ âm vang trong lòng đất. Một luồng lửa xanh phụt ra miệng hầm. Một luồng gió mạnh thốc lên. Sơn vừa nhoi lên khỏi mặt đất, chân còn thòng dưới miệng hầm, liền bị gió hất tung lên; sức mạnh ghê gớm của luồng gió làm Sơn văng ra xa 7, 8 mét, nằm sóng soài bên cột cờ đồn địch. Sơn chỉ thoáng nhìn thấy luồng lửa xanh ấy. Sau đó, một màn đen bịt bùng ập tới, bọc kín đầu óc anh.
... Gần sáng rồi. Mưa ướt đầm đìa cây cỏ. Những giọt nước lạnh ngắt đọng trên mặt làm Sơn choàng tỉnh. Anh mở mắt ra, thấy lửa vẫn rực cháy nơi kho đạn. Tai Sơn ù đặc. Mặt mũi rát bỏng. Cơ thể nhũn bấy như cua lột mai. Đồn địch vắng tanh vắng ngắt. Sơn trừng mắt nhìn kho đạn, rồi chực gục xuống. "Ráng lên! Ráng lên trở về với đội ngũ mà chiến đấu!". Có tiếng gọi nào vang vang lên vậy, nghe đâu sâu thẳm tận đáy lòng. Tiếng gọi của người chiến sĩ không bao giờ khuất phục trước khó khăn, lúc nào cũng tha thiết được cùng đội ngũ chiến đấu. Sơn chống tay dậy, bắt đầu bò đi. Lửa cháy rừng rực soi rõ phương hướng cho Sơn. Được 10 thước, Sơn lại xỉu xuống. Anh áp má trên mặt đất mát rượi. Mặt đất có những ngọn cỏ êm êm đã từng thấm máu cha ông, giờ lại thấm máu anh, truyền cho anh sức mạnh. Sơn nhỏm dậy, bò tới...
Khi trời mờ sáng thì Sơn ra khỏi căn cứ địch. Cách đó không xa có một xóm nhỏ nằm trong một vườn chuối. Sơn thầm nghĩ: "Bây giờ đi đâu? Xung quanh dày đặc đồn địch. Cứ vô xóm đó. Gặp dân là sẽ ổn cả". Anh ráng sức bò thật nhanh về phía xóm nhỏ.
Một ông già từ trong một ngôi nhà lụp sụp bước ra. Ông đứng lặng bên người chiến sĩ mình mẩy bỏng rộp, tóc cháy quăn queo. Sơn nhỏm dậy, nói hổn hển trong hơi thở đứt đoạn:
- Con là bộ đội Giải phóng đánh gò Ú hồi hôm...
Ông già nói một câu gì đó. Tai Sơn điếc đặc, không nghe được. Ông già cúi xuống, nhìn thẳng vào mắt Sơn, tay chỉ lên dãy núi phía xa xa. Ông ghé lưng vào, cõng Sơn dậy. Sơn nằm trên lưng ông, mê man. Anh mơ màng cảm thấy như mình đang đi trên một chiếc thuyền nhỏ giữa biển cả. Ông già lúc thì đi lom khom, lúc thì bò toài trên ruộng lúa, vạt tranh, đưa Sơn vượt qua mọi đồn bốt địch, tiến về dãy núi phía Tây.

Phong trào cách mạng trong tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiệm vụ diệt ác ôn hỗ trợ đồng bào nổi dậy phá kìm, giành quyền làm chủ càng cấp bách. Một hôm, trong khi đi liên hệ với địa phương để chuẩn bị đánh căn cứ gò Trạm, Sơn gặp đồng chí Bí thư Huyện uỷ. Đồng chí nói với Sơn:
- Vùng này có tên Hiếu, ác ôn khét tiếng. Hắn chuyên giả làm người buôn bò, heo, lân la tới các vùng để điều tra tình hình cơ sở ta, về tìm cách đánh phá. Hắn còn trực tiếp nhúng tay vào việc tra tấn tù binh. Hắn thường dùng một mảnh bom sắc quấn vào một sợi vải dài, quật lên khắp mình mẩy người tù cho toé máu ra. Hắn cũng quen lối lấy đinh đóng lên bàn tay người tù. Diệt được tên Hiếu sớm ngày nào, phong trào cách mạng ở địa phương có lợi ngày ấy.
Nghe tới đây, Sơn nắm chặt tay đồng chí Bí thư, nói cương quyết:
- Để tôi diệt nó.
Đồng chí bí thư trầm ngâm:
- Địa phương cũng đang tìm cách diệt hắn. Nhưng hắn rất xảo quyệt. Cứ tối đến là hắn về quận lỵ ngủ. Đường về đó lại nằm giữa 5, 6 ấp chiến lược, đông dày quân địch.
