Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 25

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.   

Kỳ 25.

Trưng Trắc không chỉ liên kết với Thi Sách ở Châu Diên mà để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy sắp bắt đầu, Trưng Trắc đã liên kết và tụ hội được với hầu hết các thủ lĩnh và nghĩa quân ở các địa phương. Trưng Trắc muốn có một cuộc nổi dậy đồng loạt trên tất cả các quận, tạo nên sức mạnh lật đổ kẻ thù.

Đêm nay, trong căn phòng rộng của một ngôi nhà lớn ở phủ huyện Mê Linh, Trưng Trắc vẫn còn thao thức. Đó là người thanh nữ mới 26 tuổi, mắt phượng mày ngài, khuôn mặt trái xoan, mũi thanh tú cao và dài nên trông càng đài các cao sang, mái tóc dầy phủ khuôn mặt đẹp chảy xuống hai vai như mây khói. Trưng Trắc mặc chiếc áo lụa tứ thân màu xanh thêu hoa văn hoa lá, ngang lưng thắt chiếc dây lụa màu vàng làm thân hình hơi cao của nàng thêm duyên dáng uyển chuyển mềm mại. Trưng Trắc đang ngồi trên chiếc ghế, trước mặt là chiếc bàn gỗ lim, trên bàn là một cuốn sổ dầy giấy màu vàng với những chữ thời vua Hùng ghi chi chiết. Trong cuộc đồng hóa, bọn giặc Hán đang tiêu diệt loại chữ có 1.000 năm lịch sử dựng nước này của người Việt. Một nữ tì trẻ mặc áo tứ thân màu nâu bê đặt lên bàn Trưng Trắc một cốc nước lá vối và một cơi trầu cau. Ngọn đèn dầu lạc trên bàn tỏa ánh sáng vàng vọt đủ cho Trưng Trắc đọc cuốn sổ, điểm duyệt lại binh lực trước khi trận đánh quyết định bắt đầu. Số thủ lĩnh đã đem quân về tụ nghĩa ở Mê Linh hoặc đồng ý quy tụ dưới cờ dù còn ở địa phương đã lên tới hàng trăm, đa số là nữ tướng:

Nữ tướng Lê Chân, cha là Lê Thái Bảo, quê ở An Biên, huyện Khúc Dương,[1] quận Giao Chỉ. Ông Lê Thái Bảo đã bị Tô Định giết chết khi hắn buộc Lê Chân làm tì thiếp không được. Lê Chân đã trốn thoát và khởi nghĩa chống Tô Định ở Căn cứ Vụ Nông[2]. Nữ tướng này đã nhiều lần đánh bại quân Hán và làm chúng khiếp sợ, chúng gọi Lê Chân là “Cá kình biển Đông”. Nhận lời của Nữ chúa Trưng Trắc, Lê Chân cùng các phó tướng là Hải Thềm, Nhật Trực, Nguyệt Đô ở lại chờ tổng tấn công, đánh vào phía đông của Luy Lâu.

Nữ tướng Tạ Vĩnh Gia, quê quán huyện Long Uyên, quận Giao Chỉ, thủ lĩnh nghĩa quân ở Nại Tử Châu, quân số đến 2.000 nghĩa binh.

3.Phùng Thị Chính: quê quán Tuấn Xuyên, Vạn Thắng, Ba Vì, quận Giao Chỉ.

4. Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, quê ở trang Phượng Lâu, huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ. Vũ Thị Thục là con ông Vũ Công Chất và bà Hoàng Thị Mầu. Để chiếm được nàng Thục Nương xinh đẹp, Tô Định đã đánh chết chồng chưa cưới của nàng là Phạm Danh Phương. Thục Nương đã khởi nghĩa, đánh giết quan quân Hán, lùi về xây dựng căn cứ ở Tiên La[3], và mở rộng căn cứ ra cả Đoàn Thượng, Bảo Khê, Quận Giao Chỉ. Giặc Tô Định nhiều lần đàn áp nhưng bị Thục Nương đánh bại nên rất  khiếp sợ. Mùa xuân năm 40, Thục Nương đem 1.000  tráng sĩ cùng phó tướng Cao Thị Liên về hội tụ dưới cờ nghĩa của Trưng Trắc và Trưng Nhị ở Mê Linh.

