Đắk Lắk miền đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc thu hút du khách gần xa

Đắk Lắk có một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, vô cùng phong phú, đa dạng với những bản trường ca Đam San, Xinh Nhã…; những sản phẩm làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc…; những lễ hội đặc sắc và phong tục độc đáo; âm thanh vang vọng của các loại cồng chiêng, đàn đá, các nhạc cụ làm từ chất liệu của núi rừng; những lời ca, điệu múa của cộng đồng 49 dân tộc anh em.

33jpg-1726807076.crdownload

Đắk Lắk - Điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Văn hóa Tây Nguyên

Có thể nói, Đắk Lắk có nền văn hóa truyền thống đặc sắc của 49 dân tộc cùng chung sống. Đây là “vốn quý” nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương.

Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể nổi tiếng như các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt thổ cẩm, tạc tượng, nơi đây còn là vùng đất của những lễ hội đặc trưng được du khách trong và ngoài nước biết đến như Hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ bỏ mả… Đặc biệt, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia được tổ chức 2 năm 1 lần.

Mỗi huyện, thị xã và buôn làng đều sở hữu nét đặc sắc trong văn hoá, từ âm nhạc, cồng chiêng đến các nhạc cụ tre nứa, đàn đá đều rất đặc trưng. Yếu tố đa văn hoá của các dân tộc cùng sống trên một địa bàn, thôn buôn, làng xã cũng góp phần tăng thêm sự đặc trưng ấy. Có nhiều đội chiêng Ê đê, M’Nông, Mường đã được duy trì và tập luyện và đi biểu diễn rất nhiều nơi. Thậm chí tại một số nơi, tại một số lễ hội truyền thống, nhiều bài chiêng, nhạc cụ vang lên xen kẽ nhau rất thú vị.

Nhiều lễ cúng được tái hiện không chỉ trong Lễ hội truyền thống mà còn được giới thiệu đến du khách trong các chương trình du lịch như tái hiện lễ cúng kết nghĩa anh em, lễ cúng sức khoẻ,… Không chỉ có các nghệ nhân lớn tuổi mà hiện nay đã có các bạn trẻ tuổi kể khan (sử thi) tại các nhà dài truyền thống hay hát ayray trong các sự kiện đón khách tạo nên điểm nhấn văn hoá ở Đắk Lắk. Trong số đó, nhiều lễ hội được tổ chức thường niên đã góp phần giữ gìn bản sắc và phát huy giá trị tích cực của lễ hội cũng như giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của con người trên vùng đất này.

Tỉnh có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (gồm: sử thi của người Êđê; Lễ mừng thọ của người M'nông (huyện Lắk); Lời nói vần của người Êđê (huyện Cư M’gar); Mo Mường ở Đắk Lắk); có khoảng 2.307 bộ chiêng, 3.855 nghệ nhân, trên 100 loại nhạc cụ khác nhau...

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), toàn tỉnh có 74 lễ hội (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), bao gồm 6 lễ hội văn hóa, 41 lễ hội dân gian, 21 lễ hội truyền thống, 3 lễ hội cổ truyền, 1 lễ hội ngành nghề và 2 lễ hội du nhập nước ngoài.

Ngoài tiềm năng về điều kiện tự nhiên sẵn có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, thì Đắk Lắk còn là "mảnh đất màu mỡ" để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch lễ hội… Những giá trị này nếu được phát huy sẽ làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mang lại lợi ích kinh tế cho tỉnh.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, cùng với sự ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên, nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn được xác định là nền tảng chính trong định hướng phát triển du lịch bền vững của tỉnh. Trước hết là khai thác lợi thế có sẵn để phát triển du lịch cộng đồng.

Ở góc độ khách tham quan, nhiều du khách đến với Đắk Lắk cho rằng, địa phương có nhiều điểm đến ngay trong lòng phố như: Trung tâm Văn hóa tỉnh, đường Phan Đình Giót, buôn Akô Dhông, thậm chí các nhà hàng, khách sạn… đều cho du khách cơ hội được bắt gặp, thưởng thức những cảnh quan, chương trình văn nghệ mang đậm chất Tây Nguyên.

Song Anh

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/dak-lak-mien-dat-giau-ban-sac-van-hoa-dan-toc-thu-hut-du-khach-gan-xa-a16884.html