Nghiên cứu chỉ ra lý do khiến số lượng ô tô bị triệu hồi ngày càng tăng cao

Với sự phát triển nhanh chóng của xe điện và các công nghệ hiện đại, các vụ triệu hồi xe đang có số lượng ngày càng tăng.

Nghiên cứu mới từ Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi và ban hành lệnh triệu hồi cho các loại xe hơi đang lưu hành tại Mỹ, cho thấy số lượng xe bị triệu hồi đã đạt mức cao kỷ lục trong những năm gần đây.

Trong khi vào giữa những năm 2000, số lượng triệu hồi ở tất cả các hãng sản xuất vẫn dưới mức 600 xe mỗi năm, thì đến năm 2021, con số này đã tăng lên gần 1.000.

automobili-pininfarina-battista-targamerica-in-california_02_result
 

Dù số vụ triệu hồi đã giảm nhẹ kể từ thời điểm đó, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với 20 năm trước. Dữ liệu từ NHTSA chỉ ra rằng số lượng xe bị triệu hồi đã tăng dần đều trong suốt hai thập kỷ qua. Do đó, CarBuzz đã tìm hiểu nguyên nhân đằng sau xu hướng này.

Ô tô ngày càng trở nên phức tạp

Một trong những lý do chính dẫn đến sự gia tăng đáng kể số lượng xe bị triệu hồi là độ phức tạp ngày càng cao của xe cộ vào năm 2024 so với năm 2004. Việc áp dụng các công nghệ điện khí hóa mới để thay thế các phương pháp cơ học truyền thống là nguyên nhân chính, bởi vì số lượng lớn các kết nối dây điện dễ dẫn đến lỗi trong quá trình lắp ráp.

a243234_large_result
 

Những vấn đề này khó phát hiện hơn so với khi một bộ phận cơ học đơn giản bị hỏng, nên thường cần phân tích chi tiết hơn. Thêm vào đó, với sự ra đời của các hệ thống như tự lái, hậu quả của lỗi có thể trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Do vậy, các hãng xe và NHTSA muốn đảm bảo mọi xe bị ảnh hưởng đều được khắc phục càng nhanh càng tốt.

Ngoài sự phức tạp, việc gia tăng số lượng thiết bị điện tử trên xe cũng làm tăng nguy cơ gặp sự cố. Xu hướng phát triển xe điện đóng góp vào điều này khi công nghệ mới xuất hiện trên thị trường một cách nhanh chóng, dẫn đến khả năng các lỗi thiết kế có thể bị bỏ qua. Báo cáo năm 2023 của NHTSA cho thấy số vụ triệu hồi liên quan đến xe điện đã tăng từ khoảng 10 vụ vào năm 2019 lên hơn 50 vụ vào năm 2023.

Quy định sản xuất xe hơi ngày càng nghiêm ngặt

Cùng với sự phát triển của công nghệ mới, các cơ quan quản lý như NHTSA và Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) hiện nay nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. DOJ đang gây áp lực lớn lên NHTSA để phát hiện các vấn đề liên quan đến xe hơi trước khi chúng gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là sau vụ bê bối khóa đánh lửa của General Motors được phát hiện vào năm 2014.

rc
 

Tập đoàn ô tô Mỹ này phát hiện rằng một lỗi thiết kế liên quan đến khóa đánh lửa trên một số mẫu xe sản xuất từ năm 2002 có thể khiến khóa dễ dàng chuyển ra khỏi vị trí "Run". Hậu quả là túi khí có thể không bung ra khi xảy ra va chạm.

Theo báo cáo năm 2015 của DOJ, GM đã biết về lỗi này từ năm 2012 nhưng không thông báo cho NHTSA đến tận năm 2014, dẫn đến việc thông tin bị giấu kín trong hai năm. Các kỹ sư của GM được cho là đã nhận ra vấn đề này từ năm 2002. Kết quả là DOJ đã yêu cầu NHTSA chủ động tiến hành điều tra xe thay vì chờ các hãng xe tự báo cáo.

toyota-dealership_result
 

Điều này đã dẫn đến số lượng xe bị triệu hồi tăng mạnh do NHTSA phát hiện các vấn đề nhanh hơn và thậm chí đề xuất thay đổi thiết kế cho ngành công nghiệp. Xu hướng các nhà sản xuất chuyển từ việc ban hành các bản tin kỹ thuật (vốn thường khắc phục sự cố khi xe được bảo dưỡng) sang việc triệu hồi khẩn cấp đã góp phần làm tăng số vụ triệu hồi.

Tuổi thọ xe

Một số vấn đề chỉ xuất hiện sau nhiều năm kể từ khi mẫu xe được sản xuất. Theo S&P Global, tuổi thọ trung bình của xe hơi và xe tải hạng nhẹ đã tăng từ 11,1 năm vào năm 2012 lên 12,6 năm vào năm 2024. Riêng xe hơi, tuổi thọ trung bình đã tăng từ 11,2 năm vào năm 2012 lên 14 năm vào năm 2024.

Việc xe hơi được sử dụng lâu hơn đồng nghĩa với việc các vấn đề có thể phát sinh nhiều hơn, dẫn đến tỷ lệ triệu hồi cao hơn đối với các mẫu xe cũ.

Sự gia tăng sử dụng phụ tùng từ các nhà cung cấp bên ngoài

Việc sử dụng phụ tùng từ các nhà cung cấp bên ngoài ngày càng tăng khiến các vấn đề dễ bị coi là lỗi thiết kế thay vì sự cố ngẫu nhiên. Để tiết kiệm thời gian và chi phí, nhiều thương hiệu chọn mua phụ tùng từ các nhà cung cấp chung và sử dụng chúng cho nhiều mẫu xe khác nhau.

Dù cách làm này tiện lợi cho cả hãng xe và người tiêu dùng, vì dễ tìm kiếm linh kiện thay thế, nhưng cũng có rủi ro. Nếu bộ phận gặp lỗi, nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều xe tăng lên đáng kể do bộ phận này được lắp đặt trên nhiều mẫu xe khác nhau trước khi vấn đề được phát hiện.

2003-ford-escape-10-2_result
 

Một ví dụ điển hình là vụ bê bối túi khí Takata. Năm 2019, nhà cung cấp Nhật Bản Takata đã phải triệu hồi hơn 67 triệu xe tại Mỹ do túi khí có nguy cơ phát nổ khi kích hoạt. Vụ việc đã gây ra cái chết cho nhiều tài xế do mảnh vỡ bắn ra trong va chạm. Số lượng xe bị ảnh hưởng lớn vì nhiều hãng xe đã sử dụng hệ thống túi khí này từ năm 2005.

Takata đã nộp đơn phá sản vào năm 2017 vì gánh nặng nợ lên đến khoảng 17 tỷ USD do vụ bê bối này.

Tóm lại, sự gia tăng số lượng xe bị triệu hồi không hoàn toàn là một tín hiệu xấu. Dù có thể khiến nhiều người nghĩ rằng xe hơi ngày càng mất an toàn, nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan quản lý đã thắt chặt các tiêu chuẩn an toàn hơn rất nhiều so với trước đây. Nhờ đó, nhiều lỗi tiềm ẩn đã được phát hiện và khắc phục, giúp cải thiện mức độ an toàn cho phương tiện trong những năm tới.

Quốc Bình

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nghien-cuu-chi-ra-ly-do-khien-so-luong-o-to-bi-trieu-hoi-ngay-cang-tang-cao-a19562.html