Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần IX)

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

Hà Nội (VNTTX 28-11 -71 )

- "Nhân dân Bình Định hiện nay rõ ràng đã không tuân theo những ve vãn về vật chất của Sài Gòn và không khuất phục sức mạnh ồ ạt mà đồng minh đã đưa tới đây từ năm 1965... Bình Định là tỉnh cứng đầu cứng cổ nhất ở Nam Việt Nam và thậm chí sau 6 năm cố gắng của đồng minh, tình hình "bình định" ở đây đang thụt lùi... 900.000 dân tỉnh Bình Định từ lâu vẫn sống với những người cộng sản".

(UPI ngày 26-9-1971 )

Chật vật lắm, bọn địch mới tập trung được khoảng 40 đồng bào hai thôn C và A tới một bãi đất để nghe chúng phổ biến về chương trình "bình định" nông thôn. Tên quận phó quận P (Bình Định) giở giọng lừa bịp: "Vùng này là vùng mất an ninh, bởi vậy, dân chúng vùng này phải tập trung về sát trục lộ để Quốc gia bảo vệ và giúp đỡ ".

Sau khi ba hoa về sự "sung sướng" của các ấp "tân sinh" sắp lập lại tại thôn H, để ra vẻ "dân chủ", nó hỏi:

- Ai có ý kiến gì, cứ việc lên nói.

Chị B tiến lên, nhìn thẳng vào mặt tên Quận phó rồi bước lại gần máy phóng thanh, chị nói dõng dạc:

- Trước đây "Quốc gia" đã bắt chúng tôi tập trung đi QN, chúng tôi khổ sở đủ điều. Bị nhốt trong trại tập trung, chúng tôi không được tự do làm ăn, cuộc sống rất cơ cực. Chúng tôi quen sống với đồng ruộng, chúng tôi không đi đâu hết!

Chị B vừa dứt lời, các chị N, T, C... liên tiếp đứng dậy vạch trần bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của địch. Tiếng hô "đả đảo dồn dân lập ấp" vang lên. Những lời lẽ sắc bén của đồng bào như những cái tát vả mạnh vào mặt bọn nguỵ quyền quận, xã. Chúng vội vàng giải tán cuộc họp.

Lừa bịp không được, bọn địch dùng thủ đoạn đàn áp, khủng bố. Hai tiểu đoàn chủ lực nguỵ cùng bọn ác ôn địa phương hùng hùng hổ hổ kéo vào hai thôn A, C đốt phá, cướp của, kéo từng người đưa lên xe chở đi.

Đồng bào xã X. kiên quyết không để hai thôn C, A trở thành vùng trắng. Toàn xã hợp sức cùng đồng bào hai thôn trên đấu tranh. Đồng bào thôn H nói với bọn địch:

- Mình chúng tôi ở thôn này đã chật chội lắm rồi, các ông còn đưa họ đến đây, ở sao nổi? Nhất định chúng tôi không cho họ ở đây! Các ông trả họ về làng cũ!

Số đồng bào mới bị dồn đến cũng nhất quyết không chịu dựng nhà, lập ấp. Bà con sống tạm bợ dưới những mái nhà tăng lụp xụp, ngày ngày đấu tranh đòi địch bồi thường tài sản, đòi trở về làng cũ, đòi cứu chữa những người đau ốm. Trong khi đó, du kích xã luồn vào giữa thôn H đánh hai trận liên tiếp, diệt 9 tên địch, làm cho chúng hết sức hoang mang. Chúng phải cho đồng bào về làng cũ gặt lúa. Mặc dầu có bọn lính đi kèm, đồng bào vẫn khéo léo vừa gặt lúa vừa chuẩn bị điều kiện để khi trở lại làng cũ có sẵn lương thực ăn và nuôi du kích.

Những ngày tiếp theo, du kích xã X đánh nhiều trận trên đường cái lớn và chặn đánh một trung đội dân vệ, diệt nhiều tên, gây rối loạn trong hang ổ địch. Bọn nguỵ quyền hoảng sợ, đêm đêm bỏ ấp về quận lỵ ngủ.

Bọn nguỵ quân hoang mang dao động, lúc nào cũng nơm nớp lo bị du kích đánh. Lợi dụng sơ hở của địch, một số đồng bào cắt tranh, chặt gỗ để sẵn ở làng cũ. Mấy ngày sau, bọn Mỹ càn vùng này, đốt hết tranh, gỗ của đồng bào. Tại khu dồn dân, mưa cũng làm sập nhà tăng, trôi lúa gạo. Nỗi cơ cực và lòng căm hờn thúc đẩy đồng bào đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa. Hàng trăm người hợp thành đội ngũ, rầm rộ bước đi trên đường lớn, kéo thẳng vào quận lỵ hô vang các khẩu hiệu:

- Phải bồi thường nhà cửa!

