Câu chuyện về bài ca "Miền xa thẳm" và hài cốt của liệt sĩ trong những ngôi mộ gió được an táng ở đâu ?

Là một nhà văn chuyên về tư liệu chiến tranh, sưu tầm và nghiên cưú Thư, Nhật ký thời chiến. Công việc của tôi thường tiếp xúc với rất nhiều di vật của liệt sĩ...

dt3dvh3-1726798190.jpg
 

Gần 20 năm trước, tôi đã biên soạn một cuốn sách nhỏ mang tên “Sống để yêu thương và dâng hiến” của Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Đó là một tập thư thời chiến, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2005. Tác phẩm là một trong hàng trăm cuốn sách của Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20”.

Tác giả của cuốn sách này là một Nhà khoa học trẻ. Anh sinh năm 1941 tại Hải Phòng, là một người thông minh và học rất giỏi. Mới 26 tuổi, đã có 2 bằng đại học, trong đó có bằng chuyên ngành về Vật lý hạt nhân. Hơn thế, anh còn thành thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Nga; rồi tự học mà biết sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha…

dt1dvh1-1726797861.jpg

Đại tá Nhà thơ Đặng Vương Hưng (ngoài cùng bên phải) cùng Thiếu tướng, Nhạc sĩ Đức Trịnh và ekip thực hiện chương trình "Miền xa thẳm" tại trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam.

 

Thiếu úy Hoàng Kim Giao cùng một số nhà khoa học được giao nhiệm vụ thực hiện một công trình nghiên cứu quốc phòng bí mật, đó là Công trình “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm Giáo thông, 1967 – 1972”. Gần 30 năm sau (1996) công trình này đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý.

Trong một chuyến công tác về Khu 4 năm 1968, Hoàng Kim Giao đã cùng đồng đội phá hàng ngàn quả bom chưa nổ. Trực tiếp anh đã tháo gỡ 32 quả bom nổ chậm và 40 qua bom từ trường. Nhưng đã hy sinh ngày 30/12, ở xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn. Khi một quả bom loại 300kg… phát nổ bất ngờ, Hoàng Kim Giao và Lương Văn Tín cùng biến mất, thi thể vương vãi khắp nơi…

Một lần, đến thăm khu di tích lịch sử Truông Bồn nổi tiếng ở Nghệ An, đứng trước ngôi mộ của Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Kim Giao, tôi giới thiệu với mấy bạn sinh viên:

- Đây chỉ là một ngôi mộ gió thôi!

Một bạn trẻ hỏi: “Mộ gió” là gì ạ?

- Là không có hài cốt của người đã mất.

- Vậy hài cốt của Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Kim Giao bây giờ đang ở đâu?

Tôi trầm ngâm, rồi chậm rãi, tìm cách giải thích với các bạn trẻ:

- À, cũng như các Anh hùng Liệt sĩ khác, hài cốt trong mộ gió của những người đã hy sinh vì Tổ quốc đều được an táng ở “Miền xa thẳm”…

Vậy “Miền xa thẳm” là gì và có ở đâu? Xin thưa, đó là nơi có thể xa tít tắp cuối trời, nhưng lại ngay trong trái tim mỗi người. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới biên giới, biển đảo thiêng của Tổ quốc, đã có hàng ngàn Liệt sĩ được xác định là đã hy sinh, nhưng không thể tìm được hài cốt. Đó là những Liệt sĩ Hải quân, Không quân, Tăng- Thiết giáp, Đặc công, Công binh…

Các anh, các chị đã hy sinh sau những tiếng nổ lớn và lửa cháy của bom đạn… Thân xác đã tan vào đất mẹ, vào trời xanh, hay giữa biển khơi, nhưng tâm hồn thì còn mãi với quê hương đất nước. Và tôi tin rằng những Anh hùng Liệt sĩ ấy đã hóa thân thành những tượng đài bất tử và hồn thiêng sông núi… đúng như lời của ca khúc “miền xa thẳm” của Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh.

Cảm ơn Đài Truyền hình Việt Nam đã mời tôi tham dự chương trình “Câu chuyện từ những bài ca” xung quanh ca khúc “Miền xa thẳm”. Chương trình sẽ được phát sóng trong dịp kỷ niệm 80 năm truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Hà Nội, 20/9/2024

TTNL

Trái Tim Người Lính

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/cau-chuyen-ve-bai-ca-mien-xa-tham-va-hai-cot-cua-liet-si-trong-nhung-ngoi-mo-gio-duoc-an-tang-o-dau-a16844.html