Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 23

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024. 

Kỳ 23.

Năm 18 tuổi Trịnh Cực Nương kết duyên với ông Nguyễn Hinh người cùng làng. Tô Định muốn chiếm lấy Cực Nương, liền bày kế cho quan huyện mời ông Hinh ra làm chức huyện thừa và đem giết đi. Tô Định không chiếm được Cực Nương mà lại khiến nàng căm thù, đứng ra lập căn cứ ở làng Quan Nhì, chiêu mộ nghĩa binh, chiêu mộ anh hùng hào kiệt, luyện tập võ nghệ, trong số đó có ba phó tướng mới về cũng là những hào kiệt, nổi tiếng trong làng kiếm khách, một người tên là Đệ Nhất Đông Quân người thứ hai là Đệ Nhị Đông Quân và thứ ba là Đệ Tam Đông Quân. Nghĩa binh của Trinh Cực Nương là một mối đe dọa lớn không chỉ cho quan quân Hán ở huyện Giao Thủy mà cả trấn Sơn Nam và quận Giao Chỉ.

Ngô Tông nói:

-Hiện nay huyện ta chỉ có 5.000 quân là không đủ, sao ngài không báo cho Tô Định tăng lên 2 vạn quân?

Đạm Chính buồn bã lắc đầu:

-Ta đã đề đạt nhiều lần nhưng không được. Bây giờ bách tính khởi loạn khắp nơi, quân dàn trải khắp Lĩnh Nam nên không đủ. Tô Định chỉ lo dồn quân để bảo vệ Luy Lâu.

Vừa khi đó có lính vào báo:

-Dạ bẩm huyện lệnh, nghĩa binh của Trịnh Cực Nương đã kéo đến dàn trận trước huyện đường để đánh chúng ta.

-Hả, nổi trống lên tập trung quân chiến đấu.

-Dạ, tuân lệnh.

Từng hồi trống ngũ liên trong phủ đường Giao Thủy vang lên khẩn cấp. 5.000 quân Hán đã tập trung. Ngô Tông và Đạm Chính lên mặt thành quan sát thấy 3.000 nghĩa binh cùng gươm giáo cung tên dàn trận, trên cao lá cờ vàng ghi chữ màu đen: “Quần Thoa hào kiệt” bay phấp phới, tiếng trống đồng trong hàng quân Việt vang lên rung chuyển như sấm. Đứng trước hàng quân, ba tướng cưỡi ngựa, mặc võ phục nâu, áo giáp đồng oai phong. Người cưỡi ngựa đen, mặc áo vàng, đi hài vàng, áo giáp đồng vàng đứng dưới lá cờ có chữ “Soái”. Đạm Chính nói với Ngô Tông:

-Người đứng dưới cờ soái chính là Trịnh Cực Nương.

Ngô Tông nói:

-Quả nhiên là quá đẹp. Quân giặc có 3.000, quân ta 5.000, mạt tướng xin lãnh binh ra ngoài huyện đường tiếp chiến.

Đạm Chính nói:

-Cũng được, ta định cố thủ nhưng mặt tường thấp, không phải là thành trì, không có hào lũy, cố thủ cũng không được. Chúc tướng quân thành công.

Ngô Tông mặc giáp sắt, cưỡi ngựa nâu, cầm giáo, mở cổng huyện đường dẫn 5.000 lính ra ngoài dàn trận. Ngô Tông nói to:

-Ai ra bắt nữ tặc cho ta.

-Có mạt tướng.

Một tiếng thét vang và một tướng cưỡi ngựa đen, tay múa trường thương xông ra, nhìn thì ra là tướng Tập Kiên. Bên quân Việt, Nàng Nước thúc ngựa múa gươm xông ra tiếp chiến. Hai người và ngựa xáp nhau, gươm chạm trường thương tóe lửa, quân hai bên reo hò, trống da bò của quân Hán, trống đồng của quân Việt thúc vang động cả một vùng Giao Thủy. Đánh khoảng 10 hiệp, Nàng Nước lia một gươm qua cổ tên tướng Hán Tập Kiên, đầu hắn rơi xuống đất đẫm máu. Thấy vậy tướng của Ngô Tông là Tư Mã Đạt thúc ngựa màu nâu, múa giáo xông ra. Bên phía quân việt, Nguyễn Thị Hạnh thúc ngựa trắng, múa gươm phi ra giáp chiến. Gươm chạm giáo tóe lửa. Đánh được 5 hiệp, Nguyễn Thị Hạnh chọc một gươm qua cổ họng Tư Mã Đạt, Tư Mã Đạt kêu to một tiếng ngã nhào xuống ngựa. Ngô Tông vội cầm đại đao, thúc ngựa màu nâu xông ra. bên phía nghĩa binh, Trịnh Cực Nương múa gươm thúc ngựa đen xông ra, áo vàng, giáp đồng vàng rực rỡ, gươm chạm đại đao phát tiếng kêu tóe lửa như chớp. Được khoảng 30 hiệp, Trịnh Cực Nương lia một gươm, một nửa cái đầu trên của Ngô Tông văng xuống đất, Ngô Tông gục mình trên ngựa, máu me chảy đầm đìa. Trịnh Cực Nương vung gươm hô:

-Xông lên giết.