- Không được đốt phá, bắn pháo bừa bãi !

- Trở về làng cũ.

Trước sức đấu tranh mạnh mẽ ấy, bọn nguỵ quyền quận đổ lỗi cho bọn nguỵ quyền xã. Tên quận trưởng phải chấp nhận yêu sách của đồng bào. Kế hoạch lập ấp, dồn dân của địch một lần nữa lại bị đồng bào xã X đánh bại.

Trở về làng cũ, bà con đùm bọc nhau trong những căn trại đơn sơ. Đời sống được ổn định. Đồng bào 3 thôn lân cận cũng góp nhiều tranh, gỗ, tre... giúp đồng bào thôn C, A dựng nhà mới.

Thắng lợi trên đã tạo điều kiện cho đồng bào xã X. tấn công mạnh mẽ hơn nữa vào quân địch. Mũi binh vận đạt được những kết quả tốt đẹp. Đồng bào đã chỉ cho các đội viên "phòng vệ dân sự" thấy rõ âm mưu nham hiểu của địch dùng người Việt đánh người Việt, khuyên răn họ bỏ súng địch về làm ăn lương thiện. Một hôm, một số đội viên "phòng vệ dân sự" thôn V cùng người nhà kéo đến bọn nguỵ quyền xã trả súng. Bọn này không nhận súng, số "phòng vệ dân sự" liền nói: "Các ông không nhận thì chúng tôi đem về. Nếu cách mạng lấy súng, chúng tôi không chịu trách nhiệm". Hàng loạt đội viên "phòng vệ dân sự" ở các thôn khác cũng trả súng. Du kích xã lại đột nhập vào một số thôn thuộc vùng địch kìm kẹp tước vũ khí, giáo dục các đội viên "phòng vệ dân sự" và diệt một số tên chỉ huy ác ôn ngoan cố. Ngày càng nhiều đội viên "phòng vệ dân sự" ra vùng giải phóng trình diện với chính quyền cách mạng, hứa không cầm súng cho địch nữa. Cuối cùng, cả 7 trung đội "phòng vệ dân sự" ở xã X bị phá rã. Anh em đem nộp cho chính quyền cách mạng 18 khẩu súng. 8 người xin tham gia du kích và lực lượng an ninh xã. Cùng với việc phá rã "phòng vệ dân sự", đồng bào xã X còn vận động được 40 lính Bảo an, Dân vệ, Cộng hoà rã ngũ.

Quân địch ngày càng tan rã, trong khi đó lực lượng cách mạng trong xã X ngày càng phát triển vững mạnh. Đội ngũ du kích đông gấp ba lần so với năm trước. Đêm đêm, anh em luồn vào tận các "ấp chiến lược" diệt ác ôn, tề điệp. Anh chị em bám sát đường lớn đánh xe, diệt bọn "bình định" giữa ban ngày. Anh em phối hợp với bộ đội tấn công vào hàng loạt chốt điểm địch, hỗ trợ đồng bào nổi dậy. Các đồn N,T bị bộ đội diệt gọn. Các đồn Đ,A,B,N và L bị du kích liên tiếp tập kích. Chỉ trong ít ngày, trên 30 tên địch bỏ mạng. Khắp nơi trong xã ròn rã tiếng súng tiến công cùng với tiếng thanh la, trống mõ, tiếng reo hò của đồng bảo nổi dậy diệt ác ôn, phá kìm kẹp. Bọn địch hoảng sợ chui rúc trong các lô cốt. Ở G, K bọn chúng năn nỉ: "Thôi, đồng bào đừng bao vây chúng tôi nữa, chúng tôi ở yên trong đồn này, cách mạng muốn làm gì thì làm!". Nhưng đồng bào xã X đã đưa tối hậu thư buộc chúng phải giao đồn bốt, trả đất đai. Ngay trưa hôm sau, cả đại đội Bảo an bỏ đồn bốt, chạy khỏi xã X. Bọn địch ở 6 chốt điểm khác cùng vội vàng tháo chạy. Vùng giải phóng và vùng làm chủ mở ra nhanh chóng.

