Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 2

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 2.

 II.     ĐẠI ĐÔ ĐỐC TÂY SƠN BÙI HỮU HIẾU (Qua tư liệu lịch sử địa phương)

 Về tư liệu thành văn của dòng họ Bùi Hữu, hiện có hai văn bản bằng chữ Hán và 3 văn bản bằng chữ quốc ngữ. Thứ nhất là bản “Di chúc “ cho con cháu của cụ Bùi Hữu Doãn. “Di chúc” viết bằng chữ Hán vào năm Cảnh Hưng thứ 31 (1771). Cụ là người đầu tiên từ Quỳnh Lưu, Nghệ An ra Nông Cống, Thanh Hoá chiêu mộ nông dân khai phá đất hoang lập nên làng Ngọc Thiện (Ngọc Đảm). Ông là Thuỷ tổ của dòng họ Bùi Hữu ở Nông Cống, Thanh Hóa. Văn bản chữ Hán thứ hai là cuốn “Gia phả Bùi tộc” do cụ Bùi Hữu Cán viết năm Bảo Đại thứ 16 (1942). Trên cơ sở bản “Di chúc” và cuốn “Gia phả Bùi tộc” năm 1942, hậu duệ ngày nay của dòng họ Bùi Hữu đã soạn 3 cuốn gia phả bằng chữ Quốc ngữ: Cuốn ‘Gia phả Bùi tộc” 1970, “Gia phả Bùi tộc” năm 1984 và cuốn “Gia phả dòng họ Bùi Hữu” năm 2000 do ông Bùi Hữu Thược chủ biên.

 Về di tích của dòng họ Bùi Hữu bao gồm khu Từ đường và khu lăng mộ. Qua nhiều thăng trầm của thời gian, qua nhiều đời con cháu nhưng Từ đường vẫn giữ được những nét cổ xưa, những hiện vật phong phú tiêu biểu cho Từ đường của một gia tộc lớn ở Việt Nam. Trong số hiện vật cổ xưa đó hiện hữu chiếc ấn Đại Đô đốc Tây Sơn của ông Bùi Hữu Hiếu. Thậm chí tên và chức vụ của ông cũng được dùng để gọi tên khu di tích họ Bùi trong tiềm thức của nhân dân địa phương. Trong khu Từ đường có nhà thờ chính và hai nhà thờ của phái hai chi nhất và phái 3 chi nhất. Nhà thờ chính được xây dựng từ những năm 30 thế kỷ XVIII ngay khi cụ Bùi Hữu Doãn ra Nông Cống lập nghiệp (1732). Các nhà thờ khác được xây dựng về sau nhưng gần nhất cũng cách ngày nay 100 năm. Nhà thờ chính đã được vua Lê Hiển Tông phong sắc thờ thần năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779). Nhà thờ chính thờ ông Bùi Hữu Doãn và vợ ông là bà Nguyễn Thị Khang, người sáng lập ra làng Ngọc Thiện, Thuỷ tổ dòng họ Bùi ở Nông Cống. Cụ Bùi Hữu Doãn được tôn là Bùi Thượng Công (Đảm Phủ Quân). Vợ ông được Tôn là Bà Đá Phu Nhân. Trong Từ đường còn thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tam toà tứ vị Thánh Nương Đẳng Phúc Thần. Nhà thờ phái hai chi nhất thờ ông Bùi Hữu Nhượng và hai con ông là Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu và tướng Tây Sơn Bùi Hữu Thự cùng các con cháu thuộc phái hai chi nhất. Nhà thờ phụ 3 chi nhất thờ ông Bùi Hữu Tiến, em ruột ông Bùi Hữu Hiếu và con cháu thuộc phái 3 chi nhất. Khu di tích của dòng họ Bùi Hữu đã được công nhận là Di tích văn hoá của tỉnh Thanh Hoá.

 Nguồn tư liệu: Trong mấy thập niên trở lại đây do cố gắng không mệt mỏi của các nhà sử học và các nhà khoa học xã hội, phong trào nông dân Tây Sơn và các nhân vật gắn bó với phong trào này đã được nghiên cứu làm sáng tỏ và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Các tác giả đã khôi phục lại tương đối đúng đắn các bước phát triển của phong trào, các trận đánh, các chiến dịch của cuộc chiến tranh nông dân vĩ đại. Giới nghiên cứu cũng đã đánh giá đúng đắn vai trò, công lao của các lãnh tụ, các tướng lĩnh Tây Sơn, trả lại cho họ vị trí xứng đáng, đưa họ về với dòng chảy của lịch sử dân tộc. Quốc sử Việt Nam và các tác phẩm nghiên cứu đã đề cập được khoảng 20 võ tướng, văn quan, các nhà chính trị, các nhà ngoại giao lỗi lạc của triều đại Tây Sơn, khôi phục lại tương đối rõ ràng cuộc đời và sự nghiệp, những cống hiến của họ cho giai cấp, cho dân tộc, trong sự nghiệp lật đổ các tập đoàn phong kiến thối nát, khôi phục lại nền thống nhất non sông, đập tan các thế lực phong kiến xâm lựơc nước ngoài, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ độc lập dân tộc, đưa Quốc gia Đại Việt dưới triều Quang Trung thành một nước hùng cường ở Đông Nam châu Á khiến vua quan Càn Long nhà Thanh cũng phải kính nể.