Sơn tha thiết :
- Nhất định tôi sẽ tìm mọi cách để diệt hắn. Chỉ yêu cầu các đồng chí cho điều tra nắm vững quy luật hoạt động của hắn, cho người đi với tôi để nhận dạng hắn.
...Một buổi chiều, trên con đường từ Cát Nhơn đi Phù Cát có hai thanh niên đứng tán gẫu bên một cột cây số. Cách đó 150 mét là một đồn Bảo an. Đầu đường bên kia, cách 200 mét cũng có một trung đội Dân vệ đóng giữ. Trên đường, xe cộ đi lại tấp nập. Những chiếc xe Hon đa phóng vụt qua, máy êm ro. Đã xế chiều rồi. Đường vắng dần. Người thanh niên cao lớn vỗ vai người thanh niên nhỏ bé, chỉ về phía Cát Nhơn:
- Anh Sơn, thằng Hiếu tới đó.
Bùi Đức Sơn bước ra sát mép đường, nhìn chăm chăm vào chiếc Hon đa đang tiến lại gần. Trên xe, ngồi lái là một gã đàn ông to khoẻ như trâu mộng, ngồi sau là một gã đàn ông nhỏ bé hơn. Khi chiếc xe còn cách khoảng 10 thước, Sơn đứng hẳn ra ngoài đường, vẫy vẫy tay:
- Này anh, về Phù Cát phải không, cho tôi hỏi thăm chút.
Gã đàn ông hãm xe lại. Những sợi tóc xoăn rủ lòng thòng trước trán, che bớt khuôn mặt to bạnh, da đỏ lự. Gã cau có:
- Thằng nhỏ, sao mày dám cản xe tao?
- Ông cứ bình tĩnh cho tôi hỏi chút. Ông có phải là ông Hiếu? Ông về Phù Cát chứ?
- Mày muốn gì tao hả?
Gã quát lên thật hách dịch. Nhận rõ mặt thằng Hiếu, Sơn móc khẩu súng ngắn dắt trong lưng quần ra, chĩa vào hắn:
- Giơ tay lên. Cục cựa tao bắn bể đầu.
Tên Hiếu run rẩy giơ tay lên, mặt tái mét. Gã đàn ông phía sau hoảng hốt vụt chạy. Sơn đưa súng theo, bóp cò. Nhưng viên đạn không nổ. Anh nhanh chóng giật cơ bẩm, bắn phát thư hai, hắn bổ xấp xuống ruộng. Thằng Hiếu hoảng sợ đến cao độ, mặt tái mét. Sơn chĩa súng vào ngực nó tuyên bố:
- Mi là ác ôn, có nhiều nợ máu với đồng bào, hôm nay mi phải đền tội.
Sơn bóp cò nhưng viên đạn lại thối. Thằng ác ôn nhắm mắt lại, tưởng cái chết đã chụp lên đầu, nghe tiếng "tách" liền mở mắt ra, đưa tay vào bao súng bên hông. Nhưng Sơn đã kịp thời giật cơ bẩm, bắn tiếp phát nữa. Tên Hiếu ngã khụyu xuống, la lối:
- Ươi trời ơi, Cộng sản giết tôi, cứu tôi với!
Sơn bồi cho nó một phát nữa. Thằng ác ôn khoẻ như gấu vẫn chưa chết mà còn quằn quại, rên rỉ. Bọn Dân vệ, Bảo an nghe tiếng súng, hốt hoảng chúi đầu vào lô cốt, kêu la vang trời. Sơn thấy phải kết liễu nhanh đời tên ác ôn này. Anh kéo tay anh du kích, liệng một trái lựa đạn giữa bụng tên ác ôn. Anh du kích liệng tiếp một trái nữa, phá tan chiếc xe Hon đa.
Bọn địch lúc này mới xả súng về phía đường, nơi có xác tên Hiếu và chiếc Hon đa tan nát. Sơn và anh du kích băng xuống đồng, chạy về căn cứ. Những quả M79 đuổi theo nổ tốc tốc nhưng vô hiệu...

Trên đây chỉ là 3 trong số 46 trận đánh của Anh hùng Bùi Đức Sơn. Anh đã tiêu diệt 176 tên Mỹ - nguỵ, gấp 8 lần số tuổi đời mình. Riêng trận Gò Ú, anh diệt 70 tên địch, diệt gọn ban chỉ huy đại đội, phá huỷ một điện đài 15WAT, một đại liên, một lô cốt, một hầm ngầm, góp phần tích cực cùng đồng đội diệt gọn một đại đội 150 tên đóng ở căn cứ này.
Hiện nay, với cương vị đại đại đội trưởng, Bùi Đức Sơn quyết tâm cùng đồng đội xây dựng đơn vị mình giỏi toàn diện, đã xuất quân là chiến thắng.