Không những kiên cường chiến đấu, đồng bào xã X còn hăng hái sản xuất. Bọn địch cấm bà con làm ruộng gần sườn núi và thường xuyên bắn pháo vào đây. Đồng bào đấu lý với bọn nguỵ quyền xã: "Người nông dân chúng tôi sống nhờ ruộng vườn, các ông cấm chúng tôi làm ruộng thì phải cấp cho chúng tôi ăn!". Bọn địch đuối lý, phải để bà con tự do sản xuất. Những tổ vần công, đổi công được duy trì. Từ những ngày khó khăn nhất tới nay, tổ đổi công đã phát huy sức mạnh. Đồng bào đã đào hàng trăm mét mương dẫn nước tưới cho hàng trăm mẫu ruộng. Năm nay, nhờ đủ nước, đủ phân, năng suất lúa của xã X cao gấp đôi so với năm trước. Diện tích khoai lang, lạc cũng tăng. Giống lúa "tứ quý" lần đầu tiên được cấy trên đồng ruộng xã X vượt lên phơi phới, hứa hẹn một mùa trĩu hạt./.

(Bài của Việt Long, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tại Bình Định).

NGÀY 29/11 /1971

Chân dung người dân bình thưòng:

ANH BẢY TRƯƠNG

Toán dân công gái xã Mỹ Đức mới bắt đầu bước đi thì bỗng nghe một tiếng gọi giật giọng:

- Khoan đã!

Mấy cô đi đầu đứng sững lại, làm mấy cô đi sau dồn lên, xoong nồi va vào nhau lạch cạch. Anh giao vận xã lật đật chạy tới, gọi tíu tít:

- Này, khoan hẵng đi. Để anh Bảy Trương nhập vào đoàn với!

Có những tiếng hấm hứ của mấy cô khó tính:

- Gớm, tưởng sắp lọt ổ phục kích đến nơi, ai dè...

Theo sau anh giao vận, một người đàn ông lù khù bước tới. Trong ráng chiều nhập nhoạng, các cô gái không nhìn rõ mặt anh, chỉ thấy một khối người to lớn với cái đầu vuông vuông có cột khấc một cái khăn, hơi lúc lắc theo bước đi. Trông dáng người, các cô đoán chắc anh cũng đứng tuổi rồi. Khi hai người đến gần, những tiếng hấm hứ nổi lên:

- Không được đâu. Đoàn toán đủ rồi, không nhận thêm người nữa đâu.

Kể ra, nhận thêm một người nữa vào đoàn thì cũng chẳng có gì khó khăn. Nhưng đằng này, trong 14 đứa con gái lại lọt thỏm vào một người đàn ông, kì cục quá. Mà lại là một người đàn ông đứng tuổi, có vẻ ít nói nữa chứ. Kiểu đó thì đi đường có cấu chí nhau đôi chút, ông ấy cũng la cho, chớ đừng nói đến chuyện nô dỡn.

Thấy các cô cứ ồn ào miết, anh giao vận phải vỗ hai tay vào nhau kêu bôm bốp rồi giải thích một hơi:

- Này, các cô đừng có cục bộ nghe không. Đương không được thêm một người như anh Bảy Trương vào đoàn, còn làm bộ làm tịch hả? Tưởng là mình giỏi lắm đấy. Các cô nhìn kỹ ảnh coi: đi dân công đợt một mới về lại xung phong đi đợt 2 liền, được ăn gạo Chính phủ chứ tầm thường đâu?

Anh còn nói một thôi một hồi nữa, nào là nhà anh Bảy nghèo mà ảnh không quản. Nếu anh Bảy không về trễ thì cần gì phải đi cùng với mấy đứa con gái lanh chanh, nội nghe mấy tiếng nói the thé của mấy cô cũng đủ mệt, nào là anh Bảy siêng năng, hiền lành hiếm có... và vân vân.

Hiển nhiên là các cô gái phải chấp nhận anh Bảy vào đoàn rồi.

* *

*

Tính con gái hay tò mò, nên cô nào cũng cố xem xét xem anh Bảy Trương là người như thế nào. Chỉ sau mấy lần nghỉ dọc đường, các cô đã bấm nhau:

- Ăn nói lảu bảu bay ạ.

- Ưa ngọt.

- Có vẻ thật khù nữa chớ bay!

Thực tình mà nói, xét nét như vậy kể ra cũng xấu. Nhưng được cái các cô coi xét là để thoả tính tò mò, chứ không có ác ý gì. Sau khi đã rút ra được những kết luận tạm coi là chính xác ấy, các cô xoay qua đùa bỡn nhau. Con gái vùng biển ăn sóng nói gió, cứ cười nói bô lô ba la làm cho anh chàng du kích dẫn đường phải đứng hẳn lại, lên đạn lách cách mà doạ:

- Muốn chết hết hả? Đoạn này địch hay phục kích, coi chừng đó!

