Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 30   

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024. 

Kỳ 30.

Quân Việt tiến thêm hơn một dặm nữa thì gặp địch và dừng lại. Đối diện với quân Việt có khoảng 1 vạn quân Hán dàn hàng ngang, cách thành và hào nước khoảng nửa dặm. Quân Hán mặc quân phục đen, đội mũ đen, cầm cung tên giáo mác gươm dao tua tủa. Năm võ tướng mặc áo đen, áo giáp sắt, đội mũ đâu mâu, lưng mang cung tên, tay mỗi người cầm vũ khí khác nhau, người thì long đao, kẻ thì thiên phương họa kích, kẻ lại búa lớn, kẻ thì dao to, nom rất khí thế và hung hãn. Quân Hán gõ trống chiêng inh ỏi, quân Việt cũng khua trống đồng, tù và vang dội. Trời mùa xuân nhưng gió lạnh thổi thốc tháo nhưng chiến trường Mê Linh nóng bỏng bởi một trận huyết chiến sắp nổ ra. Đô uy Mã Khắc Thiêm nhìn những tướng lĩnh của quân Việt thấy toàn mặt hoa da phấn, oai phong tuyệt trần thì có vẻ xem thường, liền quát:

-Có ai ra bắt bọn nữ tặc cho ta?

- Dạ có mạt tướng.

Dứt lời, một tướng cao lớn sử dụng thanh long đao thét lên một tiếng man rợ rồi múa long đao xông ra. Nữ tướng tiền quân của quân Việt Phùng Thị Chính múa gươm xông ra quát:

-Thằng giặc kia hôm nay phải đền tội.

Hai ngựa hai ngươi một nam một nữ lao vào nhau, gươm chạm vào long đao tóe lửa phát ra âm thanh sắt thép rợn người. Tiếng la hét của quân lính, tiếng trống da bò của quân Hán lẫn với tiếng trống đồng của quân Việt vang động một khoảng trời. Hai tướng vẫn đấu với nhau kịch liệt. Bỗng nhiên một cánh tay và thanh long đao của tướng Hán và sau đó cả cái đầu đẫm máu văng xuống đất. Máu nhuộm đỏ cả áo giáp và bờm ngựa của nữ tướng Phùng Thị Chính. Quân Hán chưa hết cơn sửng sốt bàng hoàng thì quân Việt đã thừa thắng xông lên chém giết. Quân Hán bỏ chạy vào thành thì cầu treo vào thành đã bị rút lên. Thành đã bị quân Việt lấy. Trên thành hàng trăm lá cờ vàng thêu chữ đỏ Hùng Lạc tung bay phấp phới. 5 tướng Hán cùng quan Đô úy và 1 vạn quân Hán bị giết, máu như thành sông, xác chồng như rạ. Bên Việt tổn thất 500 binh sĩ nhưng tướng lĩnh không mất người nào. Quân Việt ở Mê Linh, trung tâm khởi nghĩa của cả nước dưới sự lãnh đạo của Trưng Trắc đã thắng lợi oanh liệt trận đầu. Trưng Trắc cho quân ăn mừng thắng lợi, củng cố đội hình và tiến đánh thành Cổ Loa.

  Sau chiến thắng Mê Linh một ngày, đại quân của  Trưng Trắc tiến về Đông Anh hạ trại chuẩn bị tiến đánh thành Cổ Loa. Đêm đó, trong Tổng hành dinh của mình, Trưng Trắc cùng các tướng lĩnh nghiên cứu kế hoạch tấn công Cổ Loa. Hạ thành Cổ Loa khó hơn nhiều so với hạ thành Đô úy trị ở Mê Linh. Cổ Loa do Cao Lỗ thiết kế xây dựng từ thời An Dương Vương Thục Phán, đến năm 40 đã gần 300 năm nhưng cấu trúc và độ bền vững còn nguyên vẹn. Chín vòng thành quanh co bằng đết sét nện chắc, mặt các thành trong rộng khoảng 5 bước chân, thành vòng ngoài mặt rộng 10 bước, đáy rộng 10 bước theo kiểu hình thang thượng thu hạ thách. Trên mặt thành ngoài, ngày xưa Cao Lỗ cho xây những tháp canh và 100 bệ đặt nỏ liên châu (nỏ thần), ngày nay, quân Hán không có nỏ liên châu nhưng trên 100 ụ đó chúng cho đặt nỏ cứng to mạnh. Dưới bốn mặt thành ngoài là hào rộng hai chiến thuyền có thể đi song song. Nay trên dòng sông hình elíp đó, thuyền chiến quân Hán đậu san sát bảo vệ thành. Những thuyền chiến đó có thể đi lại với căn cứ thủy quân ở Đầm Vạc và từ dòng sông bốn mặt thành đó có thể tiến ra sông Hoàng Giang mà triển khai đến sông Cái (sông Hồng), sông Đuống ra tận Lục Đầu Giang. Ra thành vào thành Cổ Loa qua chiếc cầu to lớn bằng gỗ lim có thể nâng lên hạ xuống do lực bánh xe kéo bằng giây thừng to đặt ở bên trong cổng thành.

