Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 31   

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024. 

Kỳ 31.

Thì ra, trước đó Trưng Trắc đã cho một nữ tướng và một trăm cao thủ võ lâm bí mật trà trộn vào thành vận động được thêm vài trăm dân Việt ủng hộ tham gia khởi nghĩa. Khi đại quân Hán ra ngoài thành tác chiến và nhận được tên lửa bên ngoài báo tin đến giờ hành động, lực lượng bí mật này đã giết chết lính gác cổng thành, kéo cầu treo lên, cắt đứt đường về thành của quân Hán, giết chết những tên lính trực cung nỏ ở thành ngoài, bắn tên, ném gạch đá chất cháy tiêu diệt thủy binh Hán ở trên sông hào dưới thành ngoài. Hành động chiếm thành, tiêu diệt thủy binh đã làm đại quân Hán trên bộ mất tinh thần rối loạn, tan vỡ thế trận khi đang giao chiến với quân của Trưng Trắc, tạo điều kiện cho quân Việt xông lên tiêu diệt quân Hán.

Chiến thắng Mê Linh, Cổ Loa làm thanh thế quân Trưng Trắc lừng lẫy, làm chấn động Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Mê Linh thành Trung tâm của cơn bão táp từ Nam Trường Giang đến Hoành Sơn lật đổ chế độ thống trị của nhà Đông Hán. Sau trận Cổ Loa, Tô Định vô cùng khiếp đảm, không thực hiện kế hoạch tấn công Mê Linh như dự định mà lui về ra sức phòng thủ Luy Lâu, sào huyệt của nền cai trị Đông Hán.

   Sau chiến thắng Cổ Loa, Trưng Trắc cho thu dọn chiến trường, chôn cất xác quân Hán và những tử sĩ người Việt cho họ mồ yên mã đẹp, hương khói, vàng mã được đốt lên, lập đàn chay cúng tế cho vong linh tử sĩ được siêu thoát. Nữ tướng Quách A Khâu Ni nói với Trưng Trắc:

-Để động viên người dân khắp nơi nổi dậy, Chủ tướng nên tuyên bố thủ tiêu tất cả những luật lệ hà khắc, thuế má nặng nề của quân Hán ở Mê Linh, Cổ Loa và tất cả các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.

Trưng Trắc đáp:

-Phải lắm.

  Rồi từ Trung tâm Mê Linh liền công bố, ra lệnh trong toàn quốc bãi bỏ thuế má và các luật lệ phong tục Hán mà dân Việt phải chịu đựng hàng trăm năm nay.

  Bài hịch kêu gọi khởi nghĩa ngày 6 tháng Giêng năm 40 cùng với những chiến thắng của nghĩa quân ở Mê Linh, Cổ Loa, cùng lời công bố xóa bỏ ách thống trị của quân Hán đã làm cho dân Việt suốt từ Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam vui mừng, nô nức nổi dậy, theo các thủ lĩnh của Hai Bà Trưng ở các địa phương đập tan chính quyền của nhà Đông Hán. Phong trào trở nên đồng khởi như một cơn bão táp đồng loạt quét sạch bọn thống trị người Hán tham tàn bạo ngược. Nhận được tin cấp báo thắng trận từ các nơi, Trưng Trắc nói:

-Nền cai trị của giặc sụp đổ khắp nơi nhưng trận đánh Luy Lâu là quyết định cho toàn thắng cuối cùng vì Luy lâu là trung tâm của chính quyền cai trị của nhà Đông Hán từ Nam Trường Giang đến Hoành Sơn. Cho nên, các tướng lĩnh phải chấn chính đội ngũ để ngày hôm sau tiến đánh Luy Lâu.