Các cô nín thinh được một hồi khá lâu. Mãi khi đi qua đường số một rồi, tình hình đỡ căng, các cô mới lại rúc ra rúc rích. Đứa nào cũng mong mau lên tới rìa núi, nghỉ một chập và đùa một chập cho thoả. Ở vùng sâu, kề bên địch, mấy khi được tụ tập mà nô dỡn? - ấy là một lý do, ngoài lý do chính là đi phục vụ cách mạng, khiến các cô hăng hái đi dân công.

Cả đoàn ghé vào một xóm nhỏ yên tĩnh. Các cô gái quăng nồi xoong loảng xoảng, vứt gùi lịch bịch rồi ngồi lê la dưới sân cát. Từ vùng Đông, thỉnh thoảng một quả đèn dù nổ bụp, treo lơ lửng giữa bầu trời đùng đục, rọi ánh sáng vàng bủng tới tận cái sân này. Anh Bảy Trương cẩn thận đặt cái gùi xuống sân, chẳng nói chẳng rằng, đi ra giếng. Khi anh vừa đi khuất, mấy cô nghịch nhất bọn liền xúm tới lục gùi anh ra coi:

- Một lon thịt hộp bay ơi! Sáu Thoại vừa la vừa lôi ra một cái lon thịt hộp rỗng, đen thui, có cột một sợi dây điện làm quai. Bà ba một bộ, một khố lương ông - Hí hí... là một ống lương khô, một tấm đi mưa, lại cù cưa con rựa.

Sáu Thoại lần lượt lôi hết đồ trong gùi ra đặt la liệt trên sân. Cứ lôi ra một thứ, con nhỏ lại hô lên như người diễn kịch.

Vừa lúc ấy thì anh Bảy đi vào, tay xách một gàu nước. Có lẽ gàu bị thủng một lỗ nên nước phun ra xè xè. Anh Bảy đứng khom khom cái lưng, quát:

- Sắp bay làm chi vậy? Hả?

Mấy cô gái chạy túa đến bao quanh anh, đon đả:

- Anh Bảy xách nước về làm chi đó.

- Anh Bảy xách nước về cho tụi em uống na...? Anh Bảy cưng lũ em quá hề!

Rồi cả bọn xúm vào xách gầu nước trên tay anh, chuyền cho nhau uống ừng ực. Anh Bảy ngúc ngắc đầu mấy cái, đi đến góc sân. Anh ngồi xuống, vừa lui cui nhặt đồ đạc bị lũ nhỏ lôi ra nhét vào gùi, vừa lẩm bẩm:

- Kì cục! Kì cục!

Vừa giành nhau uống, vừa tạt nước cho ướt mèm đầu tóc của nhau, chỉ một loáng các cô làm gàu nước cạn khô. Lúc ấy, anh Bảy cầm đến cái lon. Con Sáu Thoại liền sà tới, giành lấy:

- Hí! Hí, anh Bảy à, anh đem cái lon này đi làm chi mà tội vậy?

- Để nấu ăn chớ chi? Hỏi kì cục, kì cục!

- Chu cha, anh Bảy không có xoong na, tội quá hề. Anh Bảy quăng óc nó đi, nấu cơm chung với lũ em nghen!

Chưa đợi anh Bảy trả lời, Sáu đã quăng cái lon đánh sạt vô tuốt trong bụi.

- Anh tiếc na? Đây, thưởng anh cái xoong, nấu ăn chung nghen anh!

Anh Bảy miệng lẩm bẩm: "Kì cục, kì cục", nhưng tay lại cầm lấy cái xoong nhét vào cái bao Đại hàn xám, bỏ vào gùi. Thấy thế, con Hường liền lôi cái ruột nghé gạo của nó lại, cười toe toét:

- Anh Bảy à, anh xung phong đi dân công đợt 2, được ăn gạo Chính phủ cấp thiệt na? Anh không phải đem gạo nhà na? Cho em gửi cái ruột nghé này nghen anh!

Nó thả cái ruột nghé gạo thõng thẹo xuống tay anh rồi lại cười toe toét. Anh Bảy làu bàu:

- Phá quá, kì cục, lũ bay phá quá.

Có tiếng báo hết giờ nghỉ. Cả bọn con gái cuống cuồng vơ gùi, xách xoong, chạy theo cậu du kích. Anh Bảy hất cái ruột nghé gạo lên vai, chúi người về phía truớc, cố sải bước cho kịp lũ con gái lanh chân.