Trưng Trắc nói:

-Đánh thành Cổ Loa khó khăn hơn đánh thành Mê Linh rất nhiều. Thành này thành cao, hào sâu, nỏ mạnh tên cứng, trong thành khoảng 2 vạn quân, lại có thủy binh bảo vệ vòng ngoài. Cho nên ngày xưa Triệu Đà phải dùng gian kế, sau đó nội công ngoại kích  thì An Dương Vương bại trận và thành Cổ Loa thất thủ, nước  Âu Lạc mất. Nay ta đã có chuẩn bị và cũng phải dùng nội công ngoại kích thì mới thành công.

Các tướng hỏi:

-Nội công ngoại kích thì phải đánh như thế nào thưa chủ tướng?

Trưng Trắc đáp:

-Ta đã chuẩn bị và có chủ ý, các tướng cứ nghe theo lệnh của ta là được.

Ngày hôm sau quân Việt đông như kiến cỏ giữ nguyên đội hình như tiến đánh thành Mê Linh tiến về Cổ Loa. Khi còn cách Cổ Loa nửa dặm, quân Việt dàn trận vẫn theo đội hình tả, hữu, tiền, hậu và trung quân.

Đốc tướng giữ thành Chu Thiên Phú cùng tùy tùng lên mặt thành quan sát. Trước mặt cách hào nước thành Cổ Loa khoảng nửa dặm, quân Việt đông vô kể với quân phục màu nâu dàn trận hình cánh cung dày đặc, gươm giáo tua tủa lên trời lấp lánh, những lá cờ vàng thêu chữ Hùng Lạc màu đỏ bay phấp phới. Những nữ tướng chiến bào màu nâu, áo giáp đồng, mũ đồng chóp nhọn, lưng mang cung tên, tay cầm gươm đang ghì cương ngựa hùng dũng. Ở Trung quân có hai lá cờ lớn màu đỏ có chữ soái, dưới chữ soái là chữ Hùng-Lạc vàng rực, dưới hai lá cờ là hai thớt voi to lớn như hai hòn núi di động. Ngồi trên voi là hai nữ tướng bận võ phục đỏ, áo giáp đồng, mang gươm lớn đang chăm chú quan sát về thành. Chu Thiên Phú hỏi:

-Hai nữ tặc ngồi trên voi có phải là Trưng Trắc và Trưng Nhị nổi tiếng đó chăng?

Tướng tùy tùng đáp:

-Dạ phải, Trưng Trắc là chị, em là Trưng Nhị, võ nghệ cao cường nổi tiếng thiên hạ.

Chu Thiên Phú cười ha hả

-Ha! Ha!Ha! Nguyên soái là nữ, tùy tướng là nữ, quân sĩ là nông dân ô hợp. Thế này mà Thái thú khuyên ta cẩn thận, cứ cố thủ để chờ viện binh thì quân kia tan vỡ, ha ! Ha! Ha! Thực là nực cười…

Tùy tướng nói:

-Xin chủ tướng chớ xem thường. Khi Thái thú Tô Định dùng Ngụy Húc là một võ lâm cao thủ dưới chiêu bài thi đấu võ để giết hết nhân tài đất Việt, Ngụy Húc đã giết chết được 10 võ lâm cao thủ người Việt. Nhưng khi gặp Trưng Trắc, chỉ 10 hiệp thì đầu Ngụy Húc đã bay khỏi cổ ở võ đài Luy Lâu.

