Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 29

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.  

Kỳ 29.     

-Phong Lê Minh làm Hộ giá tòng Chinh tướng quân.                   

 -Phong nữ tướng Tạ Vĩnh Gia làm tướng ở Trung Quân, cùng chủ tướng đánh quân Hán trên sông Hát, sông Hồng rồi tấn công Luy Lâu.       

-Phong cho nữ tướng Trần Nương làm Trưởng lĩnh Trung Quân cầm cờ của chủ tướng khi xung trận.                                                              

-Phong cho tướng Ngài Học làm Nguyên soái, ở trung quân cùng chủ tướng tiến công.                                                                               

 -Phong Nga Nương làm Thống Lĩnh tả hữu nội vệ nữ tốt, phục vụ ở Trung quân, phong  Xuân Nương, chức Trưởng quản quân cơ nội các.    

 - Phong Nguyệt Nga làm Tùy tướng cho Trưng Nhị.                    

-Phong Quý Lan chức Nội thị tướng quân.

-Đạo thủy Binh: phong Hùng Bàn chức Thống lĩnh tiền quân đại tướng, kiêm chỉ huy thủy quân. -Phong Phật Nguyệt ở Thanh Ba, huyện Tây Vu  chức Thao Giang Thượng tả trưởng thủy quân, Chinh Bắc Đại tướng quân, chỉ huy một cánh thủy quân, tiến đánh Luy Lâu                         

-Phong Lê Đậu Nương làm Đô đốc thủy tào tướng quân cùng Tả tướng thuỷ quân Phật Nguyệt, Nữ tướng Xà Nương chỉ huy thủy quân tiến theo sông Đuống, sông Dâu đánh phía Tây Luy Lâu.

 Trưng Trắc nói tiếp:

- Đây là đạo quân Mê Linh, trung tâm của cuộc nổi dậy, ngoài ra các tướng lĩnh ở các địa phương có nhiệm vụ phát động nhân dân quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam đứng dậy diệt thù, đồng thời chúng ta phải tiêu diệt các đồn chung quanh Mê Linh, Cổ Loa và thẳng tiến tới Luy Lâu. Ngoài tiến đánh Luy Lâu, cả nước đồng thời phải nổi dậy khắp nơi mới bảo đảm thắng lợi. Vì vậy nay phong:                                   

 -Đạo quân binh Tây Vu-Long Uyên: Phong cho nàng Nội làm tướng, thao luyện quân, tích lũy lương thực tại Bạch Hạc, đánh giặc tại Bạch Hạc. Phong tướng cho Lê Ngọc Trinh làm tướng quân, tiêu diệt địch ở vùng sông Lô, sông Gâm, sông Chảy. Phong Hồ Đề chức Phó Nguyên soái, tiêu diệt địch ở Tây Vu-Long Uyên, sau đó cùng tiến về Luy lâu. Phong nữ tướng Chúa Bầu làm Trấn Viễn đại tướng quân, Ả Tú, Ả Huyền làm tướng  chỉ huy đạo quân binh, phối hợp với các thủ lĩnh người Tày, Nùng  lãnh đạo nhân dân tham gia khởi nghĩa, tiêu diệt địch ở Tây Vu-Long Uyên. Phong An Bình Lý làm tướng coi giữ Tam Dương, huyện Tây Vu. Phong Trần Quốc (nàng Quốc) chức Trung Dũng đại tướng quân, diệt địch ở Cổ Loa, huyện Long Uyên. Phong Tống Vĩnh Huy là Nội thị tướng quân, đánh giặc ở Tiên Nha, Huyện Tây Vu .                       

-Đạo quân binh huyện Câu Lậu: Nay phong Đinh Tiên Tiên, Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương làm tướng, kêu gọi và lãnh đạo bách tính khởi nghĩa, tiêu diệt quân Đông Hán ở Hoa Lư, huyện Câu Lậu.