* *

*

Tệ hại quá, anh Bảy đi lạc mất rồi. Đây đã là vùng giải phóng, sát núi, không sợ anh lướ qướ đâm vào đồn địch. Nhưng mà rày quá, đường sá liên u, hết vườn lại rừng, biết ngõ nào mà tìm anh? Các cô hú đến bể họng mà không thấy tăm hơi gì. Sáu Thoại quay qua trách móc cậu du kích "ma đuổi", đi chẳng biết trông trước, ngó sau gì hết, chắc rồi cũng có lúc bỏ dân công cho cọp tha. Trách móc vậy thôi, chớ cậu ta đã biến bóng rồi còn ai mà nghe. Sau khi giao đoàn dân công cho trạm này, cậu ta chỉ nói độc một câu: "Đi mạnh giỏi nghe!" rồi vác khẩu AR15 dông một hơi, có để cho ai kịp ngó mặt đâu.

Các cô gái vừa dồn gạo vào bao, chuẩn bị cõng đi vừa râm ran đủ thứ chuyện và cuối cùng lại xoay trở lại chuyện anh Bảy. Hường, nhà ở cuối xóm, gần xóm anh Bảy, khẳng định:

- Tao biết ngay từ xưa mà, khật khù như ổng, đi dân công làm sao nổi!

Để chứng minh kết luận của mình là đúng, cô kể:

- Ổng khật khù từ hồi xưa kia. Tao nghe họ kể chuyện ổng đi xây cái chốt Gò Cớ cho lũ Bảo an mà tức cười hoài. Ai lại, trời nắng chóa lửa, người ta đội nón, lại trùm thêm khăn mà ổng chỉ cột cái khăn mặt nhuộm màu đỏ lem nhem trên đầu. Còn người ta vác bao cát lên vai, đưa từ dưới bãi lên gò thì ổng kẹp vào nách! Bao cát nặng, trễ xuống hông làm quần ổng tụt xuống. Một tay quặp lấy cái bao, một tay ổng xách quần. Nhưng bao cát vẫn cứ trễ xuống, ổng vòng tay qua, níu dây bao, thế là dây cột bao sổ tung, cát xoà ra trắng xoá. Đã vậy, lẽ ra phải đi xuống bãi mà hốt cát khác, ổng lại ngồi thụp xuống, bụm từng bụm cát bỏ vào bao, miệng thì lẩm bẩm hoài: "Kì cục! Kì cục!" Chu cha, ổng kì cục muốn chết.

Nói rồi Hường cười, tưởng sẽ được mọi người hưởng ứng, ai dè lại bị Sáu Thoại phản đối:

- Vậy mà cũng cười? Mi biết chứ, hồi ấy bọn nó còn kẹp chặt, ít ai dám đấu tranh công khai, ổng dám đấu tranh hợp pháp chớ khật khù na? Ai dại gì vác cát cho hay để xây cái đồn cho nó canh mình?

Rồi Sáu Thoại bàn:

- Phải làm sao kiếm anh Bảy về chứ bay, tội ảnh quá!

Con bé tuy hay trêu chọc anh Bảy - tính cô hay dỡn - nhưng lại rất quý anh.

Sửa soạn bao gùi xong thì đã trưa, các cô đem cơm vắt, muối hầm ra ăn. Vùng đất cằn này chẳng có rau cỏ gì hết. Mấy ống lương khô cá, các cô làm lạt quá, ăn hết mất từ sáng rồi.

Sáu Thoại đang cầm miếng cơm, sắp đưa lên miệng, bỗng dừng lại ngó ra xa, reo lên:

- Anh Bảy, bay ơi!

Cô vứt miếng cơm, chạy bổ ra đón anh Bảy. Cô xuýt xoa:

- Anh Bảy đi lạc ở đâu mà gai cào rách hết trọi áo quần thế này?

Anh Bảy chẳng nói chẳng rằng, lầm lầm đặt gùi xuống. Có lẽ anh giận. Nhưng không, anh thở phào một cái, hỏi:

- Ăn cơm rồi na?

Con Sáu xoắn xuýt.

- Chưa, mới đem ra thôi, anh Bảy ăn với lũ em nghen!

Anh ngồi chồm hỗm cạnh rá cơm, nhìn một chặp rồi lại hỏi:

- Ăn với muối thôi na?

