Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần VIII)

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

 

NGÀY 22/6/1971

Về P.U (Huyện uỷ). Lại đi trên bờ biển đón sóng gió dạt dào. Sớm tinh mơ, trông biển như nhuộm một màu đen. Nhưng khi mặt trời đã lên, biển lại nhuộm một màu xanh biếc. Tôi muốn gửi cả tâm hồn vào lòng biển. Tôi nhào vào lòng biển mà lội bơi. Biển vồ vập ôm lấy tôi, vuốt ve tôi bằng bàn tay sóng dịu dàng. Tôi thả sức bơi lướt trên mặt biển, mặc cho nước biển mặn chát bắn vào mặt xót xọt.

trr1-1659283374.jpg

Sau 1975, Vân xây dựng gia đình với nhà thơ Phạm Thành Trai, một đồng đội của tôi tại Bình Định. Hiện, Vân - Trai sống hạnh phúc tại Quy Nhơn, Bình Định. Chúng tôi vẫn liên hệ mật thiết với nhau.

Tôi vô ý để đôi dép gần mép nước, liền bị sóng cuốn đi một chiếc. Suýt nữa thì mất. Biển vô tư và nghiêm khắc lắm đấy, biển không tha thứ những anh ngờ nghệch đâu.

Cơ quan P. (huyện) nằm sát biển trong những hang đá nhỏ. Ngồi ở “nhà” nhìn xuống biến, thấy những đốm trắng của sóng cứ nở hoa mãi và có những đoàn ghe máy của đồng bào đi làm cá dập dìu trên biển. Phong cảnh sẽ thật hoà bình nếu thỉnh thoảng không có một vài chiếc trực thăng, Mô - ranh bay lượn, tìm kiếm. Nơi này chúng đã từng rải xăng đốt trắng cả đá. Bây giờ những bọt xăng vàng vàng, xôm xốp còn dính đầy các tảng đá.

Chiều, lại rời hang xuống bãi. Nước biển rút đi, nhưng còn luyến tiếc bãi bờ nên để lại một phần nhỏ cơ thể mình trên vũng cát, hục đá. Ở đó, tôm cá bị mắc kẹt, bơi loạn. Có con cá dài, bơi khoẻ, lao vọt qua bờ đá, sang vực bên kia. Có những con cá nhỏ mang mầu sắc xanh đỏ sặc sỡ. Có những con giống loài cua nhưng chân rất dài và toàn thân biếc xanh, xen xọc vàng vàng, đo đỏ rất đẹp. Bầy còng mình mỏng, chân dài chạy xào xạo trên đá, rúc vào các ngách đá trốn người. Có những con ốc con mang cái vỏ mầu vân vân nhưng thân không giống ốc, có đầu, ngoe, càng hẳn hoi bò trên cát. Vết chân của chúng tạo thành những đường dài hình chân rết trên cát, y như vết bánh xe đạp tí hon vậy. Cứ thấy động là chúng thu mình vào vỏ, nằm im thin thít. Cô Lý - con anh Bình - chạy tung tăng trên bãi biển bắt nhum. Loài vật này thật kỳ lạ, trông như một trái cây lớn đen thui, gai tua tủa. Những cái gai ấy luôn động đậy, găm vào những gì chạm đến nó. Đập nát mình nó ra sẽ lấy được ruột, trông mầu hồng hồng, nhuyễn như một thứ bột nhào nước, ăn rất ngon.

Gần tối, chúng tôi ra làng ngủ. Về đêm, làng sáng nhấp nháy những ánh đèn. Những cô gái ngồi bên hè đan lưới. Sát ngay biển có một quán bán nước đá, nước cam. Cạnh đó là một quán hàng. Chủ quán là một bà người béo tốt. Một đứa nhỏ đọc bi bô bài thơ nào đó nói về giao thông của ta. Chúng tôi ngồi uống nước mát, đón gió biển mát, ngóng nhìn về phía biển Đề Gi với những ánh đèn măng sông xanh mát.

NGÀY 23/ 6/1971

Bốn rưỡi sáng, trở dậy về cơ quan. Không nên ở lại đây ban ngày, vì có thể hải thuyền sẽ mò đến. Thỉnh thoảng bọn nguỵ cũng đưa bo bo đến bán xăng dầu cho đồng bào.

Lại tắm biển. Tôi yêu biển và không sợ biển. Tôi lao vào lòng biển, bơi mãi ra khơi xa.

Chiều nay trời ầm ì muốn làm giông. Mặt biển xám lại theo mầu mây. Những con hải âu trắng loá vẫn bay chấp cha chấp chới.

Ngoài khơi không xa lắm có một chiếc tầu tuần tiễu trắng xoá và một chiếc hải thuyền chạy chậm chạp.

NGÀY 24/6/1971

Hôm nay tôi buồn. Tôi nhìn biển thấy sóng cũng lặng lẽ, mênh mang. Tôi buồn vì tôi nghe tin một người con gái mới quen vừa bị địch bắt. Đó là Vân - PUV (Huyện uỷ viên). Không hiểu tại sao mới gặp thôi, tôi đã có cảm tình đặc biệt với người con gái ấy. Vân có đôi mắt to vừa phải, tròn, sáng, hay nhìn thẳng. Khi Vân gặp anh Xang, vồ vập thăm hỏi anh, thì cũng là lúc tôi gặp cô lần đầu, nhìn cô hoài mà cô không biết. Nghe giọng ấm mà vang của Vân, tôi thấy mến. Nhìn thái độ vồn vã của Vân, tôi nghĩ rằng cô là người giàu tình cảm, chân thực. Trong ánh đèn dầu mờ nhạt, tôi thấy mắt Vân cứ lấp lánh sáng.

Lúc tạm biệt, tôi bắt tay Vân, bàn tay thật êm ấm. Tôi hỏi bao giờ Vân về, Vân trả lời:

- Ngày 23 em về, anh!

Cô ra đi, mặc chiếc áo mầu mỡ gà, xách cái túi ni lông mầu mận chín.

Tôi mong gặp lại Vân. Tôi dự định rồi sẽ nói chuyện với Vân nhiều, sẽ hỏi về quê hương Mỹ Hiệp của Vân, hỏi về công tác của Vân. Ngày 23 đã qua. Anh Bình nôn nóng bồn chồn. Tôi đau đáu trông đợi. Và hôm nay thì một chị mới thoát khỏi nhà giam báo tin Vân bị địch bắt trưa hôm qua. Tôi không muốn tin. Nhưng người con gái xách túi ni lông mầu mận chín ấy hiển nhiên là Vân rồi.

Anh lo cho em, Vân ơi! Kẻ thù chắc sẽ tra hỏi, hành hạ em. Anh mong em sẽ vượt qua tất cả để trở về yên lành.

Được cơ sở báo địch sẽ càn lớn ở vùng này. Toàn P.U chuẩn bị di chuyển, sẽ phải đi đêm. Tôi tranh thủ cột võng ngủ một chút. Nghe anh em gọi, vội choàng dậy. Mắt nặng trĩu nhưng vẫn ráng mở to, mò mẫm trong lèn đá mà cuốn võng.

Mò trong đêm tối qua các tảng đá lớn mà xuống bãi biển. Đoạn đường ngắn nhưng quá cheo leo nên đi thật căng. Xuống bãi biển, anh Bình nằm xoài trên bãi cát thở dốc. Anh đang đau, mấy ngày nay làm việc căng quá, thức đêm nhiều nên xuống sức ghê gớm. Hai bên má anh thịt teo đi, da nhăn lại, chảy xệ xuống.

Khi vào làng Tân Phụng, tôi gặp một đoàn người từ xa tới. Nghe có người nói:”Cô Vân làm chi mà hối dữ vậy”, tôi chợt giật mình. Nhưng cũng chẳng dám nghĩ rằng đó là người con gái tôi đang mong. Vân đang nằm trong tay quân địch kia mà. Nghĩ vậy và lại thấy buồn quá, thấy nhớ Vân quá! Tôi lặng lẽ bước vào một ngôi nhà, lại nghe có người gọi: “Vân vào đây”. Tôi vội nhìn ra cửa. Trong ánh sáng lờ mờ tôi nhận ra Vân. Đôi mắt của Vân trông chậm chạp và mệt mỏi. Anh em hỏi dồn dập:

- Sao nói bị bắt?

Vân trả lời:

- Bị nó bắt nhưng trốn về được.

Vân kể sơ qua chuyện mình, rồi cứ để quần xắn ống chân như vậy mà nằm trên giường. Tôi muốn để Vân nghỉ, nhưng đến giờ hành quân rồi, đành phải gọi Vân đi. Vân vừa đi vừa kể chuyện mình bị bắt bằng cái giọng đầy căm phẫn. Bọn địch đã đưa Vân vào trụ sở xã. Chúng lục soát khắp người Vân, bạt tai Vân. Buổi trưa, địch ngủ cả, khoá chặt cửa. Vân nghĩ: “Nếu ở đây sẽ chết, vì bọn địch đã điện về xã”. Bọn ác ôn địa phương còn lạ gì Vân. Chúng đã từng nói với má: “Bà làm được đồng nào thì cho con Vân ăn đồng nấy để rồi nó chết. Thế nào nó cũng chết với bọn tui”. Thế là Vân vạch rào chui ra - dù có vướng lựu đạn cũng cam lòng. Ra một lúc, nhớ đến cái nón - vì nón rất cần để người con gái che mắt địch - Vân trở vào lấy nón rồi vượt 5 lớp rào, chạy đi. May đón được xe Hon Đa, bảo anh lái xe phóng nhanh, vượt qua vùng địch kiểm soát.

NGÀY 25/6/1971

3 giờ sáng lên đường. Đi trên động cát trắng mênh mông. Bước trên cát, mỏi nhừ cả chân. Trong đêm tối, động cát hiện lên trắng mờ mờ, thanh vắng. Gió thổi tràn lan, mát rượi. Nếu đi cùng Vân thì vui biết mấy. Tôi đang nghĩ về Vân thì Hoa - một cô gái cao cao - bỗng hỏi:

- Anh có biết chị Vân không?