NGÀY 17/6/1971
Lên đường đi Phù Mỹ. Nhằm phương Đông mà tiến. Xuyên qua những rừng cây nhỏ, đầy gai, qua những đồi tranh nóng bỏng. Gió thổi bạt cả hơi. Nắng hầm hập. Nhìn qua đồi Bà Tám thấy địch đóng tăng lố nhố trên đỉnh đồi. Khi đi xuống một con suối, thấy một mảnh giấy ghim vào thân cây, ghi: “Địch cách đây 500 mét!”. Vẫn lặng lẽ bước đi. Song đếm từng bước chân một. Cứ 2 bước chân là một mét. 500 mét vị chi là 1.000 bước! Dè chừng đấy. Rải rác 2 bên đường có hố kích của địch. Đi khoảng 3 - 400 mét có một đường rẽ. Phía trước có dấu lá dấp lại. Chúng tôi rẽ sang phải, bỏ con đường chính. Phía đó chắc có địch.
Trạm Tám ồn ào những người. Người cột võng la liệt, nằm chờ để xuống khẩu. Anh em cho biết địch đổ quân lung tung. Cách đây chừng 10 - 15 phút có địch. Nói nhỏ. Chặt củi cũng phải nhẹ tay.
Hồi trưa, đứng trên núi nhìn xuống thấy đồng bằng trải rộng dưới tầm mắt. Mầu xanh vẫn là mầu bao trùm. Duy chỉ có một vùng cát quanh núi là không có mầu xanh, trông như cái khăn tang trắng nhờ quấn lấy chân núi.
NGÀY 18/6/1971
Một giờ trưa, bắt đầu đi xuống. Thực sự bước tới đồng bằng rồi. Đặt chân lên những cánh đồng rộng lớn. Đất bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Xã Cát Sơn (Phù Cát) này trắng dân. Dân đã bị lùa hết vào khu dồn.
Dần dần bước tới khu ruộng đã cày. Chắc cày lâu rồi, cỏ đã lại mọc lên. Bên cạnh thửa ruộng là một ngôi nhà bị đốt từ lúc nào. Có những đống rơm to đứng trơ trọi trong những vòng dây thép gai rào thưa.
Đến trạm giao liên. Mới chập tối, địch đã bắn đèn dù liên tục. Pháo bắn rít xòen xoẹt trên đầu. Lối Vạn Thiện - Mỹ Hiệp có địch nên phải đi vòng Phù Cát. Qua những đồng ruộng, xóm làng. Mặc dầu là đêm, đường vẫn hiện lên trắng ợt dưới ánh sáng của những ngọn đèn dù đua nhau phóng vụt lên và treo lơ lửng giữa trời. Bóng người cứ đột ngột dựng đứng rồi ngả dần, dài ra theo quả đèn xuống thấp dần. Gió đồng nội ngào ngạt. Có những thửa ruộng lúa đã lên cao, rì rào trong gió. Có những thửa ruộng đã bừa, lõm chõm những bó mạ chờ cấy. Tôi hít cái hơi phóng khoáng của đồng nội, sao thấy thân yêu quá!
Xóm làng có nhiều dừa, tre. Qua một xóm nhà chi chít. Những ngôi nhà tranh lớn nằm im lìm trong đêm. Không có dân, nhưng vẫn có sự sống của con người. Một chú bê đứng ở một thềm nhà im lặng nhìn chúng tôi. Tôi xoa đầu chú, chú cũng không động cựa. Có tiếng ngan kêu khàn khàn trong chuồng. Có những bộ quần áo phụ nữ phơi còn ướt. Có những giếng xây, nước mát lạnh. Đồng bào nơi này vào ấp cả rồi. Ngày họ lại về. Chúng tôi chờ trực ở nơi này.
Giao liên ở dưới lên tên là Hùng. Anh không chịu dẫn chúng tôi đi. Anh Bình - Tỉnh uỷ viên - gay gắt:
- Tôi phải về triển khai nghị quyết Tỉnh uỷ gấp. Còn dẫn hay không thì tuỳ anh.
Hùng làu bàu:
- Tôi mới xuống, nếu xuống nữa, công việc ở nhà không ai giải quyết.
Tuy vậy, anh vẫn giao công văn và dẫn chúng tôi đi.
Đang đi ở ruộng thì đột ngột leo lên một thành đất khá cao - trên đó là đường xe lửa. Sau đó vượt đường số một. Con đường cao như một con đê, rộng chừng 7 - 8 thước, trải nhựa. Đứng trên đường nhìn về hướng Nam thấy gần đó có một vùng sáng ánh điện. Nổi bật lên là hai ngọn đèn sáng rực như đèn pha. Đấy có thể là ấp chiến lược.