Quân Hán thất kinh khi ba tướng tử trận, thế trận tan vỡ tháo chạy vào huyện đường, quân Việt ào ào đuổi theo chém giết, thây người gục ngã, máu phun đỏ đất. Quân Hán chạy hết vào trong tường, quân Việt đuổi gấp nên cổng huyện đường không đóng kịp. Quân Việt tràn vào doanh trại giặc và vào các phòng của huyện đường chém giết. Huyện lệnh Đạm Chính cũng bị chém chết trong đám loạn quân. 5.000 quân Hán bị tiêu diệt không một tên sống sót. Sau hai canh giờ giao chiến nghĩa binh rút ra và châm lửa đốt huyện đường. Khói lửa bốc cao sáng rực khắp bầu trời Giao Thủy.

Sau tiệc ăn mừng chiến thắng, Trịnh Cực Nương cho nổi trống tập trung nghĩa binh và các phó tướng. Trịnh Cực Nương nói:

-Nay ta nhận lời mời của nữ chúa Trưng Trắc, kéo nghĩa binh về Mê Linh chuẩn bị phối hợp tấn công Luy Lâu, giải phóng toàn bộ Lĩnh Nam. Phó tướng  Nguyễn Thị Hạnh nghe lệnh:

-Có mạt tướng.

-Ta giao cho tướng quân 1.000 nghĩa binh để bảo vệ Giao Thủy. Nhớ phải không ngừng phát triển căn cứ và lực lượng nghĩa binh, sẵn sàng đánh quân Hán. Rõ chưa.

-Mạt Tướng tuân lệnh.

-Phó tướng Nàng Nước nghe lệnh.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân dẫn nghĩa binh đi tiên phong tiến về Mê Linh.

-Mạt Tướng tuân lệnh.

-Ta đi trung quân, các huynh đệ xuất phát tiến về Mê Linh.

-Tiếng hô vang chấn động sơn trang:

-Tuân lệnh chủ tướng.

Cư dân bách Tính sơn trang Điền Quy Cực và Giao Thủy ra tiễn con em mình. Họ nhìn đoàn quân đi, phấp phới cờ bay, bước chân đi bụi cuốn mù trời, xe người ngựa xa dần về hướng tây. Mắt họ cũng mờ dần trong dòng lệ.

*

*     *

Một ngày mùa thu, nắng dịu dàng rải xuống vùng Thuận Thành và thủ phủ Thái thú Luy Lâu. Trong biệt phủ sang trọng, Thái thú Tô Định đang ngồi uống trà sâm, mặt hắn nổi lên những cục thịt, đôi mắt ti hí tàn ác, dâm đãng. Hắn đang lim dim mắt tận hưởng hương vị trà, chợt một tên lính bước vào báo:

-Dạ bẩm Thái thú.

-Có việc gì?

-Dạ, có tên lính do thám ở huyện Đường Lâm[1], quận Giao Chỉ muốn vào gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

Một lát tên lính do thám vùng Đường Lâm vào quỳ và nói:

-Bẩm Thái thú.

-Có việc gì?

-Da, bẩm, quan huyện lệnh Đường Lâm Bàng Kiệt phái mạt tướng tới xin cứu viện ạ.

-Có giặc nào đánh mà xin cứu viện?

-Dạ, bọn nữ tặc Lê Thị Lan ạ.

-Nói rõ hơn ta nghe.

-Dạ, tại huyện Đường Lâm có ông Lê Tuân và bà Đặng Thị Sanh. Hai người hơn 50 tuổi mới sinh đôi được một gái một trai. Một hôm quan huyện Đường Lâm tuân lệnh Thái thú đi thu thuế tới nhà Lê Tuân. Lê Tuân nói:

-Bách tính chúng tôi đang đói, các ông vét hết rồi, nay làm gì còn thóc.

Lính huyện đã xông vào nhà đập phá đồ đạc, đập phá cả bàn thờ và bát hương, đánh ông Lê Tuân trọng thương, sau đó ông uất hận ốm mà chết. Tiếp theo bà Đặng Thị Sanh đau buồn cũng ốm chết. Con gái lớn của hai ông bà là Lê Thị Lan cùng em là Lê Tuấn chiêu mộ nghĩa binh làm loạn. Nay nghĩa binh đang chuẩn bị tấn công phủ huyện để báo thù cho cha mẹ và dân làng. Cho nên huyện lệnh Đường Lâm lo lắng, sợ không địch nổi, sai mạt tướng đến xin Thái thú tăng viện để tiêu diệt quân phản nghịch ạ.

-Lê Thị Lan nay có bao nhiêu quân?

-Dạ, khoảng 3.000 nghĩa binh ạ.

-Được rồi, ta phái 1 vạn quân là đủ sức dẹp được 3.000 quân chứ gì?

Dạ, đa tạ quan Thái thú.

Một sáng Lê Thị Lan đang ngồi trong bản doanh thì có lính do thám về báo:

-Dạ, bẩm chủ tướng, do tên quan huyện Đường Lâm Bàng Kiệt cầu cứu nênThái thú Tô Định đã cho 1 vạn quân do tướng Tư Mã Trung chỉ huy đang tiến về căn cứ của chúng ta ạ.

-Cho nổi trống ngũ liên.

-Cho tập trung nghĩa binh chuẩn bị chiến đấu.

-Dạ.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] .Nay là xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-23-a15479.html