- Có chứ, anh gặp chị ấy ở Mỹ Tài. Mà sao kia?

- Không, có sao đâu. Nhưng mà chị ấy hỏi anh.

- Hỏi lúc nào?

- Hỏi hồi nãy, hỏi anh đâu.

Hoa trả lời rồi cười khúc khích. Tiếng cười gieo vào lòng tôi một niềm vui.

Hoa dẫn bọn tôi đi lạc, luẩn quẩn mãi giữa động cát, đạp bừa cả vào gai xương rồng. Cuối cùng đi về phía Tây. Đi trên đường cái. Sắp sáng rồi. Đã nhìn thấy mặt nhau lờ mờ.

Tôi ngồi nghỉ bên đường. Vân đi tới. Tôi nhìn Vân, không biết Vân có thấy tôi không? Vân quay lại chỗ tôi ngồi, đứng im lặng. Chúng tôi nhìn nhau trong ánh lê minh trong sạch.

- Vân ở lại đây à?

- Dạ, em ở lại xóm. Anh đi lên núi đi, không có sáng mất rồi, lỡ địch tới...

Vân đi một đoạn rồi dừng lại, đứng bên đường. Tôi dùng dằng chẳng muốn đi ngay. Rồi cũng phải dấn bước chân lên. Ở chiến trường, cuộc sống khắc nghiệt lắm, chẳng mấy khi chiều theo tình cảm con người. Thoắt gặp nhau, thoắt lại xa nhau.

Bắt đầu leo lên núi. Quả núi này nhỏ, không cao lắm và chỉ có cây nhỏ, thấp. Theo một dòng suối nhỏ mà đi lên. Phải vất vả lắm mới leo lên được những hòn đá tảng to lớn. Đến lưng chừng núi, chúng tôi ngồi lại, nghỉ trên một tảng đá lớn, nhìn xuống biển. Bình minh đang lên. Phía chân trời rực lên ánh sáng màu hồng, xanh xen lẫn. Những đám mây đủ hình đủ vẻ, mầu sắc sặc sỡ lơ lửng ở đường chân trời, như luyến tiếc biển, không muốn bay cao lên.

Chỗ ở là một lòng suối cạn, nằm ở lưng chừng núi. Anh Bình lên gần tới nơi thì thở dốc rồi ngồi lại, vừa thở hổn hển, vừa rên. Cột võng tạm bợ bên các lèn đá hay dưới rừng cây non mà nghỉ. Sau đó anh Bình họp với một số cán bộ của ngành. Đau như vậy mà bắt tay vào việc, anh rất tỉnh táo, nói rất sôi nổi. Chiều, anh lại nằm rên, không ăn gì được.

Gần tối thì Vân lên.

trr2-1659283385.jpg

Vân khi hoạt động trong vùng địch, 1971.

NGÀY 26/6/1971, THỨ 7

Chiều nay, tôi được sống những giây phút êm dịu bên Vân. Vân sốt, phải ăn cháo, da vàng hẳn đi. Vân nằm trên võng. Tôi ngồi võng kề bên. Vân cởi mở kể cho tôi nghe chuyện gia đình, bản thân với giọng nhỏ nhẹ, êm ấm. Tôi ngồi nghe nhiều, nhìn nhiều và nói ít. Tôi luôn nhìn thẳng vào đôi mắt Vân, đôi mắt có hàng lông mày đen đậm, đôi mắt màu nâu trong sáng lạ lùng. Cứ nhìn vào đôi mắt trong sáng ấy là người ta phải nhủ mình hãy chân thật. Thỉnh thoảng Vân nhoẻn cười, hàm răng trắng bóng, trong trong như ngọc...

Ăn cơm chiều xong, tôi soạn ba lô để xuống xã. Vân ngồi cạnh tôi, nhắc tôi những việc tôi quên. Vân bảo tôi đưa chiếc máy ghi âm cho Vân giữ, đừng mang theo, nặng. Tôi không muốn gửi Vân vì sợ nếu di chuyển, Vân lại phải mang vất vả. Lại chào tạm biệt Vân ra đi. Gần một chút lại xa, xa nhau nhiều hơn gần nhau, nhưng lúc nào cũng thấy như ở bên nhau.

Tới dự cuộc họp cuả P.U với các cán bộ chủ chốt các xã phía Đông đường quốc lộ một . P.U phổ biến nghị quyết của X.U (Tỉnh uỷ) và bàn công tác thời gian tới. Trước mắt là phải tập trung sức chống càn. Đồng thời phải tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu chưa hoàn thành. Vấn đề thu mua lương thực được đưa lên hàng đầu. Phải đẩy mạnh xây dựng thực lực, tổng giáp tề điệp. Cuộc họp kéo dài đến khuya. Đến vấn đề đưa số phòng vệ dân sự (quân tại chỗ) rã ngũ đi học tập phục vụ tiền tuyến, anh Hai (Bí thư mới của P.U) hỏi:

- Ông Khẩn, vấn đề này chỗ ông thế nào?

Một người đàn ông húi cua, tóc dựng, cất giọng rè rè:

- Báo cáo anh, đưa đi một số thôi chớ?

- Tiếc gì mà không đưa đi hết.

- Có một số đau, đi sao nổi, một số yếu nữa.

- Hết đau thì đưa đi chứ đau mãi ne? Không hiểu sao mà ông thương chúng dữ vậy...

- Thương gì lũ nó, cứ đưa đi làm 15-20 ngày hay bao lâu cũng được, tôi thương gì!

- Ông muốn giữ chúng đấy, khi nào có lệnh huy động dân công thì nhét vào cho đủ số chứ gì?

Khẩn lúng túng, im lặng. Chắc là anh bị đánh trúng nọc. Anh Hai nói:

- Lôi thôi không đưa đi, nay mai nó càn, nó bắt đi hết là gay đấy.

- Cho nó lánh bất hợp pháp chớ.

- Thế mới chết. Cho nó lánh cùng chỗ, nó biết nơi ông Khẩn trốn, sau này nó phản lại, nó mới dắt lính đi cắt cổ ông Khẩn.

Cử toạ cười ầm. Anh Hai hỏi tiếp:

- Còn Mỹ Thọ?

Im lặng. Anh hỏi lần nữa rồi rọi đèn pin vào một cái võng. Người trên võng choàng dậy, ngồi thu lu. Đợi hỏi lần nữa, anh mới lè nhè:

- Nó rã ngũ liên miên!

- Là bao nhiêu chứ?

- Hiện có 7 thằng.

- 7 thằng mà liên miên?

- Đó là những thằng nhốt tập trung. Còn bọn đã về nhà thì liên miên.

- Tập trung lại rồi đưa lên huyện nghe!

- Có ngay, sớm mai mà các anh cho người dắt đi, tôi cũng tập trung đủ cho đi ngay.

Mãi 3 giờ sáng mới họp xong. Chia nhau đi về các xã. Tôi về xã Mỹ Lợi. Nhu - người xã Mỹ Thắng - là P.U.V phụ trách xã này. Anh húi cua, tóc đen, còn trẻ, sôi nổi. Chúng tôi đi trên tổng lộ một cách tự do, thoải mái. Cách đây ít lâu, nơi này còn đầy Mỹ. Nhu chỉ vào một gốc cây, nói:

- Hồi ấy, lũ con gái tới đây bán cô ca. Bọn Mỹ đến chơi bời hôn hít. Lũ tôi ngồi trên núi kia, tức muốn nổ con mắt.

NGÀY 27/6/1971

Đường thỉnh thoảng bị xẻ ngang để chặn giao thông của địch, chúng tôi phải đi vòng. Tới Mỹ Lợi thì trời vừa sáng. Nhu bảo tôi cùng Sâm đi lên Phú Ninh, trưa về họp. Sâm dắt xe đạp chở tôi đi. Con đường bằng phẳng, xe chạy bon bon. Có những ngôi nhà gạch rải rác hai bên đường. Nhiều người gánh dừa, heo lên chợ bán. Một cô gái mặc áo hồng, khoác súng Tôm xông, đội mũ tai bèo đi cùng chiều chúng tôi, nhoẻn cười ngượng nghịu. Lên đây không gặp Việt, Lâm lại chở tôi về. Buồn ngủ quá. Nằm dài trên phản ngủ một tí. Anh em gọi dậy ăn cơm. Rồi lại chợp mắt một chút. Đang mơ màng thì một cậu bé tới gọi: “Mời anh qua họp.” Lại bật dậy đi. Một giờ trưa, lại lên Phú Ninh. Đi với anh Sinh - an ninh huyện - và Việt - tự quản thôn. Hai anh trạc 30 tuổi, đều cao và đen. Đi trên tổng lộ, hai anh kể chuyện địa phương rất sôi nổi. Việt chỉ vào một khu đất có mấy ngôi nhà gạch, nói:

- Chốt Phú Ninh đấy!

Tôi không thể ngờ rằng trước kia, nơi đây lại là đồn địch. Giờ nó chỉ là một bãi cỏ mấp mô. Hai, ba ngôi nhà nằm trống rỗng. Đồn bốt bị san bằng, khó mà nhận ra dấu vết. Việt chỉ dẫn:

- Kia là lô cốt.

Tôi nhìn, chỉ thấy một nền đất lởm chởm khô khốc. Anh lại chỉ vào một khung nhà vuông vuông và nói:

- Trước cũng là lô cốt - nó cao tới mái nhà kia. Chúng đặt đại liên trên đó bắn ra được bốn phía.

Có những cuộn dây thép gai bùng nhùng nằm lăn lóc khắp bãi. Việt nói rằng trước đây nó được chất thành hàng rào cao tới đầu người, nhân dân đã phá đi, đem về rào làng chiến đấu.

