Thủ tướng: Doanh nhân Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích của quốc gia dân tộc

Ngày 4/10, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cùng dự có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các doanh nhân, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Hiện nay, nước ta có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu; cùng với đó, đóng góp tích cực vào hoạt động an sinh xã hội.

Các đại biểu, nhất là các doanh nhân, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện trong kinh doanh và vai trò xã hội của doanh nghiệp; kiến nghị, đề xuất, tham mưu, hiến kế cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp phát triển; xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Sau khi các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu, chia sẻ, giải đáp các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, phát biểu kết luận cuộc gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu bày tỏ tin tưởng và tự hào về doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh, trưởng thành và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng nêu rõ, doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng đối với phát triển đất nước; Đảng, Nhà nước luôn ghi nhận, đánh giá cao và quan tâm phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam; Chính phủ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước một cách thiết thực, kịp thời, hiệu quả; đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã đoàn kết nỗ lực cố gắng ngày càng lớn mạnh.

Chú thích ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Ảnh: TTXVN

Thủ tướng cho rằng, sau 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ; số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng, là một điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh nhu cầu và nỗ lực phát triển trong bối cảnh đất nước còn đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức.

Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua.

Thủ tướng lưu ý, thời gian không còn nhiều để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2024, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Với các bộ, các ngành, các địa phương, Thủ tướng đề nghị 6 nhiệm vụ: Một là kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Thứ hai là phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ toàn diện, như hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, hạ tầng về văn hóa, thể thao, góp phần cho giảm chi phí logistics, giảm chi phí đi lại, tạo không gian phát triển mới, tạo khu đô thị mới, khu dịch vụ mới, nâng cao giá trị gia tăng của đất, góp phần cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. 

Thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung, cho doanh nghiệp và doanh nhân nói riêng. 

Thứ tư là hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp, doanh nhân hiện đại, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển đất nước. 

Thứ năm là bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự. 

Thứ sáu là xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm với truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng của đất nước chúng ta, là anh hùng trong giải phóng dân tộc và phát triển đất nước nhanh, bền vững".

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị thực hiện các tiên phong: Tiên phong góp phần thúc đẩy 3 đột phá chiến lược mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định, đặc biệt là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, và đổi mới sáng tạo phục vụ cho việc làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn động lực tăng trưởng mới.

Tiên phong trong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ưu tiên cho tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Tiên phong trong xây dựng, quản trị doanh nghiệp hiện đại, góp phần xây dựng, quản trị đất nước thông minh, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ. 

Tiên phong trong việc củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội. Chúng ta không hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. 

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, lực lượng doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì hùng cường thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Mỗi người chúng ta hãy thể hiện tinh thần yêu nước bằng hành động cụ thể, bằng kết quả cụ thể, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có hiệu quả cân, đong, đo, đếm được, lượng hóa được.

Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp” và “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển; cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào", Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh, có nhiều doanh nghiệp dân tộc hùng mạnh, thể hiện tình yêu đất nước bằng những hành động cụ thể, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng cả nước thực hiện mục tiêu đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

X.V (tổng hợp)

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/thu-tuong-doanh-nhan-viet-nam-luon-the-hien-su-tien-phong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vi-loi-ich-cua-quoc-gia-dan-toc-a19116.html