Sinh Vật Cảnh là một trong 06 nhóm sản phẩm được xem xét công nhận là sản phẩm OCOP

Ngày 01/08/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ - TTg về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó xác định Sinh Vật Cảnh, cụ thể gồm Hoa, Cây cảnh, Động vật cảnh là một trong 06 nhóm sản phẩm được xem xét công nhận là sản phẩm OCOP.

svc11-1659425697.jpg
Sinh Vật Cảnh là một trong 06 nhóm sản phẩm được xem xét công nhận là sản phẩm OCOP

Theo đó, Quyết định đã xác định 06 nhóm sản phẩm được xem xét công nhận sản phẩm OCOP gồm: (1) Nhóm thực phẩm, gồm: Nông, thủy sản tươi sống; nông thủy sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác; (2) Nhóm đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn, đồ uống không cồn; (3) Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, gồm: Sản phẩm chức năng, thuộc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác; (4) Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thuê ren...làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng; (5) Nhóm Sinh Vật Cảnh, gồm: Hoa, cây cảnh, động vật cảnh; (6) Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; Có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề; Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%, phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 20% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại; phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Diễn đàn hợp tác quốc tế mỗi làng/mỗi xã một sản phẩm được tổ chức ít nhất 01 lần/năm nhằm nâng cao và khẳng định thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước và Quốc tế. 

Đồng thời, Chương trình cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, cả nước phấn đấu có trên 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; Củng cố và nâng caaos ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ và du lịch nông thôn; Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phất đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Chương trình cũng đã đề ra hệ thống các nội dung, giải pháp và những cơ chế chính sách nhằm thu hút và phân bổ các nguồn lực kinh tế - xã hội trong quá trình triển khai.

Như vậy sau Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ quy định hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật cảnh là một trong 07 nhóm ngành quan trọng trong phát triển Nông thôn, thì quyết định Quyết định số 919/QĐ - TTg của Chính phủ đã đưa những sản phẩm Sinh Vật Cảnh, cụ thể là Hoa, Cây cảnh và Động vật cảnh là sản phẩm chủ lực được ưu tiên phát triển.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" – OCOP (One commune, one product) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản (One village, one product - OVOP), được triển khai ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích người dân.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Xuân Nguyên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/sinh-vat-canh-la-mot-trong-06-nhom-san-pham-duoc-xem-xet-cong-nhan-la-san-pham-ocop-a1703.html