Dừa vẫn xanh khắp nơi. Những cây dừa thân còn lỗ chỗ vết đạn, song lá vẫn xanh và trái vẫn lúc lỉu đeo quanh thân. Việt bảo một cậu thanh niên lên hái 3 trái xuống uống. Dừa thật lớn, mỗi trái đổ ra được gần một bi đông nước. Gặp một người đàn ông trạc 40 tuổi, gầy gầy, có chòm râu dê lưa thưa đỏ như lông bò, có đôi mắt một mí sắc sảo, Việt hỏi:

- Sao, anh đã chuẩn bị đi chưa?

- Dạ xin thưa với anh, vợ tôi nó chạy ra biển, giờ không có ai ở nhà nên tôi báo cáo anh xin tạm hoãn.

- Không được. Anh làm cho chính quyền địch, nay chính quyền cách mạng cho đi học để cải tạo thì phải đi. Thôi, về lấy gạo, tiền rồi lên đây chờ tôi.

- Dạ!

- Mà rồi lên ngay, chớ đừng bày chạy theo địch!

- Không đâu ạ, nếu chạy thì chạy lâu rồi. Giờ cố gắng ở với cách mạng thôi.

Việt cho biết gã kia là trưởng thôn tề Phú Ninh. Khi giải phóng, gã nằm im, mãi sau ta mới phát hiện ra, nay mới đưa đi học tập. Lát sau thấy hắn xách một túi Đại Hàn tới - chắc là gạo ở trong.

Vào một ngôi nhà gạch, ngồi uống nước trà. Ngôi nhà lỗ chỗ vết đạn, trong có bày một quầy hàng xén, một ít chai cam, bia. Việt vẫn say sưa kể chuyện địa phương. Đôi mắt anh có lòng trắng hơi vằn đỏ, trông rừng rực như hai hòn than hồng. Anh cười cười:

- Tôi đi 2 năm thì vợ tôi cũng đi ngủ đồn hai năm.

Tôi chưa hiểu ý anh thì Ninh giải thích:

- Vợ con cán bộ khổ vậy đó, luôn bị địch bắt tra khảo, hạch sách.

Việt tiếp:

- Trận cuối cùng vợ tôi bị đánh cũng là trận đau nhất. Bữa tối, tôi về tổ chức mít tinh ở địa phương. Hôm sau, bọn địch đến bắt vợ tôi: “Sao, hôm qua chồng mày làm gì?”. Rồi chúng đấm đá, bạt tai. Vợ tôi ngã chết giấc, chúng cột dây kéo xềnh xệch lên đồn. Người sống mà chúng kéo như một xác chết. Đến tối chúng mới thả ra. Sinh nói rằng vợ anh cũng bị địch đánh như vậy, nay đau ốm luôn, không làm được gì mấy.

Việt chỉ cho tôi xem từng bụi cây, ngôi nhà mà các anh diệt ác ôn.

Một thanh niên vác khẩu các bin vào hỏi:

- Đi diệt mít không?

Tất cả kéo tới nhà cậu ta ăn mít chín. Ngôi nhà gỗ lợp tranh khá đẹp, có tủ kính, giường gỗ. Nhà treo một quyển lịch của địch. Việt bảo:

- Cái này cũng là di tích của địch, đốt đi nhé!

Cậu thanh niên gỡ cuốn lịch xuống.

Tôi hỏi:

- Khu vực này bị đốt phá nhiều không?

Việt trả lời:

- Có nhà bị đốt ba lần, có nhà không bị đốt. Có một khu nhà bọn tôi gọi là khu Trung Quốc vì ở đó toàn nhà xây, dân lại đông.

Ra đường gặp mấy du kích vác trung liên, các bin đi lên. Họ đều rất trẻ, khoẻ. Việt cho biết số này mới vào du kích. Du kích cũ chỉ có 2 người, nay đều là cán bộ xã đội.

Có những phụ nữ gánh những gánh cá với những con to bằng bắp chân tất tả đi về phía chợ Bình Dương.

Mấy đứa nhỏ rượt bắn nhau bằng những ống phốc. Đài Giải phóng đang truyền đi buổi phát thanh dân ca nhạc cổ.

Phía cánh đồng, đồng bào đang nhộn nhịp cày bừa.

Chiều, Sinh đưa tôi lại nhà một bà già. Bà người gầy còm nhưng rất hoạt bát. Bà bỏ dở công việc đang làm ngoài vườn, chạy vào vồn vã:

- Vô nhà, vô nhà. Ăn gì chưa? Lấy chuối ăn rồi chặt dừa nạo uống.

Bà đưa ra một nải chuối chín. Khi tôi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, bà nói:

- Con trai tôi bị địch bắt đi Qui Nhơn, rồi theo cách mạng luôn. Con dâu tôi trót quan hệ với thằng Bảo an, mới bỏ đi rồi.

Bà chép miệng:

- Nghĩ tội lắm. Trước đây hắn cũng đóng góp cho cách mạng. Nhưng rồi bọn lính cứ lui tới o ép, tôi cũng không dám ngăn vì sợ chúng vu là cộng sản, bắn bỏ. Nên nó mới đến nỗi vậy. Các ảnh cũng không bắt tội gì, biểu cứ ở nhà đẻ. Nhưng nó nghĩ không tới, nó bỏ đi. Còn đứa con đầu của nó đây, tôi nuôi.

Bà tất tả đi mua rau muống về nấu cơm cho chúng tôi ăn. Đứa cháu gái bà chừng 10 tuổi thì thầm với bà:

- Hôm nay mít tinh, bà cho con mặc áo mới nghen!

Bà cười:

- Đi mít tinh chớ bộ đi coi hát đâu mà mặc áo mới?

Bà giục chúng tôi ăn cơm nhiều:

- Nói vậy chứ gạo có ăn, không phải mua đâu, ăn no đi.

Bà kể lại cái ngày nơi này còn bị kìm kẹp, địch kích quanh nhà bà miết và nhiều lần đánh đập bà vì cái tội chứa cộng sản. Bà rất hào hứng kể chuyện du kích diệt ác ôn: Tên ấp trưởng đang đứng sát gạo máy thì có 2 thanh niên vào đứng bên. Nó hỏi:

- Hai thằng này, giấy đâu?

Một thanh niên đứng chìa hông vỗ vỗ (bà lấy tay vỗ vào hông):

- Giấy đây, ông cần xem hả?

Nói rồi rút ngay súng ra, nổ ba phát. Thằng ấp trưởng chạy một đoạn thì ngã gục. Mà anh ta giỏi thật, bắn rồi lại cầm súng quay quay, đi ra thản nhiên như không. Bọn Dân vệ, Bảo an đứng đầy quanh đó chứ ít đâu.

Tối, đồng bào họp mít tinh. Hai ngọn đèn dầu thắp sáng giữa sân. Từ đèo Nhông, địch câu pháo về Mỹ Thọ nổ ình ình liên tục. Anh Việt nói rằng trước đây địch kẹp rất chặt, muốn đi đái cũng không dám ra ngoài. Nhớ những khi ấy mới thấy cái sung sướng được tự do như bây giờ.

NGÀY 28/6/1971

Khoảng 3 giờ chiều, Việt đưa tôi qua Chánh Khoang. Đi qua một cánh đồng đất xốp, trắng như đất phù sa. Bà con nông dân làm nhộn nhịp khắp đồng. Những ông già đi sau đôi bò cày. Một cô gái mặc áo hồng đứng trên bừa gỗ cho đôi bò lôi đi, bừa tơi đất ra. Một số người bê thúng, vãi lúa trên đồng. Một số khác lúi húi nhổ đậu phộng. Vài con bê rảnh việc nhởn nhơ gặm cỏ, thỉnh thoảng ngửa mặt lên trời rống lên một tiếng trầm hùng. Phía bên kia đồng là những hàng dừa cao xanh. Trên một bãi cát trắng có một ngôi nhà xây lợp mái tôn, trên nóc có sơn hình lá cờ ba que đã bị cạo nham nhở. Việt chỉ vào nơi đó:

trr3-1659283401.jpg

 

Vân khi hoạt động tại căn cứ cách mạng.

 

- Đồn Phú Xuân đấy!

Tôi không thể nhận ra đâu là lô cốt, đâu là rào vi, vì tất cả đã bị san bằng thành một bãi cát trắng. Chỉ còn lại một số cuộn dây thép nằm lăn lóc đó đây.

Nhà của Việt nằm trên một bãi cát, dưới một cây dừa xơ xác. Ngôi nhà lụp sụp, cột kèo, rui mè đều làm bằng những cây gỗ cháy dở đen thui, lợp lá dừa. Vợ anh trạc 28 tuổi, dong dỏng cao, trán cao, trông có vẻ thông minh. Anh hỏi qua loa chuyện gia đình rồi dẫn tôi đi.

Tới bên đầm Trà ổ. Những thửa ruộng trải ra tận bìa đầm. Có những thửa ruộng mới cấy, cây lúa đâm lên tua tủa như những mũi chông. Có thửa xanh rờn mạ. Có thửa mới bừa xong, lấp loáng nước. Người ta cột dây quanh bờ ruộng, kết những tua vải vào đó để vịt sợ, không vào phá lúa. Bầy vịt có lẽ lặn ngụp đã chán, đứng xếp hàng trên bờ, rỉa lông, rỉa cánh. Dừa mọc san sát trong xóm gần đó. Có cây bị phình to ở đoạn thân gần ngọn. Việt giải thích rằng đó là do bị ảnh hưởng của chất độc hoá học, lá rụng đi, chồi cố mọc lên nhưng bị nghẹn. Đầm rộng mênh mông. Nước lặng lờ bàng bạc.

Bên những thửa ruộng ven đầm, đồng bào đang dùng gầu, dùng máy bơm tát nước. Có những cô gái đang lúi húi cấy lúa. Xóm này được mệnh danh là xóm Trung Quốc. Có lẽ vì dân ở đây giầu có và ít bị chà xát hơn nơi khác. Ở đây, dừa mọc chi chít, xanh mượt và ít mang vết thương bom đạn. Dưới bóng dừa là những ngôi nhà ngói đỏ tươi hoặc những ngôi nhà gỗ lợp tranh chắc chắn.

