Kỳ 39.
Trưng Vương đáp:
-Mê Linh là đất bản bộ thiêng liêng nhưng không phải là căn cứ phòng thủ vững chắc. Chị nghĩ tốt nhất là về căn cứ Cấm Khê, căn cứ mà ta đã dày công xây dựng, phòng thủ để đánh lâu dài.
Suốt 20 dặm từ Lãng Bạc tới Cấm Khê hàng vạn quân đuổi và chạy rầm rập, rung chuyển đường đất, tiếng reo hò chém giết suốt một ngày một đêm. Sáng hôm sau, quân Việt đã tới bờ sông Đáy, cửa ngõ căn cứ Cấm Khê. Trưng Vương cho dàn quân chờ quân Mã Viện tới, quyết đánh một trận cho quân thù khiếp sợ trước khi rút vào căn cứ. Quân Hán cũng vừa tới nơi và dàn trận. Mã Viện bấy giờ mới có điều kiện quan sát kỹ quân Việt. Từ không xa lắm, Mã Viện trông thấy hai nữ vương ngồi trên hai con voi to như hai trái núi, áo chiến bào màu vàng, có lọng vàng che, oai phong lẫm liệt. Các tướng Việt phần lớn là nữ, mặc áo chiến bào nâu, áo giáp đồng, đội mũ nhọn đồng cài lông chim, mặt hoa da phấn, cưỡi ngựa hùng dũng, lưng đeo cung tên. Mã Viện ngạc nhiên là quân Việt bị bại trận, bị truy kích một ngày một đêm mà không có vẻ rối loạn, đội ngũ chỉnh tề, nét mặt đằng đằng sát khí. Tiếng trống đồng bên quân Việt vang vọng. Bên quân Việt, một nữ tướng múa gươm xông ra trận. Đó là nữ tướng Thục Côn. Thục Côn múa gươm như gió, ngựa phi như bay, miệng thét:
-Thằng giặc già Mã Viện ra đây!
Một tướng trong hàng quân Hán xông ra. Hắn cưỡi ngựa đen, long đao sáng loáng. Hai ngựa và người xáp nhau, gươm chạm long đao tóe lửa. Chưa được 10 hiệp, Thục Côn né người tránh một nhát dao đâm của tướng Hán và thuận tay đưa một nhát gươm, đầu tướng Hán văng xuống đất. Ngựa lồng chạy về đem theo thân không đầu máu chảy đầm đìa. Quân Việt la hét vang trời và xông lên. Họ không hề run sợ khi biết họ chỉ có không đầy 2 vạn người đang giao chiến với 5 vạn quân Hán. Gươm dao bổ xuống đâm chém nhau. 1.000 quân Việt và chừng ấy quân Hán gục đổ trên chiến trường Cấm Khê. Máu chảy thành sông, thây chất thành đống. Trưng Vương thấy Mã Viện cậy quân đông đang triển khai binh lực bao vây quân Việt từ hai cánh trận tả hữu. Quân Việt núng thế, Trưng Vương vội ra lệnh nổi hiệu lệnh thu quân và rút qua sông Đáy, sông Tính vào căn cứ Cấm Khê. Trong khi đi hậu quân chặn địch để quân đội và hai Trưng Vương rút lui an toàn, ba nữ tướng kiệt xuất của quân Việt là Ả Tú, Ả Huyền và Ả Cát đã anh dũng hy sinh.
Mã Viện cho 5 vạn bộ binh và 5 vạn thủy binh bao vây Cấm Khê và đi thám sát, vẽ bản đồ Cấm Khê chuẩn bị công phá. Cấm Khê là thung lũng còn có tên là Suối Vàng. Trước mắt Mã Viện là một căn cứ có địa thế rừng núi hiểm trở, lòng khe, thế núi, rừng rậm đan xen nhau. Cấm Khê còn được bảo vệ bởi hai con sông như hai hào nước thiên nhiên là sông Đáy và sông Tích. Nhất là sông Tích, có khúc thì đôi bờ thoáng đãng, có khúc thì hai bên bờ là đồi gò vách thẳng đứng, rất lý tưởng cho việc phòng thủ. Cấm Khê liền kề với Hạ Lôi và Mê Linh, kinh đô của Hùng Lạc, quê hương của hai Trưng Nữ Vương. Cấm Khê có cửa ngõ thông ra với quận Cửu Chân, một nơi giàu truyền thống và dồi dào nhân lực.
