Thương vụ “Mộc Tinh” bị “bức tử” trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ ?

Trong những bài viết về tiểu thuyết CÂY THAY LÁ của tác giả Quân Yên, bút danh của Vũ Xuân Bân do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 5/2024, phát trên nonthonvaphattrien.vn, tôi tâm đắc nhất bài “Dòng xoáy ‘đồng tiền...’ trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ của Đông Sơn đăng ngày 9/9/2024, được mạng xã hội truyền tải nhân rộng tiếp.

bia-cay-thay-la-2-1727839725.jpg
 

Dẫn câu nói nổi tiếng của K.Marx: “Đồng tiền là con đĩ của nhân loại”, tác giả Đông Sơn cho rằng tiểu thuyết CÂY THAY LÁ mang tính thời sự “hot”, được bạn đọc mến mộ, tìm đọc. Các nhân vật trong tiểu thuyết gắn với những việc làm cụ thể, minh chứng triết lý nói trên quay cuồng trong dòng xoáy “đồng tiền” như là “một con đĩ có quyền lực ghê gớm nhất, có thể chi phối tất cả thế gian, từ giới trí thức, đến tôn giáo và khoa học, biến tất cả thành hàng hoá và kẻ làm thuê cho nó”. Thực trạng này diễn ra tại một địa phương qua 6 kỳ Đại hội Đảng cấp tỉnh được tái lập từ năm 1997 đến  nay gần 30 năm. Đó là những chuyện có thật, tác giả Quân Yên phi hư cấu, không nêu tên cụ thể mà nó na ná giống với nhiều địa phương. Họ và tên những nhân vật trong tiểu thuyết là do tác giả sáng tác nhưng thành công của tác phẩm là đã có những kẻ vận vào bản thân, bị lột trần bản chất độc ác, xấu xa từng được che đậy lâu nay, thấy xấu hổ, đau đơn, quằn quại, bị dân chúng tẩy chay, không dám vác mặt đi đâu, “sống không bằng chết”. Đó là những nguyên mẫu mà tác giả từng nhiều lần quan sát, tiếp xúc, diện kiến, tiếp nối mạch chuyện trong tiểu thuyết TƠ VÒ cũng của Vũ Xuân Bân với bút danh Xuân Vũ do NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2018, với những dự báo chuẩn xác về những quan chức tha hoá cấu kết với “đại gia thân hữu” để trục lợi trong những năm “nôn nóng” tiền CNH, HĐH nếu “không vượt qua được chính mình”, tất yếu vào “nhà đá bóc lịch”. Dự báo đó sau 6 năm thành hiện thực được tác giả  tái hiện tiếp trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ.

Với chất liệu thực tiễn sống động, để viết CÂY THAY LÁ, rõ ràng tác giả hoàn toàn không phải “ngồi trong phòng máy lạnh” để “cóp pết”, tưởng tượng ra mà phải rất “lao tâm khổ tứ”, thâm nhập thực tế, biết khá tường tận để phơi bày sự tha hoá, biến chất của hàng chục quan chức là những nhân vật trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ, trong đó có những cặp quan tham từng đứng đầu tỉnh nối tiếp nhau hư hỏng như Trần Bố, Thạch Phí, Phạm Vấn, Ngọc Hồn, Thuỳ Lê, Lý Tơ...

Trong những quan chức đứng đầu tỉnh tha hoá, đáng chú ý, tác giả đã phác hoạ con đường quan lộ thăng tiến của nhân vật Phạm Vấn để thấy rằng công tác tổ chức cán bộ có nhiều sai phạm, dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại. Phạm Vấn từ một giáo viên trung học cơ sở công tác ở ngành giáo dục huyện Lạc Y từng bỏ sinh hoạt Đảng để buôn chuối sang Tàu kiếm lời, tìm cách ngoi lên làm lãnh đạo huyện, rồi leo tới chức Bí thư Tỉnh uỷ.

Dưới thời Phạm Vấn làm Bí thư, Ngọc Hồn làm Chủ tịch tỉnh, nạn “mua quan bán tước” diễn ra sôi động ở tỉnh này. Tác giả đã nêu dẫn chứng tường tận mà dư luận tỉnh này lâu nay vẫn bàn tán “bán - mua” chức Giám đố Sỏ Y tế với giá một triệu USD tương đương hơn 20 tỉ VNĐ thời điểm đó. Kẻ mua chức giám đốc Sở Y tế là Đậu Bá Dơ, nguyên là Giám đốc doanh nghiệp dược phẩm, chuyên nghề buôn bán thuốc chữa bệnh.