   Sớm đó thời tiết đã chuyển sang xuân nhưng khí trời vẫn giá rét, mưa phùn và sương mù dày đặc bao phủ miền quê xanh cây lá. Trưng Trắc, Trưng Nhị đi Trung quân. Quân Việt quân phục màu nâu, gươm giáo tua tủa, cờ bay rợp trời tiến về bộ Vũ Ninh, nơi có thành Luy Lâu, trụ sở và trung tâm đầu não của chính quyền Đông Hán ở Châu Giao và cũng là trụ sở của quận Giao Chỉ. Thủy binh cũng khua mái chèo thuyền làm náo động nước của các con sông Cái, sông Đuống và tiến vào sông Dâu, con sông chảy ngang phía Tây của thành Luy Lâu. Tham gia trận đánh này, nữ tướng Quý Lan đóng vai quân sư của Trưng Trắc. Ba chị em bà Dưỡng đi Trung quân. Các trướng Trần Nang, Thiên Bảo cầm cờ “Soái”. Nguyệt Nga công chúa đi Trung quân phụ tá cho Trưng Trắc, Trưng Nhị. Các nữ tướng giỏi khác như Phùng Thị Chính, Nguyệt Nga đi tiên phong. Đi tả quân gồm các tướng Ả Lã, Rồng Nhị, hai tướng nam nhi là Bạc và Bỉnh. Đi hữu quân tiên phong có nữ tướng Thiều Hoa, Tề Vĩnh Gia, Thiện Nhân, Thiện Khánh.

  Đạo Thủy quân gồm Tiền quân đại tướng thủy quân Hùng Bàn đánh vào phía Đông thành, tả tướng thủy quân Phật Nguyệt và hai tướng Đậu Nương, Xà Nương tiến theo sông Hồng, sông Đuống vào sông Dâu phá thủy quân Hán ở phía Tây thành. Hai đạo thủy quân có nhiệm vụ tiêu diệt thủy quân Hán ở bốn hào sông của thành, mở cổng thành cho đại quân tràn vào thành diệt địch.

  Thành Luy Lâu (Liên Lâu) là trung tâm quyền lực của nhà Đông Hán không chỉ đối với quận Giao Chỉ mà còn là của toàn bộ Châu Giao: Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Tòa thành này nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, trung tâm bộ Vũ Ninh, chắn giữ tất cả các ngã đường giao thông thủy bộ vùng Bắc Giao Chỉ. Thành nằm trên vùng đất cao, bao quát được một vùng rộng lớn của đồng bằng châu thổ, gắn với vùng sông nước nhưng vẫn cao và thoáng. Thành được xây trên bờ Đông của sông Dâu. Sông Dâu tạo nên một trong bốn sông hào bao quanh Luy Lâu. Từ sông Dâu có thể đi ra sông Đuống, sông Cái về phía Nam đến Cổ Loa hoặc Mê Linh, hoặc có thể đi về phía Đông qua Lục Đầu Giang vào sông Bạch Đằng ra biển Đông. Trước khi bị xâm lược, bộ Vũ Ninh nói chung và thành Luy Lâu nói riêng là một trong những trung tâm của người Việt. Từ đây người Việt đã tiến xuống chinh phục châu thổ ở phía Đông và phía Nam do sông Cái tạo nên và vươn ra biển. Từ vị trí sẵn có đó, bọn phong kiến Hán đã nhìn thấy vị trí quan trọng nhiều mặt của Luy Lâu trong việc đóng vai trò trung tâm cai trị, khống chế toàn bộ Giao Chỉ, khống chế con đường hàng hải quốc tế, tiến xuống chinh phục các nước phương Nam.