Chúng tôi vào thăm nhà ông Nghi. Ngôi nhà ngói 5 gian có bàn thờ, câu đối, tủ, bàn ghế. Phía trước là một cái sân xi măng lớn. Trong nhà thắp đèn hương. Trên bàn bày hai chai rượu nhỏ và một số ly thuỷ tinh. Nhà hôm nay có giỗ. Ông Nghi gọi con gái ra bầy biện thức ăn tiếp khách. Ông trạc 50 tuổi, có chòm râu lưa thưa, trán cao, tóc chải lật ra phía sau. Hơi có chút rượu vào, ông nói rất lớn, giọng sang sảng:

- Hôm nay, tôi lại chiến thắng một trận nữa, chiến thắng như đánh trận ấy.

Nguyên là đồng bào ở đây phải lên gần Bình Dương làm đồng. Bọn nguỵ quyền xã này chạy lên Bình Dương, cho lính ra bắt đồng bào cày theo phần ruộng địch cấp. Hồi trước, cách mạng chia cho đồng bào mỗi nhà chừng 5 - 6 khẩu ruộng. Khi “bình định cấp tốc” bọn địch chỉ cho mỗi nhà 1 - 2 khẩu, còn lại đem đấu giá hết. Nay chúng bỏ chạy cả, đồng bào lại làm theo phần ruộng ta cấp. Bác Nghi là người đầu tiên dám đánh bò ra cày. Có bữa địch sơ hở, bác mượn đôi bò nữa cùng đứa cháu gái đánh ra cày tuốt được ít giỏ giống. Bác cười:

- Thanh niên trai trẻ ra tiền tuyến, tui già, tui cũng ra tiền tuyến. Ủa, thiệt chứ, ra tiền tuyến chứ. Anh coi, ra ngay trước mũi súng thằng địch mà cày, chuyện dỡn ne?

Bác còn kể tiếp chuyện đóng lương thực cho cách mạng:

- Năm nào nhà tui cũng đóng vượt hết. Năm ngoái vượt 20 kg, năm nay cũng vượt 20 kg.

Buổi chập chiều, tiếng súng bỗng nổ ran lên ở phía Tây Bắc, cách xóm chừng 1 km. Du kích lên đó gặp địch, hai bên nổ súng ran. Súng liên thanh nổ rèn rẹt. Súng M79 nổ ầm ầm.

Tới nhà anh Hạo. Cũng là nhà ngói đàng hoàng. Anh Hạo và ông Hồ thay nhau kể chuyền cày ruộng:

- Anh ra đó mà coi, mỗi buổi cả trăm đôi bò cày rợp đồng. Đồng rộng 4 - 5 chục mẫu, ít chi ne, vậy mà cày hết, không bỏ tấc nào. Bọn địch bắt lên đồn, bắt người này có người khác thay. Chúng tôi chuẩn bị sẵn rồi, cứ mỗi đôi bò có 2 - 3 người cày. Người này bị bắt có người kia ra cày thay. Lũ tôi nói với bọn chúng: “Các ông nói chuyện chưng hửng không. Các ông bỏ làng chạy tuốt luốt tận Bình Dương. Chúng tôi người Chánh Khoang, làm ruộng Chánh Khoang, mắc mớ gì các ông giữ. Có giỏi thì về giữ suốt ngày đêm, lũ tôi sẽ cày ruộng “Quốc gia” và còn tính tiền công trả các ông. Mà các ông có giữ nổi không chứ. Ấp trưởng, ấp phó chạy tuốt luốt, phòng vệ dân sự bị tước vũ khí trọi, hiện còn phải học tập cải tạo, các ông có về giữ được không? Nếu không giữ được thì để bọn tôi làm, cách mạng họ không để yên những kẻ ngoan cố đâu.

Bọn lính giữ mấy ngày đầu, sau phát chán, phải để đồng bào làm. Tên Nông hội tỉnh nói chán ngán:

- Giành là giành dân. Dân không giành được thì thôi chứ giành đất làm gì!

Anh Hạo nói với Việt:

- Tôi cũng xin thưa với anh một chuyện. Ông cảnh sát xã giờ ở Bình Dương, tôi thấy ông cũng hiền lành. Ông không đánh ai một gậy nào, còn giúp đỡ đồng bào nữa. Cách mạng thấy ông có tội mà giết, tôi không dám can ngăn. Nhưng tôi chỉ xin là đừng mang đi xa giết mất xác, tội nghiệp.

Ông Hồ nói:

- Không ác mà làm cảnh sát. Không có tội mà chạy lên Bình Dương. Hắn mua chuộc mình đó thôi.

Anh Hạo chuyển qua chuyện khác:

- Còn thằng phòng vệ dân sự, tôi gặp nó, nó biểu đưa nó về, có được không?

Việt :

- Được chớ. Anh tìm cách đưa nó về nhen. Nếu mang theo súng về càng tốt. Nếu không mang cũng được.

Hạo suýt xoa:

- Chà, nó cũng là con nhà tập kết, trước cũng là du kích đấy. Hồi nó bị địch bắt, nó không khai gì cả. Trời, lúc địch dẫn nó đi ngang nhà, tôi sợ té đái trong quần, vì tôi nuôi nó hoài, nó mà chỉ nhà thì mình chết. Nhưng nó đi ngang mà không ngó vô. Địch lấy đá đè lên bụng nó, nó biểu: “Có lấy trăm tảng đè lên, tui cũng không nói. Tui đi du kích, ăn cùng cùng hết. Nhà nào cho ăn thì ăn. Cả thôn Chánh Khoang này cho tui ăn”. Sau đó địch bắt đi tù, rồi đưa vào phòng vệ dân sự.

Anh cười:

- Bữa các ông bắt cả bọn phòng vệ dân sự, sao lại để lọt nó. Nó biểu tức quá, các ông để lọt giờ đâm khó ra. Nếu bắt nó bữa đó, có phải sướng cho nó không.

Việt bảo:

- Ừ, trước nó tốt, nay nó muốn về mình, mình cũng cho về. Còn nếu như trước nó xấu, nay nó muốn về với mình, mình cũng đưa về.

Khoảng 9 giờ, một người đàn ông cụt bàn tay trái đến tìm Việt. Mới giáp mặt, anh ta nổi nóng liền:

- Ông Việt, ông định bắt tui đi tù hả?

- Ai nói với anh vậy?

- Dân nói chớ ai. Anh nói: “Thằng cụt làm bậy thì bắt thằng cụt đi tù ngay” phải không? Có bắt đi tù thì bảo trước với, để tui chuẩn bị ít gạo, chút mắm, chớ nhà nghèo qúa, không có sẵn.

- Tại sao anh dám giải quyết cho dân Chánh Khoang sang làm ruộng ở Phú Ninh? Tôi nói ông làm thế không khéo thì đi tù đấy.

- Ruộng Phú Ninh không có người làm, tui cho dân Chánh Khoang làm chớ sao. Mà họ làm thì họ gánh lúa đổ nhà họ, chớ không đổ gánh lớn, gánh nhỏ trước sân tui. Nhưng muốn bắt tù tui thì cứ bắt. Thằng Sanh này tham gia cách mạng hồi giờ, ra tù vào tội hoài rồi, không biết sợ ngồi tù đâu. Chỉ có điều là muốn bắt thì biểu trước, để tui chuẩn bị gạo, mắm. Chứ nhà nghèo qúa, không có sẵn.

Hai người to tiếng với nhau mãi làm không gian căng như dây câu mảnh dòng cá lớn. Sau đó anh Sanh bỏ đi. Anh Sanh trước là cán bộ nông hội xã, sau bất mãn điều gì đó, đã thôi việc.

Những ngày tiếp theo, tôi sang Mỹ Đức. Nơi này, đồng bào vừa bức rút đồn Gò Cớ. Tôi được sống trong một thực tế đầy tình người và sục sôi khí thế cách mạng. Bởi vậy, tôi viết được khá nhiều tin, bài. Bài về anh hùng Bùi Đức Sơn đã được ngoài Bắc sử dụng, riêng buổi phát thanh Quân đội nhân dân phát liền trong ba buổi. Bài Xã L buổi bình minh, Đi đòi đất và một số mẩu chuyện diệt ác, phá kìm, binh vận tôi gửi về Khu đều được đăng báo Cờ giải phóng và chuyển ra Bắc, phát nhiều lần trên đài Tiếng nói Việt Nam - chắc còn được đăng trên báo Nhân dân, Quân đội nhân dân.

XÃ L BUỔI BÌNH MINH

Anh Việt, cán bộ thông tin xã kiêm trưởng ban khởi nghĩa thôn PN, chỉ về phía vườn dừa râm mát nằm sát con lộ, nói với tôi:

- Một trong bốn lớp học mới được mở, sau khi bức chốt PN, nằm ở đó anh ạ!

Theo hướng tay anh, tôi thấy một ngôi nhà rộng rãi được dựng kín đáo dưới những bóng dừa mát mẻ. Các em học sinh đang ríu rít tụ tập lại đó. Gặp chúng tôi, các em lễ phép chào:

- Thưa chú!

Nhìn những em trai, em gái nhỏ có, lớn có, xách túi vở, lọ mực trong những bàn tay xinh xắn, tôi thấy lòng tràn ngập niềm vui. Việt cho biết, toàn xã mở được hai trường phổ thông cho 250 em theo học. Các em đã trật tự ngồi vào lớp. Bàn ghế tuy đơn giản bằng năm ba miếng ván, vài khúc thân dừa, nhưng được xếp ngay ngắn, đủ chỗ cho ba chục em học sinh ngồi thoải mái. Thầy Dũng bắt nhịp cho các em hát bài ca ngợi thiếu niên miền Nam. Tiếng hát các em vút lên cao giữa miền quê mới được giải phóng, nghe trong trẻo và ấm áp lạ lùng.

