Kỳ 36.
Các tướng lĩnh và binh sĩ dạ ra. Tiếng trống đồng, tiếng tù và, thanh la vang động.Trưng Vương nói tiếp:
-Ngày mai bắt đầu ngày quốc tang, hương khói dâng lên lễ vong linh của Lạc tướng Thi Sách, các tướng quân Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống, Đào Tam Lang, các nữ tướng Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương, Trần Thiếu Lan, nữ tướng Chúa Bầu đã vì nước hy sinh. Ba ngày quốc tang cũng là để hương khói dâng lên vong linh của các chiến sĩ nghĩa quân đã xả thân trên chiến trường vì dân, vì nước ở Mê Linh, ở Cổ Loa, Luy Lâu, các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Ba ngày quốc tang cũng là hương khói cho vong linh những người dân Việt đã bị quân Hán giết hại suốt 200 năm nay. Sau ba ngày quốc tang là đến ngày đại xá thiên hạ, lệnh cho thiên hạ vui chơi, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng non sông độc lập. Sau những ngày quan trọng đó, các tướng lĩnh theo chức vụ và địa bàn đã phân, ai về địa bàn đó thực thi nhiệm vụ bảo vệ đất nước và giúp dân đẩy mánh sản xuất, giữ dìn phát triển văn hóa của đất nước Hùng Lạc.
Trưng Vương dứt lời, ba quân và tướng sĩ dạ ran, hòa với tiếng trống đồng, tiếng thanh la, tù và vang động trời đất Mê Linh. Lịch sử Hùng Lạc sang một trang mới hùng tráng hào hùng.
V
Trong khi đó, phía Bắc sông Trường Giang là lãnh thổ của nhà Đông Hán đang dưới thời cai trị của Hán Quang Vũ Đế từ năm 24. Khi Thái Thú Tô Định bị lật đổ chạy về không còn râu, mặt mũi xanh mét, không còn quan phục, không còn ấn tín, triều đình Lạc Dương tức giận vô cùng. Tháng 4 năm 42, Hán Quang Vũ Đế phong Mã Viện, một tướng đã dầy kinh nghiệm chinh chiến với các dân tộc thiểu số phía Bắc Trung Quốc làm Phục Ba tướng Quân, Tổng chỉ huy đạo quân 20 vạn bộ binh và thủy binh sang chinh phục lại phía Nam Trường Giang đến dãy Hoành Sơn. Lưu Long làm phó tướng. Đoàn Chí làm đô đốc chỉ huy 2.000 lâu thuyền và 10 vạn thủy binh cùng phối hợp tác chiến với bộ binh. Thái Thú Tô Định do am hiểu tình hình phía Nam nên được cử làm tiên phong với 3 vạn quân để lập công chuộc tội. Trước khi xuất phát, Hán Quang Vũ Đế, một ông vua đã trải qua chinh chiến hàng trăm trận, đánh bại các thế lực quân phiệt, lật đổ triều Tân của Vương Mãng, phục hưng lại triều đại cho dòng họ Lưu, đã dặn Mã Viện là phải dùng mưu cùng sức mạnh quân sự mà chiến thắng:
-Khanh đi chuyến này phải rửa được cái nhục họ Tô đã mang lại cho trẫm, thứ hai là khôi phục lại thuộc địa ở phương Nam. Nhưng phương Nam địa thế hiểm trở, con người ương ngạnh và bất khuất. Khanh, ngoài dùng sức mạnh gươm giáo thì phải kết hợp dùng mưu mới mong chiến thắng.
Mã Viện và các tường quỳ rạp vái lạy Hán Quang Vũ Đế. Viện đáp:
-Thần xin tuân chỉ.
Trong một ngày mùa đông gió lạnh như cắt, tuyết rơi trắng xóa, Mã Viện dẫn 10 vạn quân rời Lạc Dương đi theo đường bộ. Đoàn Chí dẫn 10 vạn thủy binh, 2.000 chiến thuyền theo dòng Trường Giang ra biển. Trước khi chia quân, Mã Viện dặn Đoàn Chí:
-Đô đốc đến gần Bạch Đằng Giang đừng tiến vào vội, chờ có lệnh ta hãy tấn công.
Đoàn Chí đáp:
-Xin vâng lệnh chủ soái.
Sau khi chiến thuyền của Đoàn Chí đã đi, Mã Viện nói với các tướng:
-Đánh nước Hùng Lạc chỉ cần vượt qua sông Trường Giang là có thể đánh được, nhưng đó chỉ là tay chân của Trưng Trắc, không giải quyết được cái gốc. Vả lại nếu đánh từ gần đến xa, khi ta đến được Mê Linh thì binh lính sức lực đã hao tổn, cầm chắc thất bại. Nay phải hành quân tới Mê Linh, đánh bại được Trưng Trắc trước thì các nơi khác quân Việt không đánh cũng tan rã.
Lưu Long nói:
-Đó là diệu kế.
Tô Định nói:
-Nhưng đi như vậy là đi vòng, quá lâu mới tới được Quỷ Môn Quan của quận Giao Chỉ.
Mã Viện cười vẻ khinh bỉ tên Thái thú hèn nhát bại trận:
-Phép dùng binh có khi phải thần tốc, có khi phải lâu dài tạo thời cơ. Thái thú lĩnh 3 vạn quân đi tiên phong, không có đường phải mở đường, không có cầu phải làm cầu mà tiến. Ngày mai giờ Ngọ tốt, sau khi làm lễ tế cờ thì xuất phát.