-Ngụy Húc là thằng vô danh tiểu tốt, sao sánh được với võ quan triều đình Đông Hán. Nam tử Hán đại trượng phu lại không đánh nổi bọn đàn bà hay sao?

Rồi Chu Thiên Phú ra lệnh:

-Mở cổng thành, giao chiến để ta bắt bọn nữ tặc.

Cửa cổng thành kiêm cầu treo ghép bằng những tấm gỗ lim nặng và lớn được hai tên lính điều khiển bằng bánh xe hạ xuống bắc qua sông hào. Từ cổng thành, Chu Thiên Phú và năm tướng tùy tùng phi ngựa tung bờm xông ra như cơn lốc, theo sau là hai vạn quân Hán trang phục màu đen, tay cầm gươm giáo mác và đủ loại vũ khí giết người, lưng đeo cung tên chạy theo sau như thác lũ. Ra đến nơi, quân Hán dàn trận về hai bên tả hữu của chủ tướng tạo nên thể trận chữ nhất. Dàn trận xong, Chu Thiên Phú hét to:

-Có ai ra bắt nữ tặc cho ta?

Một tướng mặt đen, mắt lồi hung ác, người to lớn, huơ hai chiếc búa khổng lồ thúc con ngựa chiến cũng màu đen xông ra. Bên quân Việt, nữ tướng tiền quân Thiều Hoa cũng múa hai thanh gươm lớn lấp lánh phóng ngựa màu nâu phi ra. Hai tướng gần nhau thì gươm và búa chạm nhau tóe lửa. Hai bên giao chiến 50 hiệp mà không phân thắng bại. Trưng Trắc ra lệnh:

-Bắn tên lửa lên trời!

Đội trung quân đi sát Chủ tướng châm lửa vào những mũi tên có chất cháy bắn tới tấp lên trời cao. Khói lửa sáng rực trên không trung. Quân Hán ngạc nhiên không biết quân Việt bắn tên lửa lên để làm gì. Vài khắc sau, từ trong thành Cổ Loa cũng có hàng trăm phát tên lửa bay lên trời. Những chiến thuyền của quân Hán đậu ở hào thành Cổ Loa bỗng nhiên bốc cháy. Thì ra những người Việt mặc thường phục đang trên thành Cổ Loa ném đá và chất cháy xuống chiến thuyền quân Hán. Trận thế của quân Hán trên bờ hoang mang rối loạn. Trưng Trắc trên mình voi chỉ gươm về phía trước ra lệnh:

-Toàn quân xông lên giết giặc, trả thù nhà nợ nước!

Quân Hán ngoảnh nhìn phía sau thì thấy chiến thuyền bốc cháy, lính thủy bị chết do lửa, do tên, do đá ném từ mặt thành xuống. Phía trước quân Việt đang xông lên chém giết mãnh liệt. Thế trận quân Hán tan vỡ rối loạn. Tên tướng Hán mặt đen võ nghệ cao cường nhưng tình thế chiến trường làm hắn phân tâm, bấn loạn, thất thế một miếng võ và bị Thiều Hoa chọc một gươm xuyên qua họng ngã lăn xuống đất chết tươi. Quân Hán đại bại chạy trở lại Cổ Loa thành nhưng cầu treo đã bị rút lên, hào quanh thành chiến thuyền cháy ngùn ngụt với thây xác quân Hán chết cháy hoặc bị đá trên thành ném dập mặt vỡ đầu ngổn ngang trên thuyền hoặc vật vờ dưới nước. Đại quân Hán chạy về  không có cầu vào thành lao nhau xuống sông, ngựa các tướng chồm vó bên vực sông và cũng lao xuống nước. Trên thành gỗ đá, tên, chất cháy vẫn tuôn xuống như mưa. Sau lưng quân Việt đuổi tới chém giết quân Hán như phạt chuối, xác quân Hán phơi đặc một dặm ngoài thành, máu lênh láng đỏ lòm như trải thảm. Hai vạn quân Hán và các tướng lĩnh tử trận, còn khoảng vài trăm tên nhằm phía Bắc mà chạy về hướng Luy Lâu. Phía quân Việt trong kịch chiến tổn thất khoảng gần 1.000 nghĩa binh.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-30-a16465.html