Rời lớp học, chúng tôi lại bước đi trên con đường cái lớn đã bị nhân dân chặt ra từng đoạn. Thỉnh thoảng chúng tôi phải vòng qua bên để tránh những đoạn hào sâu, hoặc những tuyến rào dây thép gai do nhân dân tạo ra nhằm ngăn cản giao thông địch. Khi đi ngang qua ngôi nhà gạch mốc meo, chúng tôi gặp một người đàn ông đang đứng tần ngần bên thềm. Gã chừng 40 tuổi, có chòm râu dê lưa thưa, đỏ quạch như lông bò. Việt hỏi:

- Sao, đã chuẩn bị đi chưa?

- Dạ, xin thưa với anh để tôi lấy thêm ít đồ đạc rồi lên liền.

- Được, mau lên!

Việt cho biết đó là tên tề trưởng thôn PN, bữa nay ta cho đi học tập.

Anh nói thêm:

- Bên cạnh việc xử trí những tên ác ôn ngoan cố, chúng tôi chú trọng giáo dục những kẻ lầm đường lạc lối.

Xế chiều, Việt đưa tôi qua thăm thôn CK. Chúng tôi bước đi giữa cánh đồng lúa bát ngát. Có những thửa ruộng đang thì con gái mơn mởn. Có những thửa ruộng mới cấy, cây lúa đâm lên tua tủa như những mũi chông. Có những thửa mới bừa xong, mặt ruộng láng bóng. Một cô gái mặc áo xanh lúi húi bên chiếc máy bơm nước. Lát sau, tiếng máy nổ rộn lên, vang động cả cánh đồng. Nước từ vòi bơm tuôn ra trắng xoá. Bên cạnh đó, có những bà má đang tát nước gàu giai xì xụp.

Qua khỏi cánh đồng, chúng tôi bước vào một vườn dừa rợp bóng. Chỉ vào những thân dừa bị phình to ở đoạn gần ngọn, Việt giải thích:

- Bọn địch rải chất độc hoá học, dừa trụi cả lá, nhưng rồi nó vẫn vươn lên xanh mượt như thách thức với quân giặc.

Tại thôn CK này, địch dùng mọi thủ đoạn tàn bạo: rải chất độc, chụp bom pháo, đốt nhà, tàn sát điển hình v.v... Nhưng chúng vẫn không thực hiện được chương trình "bình định" của chúng. Người dân CK đồng tâm ghì chặt từng gốc dừa, đào hầm nuôi cán bộ, đóng góp quỹ đảm phụ kháng chiến và nổi dậy đấu tranh buộc địch phải bỏ đồn bốt tháo chạy. Sau khi buộc phải rút khỏi PN, địch lại xua một đại đội Bảo an xuống CK, cố sống, cố chết dựng lại trên nền đồn hoang tàn này những lô cốt, rào kẽm gai... Nhưng chúng đã bị đòn phủ đầu choáng váng. Ngay tối hôm đó, du kích luồn vào đồn, nổ súng diệt nhiều tên. Bên ngoài, đồng bào nổi trống mõ, thanh la rầm trời, làm cho bọn địch bạt vía, kinh hồn. Chúng ẩn vào xóm... Đồng bào liền gồng gánh, lùa bò ra đồng để cô lập chúng.

- Mấy chú muốn ở, cứ việc ở, bà con tui đi. Ở chung với mấy chú, cách mạng đánh vô, chết lây uổng mạng. Mấy chú coi đó, cách mạng đứng kín các gốc dừa kia.

Bọn địch lấc láo nhìn về phía vườn dừa, mặt đứa nào đứa nấy tái mét. Chiều đó, chúng chuồn thẳng. Một lần nữa, đồng bào lại tràn lên phá tan hoang đồn giặc, xoá đi mọi dấu tích bẩn thỉu của kẻ thù. Giờ đây, người dân CK đang ra sức xây dựng lực lượng, sẵn sàng đánh địch phản kích và đấu tranh quyết liệt với chúng để phát triển sản xuất. CK có một cánh đồng nằm sát BD - một vùng còn bị địch kìm kẹp. Hồi tiến hành "bình định", bọn nguỵ quyền xã trâng tráo tịch thu hết số ruộng mà cách mạng cấp cho nông dân đem đấu giá. Ngày nay, tuy phải cút khỏi CK, chúng vẫn tìm mọi cách chiếm đoạt số ruộng đó. Nhưng nhân dân quyết không để cho chúng muốn làm gì thì làm.

Gặp chúng tôi, ông Nghi nói sôi nổi:

- Bữa nay, tui lại thắng thằng địch một trận nữa. Chỉ hai bữa nữa là tui gieo hết lúa.

Việt hỏi:

- Ở cánh đồng BD hả bác?

Bác gật đầu, chòm râu bác rung rung:

- Ừ , ở đấy. Thanh niên trai trẻ ra tiền tuyến, tui già, tui cũng ra tiền tuyến, thiệt đó. Anh coi, ra trước mũi súng thằng địch mà cày ruộng cách mạng, chuyện dỡn ne? Bữa đầu tụi lính nạt nộ: "Các ông phải làm theo phần ruộng Quốc gia quy định. Số ruộng của mấy ông đại diện xã, ấp trưởng phải để lại, không ai được cày". Tui trả lời: "Ruộng cách mạng cấp cho bà con tui, bà con tui cứ cày."

Anh Hạo, một nông dân ngoài 30 tuổi, nói thêm:

- Thấy bà con tui cứ cày tràn lan, không kể ruộng của ấp trưởng, ấp phó nào hết, bọn nó liền xua quân bắt đồng bào vô đồn. Bà con liền đấu tranh: "Các ông chạy tuốt luốt lên quận ăn hút, có ông nào làm việc cho dân đâu mà đòi hưởng ruộng. Lúc nào các ông về "bảo vệ an ninh" cho dân thì chúng tôi giao liền ruộng cho mấy ông cày. "

Để khỏi mất công, mất việc, bà con tổ chức vòng đổi công, vừa đấu tranh vừa sản xuất. Bọn địch đành chịu thua. Đồng bào tiếp tục cày cấy.

Đồng bào hăng hái đóng góp tiền bạc, lương thực phục vụ kháng chiến. Đóng góp đến đâu, chuyển đi đến đấy. Chỉ trong ba hôm, bà con đóng góp và chuyển đi 10 tấn gạo.

Tới khuya, chúng tôi mới rời thôn CK. Trên các sân nhà, ánh đèn vẫn sáng tỏ, soi rõ khuôn mặt những cô gái đang cần mẫn xay giã. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại gặp những cô gái gánh những bao gạo hối hả đến kho.

Màn đêm đang dần dần tan đi. Xã L đứng trước buổi bình minh rào rạt ánh hồng. Nhưng bình minh mới chỉ là sự bắt đầu của một ngày bận rộn với biết bao công việc cần phải giải quyết. Trên cánh đồng CK, bà con đang nhộn nhịp gánh phân, cày bừa, gieo giống. Chú bò con nhởn nhơ gặm cỏ trên đồng, thỉnh thoảng ngửa mặt rống lên một tiếng trầm ấm vang khắp cánh đồng, chừng như muốn át đi tiếng súng liên thanh đang ré lên từ phía CT. Trên đường, anh em du kích đang vác súng tiến về ấp, lên phòng tuyến chặn địch. Họ đều rất trẻ, có người mới cầm súng cách đây ít tuần lễ. Đôi mắt họ sáng long lanh trong ánh nắng buổi sớm, chứa chan niềm tin tất thắng.

THƯ GIA ĐÌNH

Hà Nội ngày 1/11/1971

Con yêu dấu của bố mẹ!

Nhân dịp thuận lợi, bố vội tranh thủ biên thư thăm con. Tuy lâu không nhận được thư của con, bố vẫn năng liên hệ với chỗ chị Sáu nên cũng thường xuyên được tin con vẫn mạnh khoẻ, công tác tiến bộ.

Chắc con cũng được tin về trận lụt vừa qua ở ngoài này. Dù trận lụt lớn chưa từng có, song dưới sự chăm sóc của Đảng và Chính phủ, nhân dân ta ở ngoài này đang mau chóng khắc phục hậu quả do nạn lụt gây ra, đồng thời tranh thủ và sử dụng tốt viện trợ của các nước bạn. Gia đình ta bình yên, mạnh khoẻ.

Bố mới được tin trong đó có bão lớn gây nhiều thiệt hại cho nhân dân Trung bộ, kèm theo sự khủng bố dồn dân của giặc Mỹ, Thiệu. Bố đau xót với cái đau khổ của nhân dân trong đó, đồng thời nghĩ đến con, đứa con tiếp tục sự nghiệp cách mạng của bố. Chỗ con ở chắc cũng bị ảnh hưởng của trận bão lớn. Thiệt hại có nhiều không con? Bố cũng thấy lo cho con và các bạn, song bố tin ở tinh thần cảnh giác, kinh nghiệm đấu tranh của con và của các bạn, những cán bộ đã được rèn luyện trong đấu tranh chống địch, chống thiên tai.

Ở ngoài này, sinh viên các trường Đại học đang về các nơi bị lụt, tham gia lao động, khắc phục mọi hậu quả do lụt gây ra. Khó khăn có nhiều, nhưng đời sống được ổn định. Giá các hàng tiêu dùng được hạ dần, đời sống cán bộ viên chức ngày được nâng cao.

Bây giờ bố nói chuyện gia đình ta để con rõ. Cái mới nhất là em Việt đã đi bộ đội. Em tòng quân với tinh thần hồn nhiên, phấn khởi. Em vào đơn vị Công an vũ trang và đang học tập ở một địa điểm gần Hà Nội. Em mới viết thư về, rất vui vẻ, an tâm, phấn khởi, khoẻ mạnh.

Em Phúc ở Liên Xô cũng mới biên thư về, em vẫn mạnh khoẻ, còn thực tập một năm nữa thì xong. Em thực tập về ngành điện ở một tỉnh xa xôi, cách Mạc tư khoa hàng nghìn cây số.

Anh Đức từ khi tốt nghiệp ở CHDC Đức về vẫn công tác ở Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước ở Hà Nội. Anh vẫn khoẻ mạnh và đang thu xếp cưới vợ.

