Lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tại Lâm Đồng

Tỉnh Lâm Đồng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng với các địa bàn khu vực luôn gìn giữ văn hóa của người dân tộc. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng phát triển du lịch văn hóa, góp phần mang lại nguồn lợi kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư.

Lợi thế có sẵn và tiềm năng dồi dào

Lâm Đồng là tỉnh thuộc khu vực Nam Tây Nguyên của Việt Nam ở độ cao chênh lệch từ 300-1.500m so với mặt nước biển. Nền nhiệt độ lý tưởng từ 18-25oC và được xếp vào ngưỡng nhiệt xứ ôn đới đặc biệt thuận lợi cho phát triển rau, hoa, trà, cà phê. Thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính kinh tế, chính trị của tỉnh, trong tương lai sẽ trở thành thành phố tăng trưởng xanh, đô thị di sản; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Tỉnh Lâm Đồng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – là Khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đây là bước đệm để Lâm Đồng phát triển thế mạnh, khơi dậy tiềm năng mà không phải địa phương nào cũng có được.

phat-trien-du-lich-1726632163.jpg

TP Đà Lạt tập trung phát triển du lịch chất lượng cao.

Nhiều loại hình du lịch mà tỉnh Lâm Đồng tập trung phát triển mạnh là: Du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch MICE, du lịch sinh thái, du lịch canh nông và du lịch thể thao mạo hiểm. Qua đó, hình thành các sản phẩm du lịch truyền thống các dân tộc thiểu số địa phương, du lịch tâm linh, khuyến khích nghiên cứu sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. 

Du lịch văn hóa cộng đồng được quan tâm phát triển

Những năm qua, không chỉ  TP Đà Lạt, tại các địa phương của Lâm Đồng, du lịch cũng được đầu tư và phát triển mạnh mẽ, mỗi địa phương đều tận dụng lợi thế của mình để thu hút khách du lịch. Tại huyện Đức Trọng, du lịch nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn mà địa phương này lựa chọn.

Cụ thể tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) được xem như là cái nôi văn hóa của người dân tộc Cơ Ho với những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán đậm bản sắc và vô cùng đa dạng vẫn còn gìn giữ rất tốt cho đến tận ngày nay. Các lễ hội truyền thống hàng năm như lễ Mừng lúa mới, lễ bắt chồng, lễ đâm trâu… cùng với đó các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát cũng được duy trì và phát triển. Đặc biệt, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng tại đây cũng là một phần nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005. Đó là điều kiện không thể thuận lợi hơn để tận dụng nhằm phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa, cộng đồng.

du-lich-van-hoa-lam-dong-1726632236.jpg

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng với chủ đề “Âm vang Cao nguyên Di Linh”.

Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết “Huyện Di Linh phấn đấu đến năm 2025 lượng khách du lịch đăng ký lưu trú tăng bình quân 7-8%/năm; trong đó khách quốc tế chiếm từ 3-4% tổng lượng khách qua lưu trú. Tập trung hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác một số dự án đã chấp thuận đầu tư, hoàn thành việc quy hoạch, kêu gọi đầu tư và triển khai đầu tư một số dự án du lịch thuộc danh mục thu hút đầu tư của huyện và của tỉnh trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ thực hiện quy hoạch một số khu vực có tiềm năng để thu hút phát triển các dự án du lịch chất lượng cao. Đến năm 2030, Di Linh sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Ngành Du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, phát triển theo hướng chất lượng cao và bền vững”

Huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) cũng được biết đến là địa phương có tài nguyên về văn hóa - du lịch đa dạng và phong phú (kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung qua đèo Ngoạn Mục – một trong những cung đường đèo đẹp của Việt Nam). Đơn Dương còn đang sở hữu một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận, đó là Di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Là huyện đạt nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, Đơn Dương du thu hút du khách không chỉ bởi những vườn hoa bạt ngàn, vựa rau chuyên canh lớn nhất tỉnh mà còn có các công trình kiến trúc tâm linh và làng nghề truyền thống. Những kiến trúc tâm linh như: Chùa Giác Nguyên, nhà thờ Ka Đơn, Samten Hills Dalat,...cùng những làng nghề mang nét văn hóa truyền thống như bánh tráng Lạc Lâm, gốm Pro, bạc Tu Tra…thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. 

phat-trien-du-lich-van-hoa-lam-dong-1726632531.jpg

Làng văn hóa Churu điểm đặc trưng của du lịch Đơn Dương.

Xác định du lịch bên cạnh canh nông, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa cộng đồng  là sản phẩm du lịch mới, có tính cạnh tranh cao, có nét đặc trưng khác biệt mang thương hiệu của từng huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Do đó, toàn tỉnh đã gắn việc mở rộng nhiều loại hình du lịch lợi thế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các loại hình kinh tế, từ đó phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương. Tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, mang thương hiệu du lịch góp phần tạo việc làm, nâng cao sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Đây cũng là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, khu vực kém phát triển, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác cùng phát triển.

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/loi-the-va-tiem-nang-phat-trien-du-lich-van-hoa-tai-lam-dong-a16511.html