Chuyện kể rằng, sau khi cổ phần hoá, Đậu Bá Dơ mua gần hết cổ phần rồi cho người nhà đứng tên, còn hắn đứng sau để chỉ đạo, điều hành kinh doanh. Sau khi cổ phần hoá, công ty dược phẩm của Đậu Bá Dơ là doanh nghiệp tư nhân, bản thân hắn chưa là cán bộ công chức, quỹ thời gian công tác chỉ hai năm là nghỉ hưu mà vẫn được cất nhắc bổ nhiệm lên thẳng Phó giám đốc, rồi Giám đốc Sở Y tế, bất chấp những quy định về tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm chức danh cán bộ đứng đầu một sở. Tưởng bỏ ra một triệu USD tương đương hơn 20 tỉ VNĐ thời điểm đó để mua chức Giám đốc Sở Y tế là đắt, là quá sức tưởng tượng đối với lương của cán bộ công chức Nhà nước, nhưng qua hạch toán kinh doanh của vị dược sĩ Đậu Bá Dơ là quá rẻ. Công ty cổ phần dược của ông ta chỉ độc quyền bán thuốc trên địa bàn tỉnh trong một vài tháng là dư sức thu hồi vốn đầu tư mà ông ta làm Giám đốc được kéo sở tới ba năm thì quả là một “dự án” làm ăn lớn, rất có lãi đáng để đầu tư. Tác giả đã nhận xét, cảnh báo về nhân vật Phạm Vấn rằng “Trong bối cảnh người  đứng đầu tỉnh từng bỏ Đảng, buôn chuối sang Tàu, cứ được giá cao hơn là bán, Đậu Bá Dơ đánh trúng tâm lý đó của Phạm Vấn mua chức Giám đốc Sở dễ như trở bàn tay, làm cho Giám đốc sở tiền nhiệm phải nhận một bài học cay đắng nhớ đời” (tr 165 đến tr 169).

Có thể nói, tác giả Quân Yên bao quát, khá am tường tình hình địa phương, được thể hiện trong Chương XI là chương cuối của tiểu thuyết CÂY THAY LÁ. Tác giả đã khéo léo sâu chuỗi những chi tiết đắt giá qua câu chuyện hy hữu về “cây sưa đỏ” lưu niên hơn một trăm tuổi, chu vi thân cây vài người ôm không xuể trong khuôn viên Văn phòng Tỉnh uỷ lăn đùng ra chết. Về tâm linh, cây trồng lâu năm cũng như người sống mà lâu nay dân gian vẫn bảo đó là “Mộc Tinh”, là cây thiêng nhưng Phạm Vấn với tư duy “lái buôn” trục lợi, bất chấp tất cả, cho người tỉa cành, sau đó sai cánh lái xe văn phòng lấy dầu luyn thải dùng để bôi trơn hộp số ô tô đổ vào gốc cây sưa này để đầu độc làm nó úa vàng lá rồi chết, vội vàng làm thủ tục để bán với giá rẻ cho lái buôn gỗ Kinh Bắc với giá hơn 5 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 giá trị thật của nó. Chính vì thế mà có nhiều lời ong tiếng ve về cái chết của cây sưa đỏ là do bị bức tử. Dư luận xã hội cho rằng, Phạm Vấn “ăn đủ” thương vụ “Mộc Tinh” bị “bức tử”. Thời buổi này có những kẻ làm giàu lẹ đến như vậy. Thông qua mua và bán một “thương vụ” như cây sưa cổ thụ bỗng dưng chết đứng là "của chùa" đã có thể kiếm được nhiều tỉ đồng? Phụng Tiên chỉ là Giám đốc một sở “nắm thóp” vụ việc này cùng một số vụ việc sai phạm khác của Bí thư Phạm Vấn là cấp trên của hắn để dậm doạ, khống chế, “trấn lột” nhiều tiền, vàng mà Phạm Vấn vẫn phải cắn răng chịu nhục để được tồn tại đến hết nhiệm kỳ.

 Bác Hồ từng khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Để người mang bản tính là “con buôn” lọc lõi, lưu manh như Phạm Vấn làm lãnh đạo đứng đầu một tỉnh thì thật là tai hoạ. Kết cục, hắn đã “thân bại danh liệt”. Phạm Vấn làm Bí thư; Ngọc Hồn làm Chủ tịch tỉnh đã quy hoạch chọn Thuỳ Lê làm Bí thư, Lý Tơ làm Chủ tịch tỉnh cũng đều hư hỏng, tha hoá, biến chất càng về sau càng nghiêm trọng hơn. Nhưng Phạm Vấn chỉ bị cách các chức vụ về Đảng khi đương nhiệm là quá nhẹ. Thạch Phí và Ngọc Hồn nối tiếp nhau làm Chủ tịch tỉnh có rất nhiều điều tiếng, tham lam vô độ cũng chỉ bị kỷ luật cảnh cáo là quá nhẹ. Sai phạm nghiêm trọng có tính hệ thống của các nhân vật Phạm Vấn, Ngọc Hồn, Thạch Phí ... đáng nhẽ phải vào nhà đá bóc lịch thì mới có tác dụng răn đe giáo dục chung. Đến cặp đôi Thuỳ Lê làm Bí thư, Lý Tơ làm Chủ tịch tỉnh đến giữa nhiệm kỳ này (2020 - 2025) thì hỏng hẳn, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra  về tội nhận hối lộ “khủng”, liên quan đến Tập đoàn Tiền Nổ, đang chờ ngày đưa ra xét xử, gây chấn động dư luận xã hội.

Nhiều vấn đề nan giải đang đặt ra cho tân Bí thư Tỉnh uỷ và Ban lãnh đạo mới phải khẩn trương khắc phục sự “sụp đổ” chưa từng có của Ban lãnh đạo cũ của tỉnh để lại hậu quả rất nặng nề về nhân sự và lòng tin của nhân dân. Hy vọng họ không đi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm, mở ra một hướng phát triển bền vững. Được biết, tác giả Quân Yên đang thai nghén để cho ra tập tiểu thuyết nữa, tiếp theo mạch chuyện hậu CÂY THAY LÁ mà bạn đọc đang mong đợi, đón đoc.

Đ.B

Đa Bút

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/thuong-vu-moc-tinh-bi-buc-tu-trong-tieu-thuyet-cay-thay-la-a18690.html