Chẳng đợi các cô trả lời, anh mở bao, lấy ống lương khô, mở nắp để cạnh rá cơm, nói:

- Ăn đi lũ bay, cá chuồn!

Hình như anh chẳng để ý gì đến chuyện đi lạc cả. Thấy vậy, các cô cũng hết sợ anh giận, lại xúm vào ăn cơm và nô dỡn. Mấy cô tinh nghịch nhâu nhâu vào trêu chọc anh Bảy. Sáu Thoại lấy một miếng lương khô của anh Bảy cho vào miệng:

- Chu cha! mặn muốn thụt lưỡi anh à!

Bẻ một miếng cơm đưa vào miệng nhai chóp chép, nó hiếng mắt nhìn anh Bảy:

- Bắt được thằng điệp ngầm nào, cứ lấy lương khô của anh Bảy chấm một chút vô lưỡi là nó khai liền. Còn dễ sợ hơn tra điện nữa.

- Phải đấy bay! Mặn muốn thụt lưỡi, mạnh còn hơn điện.

Cả bọn tán thưởng. Anh Bảy Trương chống chế:

- Lương khô phải mặn chứ sao? Làm như mấy cô để ăn được mỗi bữa là hết. Hết rồi ăn gì? Kì cục.

Thấy mấy cô gái nín thinh không cãi được, anh Bảy khoái trí ngồi lắc la lắc lư, cười chúm chím, quên cả ăn. Các cô xoay qua chuyện khác để phản công anh:

- Anh Bảy ơi, ma dắt anh đi đâu, anh kể cho lũ em nghe!

Sáu Thoại nháy mắt một cái:

- Để ảnh ăn bay, tao kể thay ảnh cho bay nghe.

Nó đứng dậy nhíu mắt, hai tay quờ quạng, chân dò dẫm:

- Ma dắt đi đằng Đông

Ma dông đi đường Tây

Làm tao phai loay hoay

Lũ bay ơi cứu với!

Cả bọn cười vang.

- Rồi sao anh về được đến đây?

Con Sáu ngồi thụp xuống:

- Hứ, hứ, lấy nước tiểu để giải ma chớ sao! Anh Bảy xả ra một bãi tướng để giải ma!

Anh Bảy buông bát cơm xuống, quẹt miệng một cái:

- Lũ bay nhạo tao hả? Lũ bay mà lạc như tao, có mà khóc vãi đái trong quần chớ tìm được đường về na?

Rồi để mặc con Sáu ngồi cười rũ rượi, anh Bảy cầm miếng cơm ăn nốt. Anh với bi đông nước tu ừng ực, chẹp chẹp miệng rổi lẩm nhẩm:

- Rồi, rồi, xong đợt này cho anh em trên căn cứ con rựa, cái võng, mình đi hợp pháp về cho nhanh.

Các cô gái lại được dịp cười phá lên:

- Ảnh tính chuyện quăng hết đồ cho khoẻ. Người đâu mà nhác vậy, đi cả tháng mà mang theo có 2 bộ kể cả một bộ trên người, nhác ơi là nhác.

Anh Bảy chúm chím miệng cười:

- Phải, tui mang một bộ thôi, cho nhẹ, còn chỗ mà mang gạo cho Chính phủ. Không như mấy cô mang 4,5 bộ đồ, cả cái chụp...

- Hứ !

- Hé !

- Anh Bảy nói tầm bậy mà!

Cả bọn ré lên, chặn đứng lời nói cuối cùng của anh Bảy lại. Anh Bảy vẫn điềm nhiên, chúm chím miệng:

- Nội mấy thứ đó cũng nửa gùi, đủ nặng rồi, còn mang mấy hột gạo cho Chính phủ?

* *

*

Tiếp đó là những ngày gùi cõng vừa vất vả, vừa vui vẻ. Đoàn Mỹ Đức nhận trách nhiệm chuyển một kho đạn về tuyến trước. Anh Bảy Trương quả là người nói ít, làm nhiều. Anh cõng tới 3 hòm đạn, còn các cô gái chỉ cõng được 2 hòm. Các cô tự an ủi rằng tuy cõng ít hơn anh nhưng lại đi nhanh, đến nơi là cơm nước đường hoàng, chỉ chờ anh tới ăn thôi. Mấy cô tinh nghịch vẫn hay xúm vào châm chọc anh. Anh vẫn ít cãi vã, chỉ ngồi lắc la lắc lư cái đầu, miệng chúm cha chúm chím, thỉnh thoảng mới trả lời một tiếng nhưng là những tiếng hắc búa làm các cô phải đỏ mặt.

