Huyện Di Linh được công nhận 13 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao trong đợt 1/2024

Theo thông tin từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Di Linh vừa thông qua kế hoạch mỗi năm xếp hạng từ 3 sản phẩm OCOP trở lên, phấn đấu đến năm 2025, có tổng số 25 sản phẩm OCOP đạt 3 - 5 sao.

Thông qua các giải pháp chính sách hỗ trợ, huyện Di Linh tiếp tục thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển đa dạng hóa sản phẩm OCOP mới. Trong đó, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực như: mắc ca, cà phê, bơ, sầu riêng, mật ong, dâu tằm, bưởi, chè, bún, rau, hoa…

Đến 31/12/2023, trên địa bàn huyện có 26 sản phẩm OCOP. Sang quý 1 năm 2024  lũy kế có 36 sản phẩm. Đợt 1/ 2024 công nhận được 13 sản phẩm. Trong đó 2 sản phẩm công nhận lại và 11 sản phẩm mới. Tuy nhiên sang năm 2024 có 1 sản phẩm hết hạn (là hạt mắc ca sấy của cty Mai Thao), nên lũy kế đến hết quý 1/2024 là 36 sản phẩm.

Đó là các sản phẩm nông sản tiêu biểu của Di Linh gồm: Sầu riêng tươi và sầu riêng cấp đông của Công ty TNHH Bảo Phúc Hòa Nam; Sản phẩm cà phê và sản phẩm tinh gừng mật ong của Công ty TNHH Nông sản Abro; Sản phẩm cà phê Robusta của Hợp tác xã Hoa Linh Coffee; Bánh hạt Macca của Công ty TNHH Mắc ca Mai Thao; sản phẩm cà phê ZILI của Công ty TNHH Cà phê rang xay Phu Đoan.

274612615-5227006043977356-8436225343802674818-n-1726799063.jpg

Sản phẩm Cà phê ZILI ARABICA của Cty Phu Đoan đạt OCOP 2024.

Ông Trần Mai Bình, đại diện Hợp tác xã Hoa Linh Coffee (Thôn 5, xã Tân Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Hợp tác xã có 2 sản phẩm đạt OCOP 2024 hạng 3 sao là: Cà phê Robusta Hoa Linh Coffee và sản phẩm cà phê Robusta Honey. Riêng sản phẩm cà phê Robusta Honey hay còn gọi là cà phê Robusta Mật Ong kiểu tự nhiên đặc biệt khác ở quy trình hái, phơi rang. Điểm đặc biệt này là nhờ tận dụng lớp chất nhầy có chứa hàm lượng đường khoảng 12% phơi dưới ánh nắng mặt trời khoảng 10-15 ngày. Lượng đường này sẽ rút lại thẩm thấu vào bên trong hạt tạo hương thơm và hậu ngọt vượt trội sau khi rang. Không giống như phương pháp chế biến khô, cà phê Robusta Honey chỉ hái chọn trái chín đỏ trên cây (không dùng phương pháp hái tuốt). Chính vì thế hạt cà phê đạt độ đồng đều rất cao về màu sắc sau khi rang.

z5848476929360-7b47ac74307c14d5c5fca7e628342b06-2-1726799325.jpg

Phơi hạt cà phê hái chọn cho sản phẩm Robusta Honey của HTX Hoa Linh.

Riêng tại Hợp tác xã Hoa Linh Coffee đã đầu tư máy móc và công nghệ vào sản xuất, máy rang xay đạt tiêu chuẩn ISO 22000 - Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Hợp tác xã mỗi năm cung cấp cà phê nhân xanh vào khoảng 60 tấn và cà phê rang 10 tấn. Cũng trong năm 2023, Sản phẩm Robusta Honey của HTX Hoa Linh đã đạt chứng nhận cà phê đặc sản Việt Nam do Hiệp hội cà phê Buôn Mê Thuột trao tặng. 

Riêng về sản phẩm sầu riêng đạt OCOP hạng 3 sao, ông Trần Hiếu - Giám đốc công ty Bảo Phúc Hòa Nam (Thôn 2, xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết thêm: Năm 2024, hai sản phẩm của công ty đạt xếp hạng OCOP 3 sao gồm: Quả sầu riêng tươi và sản phẩm sầu riêng cấp đông. Giống sầu riêng của công ty chủ yếu là Ri6 và sầu riêng Thái. Hiện nay, 80% sản phẩm của công ty xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng khắt khe, nên công ty không ngừng đầu tư máy móc, công nghệ từ máy cấp đông, máy ni-tơ, và nâng cao quy trình tiêu chuẩn đóng gói. Múi sầu riêng cấp đông xuất sang thị trường Trung Quốc đạt tiêu chuẩn bảo quản, hương vị được giữ nguyên, tăng tính tiện dụng cho người dùng. 

2-su-rieng-1-1726799725.jpg

Nhân viên công ty Bảo Phúc đóng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Di Linh còn nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP, tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để đưa các sản phẩm ra thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn cũng là một thách thức lớn cho các đơn vị chủ thể, sản xuất. Theo đó, các đơn vị cần phải nâng cao chất lượng, mẫu mã để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp và thu nhập cho người nông dân. 

Thời gian qua, với việc triển khai chương trình OCOP, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Di Linh đã mạnh dạn thử sức, đầu tư để đưa ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị cao. Việc được công nhận OCOP cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đã từng bước ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng người tiêu dùng. Từ đó, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển.      

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/huyen-di-linh-duoc-cong-nhan-13-san-pham-dat-ocop-hang-3-sao-trong-dot-12024-a16855.html