Giao liên vẫn bám đường phía trước. Chúng tôi lặng lẽ bước sau. Phải hết sức im lặng vì địch rất gần. Vào một xóm. Cô Tâm - giao liên hợp pháp (tức là sống hợp pháp như người dân bình thường nhưng hoạt động ngầm cho cách mạng) - dừng lại:
- Lấy dừa ăn!
Cô lục lục trong bờ rào, đưa ra 5 trái dừa lớn. Lấy rựa vạc, đục nước uống. Rựa cùn nên chặt quá khó, lại ồn nữa nên chỉ uống sơ sơ mỗi người nửa trái. Dừa đã già nên nước hơi chua, nồng nồng mùi bia. Moi vội vã mấy miếng cùi dừa rồi bỏ đi. Tôi tiếc rẻ ôm theo một quả, một lúc lại phải bỏ lại.
Qua một ngôi nhà nhỏ. Ngoài sân có mấy du kích nằm ngủ, súng AK để bên cạnh.
Lội qua sông La Tinh. Đi một hồi đến một khu gò. Chui vào đấy cột võng nghỉ. Cô Tâm nằm lăn ra đất mà ngủ. Hùng đưa tấm ni lông bảo cô trải nằm, cô vùng vằng không nhận. Hai người thì thầm, dằn dỗi gì đó với nhau. Qua cách cư xử của họ, tôi đoán họ có vẻ như mới yêu nhau, hay ít nhất cũng đang có tình cảm đặc biệt với nhau. Có điều, không hiểu họ đã nhìn rõ mặt nhau chưa, bởi vì, do công việc, họ chỉ được gặp nhau trong đêm.
NGÀY 19/6/1971
Bầy te te siêng năng một cách vô tích sự. Hồi chiều qua, khi lũ chim khác đã ngủ hết rồi, chúng còn bay nhao nhác, kêu tét te. Sáng nay, chúng lại dậy sớm hơn hết thảy, gọi nhau rối rít. Bầy chào mào, tu hú cũng hót theo lảnh lót. Dàn đồng ca vô thức của lũ chim khiến chúng tôi bật dậy. Đi luồn trong lòng địch, nhiều khi tiếng chim xao xác cũng khiến chúng tôi bị địch phát hiện, nên lúc này không lòng dạ nào mà nghe chim hót. Cô Tâm tạm biệt chúng tôi. Tới lúc chia tay rồi, tôi cũng không biết mặt cô, vì lúc này trời vẫn tối. Có những cô gái bất hợp pháp lánh ra đây. Có những người dắt bò qua.
Xã Mỹ Tài có những dải đất nhỏ bọc 4 phía. Chúng tôi nằm ở rìa chứ không vào làng vì sợ bọn địch đột nhập. Để đồ đạc gọn gàng rồi nằm ra đất ngủ một chút. Có hai em bé từ làng chạy ra nói gì đó với anh Bình. Anh gọi Kính ra cảnh giới.
Từ chiều hôm qua đến nay đều phải đi đất, đạp gai đau chân quá - không đi dép cao su vì sợ bọn địch phát hiện dấu vết. Toàn xã này có 2 đại đội Bảo an (lính địa phương), 3 đại đội Cộng hoà (lính chủ lực nguỵ). Chúng co lại 2 chốt nhưng vẫn có một số trài trong dân, một số thỉnh thoảng đi lùng sục. Du kích ở đây có 10 người. Địch vào thôn Vạn Thái - cách chỗ chúng tôi khoảng 5 phút đồng hồ. Nhưng cũng yên trí vì nhân dân báo tin thường xuyên. Trên trời, thỉnh thoảng vài chiếc máy bay trực thăng đi hốt quân ở đâu đó nổ máy bạch bạch. Dưới đất, thỉnh thoảng nổ một vài tràng đại liên. Gió thổi làm hàng phi lao kêu vi vút.
Chúng tôi vòng qua thôn Vạn Ninh để tiếp tục đi. Hai cô gái đi trước bám đường - bám hợp pháp. Đi giữa những thôn xóm, vườn dừa, giữa những cánh đồng màu tấp nập cày bừa, thấy náo nức lạ.
Khắp đất này đi tới đâu cũng thấy khí thế nổi dậy sôi sục. Tới đâu cũng thấy bàn kế hoạch: tối nay, ngày mai... nổi dậy, phương án nổi dậy.
Đồng chí Tài - Bí thư Thị uỷ Phù Mỹ - kể cho chúng tôi việc diệt ác ngay trên quốc lộ, chuyện cô gái Phù Mỹ diệt ác giữa thị trấn, chuyện bức rút san đồn với giọng sôi nổi hiếm có.
Đêm, tổ chức mít tinh trị tề điệp, phát động nổi dậy. Đồng bào toàn xã đều tới, lại phải qua những đồn địch, nên tập hợp được đông đủ cũng khá vất vả. Mãi gần 22 giờ mới bắt đầu. Đèn dầu thắp bằng ấm, bằng lon sữa, sáng rực.