Kho đạn đã vợi đi, chỉ chuyển 2 chuyến nữa là hết. Các cô kẹp các thùng đạn thành gùi. Khi chuẩn bị nấu cơm, các cô xếp xong củi, bắt đầu nhen lửa, anh Bảy mới tới. Anh đi thẳng vào kho, vừa vác ra một hòm đạn vừa bảo:

- Coi chừng khói đó bay!

- Dạ vâng, anh cứ "yên chí" - Hường bắt chiếc giọng mấy anh bộ đội nghĩa vụ, trả lời.

Nhưng, chẳng đáng yên trí chút nào, củi ẩm quá, không chịu cháy. Những luồng khói nâu đùn ra ùn ùn, bay cao lên, tản ra dưới các tán cây, chuyển thành mầu xanh lam lơ lửng trên khu rừng non. Ở đồng bằng, các cô quen đun bằng tầu dừa, lá dương, vả lại đun hợp pháp nên cũng không sợ khói. Lúc này, cô nào cũng lúng túng. Sáu Thoại mọ mạy suốt, hết rút cành củi này ra, lại đâm cành khác vào làm bếp càng khói um lên. Giữa lúc ấy thì có tiếng máy bay. Cô cuống lên, càng làm cho khói mù mịt. Chiếc Moranh bay thẳng qua đầu rồi đột ngột vòng lại, rà xuống thấp. Các cô càng cuống lên, xúm lại mà thổi phù phù. Chiếc máy bay chúi xuống, phóng một quả rốc két vào khoảng rừng trước mặt. Các cô vội vàng nhảy xuống hầm. Khói từ bếp đùn lên từng cuộn. Anh Bảy Trương hét:

- Dập lửa đi!

Anh vác hòm đạn chạy tới, để xuống đất, bê nồi nước dội cái ào. Lửa tắt ngấm. Chiếc Moranh vọt lên cao, quần đảo. Pháo bắt đầu dội tới. Chỉ vừa nghe tiếng đề pa từ phía đèo Nhông đã thấy tiếng nổ rầm rĩ ở khu rừng trước mặt.

- Xuống hầm mau, anh Bảy!

Sáu Thoại hét lên.

Anh Bảy cúi xuống, xốc cõng đạn lên vai, chạy xuống hầm.

Một loạt pháo nữa lại chụp tới, nổ sát kho đạn. Anh Bảy đứng khom khom trong hầm, lo lắng ngó ra ngoài. Hồi này, bọn ngụy áp dụng trở lại chiến thuật pháo bầy của tụi Mỹ: Có mục tiêu là chúng tập trung cả chục khẩu bắn cấp tập một lúc 4, 5 loạt rồi thôi. Hai loạt, ba loạt, 4 loạt rồi. Mỗi loạt pháo như một bầy chim sắt khổng lồ đột ngột sà tới vồ mồi, kêu thét điên loạn.

Im lặng trong khoảng khắc, rồi không gian lại vang động lên bởi một bầy pháo nữa. Hầm rung lên, đất rào rào rơi xuống. Khói bụi bốc mù mịt, sộc vào hầm như người ta hun chuột. Hơi thuốc pháo trộn với mùi lá tươi, đất bột thốc vào nồng nặc làm mọi người ngạt thở. Lưỡi vừa đắng, vừa chát lại vừa tê tê, thật khó chịu. Các cô gái bịt miệng, ho sặc sụa. Bỗng anh Bảy la:

- Trời ơi!

- Sao, anh bị thương sao anh Bảy?

- Không! Pháo lân tinh, kho cháy rồi!

Anh Bảy chồm ra cửa hầm. Sáu Thoại níu lại:

- Khoan đã anh, nguy hiểm quá!

- Kho cháy rồi!

Anh Bảy thét lên, giằng ra, lao lên mặt đất. Các cô gái cũng lao theo anh. Trước mắt họ là cảnh tàn phá ghê gớm: cây cối đổ ngổn ngang, xơ xác và lửa đang bén vào kho đạn, cháy đùng đùng. Các cô cuống lên, chưa biết nên làm gì thì anh Bảy dã nhảy thốc vào giữa đám khói bụi đặc quánh. Khi quay ra, anh vác 2 hòm đạn lớn. Sức nặng của 2 hòm đạn làm anh phải khom lưng xuống, loạng choạng, nhưng anh vẫn lao rất nhanh. Ra một khoảng trống, anh bỏ 2 hòm đạn xuống, chạy trở lại kho. Các cô cũng lao theo. Khói, lửa mịt mùng nhưng không còn ai nghĩ tới chuyện bịt miệng nữa. Một, hai rồi 3 chuyến... mọi người hối hả khuân vác... Sáu Thoại xốc 2 hòm đạn lên vai, nhìn xoáy vào kho: chỉ còn 2 hòm nữa nằm trong góc. Lửa đã cháy lan rộng, gần trùm kín kho đạn. Mọi người chạy ra thì gặp anh Bảy chạy lại. Các cô la:

- Anh Bảy, quay lại thôi!

