Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 24

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.   

Kỳ 24.

Lại nói 1 vạn quân của Tư Mã Trung đã tiến vào Đường Lâm. Tư Mã Trung nói với phó tướng Mã Đường:

-Ta tiến quân thần tốc, bí mật, quân của nữ tặc chắc không biết. Đêm nay canh ba, ta xông vào trại giặc đánh bất ngờ, chắc là tiêu diệt được chúng và bắt sống nữ tặc.

Mã Đường nói:

-Tướng quân mưu lược như thần.

-Không dám.

Quân Hán dừng lại ăn cơm chiều, canh ba ngựa tháo nhạc, hạ cờ, âm thầm tiến vào căn cứ của nghĩa binh. Bóng tối bao trùm đen đặc, những dãy đồi cao thấp đen ngòm, vài vì sao trên trời xa xôi lấp lánh. Còn cách căn cứ nghĩa binh nửa dặm, tên lính dẫn đường nói:

-Thưa tướng quân, nơi có ánh đèn sáng kia là trại giặc.

Tư Mã Trung ra lệnh:

-Hình thành thế bao vây tiến vào giết.

-Tuân lệnh chủ tướng.

1 vạn quân âm thầm lặng lẽ nhưng đi như chạy như bay vào lán trại của nghĩa binh vung gươm chém giết. Nhưng chúng bất ngờ vì trại trống không với những ngọn đèn leo lét. Tư Mã Trung thét lên:

-Rút nhanh, trúng kế mai phục rồi.

Thốt nhiên một phát tên lửa bắn lên trời và những trận mưa tên từ ngoài vào quân Hán. Hàng nghìn tên giặc trúng tên gục xuống, Bọn còn sống chen chúc nhau hoảng loạn dày xéo nhau. Lại những trận mưa tên khác, lại hàng loạt lính khác gục xuống, tiếng kêu la thảm thiết. Bỗng có tiếng hô to:

-Xông vào giết.

Sau tiếng hô là tiếng reo hò, tiếng trống đồng dồn dập như sấm sét. Quân Việt từ bốn phía xông ra bổ gươm giáo vào quân Hán như chém chuối. Đầu rơi, thây đổ, máu tuôn, doanh trại nghĩa quân biến thành chiến trường hỗn loạn mà nghĩa binh chủ động thoải mái chém giết trút căm hờn. Tư Mã Trung mở đường máu chạy thoát. Phó tướng Mã Đường bị giết trong doanh trại. Lê Thị Lan hô to:

-Toàn quân tiến đánh huyện đường Đường Lâm.

-Tuân lệnh chủ tướng.

Trong đêm nghĩa binh thừa thắng tràn vào huyện đường. Huyện đường thất thủ. Lính huyện bị nghĩa binh chém chết như bổ chuối. Trong ánh sáng của lửa, Lê Thị Lan trông thấy một người đội mũ ô sa phi ngựa tháo chạy, Lê Thị Lan phi ngựa đuổi theo, khi vừa tầm nàng phi một dao phía sau, ngọn dao phi như tên bắn trúng vào lưng kẻ đi trước, người đó ngã gục xuống, chính là quan huyện Bàng Kiệt, kẻ đã giết cha mẹ nàng khi đi thu thuế.

Hôm sau Lê Thị Lan đem đầu Bàng Kiệt ra mộ đốt hương cúng vái cha mẹ. Lê Thị Lan và Lê Tuấn nói trong nước mắt:

-Cha mẹ, chúng con đã trả thù được cho cha mẹ và bách tính xứ Đường Lâm. Ngày mai con xin tạm biệt cha mẹ đem quân về Mê Linh hội quân với nữ chúa Trưng Trắc bắt thằng Tô Định, trả thù cho bách tính Lĩnh Nam. Xin cha mẹ tổ tiên phù hộ cho chúng con.

Sau lễ ăn mừng chiến thắng, Lê Thị Lan cho nổi trống đồng tập trung nghĩa binh và nói:

-Ta nay nhận lời của nữ chúa Trưng Trắc, huynh đệ chúng ta tiến về Mê Linh chuẩn bị bắt thằng Tô Định, giải phóng toàn bộ Lĩnh Nam. Phó tướng Lê Tuấn.

-Có mạt tướng.

-Ta giao cho tướng quân 1.000 quân để bảo vệ Đường Lâm, bảo vệ quê hương chúng ta.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Các huynh đệ còn lại tiến về Mê Linh.

-Tuân lệnh chủ tướng.

-Ta ra lệnh xuất phát.

Trống đồng nổi lên, xe ngựa bộ binh, kỵ binh đi dằng dặc dưới cờ. Bách tính Đường Lâm ra tiễn con em của mình đi xa dần về hướng tây trong gió bụi mà bàn tay vẫy mãi, những giọt lệ tuôn rơi.