Em Ngọc vẫn học lớp phổ thông chuyên ngoại ngữ của Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Em học lớp 10 và học tiếng Anh. Tổng kết năm học lớp 9 vừa qua, em đạt kết quả là học sinh tiên tiến, đoàn viên tiên tiến, ngoại ngữ tiên tiến. Em là một trong 2 học sinh giỏi tiếng Anh của lớp.

Em Diệp đang học lớp 8 trường Trưng Vương Đống Đa, nơi con học PT3 trước kia. Em học khá, nhanh nhẹn, thông minh, năm vừa qua đỗ lớp 7 vào loại khá, được miễn thi vào lớp 8.

Em Lan năm nay học lớp 5. Em chóng lớn, khoẻ mạnh, theo bố nhận xét, trong số 8 anh em, Lan là thông minh nhất, học giỏi toàn diện, nhất là văn và toán, mà không mất nhiều thời gian học. Đi học về, ăn cơm xong, lại lấy bèo nuôi lợn, nấu cơm, đi chợ, rất đảm đang.

Năm ngoái thì Diệp giúp mẹ, đảm đang công việc gia đình. Năm nay Diệp đi học xa, Lan thay chị giúp mẹ mọi việc.

Còn em Thuỷ vẫn gầy còm, ngoan, hiền, năm ngoái học yếu, suýt bị lưu ban. Gia đình động viên, cho em học thêm dịp hè, năm nay đã lên lớp 4, và từ học sinh yếu đã vươn lên học sinh tiên tiến. Thuỷ cũng đã tham gia nấu cơm, giúp đỡ mẹ.

Mẹ con vẫn công tác ở Trường như cũ. Ngoài công tác chuyên môn và làm tốt nhiệm vụ của một đảng viên, mẹ con quán xuyến mọi công việc trong gia đình, lại chăm sóc thêm vườn rau và nuôi 2 con lợn (một con gần 40kg, một con trên 20kg), nên thường xuyên bận rộn.

Bố lên công tác ở Bộ Đại học đã hơn một năm, phụ trách công tác ngoại ngữ của toàn ngành Đại học. Với tuổi đã luống, công tác của bố hiện nay rất thích hợp, có điều kiện vận dụng kinh nghiệm 10 năm lãnh đạo trường Ngoại ngữ để giúp Bộ lãnh đạo ngoại ngữ cho ngành. Bố được thảnh thơi hơn trước, đi sâu vào nghiệp vụ, đỡ ốm yếu hơn truớc, ngoài ra lương và phụ cấp được tăng thêm, nên tuy tuổi nhiều hơn, song thể lực và tinh thần khá hơn trước.

Ngày thường, bố, anh Đức và em Ngọc đều ở Hà Nội, ở nhà (trường Đại học Ngoại ngữ).

Con ở trong đó công tác và sinh hoạt thế nào? Bố tin rằng con công tác tốt, nhất là lại là một đảng viên trẻ tuổi.

Từ khi anh Phò đưa thư và quà của con ra đến nay, bố mẹ chưa nhận được thêm thư nào của con cả. Mẹ con hàng ngày nhắc đến con. Các em con cũng thường hỏi thăm tin anh Long của chúng nó. Chúng nó thương anh Long của chúng nó sống trong gian khổ khó khăn, song tự hào có người anh đang tham gia tiến hành cách mạng ở tiền tuyến. Có lần em Lan nói anh Long của nó sống cuộc sống sôi nổi và đầy ý nghĩa.

Cô Chung, chú Phương, các em Tiến, Quang, Chiêu, Cụ, các bà, cô cậu Hiếu và các em trên nhà vẫn được bình yên, mạnh khoẻ.

Mọi người mong tin con, và mong ngày gặp mặt, sum họp gia đình đông đủ trong không khí chiến thắng của toàn dân.

Chúc con mạnh khoẻ, đạt nhiều kết quả trong công tác.

Bố của con

Phạm Đức Hoá

Vụ các trường đại học

Bộ Đại học và THCN

TB: Con liên lạc với gia đình vẫn ở địa chỉ cũ, chỗ ở của gia đình: Trường Đại học Ngoại ngữ - Thanh Xuân - Hà nội.

Tin đấu tranh thống nhất

Ngày 26/11 /1971

XÃ Y (BÌNH ĐỊNH) NỔI DẬY

(Bài của Việt Long, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tại Bình Định)

Hà Nội (26-11 -71 VNTTX)

"Tình hình Bình Định từ 3 năm nay vẫn là một chiến luỹ của Cộng sản (chỉ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) bây giờ tình hình ở tỉnh này vẫn tồi tệ như bất cứ lúc nào trước đây. Nó được xếp hàng thứ 44 trong số 44 tỉnh (của Miền Nam Việt Nam) đứng về mức độ "bình định" mà nói.

Sự kém cỏi của chính quyền và quân đội địa phương (nguỵ) khiến cho các đơn vị Việt Cộng tha hồ tung hoành ở nông thôn đầy rẫy những người có cảm tình với Cộng sản".

(Báo Mỹ Diễn đàn thông tin quốc tế, số ra ngày 18 và 19-9-1971 ).

* *

*

Đồn giặc co rúm lại trước sức đấu tranh, vây ép của đồng bào xã Y (tỉnh Bình Định). Những phát súng bắn tỉa ác hiểm của du kích, những đợt đấu tranh quyết liệt của nhân dân chẳng khác nào những trận bão biển dữ dội tràn vào đồn. Bọn địch vô cùng khiếp sợ trước những bước chân rầm rập của hàng ngàn người nổi dậy vây đồn. Từ các hướng, đồng bào mang theo gậy, dây, mõ tiến thẳng vào đồn địch. Bọn địch hoảng hốt bắn vãi đạn ra phía trước, nhưng không thể nào ngăn chặn được đoàn người đã vùng lên, cương quyết đấu tranh chống lại mọi sự đàn áp, khủng bố của địch. Từ trong các cánh quân, không một ai chùn bước, đồng bào vẫn lao lên, hô lớn:

- Không được bắn bừa bãi!

Các cánh quân như những dòng sông lớn cuồn cuộn đổ về một biển.

Những tràng pháo từ xa câu đến nổ chát chúa, những quả mù cay từ trong đồn phóng ra tới tấp, tung khói lên mù mịt. Những cơn gió nam thổi thốc từng hồi lùa hơi cay vào đoàn người, khiến ai nấy nghẹt thở. Mọi người vội lấy khăn ướt ra, bịt chặt miệng, mũi, băng mình chạy qua những đám khói bụi, vượt lên đầu gió. Các cánh quân nhập lại thành một khối trên bãi cát trước cửa đồn, bừng bừng khí thế.

Giữa lúc ấy, trên trời có hai chiếc máy bay bay tới. Chiếc trực thăng phành phạch bay tít trên cao, chiếc tàu rà hai thân nhào lên, liệng xuống, quần đảo vòng quanh, quăng mù cay tới tấp xuống đoàn quân đấu tranh. Đồng bào vẫn giữ vững đội ngũ, không một ai nhúc nhích. Bất lực trước khí thế nhân dân, hai chiếc máy bay chuồn thẳng.

Ba giờ chiều, tên trung uý Trưởng đồn mới chui ra khỏi lô cốt, nói chõ xuống:

- Giờ tôi xin trả lời đồng bào.

Đồng bào la:

- Xuống gần đây, ở đó xa quá, bà con không nghe thấy!

Nó mở một lớp rào lách ra. Một tên lính, lăm lăm khẩu súng AR15, bước theo nó.

- Không được, còn xa quá!

Tên trung uý đành mở thêm 3 lớp rào nữa, rồi đứng trước lớp rào thứ 5.

Chị Hai tấn công:

- Đến bây giờ mà lính các ông vẫn còn có thái độ xấu với bà con chúng tôi. Các ông chặn đường, cấm biển, bắn bừa bãi vô xóm làm chết người, sập nhà. Vậy các ông bảo vệ đồng bào ở chỗ nào?

Tên trung tuý lúng túng chống chế và yêu cầu đồng bào trở về.

Chị Hai nghiêm giọng:

- Chúng tôi tới đây là thực hiện mệnh lệnh khởi nghĩa của cách mạng, buộc các ông phải bỏ đồn này đi. Nếu các ông không đi, cách mạng sẽ về đánh, lúc ấy chớ có trách đồng bào.

Tên trung uý lải nhải:

- Chúng tôi sẽ đi thôi, chớ không ưng gì ở cái đồi này. Đồi này toàn sỏi với cát, báu lắm sao mà các bà đòi miết?

Chị Hai nói dứt khoát:

- Gò này chỉ sỏi với cát, nhưng là gò của nhân dân, các ông không có quyền chiếm giữ. Bởi vậy các ông phải rút lui, trả đất xã Y cho người xã Y.

Tên trung uý phân trần:

- Chúng tôi không thiết gì ở đây, nhưng khi nào có lệnh trên, chúng tôi mới rút được. Nếu chúng tôi tự động đi, chỉ huy chúng tôi sẽ bắt bỏ tù hoặc đưa đi Căm - bốt!

Anh Năm hỏi nó:

- Các anh còn ở đây, chắc cách mạng không tha đâu. Vừa rồi cách mạng đánh vô cầu H, giết chết 30 tên Mỹ, các anh nghĩ sao?

Tên trung uý đáp:

- Mỹ người khác máu, Mỹ chết thây cha Mỹ.

Đồng bào liền nhao nhao:

- Hoan hô trung uý đồng tình với đồng bào!

- Đả đảo đế quốc Mỹ!

Tên trung uý và tên lính đứng trơ mặt ra trước những lời hô vang như sấm dậy. Anh Năm liền dấn tới:

- Đồng bào có đem theo một số truyền đơn, đề nghị các anh nhận.

Không đợi cho tên trung uý trả lời, khẩu hiệu dồn đến tới tấp. Tên trung uý đưa cả 2 tay ra đón. Một chục, rồi một trăm, hai trăm, năm bảy trăm...

Ôm cả một ôm truyền đơn khẩu hiệu, tên trung uý nói:

- Thưa đồng bào, anh em chúng tôi nhận truyền đơn, khẩu hiệu rồi, mốt sẽ trả lời đồng bào. Bây giờ yêu cầu đồng bào trở về để chúng tôi suy nghĩ thêm.

