Bất chấp tranh cãi, SUV điện Trung Quốc BYD Tang sẽ không đổi tên khi mở bán tại Việt Nam

Dù gặp phải sự tranh cãi về tên gọi, BYD vẫn quyết định giữ nguyên tên Tang khi ra mắt mẫu xe SUV điện này tại Việt Nam.

Hãng xe Trung Quốc BYD đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 07/2024. Ba mẫu ô tô điện đầu tiên được BYD giới thiệu đến khách hàng Việt là Dolphin (hatchback cỡ B), Atto 3 (crossover cỡ B+) và Seal (sedan cỡ D). 

Theo kế hoạch, vào tháng 10 tới đây, BYD sẽ tiếp tục ra mắt thêm một mẫu xe điện nữa là Tang (SUV cỡ D). Thế nhưng, tên gọi của mẫu xe này đã gây ra nhiều tranh cãi tại thị trường Việt Nam.

Được biết, tên gọi "Tang" được lấy cảm hứng từ triều đại Đường - một trong những triều đại thịnh vượng nhất trong lịch sử Trung Quốc, biểu tượng cho sự phát triển và thịnh vượng.

BYD-Tang-555-1726940-3
 

Tang là mẫu xe thứ hai trong dòng "Dynasty" của BYD, tiếp nối sau mẫu xe Qin mang tên triều Tần. Tuy nhiên, ở Việt Nam, từ "tang" lại gợi lên những liên tưởng tới buồn thương và đau khổ, khiến cho việc tiếp thị mẫu xe này có thể gặp không ít thách thức.

Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành của BYD Việt Nam, thừa nhận rằng công ty đã nhận thức được sự nhạy cảm của tên gọi này. Dù vậy, việc đổi tên sản phẩm đòi hỏi ít nhất sáu tháng cho các thủ tục pháp lý và sẽ làm chậm trễ quá trình ra mắt sản phẩm tại thị trường. 

"Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ về vấn đề tên gọi này. Tuy nhiên, việc đổi tên cho sản phẩm sẽ kéo dài thời gian ra mắt và làm khách hàng Việt phải chờ đợi lâu hơn để trải nghiệm sản phẩm mới. Do đó, BYD quyết định giữ nguyên tên gọi BYD Tang nhằm đảm bảo đồng bộ với các thị trường quốc tế", ông Lực chia sẻ.

Ông Lực nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của hãng trong giai đoạn đầu không phải là doanh số, mà là việc giới thiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

IMG_0344
 

Trong lịch sử ngành ô tô, đã có nhiều trường hợp các hãng xe phải đổi tên mẫu xe để phù hợp hơn với văn hóa và ngôn ngữ tại các thị trường khác nhau. 

Chẳng hạn, Mitsubishi đã đổi tên mẫu Pajero thành Montero khi bán tại Tây Ban Nha do từ "Pajero" có nghĩa thô tục trong tiếng địa phương.

Một ví dụ khác là mẫu xe Buick LaCrosse, ban đầu được bán tại Canada dưới tên Buick Allure. Lý do là từ "crosse" trong tiếng lóng tiếng Pháp có thể mang ý nghĩa thô tục hoặc tiêu cực như "lừa đảo" hoặc "thủ dâm" tùy thuộc vào ngữ cảnh.

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/bat-chap-tranh-cai-suv-dien-trung-quoc-byd-tang-se-khong-doi-ten-khi-mo-ban-tai-viet-nam-a18028.html