 5.Nữ tướng Hàn Quỳnh Nương là con gái huyện lệnh ở trang Linh Xá, huyện Tư Phố, quận Cửu Chân. Hàn Quỳnh Nương là phu nhân quan chúa bộ Lê Công Bình, huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ. Lê Công Bình chống lại Tô Định và bị hắn giết hại. Hàn Quỳnh Nương phải đem hai con gái là Lê Minh và Lê Đậu trốn ra nhà anh trai là Hàn Đạt ở trang Văn Bút, huyện Câu Lâu, quận Giao Chỉ. Hàn Quỳnh Nương cùng anh trai Hàn Đạt đã khởi nghĩa chống lại Tô Định ở Câu Lâu, quân số lên tới 1.000 nghĩa sĩ. Nghe tin Trưng Trắc khởi nghĩa, Hàn Quỳnh Nương đem theo Hàn Sanh, Lê Minh Nương, Hàn Hãn, Hàn Già, Lê Đậu Nương cùng 1.000 dũng sĩ về Mê Linh tụ nghĩa.

6. Nguỵêt Nga, chồng là Ngọ Công quê ở Trung Hòa, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ[4], quận Giao Chỉ, đem theo 1.200 quân  về Mê Linh.

 7. Ba nữ tướng Hồng Nương, Thanh Nương, Đạm Nương quê ở xã Tuân La, huyện Câu Lậu, Quận Giao Chỉ. Ba nữ tướng là chị em ruột đã khởi nghĩa chống giặc Hán ở Câu Lâu, đã đem nghĩa binh về Mê Linh tụ nghĩa.

  8. Xà Nương quê ở làng Tuyển Cừ, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, quận Giao Chỉ[5].

9. Đồng Nhân đã đem theo 24 nữ binh, thuyền bè, vũ khí về Mê Linh

10. Các nữ tướng ẢTú, Ả Huyền, Ả Cát, quê quán trại Vân Thủy, huyện Tây Vu, Bạch Hạc[6], quận Giao Chỉ . Ả Tú, Ả Huyền là con ông bà Phùng Liệt và Phạm Thị Tư, Ả Cát có cha là Hoàng Hi và mẹ là Phạm Thị Chí. Ba nữ kiệt đã đem theo 106 nghĩa sĩ về tụ nghĩa ở Mê Linh.

11.Nữ tướng Nguyệt Nga ở trang Đường Hào, huyện An Định[7], quận Giao Chỉ, cha là Trần Huy, mẹ là Phạm Thị Đào. Nữ tướng đã khởi nghĩa ở Dưỡng Mông, đem nghĩa quân lên đến 2.000 người về tụ nghĩa..

12. Nữ tướng Đinh Phật Nguyệt, quê quán làng Yến, huyện Tây Vu, Thanh Ba, Bạch Hạc[8], quận Giao Chỉ, Thủ lĩnh nghĩa quân ở vùng Phượng Lĩnh, Thanh Vân, Thanh Cù, thượng nguồn sông Thao. Đã nhiều lần tiêu diệt giặc Hán khi chúng xông vào căn cứ. Có đầu óc tổ chức, biên chế quy củ, tiêu diệt địch hiệu quả. Nữ tướng Phật Nguyệt đã đem 2.000 quân và trên 200 chiến thuyền cùng các phó tướng Hoàng Cống, Đông Bảng, Đô Dương về Mê Linh hội quân.

13.Nữ tướng Lê Ngọc Trinh và em là Ả Chạ, quê ở trang Lũng Ngòi, huyện Tây Vu, (Bạch Hạc-Đàm Luân, Vĩnh Tường[9]), quận Giao Chỉ, con của hai ông bà Lê Hoàn. Lê Ngọc Trinh là chị em sinh đôi với Lê Ngọc Thanh. Năm hai chị em 19 tuổi, quan lại nhà Hán đã bắt chị Lê Ngọc Thanh và nàng Thanh đã chết. Lê Ngọc Trinh căm giận quân giặc, khởi nghĩa chống Tô Định ở Lũng Ngòi. Ngọc Trinh rất giỏi về công tác tình báo nên đã đánh bại nhiều trận càn của giặc. Lớn nhất là trận đánh thắng, bắt sống tướng giặc Lưu Ứng Khâm, chặt đầu tên này lấy máu làm lễ tế cờ khởi nghĩa, đem 2.000 nghĩa binh cùng các phó tướng là Trần Thị Phương Châu, Lê Thị Trâm về Mê Linh tụ nghĩa.