- Còn 2 hòm đạn thôi anh!

Dường như không nghe thấy tiếng thét, anh Bảy vẫn lao tới. Các cô gái chạy cho nhanh, vứt đạn vào nơi an toàn rồi quay lại. Không thể nào nhìn thấy kho nữa. Khói đen, lửa đỏ bao trùm hết thảy.

- Anh Bảy ơi!

Sáu Thoại gào lên. Không ai trả lời, các cô chết lặng người. Sáu Thoại mếu máo khóc. Nhưng anh Bảy đã lao ra, loạng choạng, suýt chúi xuống nhưng lại gượng dậy, lao ra khỏi đám khói lửa. Đến gần các cô, anh ngã nhào xuống. Sáu Thoại bổ tới, xốc anh dậy.

Các cô gái đưa anh Bảy xuống hầm. Lửa liếm gần hết cái kho đạn rỗng và đang lụi dần. Pháo cũng thôi, không bắn nữa. Anh Bảy nằm thiêm thiếp. Tóc anh cháy quăn queo. Chân tay anh loang lổ những vết bỏng. Sáu Thoại vừa sụt sịt khóc, vừa giở xắc cứu thương, lấy băng băng cho anh. Anh Bảy mở mắt ra, hỏi:

- Chuyển hết đạn chưa?

- Dạ, rồi anh à!

- Để mặc anh, ra chuyển tiếp đi!

Anh cựa mình, chống tay định nhổm dậy. Sáu Thoại giữ anh nằm im:

- Đâu có đó rồi, anh khỏi lo!

- Phải chuyển hết đạn đi ngay, rủi nó đổ quân - Anh gạt tay Sáu, nhổm dậy - Anh bị sơ sơ thôi.

- Để lũ em cáng anh đi!

- Ra, ráng mà cõng hết đạn!

Các cô đành phải nghe lời anh, chặt cây làm nẹp, kẹp 3 hòm đạn làm một gùi, có cô kẹp tới 4 hòm. Và lên đường. Anh Bảy chống gậy, khập khiễng bước đi. Cõng đạn nặng muốn đè dúi các cô xuống, nhưng nhìn anh Bảy đầu cuốn băng trắng, chống gậy bước phía trước, các cô lại thấy khoẻ lên.Vừa hay lúc ấy, phía biển rộ lên tiếng lũ trực thăng phành phạch bay tới...

Đợt dân công đã kết thúc bằng những ngày như thế. Anh Bảy được đưa về bệnh xá điều trị. Lẽ ra cả đoàn Mỹ Đức có thể về nhà. Nhưng không cô nào muốn về cả. Các cô xung phong ở lại, đi một chuyến dân công hoả tuyến nữa. Mặt trận đã mở ra phía Bắc rồi, quân ta vừa tấn công đồn Gò Loi, đánh bọn địch ở Khoa Trường. Chiến dịch đang phát triển mạnh mẽ, cần nhiều người phục vụ. Giá như anh Bảy không bị thương, chắc anh cũng sẽ đi với đoàn. Vắng anh Bảy, các cô buồn hẳn đi. Đứa nào cũng bớt nô dỡn và biết suy tính đến công việc hơn. Những kỉ niệm với anh Bảy cứ sống lại mãi trong các cô, thân thương biết bao. Những kỉ niệm ấy nhỏ nhặt thôi và cũng không có gì đặc sắc cả, phần lớn là những chuyện bỡn cợt, châm chọc, vậy mà các cô thấy nó đẹp vô cùng. Suy nghĩ lại, các cô mới hiểu rằng chính những lúc chống trả lại sự bỡn cợt của các cô, bằng những lời cộc cằn, anh đã khuyên họ rất nhiều. Nếu mà các cô biết nghe những lời khuyên ấy từ đầu thì đâu đến nỗi xảy ra những việc đáng tiếc như thế.

 

 

 

 

 

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/tac-pham-be-troc-cua-nha-bao-pham-viet-long-nhat-ky-chien-truong-ve-mot-thoi-mau-va-hoa-phan-ix-a1707.html