-Đạo quân binh Huyện Chu Diên: phong Hàn Quỳnh Nương làm tướng, khởi sự đánh giặc ở phủ Lý Nhân, sau khi thắng lợi kéo về hợp quân tiến đánh Luy Lâu. Phong cho Thục Côn làm tướng, tiến đánh quân Hán ở Sơn Nam.

Đạo quân binh An Định: Phong Vũ Thị Thục Bát Nạn Đại tướng, Uy viễn Đại Tướng quân có nhiệm vụ khởi sự tiêu diệt quân Hán ở huyện An Định.

Đạo quân Cửu Chân: Phong Mai Lan làm tướng, Lê Thị Hoa chức Bình Nam Đại Tướng quân, Phó thống lĩnh đạo binh Cửu Chân. Phong Đào Kỳ, Phương Dung chức Trấn Nam Đại tướng quân. Các tướng phải ra sức đánh phá giặc ở Cửu Chân, rồi tiến đánh Luy Lâu.        

- Phong cho Thánh Thiên làm Bình Ngô đại tướng, ban cho long đao, đánh giặc ở Bắc Đái, Huyện Kê Từ.

-Đạo quân binh Khúc Dương: Phong  Lê Chân chức Trấn Đông Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải, tấn công giặc ở vùng biển Đông Bắc, sau đó đem quân về hợp sức đánh Luy Lâu.

-Đạo quân Nhật Nam: Phong nữ tướng Thị Quỳnh (Nàng Quỳnh), Thị Quế (Nàng Quế) làm Tiên phong phó tướng chức Hổ Oai Đại Tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nhật Nam, phát động khởi nghĩa và tiêu diệt địch ở vùng Nhật Nam.                                                          

-Đạo quân Hợp Phố: Phong Đàm Ngọc Nga chức Tiền đạo tả tướng quân, Phó thống lĩnh đạo binh Nam Hải. (Khúc Giang, Quảng Đông).                

 -Phong Ba vị họ Đào làm Tướng: Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống, ĐàoTam Lang đánh địch ở Bồ Lăng tại ngã ba sông Trường Giang và Ô Giang (Trùng Khánh).                                    -Phong Trần Thị Phương Châu làm Hải Nam công chúa, đánh địch ở  Khúc Giang, (Quảng Đông).       

 -Đạo quân hồ Động Đình: Phong Lê Ngọc Trinh ở Lũng Ngòi, huyện Tây Vu chức Chinh thảo đại tướng quân đánh giặc ở Quế Lâm.                       

-Phong Lê Thị Lan ở Đường Lâm, Huyện Tây Vu chức Trấn Tây tướng quân, đánh giặc ở Hán Trung.                                                                

-Phong Sa Giang, quê ở Trường Sa, người Hán, làm tướng quân, đánh giặc ở Hợp Phố.              

- Phong Đô Thiên người Hán  làm Động Đình công, Chức Trung Nghĩa đại tướng quân, đánh giặc ở Trường Sa, Hợp Phố.

-Tất cả những tướng lĩnh phụ trách các đạo quân binh ngay đêm nay đem quân bản bộ về các địa phương được phân công, kêu gọi nhân dân khởi nghĩa, truyền hịch của ta, đánh phá thành trì, tiêu diệt quân Đông Hán. Nơi nào gần Luy Lâu, sau khi đã chiến thắng có điều kiện thì ra chi viện cùng đánh chiếm Luy Lâu, Các tướng lĩnh phải hoàn thành chức trách của mình, ai vi phạm kỷ cương, trách nhiệm sẽ bị xử theo quân luật.

Trưng Trắc dứt lời, cả Đại sảnh rộng lớn vang lên tiếng đáp đồng thanh như sấm vọng lan xa trong đêm khuya:

-Chúng tướng xin tuân lệnh chủ tướng, nhất định chiến thắng, nhất định hoàn thành nhiệm vụ, làm trọn lời thề với trời đất, tổ tiên Hùng Lạc.  

Trưng Trắc nói:

-Ta ra lệnh đồng khởi diệt thù, chúc các chư tướng thành công.