Ngay đêm đó trong Tổng hành dinh, Mã Viện nói với các tùy tướng:
-Ta đã chinh phạt nhiều quân của nhiều dân tộc thiểu số ở Bắc Trường Thành, chưa ở đâu thấy xung trận gần hết là các nữ tướng võ nghệ cao cường, lại có tinh thần quả cảm như vậy, chưa ở đâu có số lượng quân ít lại đương đầu với một đội quân có số lượng đông gấp bội mà vẫn quyết chiến, không hề run sợ như quân Việt. Nay Trưng Trắc đã cố thủ ở Cấm Khê tức là chọn lối đánh lâu dài, gây khó khăn cho quân ta. Để đối phó lại, nay ta ra lệnh cho tướng Lưu Long chỉ huy các tướng chặn tất cả các ngã đường dẫn về Cấm Khê, chặn đánh quân của các tướng của Trưng Trắc từ các quận huyện về chi viện, giải vây cho Cấm Khê.
-Thứ hai, quân ta sẽ chiến đấu lâu dài ở đây nên vơ vét sạch lương thực của dân Việt để có thể dùng trong 6 tháng vì triều đình Lạc Dương không thể chi viện vì bị quân của Sa Giang, Đô Thiên, Thánh Thiên chặn đánh ở Hợp Phố.
Ngừng một lát Mã Viện nói tiếp:
-Đẩy mạnh bao vây Cấm Khê bằng bộ binh và thủy binh. Bên ngoài Cấm Khê và các cửa ngõ cho xây đồn, trại, cắt đứt mọi tiếp viện lương thực cho Cấm Khê. Ta tin rằng lương thực của Cấm Khê không thể đủ dùng trong 6 tháng. Phải ngăn chặn thủy binh Việt từ Bạch Đằng trở về phối hợp với bộ binh ở Cấm Khê mở cuộc phản kích.
Cùng thời gian đó trong Tổng hành dinh của quân Việt ở Cấm Khê, Trưng Vương nói với các tướng lĩnh:
-Ta đã xem thường cửa ngõ Lục Đầu Giang, không cho lực lượng bịt lại để thủy quân địch đổ bộ lên bao vây quân ta ở Lãng Bạc, để đến mức bại trận, hao binh tổn tướng, lâm vào thế bị động phòng thủ. Nay ta ra lệnh bắt đầu dùng chiến tranh du kích tiêu hao bộ binh và thủy binh địch đang bao vây Cấm Khê. Thứ hai là liên hệ với nhân dân để dân tiếp tế lương thực cho căn cứ. Thứ ba là đem mệnh lệnh của ta gửi tất cá các tướng lĩnh các địa phương đem quân về chi viện cho Cấm Khê để trong đánh ra, ngoài đánh vào may ra mới cứu được thời cuộc.
Tướng Lê Thị Nga nói:
-Trưng Vương viết thư đi, thần sẽ vượt vòng vây đem ra ngoài cho các tướng.
Bắt đầu từ đó, mỗi khi màn đêm xuống là đem lại nổi lo sợ khủng khiếp cho quân Hán. Hàng đêm, thậm chí cả ban ngày hàng trăm, hàng nghìn mũi tên bay ra sát hại quân Hán đang bao vây Cấm Khê. Số lượng quân Hán chết ngày càng tăng. Quân Việt còn dùng tên châm lửa bắn vào chiến thuyền quân Hán trên sông Đáy và sông Tích. Phía ngoài Cấm Khê đã diễn ra nhiều trận đánh lớn giữa quân Việt Và quân Hán khi quân của các Tổng Binh và các tướng lĩnh của Trưng Vương các quận, huyện về giải vây cho Cấm Khê. Nhưng quân Hán do chuẩn bị trước, số lượng quân đông nên không một tướng nào, không một đội quân nào của các địa phương lọt vào được đến phòng tuyến thứ nhất của quân Hán ngoài sông Đáy. Tháng 7 năm 43, thủy binh Việt bị Đoàn Chí đánh bại và tiêu diệt trên sông Đuống khi từ Bạch Đằng tiến về. Quân Việt hy sinh vô số, quân Hán cũng chết không kém. Nhưng quân Việt không thể đảo ngược được tình hình bị động và nguy nan.