Cụ Bảy đáp:

- Được, vậy bà con về, mốt lại lên nghe trung uý trả lời.

Khi đoàn người đã toả về các xóm ngõ, binh lính đồn X mới thở phào nhẹ nhõm. Suốt bốn ngày nay bị vây riết trong đồn, không có cơm ăn, nước uống, chúng mệt mỏi, bơ phờ. Nghe tiếng trực thăng lại gần, chúng ùa cả ra sân chờ đợi. Chiếc máy bay lượn vòng quanh đồn, đứng lại giữa sân, thả xuống hai thùng nước.

Cả năm, sáu mươi thằng xô nhau chạy tới, múc nước uống ừng ực. Chỉ một loáng, hai thùng nước cạn khô. Chưa đã khát, đợi đồng bào về hết, chúng ùa xuống xóm nhà gần đấy vục gáo vào các chum nước uống lấy uống để.

Ngày thứ 5 và thứ 6 của cuộc đấu tranh, theo kế hoạch, chỉ có một số cụ già lên đồn giục bọn chỉ huy đồn trả lời theo như tên trung uý đã hứa. Tên trung uý đề nghị gặp đại biểu cách mạng để thương lượng.

Và cuộc thương lượng diễn ra ở một căn nhà lá đơn sơ nằm gần đồn X.

Anh Ba, đại biểu chính quyền xã Y, đã chờ sẵn, bắt tay hắn, mời hắn ngồi xuống chiếc ghế ngựa kê ngay ngắn giữa nhà.

Anh Ba đi thẳng vào vấn đề. Sau khi nêu rõ những thắng lợi to lớn của cách mạng ở đường 9 Nam Lào, ở toàn miền Nam và ngay tại địa phương, anh Ba nói:

- Chúng tôi tới đây nhằm thực hiện chính sách nhân đạo của Mặt trận. Biết các bạn là người có suy nghĩ, chúng tôi bàn với các bạn mấy vấn đề sau đây. Một là các bạn liên hiệp hành động với cách mạng, quay súng diệt ác ôn, chúng tôi sẽ giúp đỡ, cách mạng sẽ khen thưởng cho đơn vị, cá nhân có thành tích. Hai là các bạn đầu hàng, các bạn sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của Mặt trận. Ba là các bạn rút đi, giao đồn X cho nhân dân xã Y, cách mạng sẽ ra lệnh cho các lực lượng vũ trang không tấn công vào các bạn, nhân dân sẽ giúp đỡ các bạn rút đi an toàn.

Tên trung uý suy nghĩ và nói:

- Chúng tôi sẽ rút khỏi nơi này. Nhưng thời gian rút do chúng tôi quyết định.

Anh Ba nhấn mạnh:

- Các anh nên nhớ, những yêu cầu trên là mệnh lệnh khởi nghĩa. Đã là mệnh lệnh thì phải thực hiện cấp bách. Các anh phải rút khỏi đồn này ngay.

Tên trung uý khăng khăng:

- Thời gian do chúng tôi định đoạt, không thể thực hiện cấp bách được.

Anh Ba mỉm cười :

- Các anh định kéo dài thời gian, hòng chờ quân tiếp viện? Tôi cho các anh rõ: Tất cả các con đường từ đồn này đi các đồn lân cận đều bị du kích cắt đứt. Mặt khác, những đồn đó cũng đang bị nhân dân vây ép. Chúng tôi cũng đã bố trí sẵn thế trận bẻ gẫy chiến thuật trực thăng vận của các anh. Các anh càng kéo dài thời gian, càng nguy hiểm.

Tên trung uý ngồi câm lặng, mặt thừ ra. Lát sau nó mới nói:

- Chúng tôi sẽ rút, nhưng sẽ có đại đội khác đến thay, chứ không bỏ đồn này đâu.

Anh Ba đứng dậy:

- Được, trách nhiệm của anh là phải rút đi nơi khác, các anh cứ rút. Còn đại đội nào đến, chúng tôi sẽ có cách xử sự thích đáng.

* *

*

Ba ngày tiếp theo, đồng bào xã Y lại kéo lên vây ép đồn X, lần này đồng bào tổ chức cả đội quân hậu cần lo cơm nước cho những người đấu tranh. Bà con ăn, ngủ ngay trên bãi cát trước cửa đồn. Ngày, bà con hô khẩu hiệu, nêu yêu sách. Đêm, bà con lại ca hát binh vận. Trong khi đó, du kích liên tục bắn tỉa, diệt nhiều tên. Đồn X căng thẳng, ngột ngạt. Quan thầy chúng vội vàng cho đổ xuống xã Y một tiểu đoàn "Cộng hoà" hòng hà hơi cho chúng. Nghe tiếng trực thăng rầm rĩ trên bầu trời, bọn lính trong đồn chen nhau thò cổ ra khỏi lô cốt, ngóng đợi. Mấy chiếc HU1A định xà xuống quả đồi N liền bị những luồng đạn rất căng của du kích hất ngược lên. Một chiếc trúng đạn rơi cắm đầu xuống chân quả đồi. Những chiếc khác chuồn thẳng. Bọn bộ binh từ chân đồi tràn lên cũng bị du kích xã Y, bộ đội địa phương huyện K đánh cho tơi tả. Hơn chục thằng ngã gục tại chỗ. Số còn lại vội ôm đầu tháo chạy. Những con mắt trong đồn X xụp xuống. Qua điện đài, ban chỉ huy đồn X rên rỉ với cấp trên của chúng: "Suốt 9 ngày nay chúng tôi đói cơm, khát nước, căng thẳng. Chúng tôi không chịu nổi nữa!". Thấy binh sĩ đồn X đã hoang mang đến cực độ, bọn chỉ huy của chúng đành phải cho máy bay lên thẳng tới chở chúng đi và thay vào đó một đại đội Bảo an khác. Hòng trấn áp quần chúng, ngay từ đầu đại đội này đã tỏ ra hung hăng, tàn bạo. Chúng bắn cối bừa bãi ra những vùng xung quanh.

Bà cụ N lượm một rổ mảnh đạn, mang lên đồn hỏi:

- Các ông bắn vô xóm, chết bà con tui thì sao? Các ông không nên bắn như vậy nữa!

Tên trung uý sừng sộ:

- Bà đem về đi. Bà mà đấu tranh, tôi đánh bà dập mình. Đại đội tôi không như đại đội trước đâu!

Thái độ hung hăng đó của địch không làm cho người xã Y chùn bước. Du kích xã, thôn tập trung lại đào công sự sát đồn, bắn tỉa liên tục làm bọn địch vô cùng căng thẳng. Chúng không dám ra khỏi lô cốt. Càng hoảng sợ, chúng càng điên cuồng bắn như vãi đạn ra chặn đội quân đấu tranh lại. Tình thế trở nên giằng co quyết liệt. Qua một ngày, đồng bào họp rút kinh nghiệm, bàn biện pháp sắp tới.

Đêm ấy, du kích thôn, xã và những người tích cực nhất trong đội quân đấu tranh họp nhau ở thôn P. Trong ánh đèn dầu, bà con đứng nghiêm trang ôn lại những ngày giặc gây đau thương, tang tóc trên quê hương và truyền thống đấu tranh bất khuất của người dân xã Y. Khi tiến hành "bình định cấp tốc", hàng trăm tên Mỹ nguỵ tràn vào các thôn H, T, P kéo từng người dân vào khu tập trung. Nhưng không một ai chịu rời khỏi mảnh đất mà mình đã sinh sống bấy lâu. Điển hình như bà Sáu dù bị địch đánh đập, gài mìn trên mái nhà doạ bấm nổ, vẫn không chịu ra khỏi nhà. Giờ đây, ngôi nhà ấy vẫn nằm ngạo nghễ ngay bên đường cái lớn, mang tư thế hiên ngang của người xã Y. Tội ác của địch còn hằn sâu trên từng thân dừa, chòm dương, trên cơ thể mỗi người dân xã Y.

Hai vợ chồng anh T bị pháo Mỹ bắn chết, người con lớn của anh cũng bị Mỹ giết. Ba con thơ của anh phải chịu cảnh mồ côi nheo nhóc. Lòng người nén lại, đau xót. Ai nấy nhìn lên chiếc khăn tang lớn treo phía trước hứa hẹn :"Quyết tâm trả thù, quyết tâm diệt chốt". Từng du kích lên nhận những mảnh khăn tang trắng, nhận trách nhiệm của đồng bào giao: vây ép, bắn tỉa liên tục, không kể đêm ngày, mưa nắng.

Ngay sau đêm phát động căm thù, du kích xã, thôn khoác súng lên đồi cao ép địch. Đồng bào các thôn cũng sẵn sàng đội ngũ, chuẩn bị kế hoạch tiến công mới. Đồn X vẫn dương những họng súng đen ngòm ra sẵn sàng nhả đạn vào những ai dám tới gần. Tụi lính núp mình sau những công sự, dương những cặp mắt diều hâu soi mói nhìn vào xóm A, một xóm nằm cách đồn chưa đầy 10 mét. Một thằng lính bỗng hoảng hốt thét lớn:

- Cháy nhà bay ơi!

Từ xóm A, tiếng la cũng rộn lên:

- Cháy nhà, cháy nhà bà con ơi!

Ngọn lửa phụt lên từ nhà chị Tám mỗi lúc một bốc cao. Đồng bào cầm dao, mác chạy rầm rập lên gò.

Trong phút chốc, hàng trăm người đã áp sát đồn. Bà con vừa la, vừa hốt rơm bỏ vào nhà cho ngọn lửa bùng lên hừng hực.

- Cháy nhà bà con ơi!