Trong vụ xử án này, tôi thấy một trường hợp thật phức tạp. Út Thám là một phụ nữ ngoài 40 tuổi, có 2 con gái, một con trai, trước đây là người có nhiều công với cách mạng. Từ năm 1960, gia đình này đã là cơ sở vững của cách mạng, chuyên theo dõi tình hình địch, bảo vệ, nuôi nấng cán bộ. Có lần bọn địch được báo có hầm bí mật ở gần nhà này. Chúng đến săm nhưng không thấy, bèn bắt Hành - con gái thứ 2 của Thám - đánh đập rất dã man. Chúng bắn nát bàn chân Hành nhưng vẫn không buộc được cô khai lấy một lời. Vậy mà tới năm 1969, khi địch “bình định cấp tốc”, dùng thủ đoạn tâm lý chiến, cài cấy gián điệp, thì chính gia đình này lại trở thành điệp báo nguy hiểm. Thám nhiều lần báo hoạt động của cán bộ, du kích và dẫn địch đi đánh, gây thiệt hại nhiều cho ta. Còn Hành thì liên hệ chặt chẽ với tên nguỵ binh ác ôn, hù doạ đồng bào. Khi đưa tên này ra, tôi thấy bên cái căm thù còn trào lên một sự đau xót. Thám người gầy gầy, búi tóc sau gáy như mọi bà má miền Nam khác. Còn Hành là một cô gái cao cao, trắng trẻo, trông cũng không có nét gì là ác hiểm cả. Tội của Thám lẽ ra phải xử tử. Nhưng xét công trước đây, nhân dân chỉ bắt tù thôi. Còn Hành chỉ bị cảnh cáo trước dân, phải đứng ra hứa hối cải. Cô ta mất hồn, lắp bắp không nói được câu nào cả.
Họp về, anh em thanh niên dẫn đi chơi. Dưới ánh trăng nhạt, trong vườn dừa mát mẻ, đi dạo chơi với những người con trai, con gái tuổi xuân phơi phới, thấy thật bâng khuâng. Ở đây còn nhiều nam nữ thanh niên choai choai, nhưng đi thoát ly ít quá. Họ khai bớt tuổi để trốn lính (nguỵ), song cũng để khỏi phải đi thoát ly (cách mạng). Có người khai 12 tuổi nhưng thực ra đã ngoài 20, có vợ, có con rồi.
Bên cạnh đó có những câu chuyện về tòng quân rất vui. Có chú bé xách khăn gói đi nhập ngũ, mẹ níu theo gọi về, cậu nói:
- Thôi, má về trước đi, tui về sau. Má về chuẩn bị đồ cho tui vô lính, rồi khi nào cách mạng họp gia đình binh sĩ nguỵ thì nhớ đi nhe!
Mẹ đành mếu máo:
- Thôi, thế chờ tao bán con bò, kiếm ít ngàn cho thêm rồi hãy đi, con!
Có chú bé suốt ngày lo đi lượm súng đạn, tìm cách đánh giặc. Mẹ rày la, chú ta nói:
- Con đi làm việc cách mạng, con ăn cơm của cách mạng chứ không phải cơm của mẹ!
Mẹ gắt
- Vậy mày giỏi, mày đi đâu ăn thì ăn, đừng ăn ở nhà nữa!
Chú tiếp luôn:
- Nhưng cách mạng phân công con ăn ở nhà này, mẹ tính sao?
Mẹ cười xoà, chịu lý của con.
Về ngủ chừng một tiếng đồng hồ rồi trở dậy vác ba lô đi. Trăng nhàn nhạt. Nếu không có người dẫn đường, có lẽ tôi lạc vào nơi địch ở một cách dễ dàng, vì tôi không rõ phương hướng ra sao mà địch thì ở quanh quẩn vài trăm mét. Gà đã bắt đầu gáy sáng.
Anh em du kích dẫn vào nhà một đồng bào nghỉ. Nhà nướng bánh tráng, nhúng nước bánh tráng đưa chúng tôi chấm nước mắm ăn cho đỡ đói. Bà chủ nhà nói: “Thật tiếc, không có cá, có lươn cho các chú ăn”.
Vào một xóm ngủ. Ở đây, nhà cửa cũng đàng hoàng, không thấy có hầm tránh pháo. Có những ngôi nhà dùng tôn làm máng nước nơi giọt gianh, sáng loáng. Có những chiếc giường gỗ sơn xanh, đẹp, trải chiếu đàng hoàng. Ba năm rồi tôi mới thấy lại những thứ đó.