-Dạ, chúc chủ soái thành công.

Các nữ tướng đứng dậy ra về bản doanh của mình. Tiếng trống đồng nơi đại sảnh vang lên và đêm đó khắp Mê Linh, tiếng trống đồng vang lên không ngớt ban bố mệnh lệnh tổng nổi dậy của toàn dân. Các đạo quân trong đêm tối từ Mê Linh tiến về khắp các ngã đường Đông Tây Nam Bắc của đất nước, Trên đầu họ những lá cờ màu vàng, mang chữ Hùng-Lạc đỏ chói trong đêm như ngọn đuốc soi đường. Trên cao hơn, bầu trời đêm xuân năm 40 lấp lánh những vì sao như mắt những thần linh sáng chói dõi nhìn những người con hùng dũng đi cứu giống  nòi đang bị chìm đắm suốt 200 năm nay dưới ách thông trị của quân xâm lược.

                                             IV

   Mùa xuân năm 40, khắp vùng Lĩnh Nam, thuộc các vùng cai trị của nhà Đông Hán thuộc các tộc người Việt từ Nam Trường Giang, hồ Động Đình, Hợp phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam chấn động rung chuyển bởi các cuộc nổi dậy của bách tính dưới sự lãnh đạo của các tướng lĩnh của hai Bà Trưng. Bọn thống trị Đông Hán tưởng lấy sự tàn bạo và nhiều thủ đoạn thâm độc để mong duy trì chính quyền đô hộ vĩnh viễn. Nhưng chúng đã nhầm. Tàn ác đã đẩy nhân dân đến bức đường cùng và họ đã nổi dậy như đại dương nổi sóng thần. Các thành trì lớn bé bị phá tan hoang, đầu của quan cai trị và quân lính Hán rơi như sung rụng, máu chảy chan hòa để rửa vết nhơ trong lịch sử. Ngày tàn của chế độ bạo tàn của chúng đã đến.

  Tại trung tâm Mê Linh, vào sớm hôm mà mệnh lệnh khởi nghĩa được ban bố, Trưng Trắc mặc áo chiến bào đỏ, áo giáp màu đồng vàng, lưng đeo gươm, đầu đội mũ đồng gắn lông chim hạc, cưỡi trên lưng con voi to lớn đi trung quân. Phía trước gần cổ con voi có người quản tượng mặc quân phục nâu. Đi trước trung quân của chủ tướng là đạo tiền quân của nữ tướng Phùng Thị Chính, Vũ Thị Thục. Sau lưng có đạo hậu quân của nữ tướng Nàng Quỳnh, Nàng Quế. Hai bên có hai đạo quân tả hữu tiên phong của các nữ tướng Ả Lả, Rồng Nhị và Thiều Hoa. Các nữ tướng cưỡi ngựa, mặc giáp đồng, trang phục nâu, lưng đeo cung tên và bên sườn mang gươm lớn, đầu đội mũ chóp bằng đồng có gắn lông chim. Toàn bộ quân Việt đông khoảng 2 vạn, quân phục màu nâu, vũ khí giáo mác, cung tên, gươm, dao ngắn tiến như thác lũ đánh thành Đô úy trị ở Mê Linh.

  Thành Đô úy trị Mê Linh là thành địa phương không lớn lắm nhưng thành kiên cố xây bằng đá ong, chung quanh có hào nước rộng, muốn vào thành phải qua cầu bắc qua hào và rút lên sau khi vào thành. Khi quân Bà Trưng còn cách thành hai dặm thì thám mã về báo:

  -Bẩm chủ tướng, Đô Úy người Hán đã đem quân ra ngoài thành dàn trận nghênh chiến.

Trưng Trắc ra lệnh:

-Hai đạo tả hữu vòng thành vòng cung hai bên và bao vây sau lưng địch, không cho chúng tháo chạy vào thành. Trung quân chuẩn chiến đấu.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-29-a16463.html