Nâng cao vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội

Việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống tại Hà Nội không chỉ tạo ra cơ hội cho họ mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Hiện nay toàn Thành phố có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề và hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.  Mỗi làng nghề, phố nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn được các giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống, ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng của các sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

img-2085-1727753681.jpeg

Vai trò của phụ nữ trong bảo tổn và phát huy giá trị làng nghề ngày càng thể hiện rõ rệt.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển làng nghề trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia bảo tồn và phát triển sản phẩm nghề truyền thống; tạo việc làm cho phụ nữ và gia đình, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước và thành phố về phát triển làng nghề, vận động hội viên, phụ nữ khôi phục, bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống, góp phần tạo dựng thương hiệu các sản phẩm của địa phương; nhiều phụ nữ làng nghề đã trở thành nữ nghệ nhân, nữ thợ giỏi cống hiến tài năng, sức sáng tạo  thổi hồn vào từng tác phẩm để gửi gắm những giá trị văn hóa, nghệ thuật, thông điệp của làng nghề đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Thành hội đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội tôn vinh 10 nữ nghệ nhân làng nghề, thợ giỏi, hiệp đang trình UBND Thành phố 8 nữ nghệ nhân đề nghị tôn vinh. Trong số gần 350 nghệ nhân làng nghề thì có 1/13 nữ nghệ nhân Nhân dân, 5/42 nữ nghệ nhân Ưu tú, 50/290 nữ nghệ nhân Hà Nội.

Tuy nhiên việc tham gia bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của tổ chức Hội và phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là: Vai trò của phụ nữ và các cấp Hội còn chưa phát huy hết tiềm năng; nhận thức hội viên, phụ nữ còn hạn chế, nên tại các nơi có nghề truyền thống hầu như rất ít phụ nữ trẻ theo nghề, bám nghề mà chủ yếu là phụ nữ trung niên và cao tuổi. Sản phẩm hàng hóa do phụ nữ các làng nghề sản xuất ra phần lớn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu, bao bì sản phẩm hàng hóa chưa được bảo hộ, chất lượng sản phẩm chưa cao, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa chưa bắt kịp được với xu thế phát triển thị trường, nhu cầu của khách hàng.

Việc tiếp cận nguồn hỗ trợ kinh phí cho các làng nghề để đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư mua sắm cải tiến trang thiết bị còn eo hẹp, một số phụ nữ cũng được hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, tuy nhiên số lượng này còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả, chưa khai thác được tiềm năng vốn có của làng nghề, ....Đây là những khó khăn, thách thức, cần tập trung có giải pháp bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các cấp Hội trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục PTNT - Sở NN&PTNT Hà Nội, trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề được Trung ương và Thành phố rất quan tâm, nhiều chính sách khuyến khích phát triển làng nghề được ban hành.  Trong đó công tác phát triển làng nghề gắn với du lịch đang được coi là nhiệm vụ quan trọng để xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động trong thời gian tới, với vai trò là đơn vị chủ trì tham mưu Thành phố công tác quản lý Nhà nước về làng nghề, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu Thành phố tập trung triển khai một số giải pháp, như:  Rà soát ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đủ mạnh, đặc biệt là chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, các nguồn vốn vay; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết để bảo tồn và phát triển làng nghề của Hà Nội.

img-2088-1727754181.jpeg

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về ngành nghề nông thôn, có chính sách thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các hoạt động đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận... 

Để nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật Vương Xuân Nguyên, Chi cục Phát triển Nông thôn và Liên hiệp Hội LHPN thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp như sau:

Thứ nhất, Tăng cường giáo dục và đào tạo. Tổ chức các khóa học về kỹ thuật sản xuất, thiết kế, quản lý kinh doanh cho phụ nữ trong các làng nghề. Điều này giúp họ nắm vững kỹ năng cần thiết để chế tác và tiếp thị sản phẩm. Mời các nghệ nhân, chuyên gia đến chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật truyền thống; đồng thời tạo cơ hội cho phụ nữ học hỏi lẫn nhau.

Thứ hai, Hỗ trợ khởi nghiệp. Xây dựng quỹ hỗ trợ tài chính dành riêng cho phụ nữ khởi nghiệp trong ngành sản xuất và kinh doanh sản phẩm làng nghề. Cần có các tiêu chí rõ ràng và minh bạch. Đồng thời, cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí về lập kế hoạch kinh doanh và các vấn đề pháp lý nhằm giúp phụ nữ tự tin hơn trong việc khởi nghiệp.

Thứ ba, Tăng cường liên kết giữa các nghệ nhân, các làng nghề. Thiết lập các câu lạc bộ hoặc nhóm phụ nữ trong các làng nghề để họ có thể gặp gỡ, hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất và kinh doanh. Tạo ra những điểm kết nối giữa phụ nữ ở các làng nghề khác nhau để họ có thể hợp tác và phát triển cùng nhau.

Thứ tư, Đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Tổ chức các sự kiện, hội chợ nơi phụ nữ có thể giới thiệu sản phẩm của mình và giao lưu với khách hàng, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy bán hàng. Đào tạo phụ nữ về cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu cá nhân.

Thứ năm, Khuyến khích bảo tồn di sản văn hoá. Đưa sản phẩm làng nghề vào các lễ hội văn hóa địa phương, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa và lịch sử của sản phẩm. Thực hiện các giải thưởng để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của phụ nữ trong việc bảo tồn và phát triển sản phẩm làng nghề.

img-2092-1727755104.jpeg

Ông Vương Xuân Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật.

Thứ sáu, Chính sách hỗ trợ từ chính quyền. Xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay cho phụ nữ sản xuất trong lĩnh vực làng nghề. Kêu gọi sự hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để triển khai các chương trình hỗ trợ cho phụ nữ trong lĩnh vực này.

Thứ bảy, Nâng cao ý thức cộng đồng. Tổ chức các chiến dịch truyền thông về vai trò của phụ nữ trong bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế địa phương, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hội đồng, tổ chức liên quan đến chính sách phát triển làng nghề, nhằm đảm bảo tiếng nói và lợi ích của họ được lắng nghe.

“Việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống tại Hà Nội không chỉ tạo ra cơ hội cho họ mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Các giải pháp nêu trên cần được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả, qua đó đạt được những kết quả bền vững…”, ông Vương Xuân Nguyên chia sẻ./.

Trường Giang

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nang-cao-vai-tro-cua-phu-nu-trong-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-san-pham-lang-nghe-truyen-thong-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-a18537.html