Chuyện làng - Chuyện phố: Rừng thiêng - Tấm áo giáp bảo vệ làng

Trong xã hội truyền thống, đồng bào các dân tộc rất ít khi ở sát suối gần khe. Họ thường ở trên sườn núi cao hoặc thung lũng rộng phía sau của làng bao giờ cũng dựa vào rừng nguyên sinh được thiêng hóa theo quan niệm của người dân.

Đó là rừng thần Gạ Ma Do, Gà Ma Thú của người Hà Nhì hay là rừng cấm “khoai kiềm soong” hoặc là “kiềm cố” của người Dao… Các ngôi rừng thiêng này thực sự là rừng nguyên sinh được bảo vệ chặt chẽ bằng các luật tục được thiêng hóa. Thậm chí người dân trong làng người Hà Nhì không được đi giày, dép vào rừng. Mỗi năm người Dao, người Mường, người Nùng, người Tày có một ngày cúng rừng thiêng. Ngày hôm đó là ngày mở cửa rừng nhưng chỉ cho những người hoàn cảnh khó khăn trong làng được lấy củi, còn toàn bộ cây cối, bụi cỏ trong rừng cấm đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Có khu rừng trở thành rừng nguyên sinh tầng tầng lớp lớp cây mọc um tùm.

dt1lc1-1726756983.jpg

Ảnh minh hoạ do tác giả tuyển chọn.

 

Đồng bào các dân tộc trước khi chọn đất lập làng đều căn cứ vào ba yếu tố: Thứ nhất là có rừng cấm (rừng nguyên sinh), có thể trở thành rừng thờ rừng thiêng bảo vệ làng; thứ hai là có nguồn nước, thứ ba là có đất canh tác. Vị trí của rừng cấm, rừng thiêng bao giờ cũng ở phía sau làng, tạo thành tấm áo giáp giữ nước khi trời mưa, chống lở núi, ngăn lũ quét, lũ ống về làng. Mỗi một làng đều phải có một rừng thiêng nhưng hiện nay rừng thiêng đã mất. Nạn phá rừng thiêng giải thiêng bắt đầu từ những cuộc vận động chống mê tín dị đoan vào thập kỷ 70, 80 của thế kỷ 20, đến nay hầu hết rừng thiêng bị phá bỏ. Năm 2016, chúng tôi khảo sát các làng người Dao đỏ ở huyện Sa Pa và Bát Xát (Lào Cai) thì chỉ còn 6/20 làng còn rừng thiêng nhưng rừng cũng xơ xác. Mất rừng thiêng là mất áo giáp bảo vệ làng. Lũ quét lũ ống liên tiếp hoành hành.

dt2lc2-1726757233.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Vì vậy, muốn hạn chế được lũ quét lũ ống có nhiều giải pháp nhưng một giải pháp thiết thực, quan trọng nhất là phải duy trì được rừng nguyên sinh phía sau làng mà người dân đã phủ lên sức mạnh huyền bí trở thành khu rừng thiêng.

Trần Hữu Sơn

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/chuyen-lang-chuyen-pho-rung-thieng-tam-ao-giap-bao-ve-lang-a16802.html