NGÀY 20/6/1971
Vào nhà một bà già ăn cơm. Có cá kho, da bò xào, cơm gạo trắng. Ăn xong, bọn tôi trả gạo. Cả bà già, ông già đều nói: “Anh em đừng ngại phiền bà con. Nói thật, ăn thì bọn tôi không lo, lo chỗ ở, lo tình hình địch thôi. Rủi có gì thì khổ mấy anh, khổ cả bà con”.
Chúng tôi họp với mấy cán bộ xã Mỹ Tài, Mỹ Hiệp và huyện. Họp ở một ngôi nhà cao ráo, sáng sủa. Có du kích cảnh giới các phía. Ngủ ít quá, đi mệt quá nên bây giờ ai cũng phải đấu tranh chật vật để tỉnh táo. Thu - Bí thư Mỹ Tài - gà gật mãi, phải ra dấp nước vào mặt cũng không tỉnh ngủ. Anh vấn một điếu thuốc nhưng mới được một nửa đã ngủ, làm rơi điếu thuốc. Choàng dậy vấn lại, chưa xong đã nhắm mắt, đánh rơi điếu thuốc lần nữa. Anh bực mình lấy qụat quạt phành phạch nhưng mắt vẫn nhắm nghiền, người ngả nghiêng.
Trời trong, gió lộng, không gian thoáng đãng thật đáng yêu.
Nhiều người buồn ngủ quá, anh Bình phải cho tạm nghỉ họp. Ai nấy lăn ra ngủ say sưa... Tài và mấy anh em đi hái dừa. Những trái dừa to đầy ắp nước, thứ nước trong vắt, mát tận gan ruột. Pha sữa, nạo cùi non vào nước đó thì ngon tuyệt.
Về đêm, trời mưa giông. Sau cơn mưa, chúng tôi ra đi. Vùng này có nhiều đồi, núi nhỏ. Băng trên những bờ ruộng nhỏ, thỉnh thoảng lại thụt chân xuống ruộng. Vượt qua đường cái quận Phù Mỹ rồi băng qua một đám ruộng nữa, tới một khu gò. Có 2 người cột võng ngủ đó. Chúng tôi dừng lại, tranh thủ ngủ chút ít. Ngủ được khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì sáng.
NGÀY 21/6/1971
Sáng, chúng tôi đi theo Bình - Bí thư Mỹ Chánh. Tình hình yên, khỏi phải đi tối. Chúng tôi đi theo rìa núi. Rồi leo lên một hòn núi nhỏ. Cây cối ở đây cằn cỗi, gai góc. Những chùm dủ dẻ chín vàng. Những trái chim chim chín đỏ, tròn, kết thành hàng như chuỗi cườm đỏ. Những cây dứa dại một gốc nhiều thân, vỏ nâu, gai nổi u như những củ từ. Quận lỵ Phù Mỹ nổi lên trăng trắng, đo đỏ giữa màu xanh rì của cây cối. Qua khỏi đỉnh đồi, chúng tôi ngồi lại sau cây dứa dại để quan sát tình hình rồi mới đi xuống. Ngay dưới chân đồi là những thửa ruộng mầu. Xa hơn một chút có những ngôi nhà lợp mái tôn trắng toát. Tiếp đến là những đìa nước với những hàng cây ngang dọc như bàn cờ. Sau đó là đầm nước lớn nối liền với vụng nước ngọt. Đầm nước lặng không một gợn sóng, in hình mây trắng, mây xanh trên trời, trông xốp như một đệm bông lớn. Biển thì trông như một bức tường màu xanh dựng đứng ở nơi chân trời. Một quả núi hình chiếc tầu chiến đứng chơi vơi giữa biển, nổi lên cái mầu xanh đen mờ nhạt. Phía sát đầm nước, một quả núi mà một nửa dát cát vàng tới đỉnh, một nửa khảm cây xanh, nổi lên cao ngạo nghễ. Không gian thanh trong. Có những tiếng te te kêu trách móc: ‘‘Te te tò quách!”. Tiếng chào mào hót vô tư. Chú bò nào đó chợt kêu lên tiếng kêu trầm ấm, chìm ở dưới chân núi. Tiếng động cơ Hon Đa kêu rền phía đường cái.