Theo kế đó của Mã Viện, 10 vạn bộ binh sau khi vượt Trường Giang không tiến vào Hồ Động Đình, Lĩnh Nam, Hợp Phố mà đi vòng về phía Tây. Quân Hán không gặp đường thì mở đường, gặp sông suối thì bắc cầu mà qua. Cuộc hành quân đi vòng, lại bí mật nên các tướng của triều đình Mê Linh như Sa Giang công chúa, Đại tướng quân Đô Thiên ở Hoàng Sa, Trung Dũng Đại tướng quân Trần Quốc không hay biết gì.
Sau mấy tháng hành quân gian khổ, cuối cùng quân Mã Viện cũng đã tới được địa đầu quận Giao Chỉ, thuộc Lạng Sơn, phía bắc Quỷ Môn Quan. Thủy binh của Đoàn Chí đã tới được Vịnh Hạ Long neo đậu gần cửa sông Bạch Đằng chờ lệnh của Mã Viện. 20 vạn quân xâm lược bắt đầu nhe nanh vuốt. Bóng đen chiến tranh xâm lược đã vạch vẽ trên bầu trời Hùng Lạc.
Sau hai năm rưỡi thanh bình, yên vui của Hùng Lạc chấm dứt. Thám mã từ Hợp Phố đã biết được tin quân Hán vào xâm lược trước khi Mã Viện tới Lạng Sơn, phi ngựa suốt ngày đêm về Mê Linh báo tin dữ. Kinh đô Mê Linh vang lên tiếng trống đồng, tiếng thanh la, tiếng chiêng báo tin khẩn cấp. Khắp các quận của Hùng Lạc từ Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam cũng vang lên những âm thanh hùng tráng khi sứ giả đi báo tin khẩn cấp về Quốc gia nguy biến, báo hiệu khói lửa chiến tranh xâm lược đang đến. Trưng Vương ra lệnh tuyển thêm quân. Triều đình Mê Linh lệnh cho tướng lĩnh tất cả các quận, Tổng binh các đạo quân sẵn sáng chiến đấu, Lệnh cho thủy binh của Hùng Bàn, Phật Nguyệt tiến ra chặn thủy quân địch ở sông Bạch Đằng.
Một sáng mùa đông năm 42, trong tiết trời ảm đạm, mây đen sì từng đợt, gió lạnh thổi căm căm, Trưng Vương mặc võ phục, làm lễ tế cờ, cùng em là Trưng Nhị lên voi, đi giữa tiền quân, hậu quân tiến về đất xưa gọi là Lục Hải (Lạng Sơn) quyết chiến với giặc. Những lá cờ vàng chữ đỏ Hùng Lạc rợp trời tung bay theo gió, dưới cờ là quân đi, giáo mác như rừng. Các nữ tướng áo chiến bào màu nâu, giáp đồng, mũ đồng, môi hồng má phấn tiến ra mặt trận. Ba quân lên đường trong gió lạnh, cát bụi mù mịt. Dọc đường, bách tính các huyện Mê Linh, Luy Lâu, Bắc Đái, Kê Từ, Long Uyên quận Giao Chỉ gần đường đem bánh chưng, rượu, xôi ra úy lạo chật cứng, đông đúc. Hai ngày sau đại quân Trưng Vương đã đến Nam ải Chi Lăng và bắt đầu bố trí trận địa.
Cùng thời gian, đại quân của Mã Viện cũng đã tới cuối quận Hợp Phố, đầu quận Giao Chỉ, phía Bắc Lục Hải, Bắc Quỷ Môn Quan. Muốn vào sâu đất Giao Chỉ và tiến tới Mê Linh nhanh nhất thì bắt buộc phải qua Qủy Môn Quan và ải Chi Lăng. Là một tướng đã lâu năm tác chiến ở chiến trường Bắc Trung Nguyên, quen với địa hình núi non, sa mạc, Mã Viện cũng choáng ngợp trước địa hình hiểm trở, rừng cây như thiên la địa võng của Phương Nam. Những ngọn núi đá quanh co, cao ngất trời, rừng xanh rậm rạp, Những lối đi nhỏ hẹp gập ghềnh, Núi liền núi, rừng liền rừng tưởng như vô tận. Mùa đông, mây mù cùng sương giăng trắng như những vành khăn huyền ảo. Những đàn chim bay trên trời cao về phương Nam tránh rét. Những con diều hâu bay trên không trung rồi nghiêng cánh lao như tên bắn xuống những khu rừng, mất hút trong rừng rậm và trong làn khí lạnh. Mã Viện thầm nghĩ, đất phương Nam thật nhiều chướng khí. Mã Viện nói:
-Khí hậu phương Nam thật không lành, địa thế thật là hiểm trở. Đi theo con đường độc đạo này để vào đồng bằng Giao Chỉ, đến Mê Linh là nhanh nhất nhưng không biết có mai phục không. Nếu có mai phục thì 10 vạn quân của ta sẽ chết không kịp trở tay.
Lưu Long nói:
-Chúa thượng đã cử Tô Định làm tiên phong vì hắn làm quan cai trị ở đây đã rõ địa hình, cử hắn đi chắc là thành công.
Mã Viện nói:
-Muốn biết Quỷ Môn Quan có phục binh hay không cũng đành phải như vậy thôi.
Mã Viện cho gọi Tô Định vào Tổng hành dinh và nói:
-Ngươi là thái thú bại trận, khi quân Trưng Trắc nổi lên, ngươi chưa đánh đã bỏ quân đội, thành trì tháo chạy. Nay chúa thượng cho ngươi đi tiên phong để lập công chuộc tội. Ngày mai, ngươi đem ba vạn quân tiến vào Qủy Môn Quan, mở đường cho đại quân tiến xuống Mê Linh bắt Trưng Trắc. Nếu thắng lợi sẽ ghi công đầu cho ngươi.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-36-a17472.html