                                            III

      Lúc này là đêm của mùa xuân năm 40, Mê Linh, một huyện thuộc quận Giao Chỉ chìm trong bóng tối. Những rặng cây mênh mông một màu đen và lá rung lên trong gió tạo nên những bản nhạc xạc xào của gió mùa xuân se lạnh. Những mái nhà ẩn dưới những rặng cây sáng lên những ánh đèn dầu le lói. Vài vì sao lưa thưa nhấp nhánh trên bầu trời mênh mông màu tối. Dòng sông Cái, sông Đáy vẫn mơ màng trôi chảy trong đêm. Vài con thuyền neo đậu rải rác ven sông le lói ánh đèn dầu vàng vọt.  

Từ cuối năm 38, Mê Linh đã trở thành trung tâm của phong trào kháng chiến chống lại sự thống trị của nhà Đông Hán mà tiêu biêu là tên Thái thú Tô Định tham tàn, bạo ngược. Trong căn cứ mà Trưng Trắc, Trưng Nhị là thủ lĩnh, đêm nay vẫn là một đêm yên tĩnh. Những đạo quân của các thủ lĩnh địa phương về đây tụ nghĩa đã tạo nên những doanh trại san sát trên một không gian rộng lớn. Những lá cờ vàng nhưng bóng đêm làm chúng đổi màu huyền bí bay phần phật theo gió. Quân sĩ trong các doanh trại đã chìm trong giấc ngủ. Chỉ còn những bóng đen là người các đội tuần tra thay nhau lướt đi nhẹ nhàng, im lặng trong tối để đề phòng những cuộc tập kích bất ngờ của quân Hán vào các doanh trại nghĩa quân. Các vọng gác trên các nẻo đường vào căn cứ suốt đêm leo lét ánh đèn. Bên cạnh các vọng gác là những chiếc trống đồng to sẵn sàng vang lên báo cho toàn quân biết có giặc.

Tổng hành dinh của toàn bộ căn cứ là những ngôi nhà lợp ngói khang trang, tường gạch. Những mái ngói cổ kính im lìm theo năm tháng dưới những bóng cây xanh lâu đời rêu phong cũng đang chìm trong bóng đêm. Ngày xưa, những ngôi nhà này là dinh của quan huyện Mê Linh Hùng Định. Hùng Định là dòng dõi Hùng Vương, phu nhân là Nam Triệu, còn có tên là Man Thiện ở làng Nam Nguyễn, huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ. Hai ông bà thành thân lâu năm, mãi tới ngày 1 tháng Tám năm Giáp Tuất (năm 14 ) mới sinh được hai cô con gái. Cô chị được đặt tên là Trưng Trắc, cô em tên là Trưng Nhị. Hai chị em là tuyệt sắc giai nhân nổi tiếng quận Giao Chỉ. Lớn lên, Trưng Trắc và Trưng Nhị có vóc dáng như tiên nữ nhưng không ẻo lả mà uy nghiêm, lại giỏi võ nghệ, có chí khí nam nhi, thương nước, thương dân, sớm biết căm thù quân giặc cướp nước. Trưng Trắc và Trưng Nhị không biết bao nhiêu lần khóc khi nghe những chuyện dân Việt chết bi thảm, đói nghèo cùng cực dưới sự thống trị tàn bạo của quân Hán, đặc biệt dưới thời Thái thú Tô Định. Ông Hùng Định sớm qua đời. Bà Man Thiện đã hết lòng dạy dỗ hai cô con gái văn võ song toàn, lại có chí khí anh hùng yêu nước. Hai nữ kiệt đã thề quyết tâm đánh đổ nền thống trị tàn bạo của nhà Hán, giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân. Trưng Trắc đã liên kết với một trung tâm lớn khi đó là huyện Châu Diên, quận Giao Chỉ, đứng đầu là huyện lệnh Thi Sách. Từ sự liên minh vì nghĩa lớn này đã hình thành cuộc hôn nhân giữa Thi Sách và Trưng Trắc. Hai người hẹn ước với nhau sau khi giải phóng đất nước thì làm lễ thành hôn chính thức. Khi đó, trên toàn bộ đất Âu Lạc xưa, từ Giao Chỉ, Cửu Chân đến Nhật Nam, do sự tàn bạo của Tô Định mà đã hình thành hàng chục căn cứ khởi nghĩa chống nhà Hán. Sự tàn bạo của bọn ngoại bang thống trị đã tạo ra một sự chống đối quyết liệt, tạo ra một núi lửa mà bọn cai trị đang ngồi trên miệng sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào chôn vùi chúng. Chúng đã quên câu kinh điển: “Quan bức dân phản”.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-24-a15595.html