Thấy ổn thoả, chúng tôi lần xuống chân núi rồi bước ra đồng. Có những thưả ruộng trồng đầy ớt, trái chín đỏ bên những luống kiệu cằn cỗi. Trẻ em chăn từng bầy bò 9-10 con rải rác đó đây. Đi vào một khu nhà. Nơi đây trước là ấp chiến lược, mới được mở ra. Ở nhà chỉ thấy mấy bà già, mấy cô gái và các em bé. Bà con hôm nay kéo đi đấu tranh. Vào một nhà mua nước cam, bia để giải khát. Căn nhà lợp tôn trắng, xây tường gạch, nóng hầm hập. Chủ nhà là một cô gái trắng trẻo, mặc chiếc áo ni lông hoa, mầu thanh nhã. Nước cam mát ngọt, tê tê đầu lưỡi gợi nhớ Hà Nội với cửa hàng giải khát Bốn Mùa hay Cẩm Bình. Đi ra đường cái huyện. Con đường đất cát nhỏ giờ này vắng người. Thấy 2 cô gái vác rựa, một cô vác một cây gỗ lớn đi lại. Các cô khoe vừa đi đấu tranh về. Hai bên đường có 2 dẫy nhà gạch nhỏ. Mấy đứa bé ngồi lê la bên hè, nhét trái cây vào ống tre bắn “tốc, tốc”. Một em trai hỏi tôi có lấy đạn côn khôngg và chạy đi lấy cho tôi. Một chiếc xe Hon đa chạy từ phía quận lỵ về, chở theo 2 cô gái mặc áo ni lông màu cá vàng. Bình ra đón xe, đưa giấy gì đó. Anh lái xe đeo kính đen, đội mũ phớt cầm giấy và lại cho xe đi. Vùng này thuộc xã Mỹ Chánh.
Đi trên bờ đìa, ngửi mùi nước tanh tanh. Nước đang lên theo thuỷ triều nên lớn. Những cây mắm mọc dưới nước có hàng chùm rễ to bằng ngón tay cái, nổi trên mặt nước, có lá dầy tròn như lá mít, ròn như bánh đa nướng, cành mọc tùm hum như một bồn hoa, trông gọn, đẹp. Gió biển thổi về lồng lộng. Tôi rửa nước đầm, thấy xót mới chợt nhớ đây gần biển lắm.
Bữa cơm trưa có cá biển tươi ngọt lừ.
Một số cán bộ xã nằm ở khu nhà ngoài đìa nước này chờ theo dõi cuộc đấu tranh của đồng bào. Du kích leo lên cây dừa để quan sát địch.
Xế chiều, chúng tôi trở ra xóm nhà bên đường. Nước đìa đã xuống theo thuỷ triều, để lại một vành đai cát rộng chừng một thước viền theo bờ đìa. Trên vành đai đó, những chú còng ló thụt trước miệng hang. Loại còng này nhỏ bằng ngón tay cái, có bộ ngoe nhỏ như chiếc đinh ghim, đỏ au, có một chiếc càng to bằng thân cũng đỏ ối. Chiếc còng luôn gấp sát bên mình - cái mình sọc dưa đen trắng. Các chú giơ cao chiếc càng to xù lên trước rồi bò ra khỏi hang, kéo theo những viên cát nhỏ chắn trước cửa như chiến hào vậy.
Xóm này nằm rải rác hai bên đường, với những ngôi nhà xây, lợp tôn trắng, những ngôi nhà gạch 2 tầng xinh xắn. Một gia đình dọn cơm cho chúng tôi ăn, có cá biển, thịt heo, rau muống và mắm cá. Bữa cơm đầy hương vị gia đình, ba năm nay tôi mới gặp lại. Ăn xong, nghỉ một lát rồi chuyển sang ngôi nhà nằm sâu phía trong, cách xa đường cái. Dù sao cũng phải cảnh giác vì ngôi nhà đó gần đường, nếu có kẻ nào đi qua liệng vô một trái lựu đạn là đủ tổn thất lớn. Vả lại, bọn Cộng hoà mới tập trung một tiểu đoàn tại chùa An Quang, cách đây không xa, nơi chúng tôi mới đi qua hồi sáng - chúng có thể tập kích bất ngờ. 9 giờ tối, chúng tôi ra đi. Đi dọc theo đường cái. Bước chân phóng khoáng, không bị vấp váp đá, cây, nhùng nhằng dây dợ như đường núi. Con đường này ta làm chủ nhiều đoạn, nên giao thông địch bị cắt dứt, đêm đến ta đi trên đường một cách tự do. Thỉnh thoảng phải vòng tránh những tuyến bố phòng chặn giao thông địch. Đêm nay, trời trong trẻo. Sao gắn cho trời muôn nghìn đôi mắt sáng lấp lánh, vô tư và lãnh đạm. Dải Ngân Hà trải lòng êm ả giữa cõi xa xăm. Gió biển tràn về lồng lộng. Tôi nhìn đắm đuối về phía biển Đề Gi. Nơi đó có những ánh đèn măng sông sáng xanh rực rỡ, nhấp nha nhấp nháy. Một quả pháo sáng thật vô duyên, tự nhiên lại len vào cái vùng sáng mỹ miều ấy bằng một đốm sáng vàng eỏ lả, ma quái, run rẩy, chấp chới.