Tiếng báo động vang xa, vọng tới các thôn phía tây. Lập tức, gần 2.000 người trong các thôn đó vác giáo mác, gậy gộc ùa ra đường, tràn lên gò X. Bọn lính đóng cửa đồn, bất lực nhìn đoàn người tràn tới như triều dâng thác đổ. Bà cụ Chín lao tới trước lô cốt, vác gậy đập vào hàng rào, la:

- Quân đội nào quân đội ơi, Quốc gia ơi Quốc gia, tại sao đốt nhà của cháu tui? Mấy ông bảo vệ cho dân ở chỗ nào, tại sao thấy nhà dân cháy mà ngồi đó ngó xuống.

Một thằng lính đáp:

- Mấy bà tràn vô như nước lụt vậy, ai mà dám xuống, cộng sản lồng vô trong, lũ tui xuống lỡ họ bắt thì sao?

Thằng khác tiếp:

- Tôi biết, dân chúng xã Y này dữ lắm. Đương không mà đốt nhà để đấu tranh, miệng thì la, tay thì hốt rác bỏ vô, lúc này còn giỏi nói.

Đồng bào gặng lại:

- Bây giờ ai làm cháy nhà chưa biết, nhưng các ông đóng ở đồn này, bảo vệ xã này mà để nhà cháy thì các ông phải bồi thường !

Tới 2 giờ chiều, tên trung uý ra nói:

- Bữa nay cộng sản bắn tỉa miết, hai bên bắn lộn nhau chưa biết đạn bên nào làm cháy nhà. Tôi hứa ít bữa nữa sẽ cho lính vô xóm cất lại nhà cho đồng bào. Bà con về đi!

- Không! chúng tôi không về. Các ông ở đây đốt phá, đánh đập, bắn giết đồng bào, các ông hung dữ như cá mập, chúng tôi không chứa chấp các ông được. Các ông rút bỏ đồn này đi!

Đồng bào trả lời vậy và ngồi vây lấy đồn. Suốt mấy ngày sau đó, mặc trời mưa bão làm nhà sập, thuyền trôi, lưới mất, bà con vẫn trụ lại trước cửa đồn. Qua 3 ngày mưa tầm tã, đêm nay trời quang mây tạnh. Ánh trăng non rọi xuống đoàn người đang ngồi trên bãi cát vây đồn. Cô Mười đứng dậy nói:

- Giờ bà con mình ca này!

Đồng bào vỗ tay:

- Phải đó, ca hát lên đi.

Giọng Mười vút lên giữa không gian thanh trong:

- Về đi anh, về đi anh lính nguỵ quyền ơi!

Sau tiếng ngân dài tha thiết, giọng Mười trầm xuống, ấm áp mà oán trách:

- Anh không thương xót đồng bào.

Giết người cùng giọt máu đào như anh.

Tội chi khoai sắn đang xanh

Anh đi càn quét tan tành xác xơ .

Bọn lính lấp ló sau các lô cốt, rồi bò dần ra chiếc lô cốt ngoài cùng, ngồi vòng tay im lặng nghe.

Giọng Mười vẫn vang lên, giục giã, tha thiết:

- Súng thù quay lại đi anh.

Bắn quân cướp nước cứu mình anh ơi.

Mười dứt lời ca. Không gian lặng đi, gieo vào lòng những binh sĩ nguỵ bao nỗi day dứt. Sóng biển vẫn xô bờ rào rạt như mang dư âm của lời ca "về đi anh, về đi anh lính nguỵ quyền ơi". Tiếp theo Mười, nhiều cô gái đứng lên hô bài chòi, hát những bài ca tố cáo tội ác của giặc Mỹ và tay sai, ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào và phụ nữ miền Nam. Tới những đoạn căm thù, đồng bào đồng thanh hô "đả đảo". Tới những đoạn nêu gương đấu tranh, đồng bào hô "hoan nghênh" vang trời. Đồng bào vừa hát hò, vừa hô khẩu hiệu, không để ý tới hàng bầy muỗi đói đang ùa vào hút máu mình. Tới 11 giờ khuya, bà con đứng dậy ra về. Tụi lính hỏi vọng ra:

- Sao không hát nữa?

- Mỏi rồi, về đi ngủ, để bộ đội vào nói chuyện với các ông.

Trong phút chốc, đoàn người toả về hết các xóm. Bà con về nhà, đứng tựa cửa nhìn về phía đồn X trông đợi. Ở đó, bọn địch hoảng sợ rọi đèn pin loang loáng, bắn đại liên loạn xạ. Bỗng nhiên, một tiếng nổ vang lên, một luồng lửa xanh lè lao vút vào giữa đồn X, rồi những tiếng nổ khác rộ lên theo hoà với tiếng sóng biển ì ầm, khiến không gian rung chuyển. Những tia chớp, khói lửa liên tiếp bùng lên giữa khu đồn địch.

Buổi sáng, không gian trở lại yên tĩnh. Từ trên đồi N, đơn vị bộ đội địa phương huyện đã sẵn sàng bên những khẩu súng phòng không. Anh em mở máy PRC.25 nghe bọn địch trong đồn la lối:

- A-lô, a-lô, hồi hôm cộng sản tiến công, chúng tôi chết 2, bị thương 4. Đề nghị cho trực thăng tới gấp!

Im lặng một lúc, bỗng trong máy ré lên tiếng một thằng nguỵ kêu khóc:

- Trời ơi, cái cẳng tôi gãy rồi, đau quá, cứu tôi với!

Lát sau, có tiếng động cơ phành phạch bay đến. Trong máy vọng ra tiếng một thằng nguỵ:

- Chỉ chở một con thôi, chở một con thôi!

Chiếc trực thăng vè vè hạ xuống giữa sân đồn. Bỗng "tằng tằng tằng ..." - một loạt thượng liên nổ ròn rã, khiến chiếc máy bay giật mình vọt lên cao. Nó đảo một vòng rồi hạ xuống. Bọn trong đồn bắn đại liên loạn xạ ra mấy ngọn đồi xung quanh để yểm trợ chiếc máy bay, nhưng nó vẫn không dám xuống thấp. Sau đó, bọn trong đồn phải khiêng tên lính bị thương ra mé biển, lợi dụng ngọn đồi che khuất chắn đạn cho chiếc máy bay hạ xuống chở nó đi.

Ngày và đêm hôm sau, cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn. Hoảng sợ đến cao độ, bọn địch dùng tiếng súng để tự trấn an tinh thần. Chúng bắn cối, đại liên, AR15... ra khắp xung quanh. Một quả cối nổ giữa thôn H, giết chết chị K. Lập tức, toàn thôn nổi trống mõ báo động.

- Lính bắn chết đồng bào, bà con ơi. Khiêng xác chết lên đồn.

Tiếng hò la dậy đất. Ai nấy quơ vội rựa, khiêng xác chị K lao lên gò. Địch đóng chặt cửa đồn không dám xuống. Đồng bào liền đứng tại đó, lấy thùng thiếc, thùng phi gõ hiệu lệnh báo động. Từ trên đồi cao, tiếng kim khí bị đập mạnh rung lên, vang tới khắp các thôn, kêu gọi bà con tới hợp sức đấu tranh. Địch hoảng sợ chạy tán loạn trong đồn. Khi ánh bình minh vừa dâng lên, hàng nghìn người đã tràn tới vây kín đồn X. Tiếng súng bắn tỉa của du kích nổ ròn rã, cổ vũ đoàn người xốc tới. Tiếng hô của hàng ngàn người vang vang như sấm dậy:

- Đả đảo bọn giết người!

- Xuống đây giải quyết mau, nếu không sẽ dỡ rào!

Bọn lính rúc vào lô cốt, nói vọng ra:

- Thôi, đừng đánh báo động nữa, để tụi tôi xuống.

Chị Hai nói lớn:

- Tại sao các ông nói đại đội trước đánh chết đồng bào, mấy ông không ác như vậy, mấy ông bảo vệ đồng bào. Vậy đứa nào giết chị K. Trung uý phải xuống đây giải quyết. Phải đưa thằng nào bắn súng ra cho nhân dân hỏi tội.

Chồng chị K dứ dứ cây rựa:

- Bay ỉ súng, giết người. Bay thử bỏ súng xuống đây, một mình tao cũng đập bể sọ 3 thằng!

Một thằng lính ra nói:

- Thôi, để tụi tôi đền cho 2 tạ gạo!

Đồng bào bừng bừng căm giận:

- Đả đảo! Đổ số gạo ấy đi, gạo phi nghĩa, gạo giết người.

Địch chui vào lô cốt, làm thinh.

Lát sau, lại một thằng ra nói:

- Để đền 3 tạ vậy!

Mấy thằng nữa ra theo nó, nói xoa dịu đồng bào. Số còn lại cuống cuồng thu dọn đồ đạc chuẩn bị tẩu thoát. Hai giờ chiều, nắng chói chang chiếu xuống đoàn người đang hừng hực khí thế đấu tranh. Tên trung uý dẫn 2 tốp lính dỡ rào phía sau đồn, lén đi xuống chân đồi gò, theo bãi cát chạy thẳng xuống phía xã T. Vì vướng quả đồi, đồng bào không nhìn thấy cảnh rút chạy thảm hại đó. Lát sau, một chị phụ nữ từ thôn T xách rựa chạy đến hô hoán:

- Chúng rút chạy rồi, chặn lấy chúng bà con ơi!

Dòng thác người ào ào cuốn theo. Chúng hoảng sợ liệng lựu đạn rầm rầm phía trước đoàn người và chạy bán sống bán chết...

Gò X đã sạch bóng giặc. Trong đồn còn lại ngổn ngang thùng đạn, ba lô, gạo... Đồng bào, du kích tràn vào gỡ lựu đạn, phá rào, phá lô cốt, thu chiến lợi phẩm, nhộn nhịp như đi trẩy hội. Người xã Y sẽ ghi nhớ mãi ngày 1-5-1971 , ngày mà với ba mũi giáp công, họ đã tống cổ đại đội Bảo an cuối cùng ra khỏi đồn X. Giải phóng hoàn toàn quê hương.

 

Phạm Việt Long:

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/tac-pham-be-troc-cua-nha-bao-pham-viet-long-chuyen-doi-thuong-trong-chien-tranh-phan-viii-a1685.html