14.Nữ tướng Thiều Hoa, con ông bà Hoàng Phu và bà Đào Thị Côn, quê quán Động Lãng Xương, Trấn Hưng Hóa[10], dưới chân núi Tản Viên, trên bờ sông Đà. Sau khi bố mẹ mất, Thiều Hoa sang sinh sống ở tả ngạn sông Thao ở xã Song Quan. Được sự giúp đỡ của các nhà sư, Thiều Hoa xây dựng căn cứ chống quân Hán ở rừng núi hai bờ sông Thao. Chùa Phúc Khánh trở thành võ đường của nghĩa quân. Thiều Hoa đã dẫn 500 nghĩa binh về tụ nghĩa.

 15.Nữ tướng Ả Lã, Rồng Nhị là hai chị em sinh đôi, người làng Do Tràng, huyện Long Uyên, quận Giao Chỉ. Chồng chưa cưới của Ả Lã  bị Thái thú Tô Định giết để nhằm cướp Ả Lã làm tì thiếp. Ả Lã cùng mẹ và em trốn đi và đã dựng cờ khởi nghĩa chống quân Hán. Ả Lã đã đem quân về hợp nhất với nghĩa quân Hùng Bàn, lực lượng đã lên tới 7.000 người, đã từng đánh cho quân Hán nhiều trận tơi tả. Nhiều trận, Hùng Bàn đã truy kích địch tới tận thành Luy Lâu. Hai người đã đính ước phu thê và kéo quân về Mê Linh tụ nghĩa.

16.Tướng Hùng Bàn, người làng Dư Xá, Thuận Thành, Huyện Long Uyên, quận Giao Chỉ, con ông Hùng Bá, Lạc tướng Hàm Hoan, quận Cửu Chân và bà Nguyễn Thị Lang. Ông Hùng Bá khởi nghĩa chống Tô Định, bị Định giết chết. Bà Nguyễn Thị Lang phải đem Hùng Bàn trốn về quê ở làng Dư Xá, huỵên Long Uyên, quận Giao Chỉ. Lớn lên, Hùng Bàn đã xây dựng căn cứ khởi nghĩa chống Tô Định. Ả Lã đã đem quân về hợp nhất với nghĩa quân Hùng Bàn, lực lượng đã lên tới 7.000 người, đã từng đánh cho quân Hán nhiều trận tơi tả. Nhiều trận, Hùng Bàn đã truy kích địch tới tận thành Luy Lâu. Hai người đã đính ước phu thê và kéo quân về Mê Linh tụ nghĩa.

17.Nữ tướng Xuân Nương quê ở xã Hương Nha, huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ. Bố Xuân Nương là Hùng Sát, Chủ trưởng châu Đại Man (đất các vùng Tam Nông, Cấm Khê) tả ngạn sông Cái[11] và Thanh Thủy, Thanh Sơn hữu ngạn sông Cái. Mẹ là Đinh Thị Hiên Hoa. Hai ông bà sinh 7 người con trai, người thứ 8 là gái đặt tên là Xuân Nương. Bố mất, Hùng Thắng là con trưởng được trao chức chủ châu.

(Còn nữa)

CVL

-----------------------------

[1] . Nay là xã An Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

[2] . Giáp với Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

[3] . Nay thuộc Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

[4] . Nay thuộc tỉnh Hưng yên.

[5] . Nay thuộc tỉnh Hải Dương.

[6] . Nay thuộc tỉnh Phú Thọ.

[7] . Nay thuộc tỉnh Hải Dương.

[8] . Nay thuộc tỉnh Phú Thọ.

[9] . Nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

[10] .Nay là xã Trung Nghĩa, Tam Thanh, Phú Thọ.

[11] . Tức sông Hồng.

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-a15786.html