Rồi bước đi trên bãi cát của xã Mỹ Thành. Bãi cát bao la ngời trắng. Phi lao, dừa mọc thành rừng trên bãi cát, ru gió vi vu. Thỉnh thoảng lại lội qua những vũng nước rộng. Bước chân đạp nước bắn tung toé, làm xáo động lên những đốm lân tinh sáng yếu ớt.
Qua khỏi Động Dương, đi chếch về phía tay phải một chút trên bãi cát, chúng tôi tiến ra sát bờ biển. Giờ đây tôi mới được gặp biển sau bao năm mong đợi. Biển đón tôi bằng tiếng sóng ì ầm. Trong ánh sáng sao, tôi nhìn thấy lưỡi sóng trắng của biển liếm vào bờ cát. Tôi đi sát biển, muốn gửi trọn tấm tình tha thiết đối với biển, nhìn biển không chán mắt. Mỗi con sóng chỉ như một cây gỗ lớn bị xô vào bờ, tới sát bờ bỗng biến thành một chiếc tên lửa trắng toát, phóng vụt theo bờ cát rồi tan biến đi, để lại những bọt trắng xoá tan xèo xèo trong cát. Biển gửi vào bờ cái dào dạt của lòng mình qua những đợt sóng bất tận. Biển cũng gửi ánh sáng của lòng mình qua những lưỡi sóng đó. Mỗi con sóng tạt vào bờ, lúc rút đi còn để lại những bọt sóng trắng có lốm đốm những ánh lân tinh. Ánh lân tinh tưởng đã tan biến vào trong cát, khi gặp những bước chân đá thốc lên, lại bắn ra những đốm sáng xanh tinh nghịch. Tôi bước sát mép nước, mặc cho nước tạt ướt ống quần. Tôi kéo mạnh chân trên cát làm bung ra từ bộ mặt mịn màng ấy những đốm lân tinh. Tôi cúi vốc một hớp nước uống vào lòng.
Hôm nay, người con của núi rừng về gặp biển. Xin uống một hớp nước mặn mòi của biển. Xin mang vào tận đáy lòng tấm tình dào dạt, mãnh liệt đến hung tợn của biển. Ta muốn lòng ta bao la như biển để chứa đựng được tất cả cái chiều sâu thăm thẳm, cái bề rộng mênh mông, cái dạt dào ầm ã của cuộc đời. Biển là sự ngưng đọng của đất trời, mưa nắng. Tất cả những gì tinh tuý nhất, ô uế nhất của vật chất đều dồn về đây, nhào trộn với nhau, tranh chấp với nhau, làm nên những sản phẩm vật chất kỳ diệu khác. Ta muốn tâm hồn ta cũng là sự ngưng đọng của cuộc đời, của con người và thiên nhiên, của những cái đẹp đẽ và xấu xa trong xã hội. Và ta muốn sóng của tâm hồn ta sẽ nhào trộn chúng, đập tan chúng, kết tinh chúng thành những sản phẩm tinh thần cao thượng. Đó là ước mơ. Ước mơ chắc gì đã thực hiện được. Nhưng xin cứ ước mơ và nguyện sống theo ước mơ.
Thanh Bình - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ - và cô Năm - Chấp hành Huyện đoàn - đều nằm xoài trên cát. Năm là cô gái gầy gầy nhưng có nét hóm hỉnh, miệng cười rất tươi. Cô kể rằng hồi nhỏ đi học không có trường lớp, mỗi trò một chiếc ghế đòn, tiện nhà nào vào nhà ấy ngồi nhờ thành lớp. Vào thời kỳ khó khăn, rất khan hiếm thực phẩm, khi ăn mắm cái, Năm và các bạn không rửa chén đũa, để đến bữa sau đổ nước vào khoắng cho có mùi tanh. Cứ thế cho đến khi nào bát đũa không còn chút mùi tanh nào nữa với dùng vào việc khác. Quả là bước trên cát chóng mỏi chân thật. Tôi và Kính vào một xóm chài trên biển. Xóm nhỏ nằm im lìm trên cát. Từ những ngôi nhà nhỏ hắt ra những ánh đèn dầu yếu ớt. Mọi người đang ngủ say. Một bà cụ dậy mời chúng tôi uống nước. Bên cạnh võng bà nằm là một nồi lớn bắc trên bếp đang sôi sùng sục. Củi phi lao cháy rất đượm. Bà cụ nói: đang nấu bánh tét, nhưng mới được một hồi lửa, chắc chưa chín. Bà lật lớp bánh ở trên, chọn lấy hai cặp đưa chúng tôi.
Vào thôn Tân Phụng (Mỹ Thọ) ngủ. Thôn này cũng nằm trên bãi cát ven biển, có những ngôi nhà xây bên những cây phi lao duyên dáng.

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/tac-pham-be-troc-cua-nha-bao-pham-viet-long-nhat-ky-chien-truong-ve-mot-thoi-mau-va-hoa-phan-vii-a1538.html