   Luy Lâu nằm gọn trong làng Lũng Khê. Quy mô của thành rất to lớn. Lũy thành phía Tây gắn với sông Dâu dài gần 2 dặm, Lũy thành phía Đông cũng dài gần 2 dặm. Thành phía Bắc dài 1 dặm, thành phía Nam cũng dài hơn 1 dặm. Chiều cao của các lũy thành khoảng 5 trượng, mặt thành rộng 2 trượng, chân thành rộng 4 trượng. Thành Luy Lâu mở cửa chính phía Tây. Hai bên đầu thành có Vọng Giang Lâu (vọng gác), cửa sau của thành mở ở phía Đông. Trên bốn góc thành có Đồn Quan Trấn (Tử Trấn Thành Quan). Phía ngoài thành phía Tây, dòng sông Dâu trở thành hào nước rộng lớn bao che cho thành. Còn ba mặt thành đều có  hào nước rộng 12 đến 15 trượng như sông bao quanh. Các hào thành thông nhau và nhận nước từ sông Dâu chảy vào tạo nên chướng ngại vật phòng thủ, giúp cho giao thông thuận tiện trong ngoài thành và giữa thành Luy Lâu với khắp các vùng của các quận. Về phía Đông theo hệ thống sông ngòi này, Luy Lâu còn có đường thông ra biển. Trên bốn con sông hào rộng lớn đó, thủy binh Đông Hán với chiến thuyền dày đặc bảo vệ thành ở bốn mặt Đông, Tây, Nam, Bắc.Trên mặt thành, quân Đông Hán thay nhau canh phòng suốt ngày đêm với hàng trăm bệ đặt tên mạnh nỏ cứng sẵn sàng nhả tên, còn những đống đá với những hòn to bằng cái thúng sẵn sàng ném xuống, còn những thùng dầu sẵn sàng châm lửa ném xuống quân tấn công thành. Phía ngoài sông hào của thành là những lũy tre gai dày đặc có tuổi đời hàng trăm năm tạo nên một chiến lũy thiên nhiên thứ ba bảo vệ cho thành. Trong thành có 3 vạn tinh binh và những dũng tướng võ nghệ cao cường thuộc loại cao thủ võ lâm của Trung Nguyên như Đô úy Lưu Đại Hải, Hoàng Sùng Chính, Mã Giang Long, Tổ Hoài Đức…

  Chỉ một ngày, quân thủy, bộ của hai Bà Trưng đã tiến tới gần Luy Lâu. Thủy quân dừng tạm ở cửa sông Đuống chờ lệnh, còn bộ binh hạ trại dàn trận cách sông Dâu nửa dặm phía Tây thành. Khi nghe tin quân Bà Trưng kéo tới, Thái thú Tô Định rất tàn bạo tham lam nhưng rất ham sống sợ chết, Thái thú bàn với các tướng:

-Nay ta có thành cao hào sâu, bọn nữ tặc Việt không dễ gì phá được, ta cứ cố thủ chờ viện binh, trong đánh ra, ngoài đánh vào thì chúng tự khắc bị tiêu diệt.

Hoàng Sùng Chính nói:

-Cố thủ một tháng mà hết lương thực thì ta nguy khốn. Triều đình Lạc Dương không thể chi viện được cho ta ngay vì tin cấp báo đưa về, đồng đảng của Trưng tặc đã nổi loạn chiếm hết miền Nam Trường Giang, Hợp Phố, Hồ Động Đình, cắt đứt đường giao lưu với Giao Chỉ. Triều đình có dẹp yên được cũng phải một năm. Mạt tướng cho rằng nhân lúc quân ta còn khí thế cứ kéo quân ra. Quân ta tinh nhuệ thế nào cũng chiến thắng lũ nông dân ô hợp Việt.

Mã Giang Long cũng nói:

-Tướng quân Hoàng Sùng Chính nói chí phải. Vả lại, đại quân của Trưng Trắc là đầu mối của các cuộc nổi loạn. Ta phải bóp chết đại quân này thì mới dẹp được các cuộc nổi loạn ở các quận, khi đó ở các quận ta không đánh chúng cũng tự tan.

  Tô Định gật gù:

  -Vậy thì quyết chiến một trận xem sao. Mở cổng thành nghênh chiến nữ tặc!

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-31-a16651.html