Huyện Bảo Lâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, huyện Bảo Lâm luôn xác định nhiệm vụ hàng đầu là phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới; nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Bảo Lâm từng bước nâng cao, đời sống của bà con nông dân và hạ tầng nông thôn thay đổi, phát triển từng ngày.

123-1728015709.jpg

Huyện Bảo Lâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa.

Ngược dòng thời gian trở lại cách đây 30 năm - cột mốc thành lập huyện Bảo Lâm được tách ra từ Bảo Lộc - ít ai ngờ rằng, khi mới “ra riêng” nền sản xuất nông nghiệp huyện chỉ độc canh hai loại cây trồng chủ yếu cà phê và chè. Việc tập trung vào hai giống cây chủ lực là chè và cà phê lúc bấy giờ lại rơi vào tình cảnh hầu hết là các giống cũ, năng suất bình quân đạt chưa tới 1 tấn cà phê nhân/ha. Còn việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất của nông dân thì rất hạn chế. Trong khi đó sản xuất nông nghiệp chiếm tới 90% giá trị sản xuất của toàn huyện.

Để vực dậy một ngành nông nghiệp còn yếu kém và hiệu quả thấp, bước chạy đà được khởi phát ngay trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần đầu tiên (năm 1996-2000), Huyện ủy Bảo Lâm đã xây dựng Nghị quyết tập trung chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi trong huyện, chỉ đạo đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; hướng dẫn sản xuất thâm canh, từng bước đa dạng hóa giống cây trồng, vật nuôi.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm: Sau bước chạy đà ấy, thành tựu đạt được của ngành Nông nghiệp huyện Bảo Lâm phải kể đến bắt đầu từ năm 2011 đến nay khi huyện tập trung thực hiện Nghị quyết số 06, ngày 05/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (khóa IX) về “Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội huyện Bảo Lâm giai đoạn 2011-2015”. Qua đó, Huyện ủy Bảo Lâm đã rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện cho phù hợp với Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy và xây dựng Kế hoạch thực hiện “6 chương trình trọng tâm” và “5 công trình trọng điểm”.

Đồng thời, huyện đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi hai giống cây trồng chủ lực là chè và cà phê; đồng thời vận động nông dân thực hiện các mô hình trồng trọt xen canh các giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, các giống bơ đầu dòng 034, mít Thái, măng cụt… Song song đó, đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện chỉ đạo chú trọng lựa chọn các loại giống chất lượng cao, có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ lao động tại địa phương. Đặc biệt, trong giai đoạn này, sản xuất nông nghiệp được gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, với Bộ tiêu chí được định lượng bằng những chỉ tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực, đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình phấn đấu đạt được trong xây dựng nông thôn mới nhờ đó đã gặt hái được nhiều kết quả hết sức tích cực.

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp của huyện đã và đang có những bước tiến dài, cả về quyết tâm chính trị, tư duy chỉ đạo, lẫn sự đồng thuận xã hội và sự tham gia tích cực của Nhân dân. Từng bước hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đó là vùng sản xuất cà phê ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Lộc Đức với quy mô diện tích 300 ha; vùng sản xuất chè Lộc Quảng, Lộc Thắng 300 ha; vùng sản xuất chè  tại xã Lộc Tân 377 ha…; vùng sản xuất cà phê 100 ha của Công ty Bình Đông ở xã Lộc Ngãi... Kể từ đó đã làm thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, tăng thu nhập ổn định trên một đơn vị diện tích.

Theo số liệu thống kê của huyện, đến nay Bảo Lâm đã chuyển đổi diện tích cà phê sang các giống mới như TR4, Thiện Trường… được 35.330 ha/36.869 ha, chiếm trên 95% tổng diện tích cà phê toàn huyện với năng suất bình quân đạt khoảng 3,45 tấn cà phê nhân/ha. Cây chè cũng đã chuyển đổi sang các giống chè có năng suất chất lượng cao như giống TB14, Ô long... đạt 5.500 ha/5.888 ha, bằng 93% tổng diện tích chè của huyện với năng suất bình quân 140 tạ chè búp tươi/ha. Riêng các giống cây ăn quả như bơ, sầu riêng, măng cụt… là 6.293 ha và các loại cây trồng có giá trị kinh tế khác.

Cũng theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu thực hiện “6 chương trình trọng tâm” và “5 công trình trọng điểm” huyện đã tập trung huy động nguồn lực sẵn có của Nhân dân và đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp bền vững. Qua đó, đến nay trên địa bàn huyện có trên 16.050 ha/57.886, chiếm 27,8% diện tích đất sản xuất nông nghiệp cao bao gồm: 11.500 ha cà phê sản xuất an toàn, UTZ, 4C, trong đó tưới tiết kiệm 1.300 ha); 2.500 ha chè, 200 ha rau, hoa; cây ăn quả áp dụng tưới tiết kiệm; ứng dụng sản xuất an toàn VietGap 1.650 ha.... Đáng chú ý, nghề trồng dâu, nuôi tằm cũng phát triển mạnh; sản xuất kén chất lượng cao từng bước liên kết và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định. Toàn huyện có 719 ha/1.102 hộ trồng dâu, nuôi tằm, trong đó 200 ha ứng dung tưới tiết kiệm, sản lượng kén tằm ước đạt 17.932 tấn/năm, với giá kén tằm giao động từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg đã góp phần giúp nông dân tăng thu nhập, làm giàu về nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp bình quân đạt trên 50% (chủ yếu là khâu làm đất, chăm sóc, vận chuyển, sơ chế, chế biến trên diện tích gieo trồng đối với các loại cây hàng năm rau, hoa, dâu tằm, cây chè chất lượng cao) mang lại lợi nhuận cao gấp 1,3 lần so với sản xuất truyền thống. Việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được huyện quan tâm và đến nay, trên địa bàn huyện có 18 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện hoạt động có hiệu quả với 15% sản lượng cà phê, 20 % sản lượng chè, 30% sản lượng cây ăn quả, 30% trứng, thịt gia súc gia cầm được tiêu thụ qua hợp đồng.

Ngoài ra, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả nên đến nay đã có 30 sản phẩm OCOP của huyện đạt hạng 3 sao trở lên; đồng thời hỗ trợ các chủ thể tham gia đăng ký tài khoản bán hàng điện tử trên sàn thương mại điện tử OCOP247.vn, chuyên trang bán hàng thương mại điện tử dành riêng cho các sản phẩm OCOP... Mặt khác, cấp mã số vùng trồng cho cây sầu riêng và cơ sở đóng gói quả tươi sầu riêng để xuất khẩu sang Trung Quốc và đã được cấp 15 mã số vùng trồng sầu riêng trên tổng diện tích 783 ha/308 hộ với sản lượng 28.000 tấn quả sầu riêng tươi. Bên cạnh đó, một số sản phẩm đặc thù và thương hiệu nông sản của huyện từng bước được người tiêu dùng tin tưởng và có chỗ đứng trên thị trường như: Bơ 034, Got Coffee, Trà Ô long Tam Dương, mắc ca…

Với những kết quả đã đạt được qua chặng đường 30 năm thành lập huyện, cùng với chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện sẽ hứa hẹn những năm tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện được kỳ vọng sẽ có những bước đột phá mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của huyện.  

Song Anh (TH)

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/huyen-bao-lam-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-a19093.html