Do sự bao vây ngặt nghèo của Mã Viện, Cấm Khê trong mấy tháng ròng không nhận được lương thực của nhân dân quanh vùng. Thiếu lương thực là một thực tế đang đe dọa quân đội Trưng Vương. Trong Cấm Khê, quân sĩ và nhiều tướng lĩnh bị thương không có thuốc chữa trị dù được Trưng Vương và đồng đội chăm sóc hết lòng. Nhiều tướng lĩnh và binh sĩ trước khi ra đi đã nắm chặt tay Trưng Vương, rơi nước mắt, cảm kích trước tấm lòng của vị quân vương nhân từ hết lòng thương yêu tướng sĩ.
Để đánh vào tinh thần và tình cảm của Trưng Vương và quân Việt, Mã Viện sai lính về Hạ Lôi đào hết mồ mả của Lạc Tướng Mê Linh và mồ mả trong dòng tộc của Trưng Vương. Sự hèn hạ của Mã Viện và quân Hán đã gây lòng căm thù vô hạn của người Việt với quân giặc ngoại xâm.
Ngày 10-9 năm 43, mẹ của Trưng Vương và Trưng Nhị Vương là bà Man Thiện từ quê nhà Nam Nguyễn, Ba Vì đã chiêu mộ nghĩa quân tiến về Cấm Khê để cứu viện cho hai vua. Dọc đường bị quân Hán chặn đánh, Hoàng Thái Hậu Man Thiện đã gieo mình xuống sông Hồng tự vẫn. Nghĩa quân trong Cấm Khê và quân dân trong toàn cõi Hùng Lạc biết tin đau buồn và cảm phục người mẹ Việt anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì con cháu và vì non sông đất nước. Do đó trên đầu hai Trưng Nữ vương chiếc khăn tang trắng thay cho mũ đâu mâu màu vàng chiến trận.
Mùa đông năm 43, gió lạnh kèm theo những đợt mưa khủng khiếp và triền miên. Mây xám giăng đặc bầu trời Tam Đảo và Ba Vì để sẵn sàng trút những cơn mưa. Nước sông Đáy và sông Tích dâng lên chảy cuồn cuộn. Mã Viện quan sát và nghĩ tới binh pháp nói rằng trong chiến trận có thể dùng hỏa công nhưng cũng có thể dùng thủy công nếu điều kiện cho phép. Hắn cười ha hả:
-Đây là lúc trời giúp ta dùng thủy công để dìm quân Việt làm cá ở Cấm Khê.
Hắn ra lệnh:
-Xẻ nhiều con mương ngang bờ sông Đáy và sông Tích cho nước chảy vào Cấm Khê.
Quả nhiên, nước từ sông Đáy và sông Tích chảy vào làm ngập sâu thung lũng Cấm Khê. Hầu hết doanh trại quân Việt bị chìm trong nước. Quân Việt phải làm trại ở ven đồi hay ở những đảo nhô cao trong thung lũng. Sinh hoạt thường ngày vô cùng khó khăn. Tháng 10 năm 43 Trưng Vương nói với các tướng lĩnh:
-Chúng ta ngày càng gặp nhiều khó khăn nhưng điều đó không đáng kể. Cái đáng kể là chúng ta không đảo ngược được tình thế mà ngày lại càng nguy nan hơn. Ta muốn bỏ Cấm Khê rút về Cửu Chân là nơi hiểm trở, người đông, lương thực nhiều, lại có truyền thống anh hùng để lập căn cứ mới, may ra có thể đảo ngược được tình thế.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/my-nhan-hao-kiet-anh-hung-tieu-thuyet-lich-su-ky-39-a18066.html