 Ai cũng biết rằng sự nghiệp vĩ đại của Tây Sơn kéo dài 31 năm, có quy mô cả nước thì không chỉ có 20 người văn võ cao cấp như lịch sử đã biết. Các tướng lĩnh, các đô đốc, đại đô đốc, các nhà chính trị, ngoại giao của phong trào này còn nhiều hơn nữa. Nhưng một thực tế là sau khi vương triều Tây Sơn sụp đổ năm 1802, Nguyễn Ánh và các vua nhà Nguyễn về sau đã tiến hành trả thù khốc liệt đối với những người đã cộng tác với Tây Sơn. Triều Tây Sơn bị các sử sách nhà Nguyễn gọi là “Nguỵ triều”. Nhà Nguyễn đã cố gắng xóa đi tất cả những chứng tích của vương triều Tây Sơn ở các văn bia, đền miếu. Hầu hết những cựu thần cao cấp của Tây Sơn hoặc bị bắt giết hoặc bị truy lùng. Số còn lại phải đổi tên họ, mai danh ẩn tích. Do đó khi họ mất đi, lịch sử không biết đến nữa vì họ không để lại một dấu tích gì. Nhưng cũng có những người dù mai danh ẩn tích nhưng gia phả họ tộc cũng ghi vài dòng về họ, con cháu đời nay còn giữ được những hiện vật lịch sử quý giá liên quan đến bản thân họ và triều đại Tây Sơn. Đó là một trong những trường hợp hi hữu của Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu ở làng Thượng Văn, xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá mà qua lần về công tác tại địa phương tôi đã phát hiện ra[1]. Những tư liệu chứng minh ông Bùi Hữu Hiếu là Đại Đô đốc Tây Sơn có thể đọc được ở Gia phả họ Bùi Hữu, ở khu Từ đường của dòng họ và hiện vật quý giá là chiếc ấn Đại Đô đốc của ông.

Những tư liệu:

-Di chúc: Bản Di chúc do ông Bùi Hữu Doãn, người được coi là ông tổ của dòng họ Bùi Hữu ở Nông Cống, Thanh Hóa viết bằng chữ Hán năm Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông) thứ 32 (1771). Nội dung bản di chúc viết rằng tổ tiên ông Bùi Hữu Doãn vốn ở thôn Thiên Kỳ, huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An. Vào năm 1732, ông Bùi Hữu Doãn đã đem vợ con di cư về thôn Ngọc Thiện (Ngọc Đảm), đồn Vạn Thiện, châu Nông Phong, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoá để lập nghiệp. Ông Bùi Hữu Doãn đã chiêu mộ nông dân nghèo khai hoang được 88 mẫu ruộng, lập nên làng Ngọc Thiện. Ông không chỉ là ông tổ của họ Bùi Hữu mà cũng là người sáng lập ra làng Ngọc Thiện (nay là làng Thượng Văn, xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá).

 Bản Di chúc chưa thể đề cập đến Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu vì khi ông Bùi Hữu Doãn viết bản Di chúc này thì khởi nghĩa Tây Sơn mới chỉ bùng phát ở ấp Tây Sơn, Bình Định.

-Gia phả: Bản “Gia phả Bùi tộc” bằng chữ Hán do cụ Bùi Hữu Cán biên soạn năm Bảo Đại thứ 17 (1942), do cụ Bùi Xuân Vĩ dịch ra tiếng Việt. Bản “Gia phả Bùi tộc” kế thừa bản Di chúc viết về nguồn gốc dòng họ Bùi Hữu ở Nông Cống và liệt kê thế thứ các đời từ ông tổ Bùi Hữu Doãn và con cháu các thế hệ cho đến năm 1942. Về ông Bùi Hữu Hiếu, cuốn Gia phả Bùi tộc có ghi: “Hai ông Bùi Hữu Hiếu và Bùi Hữu Thự là hai anh em ruột, con ông Bùi Hữu Nhượng, thuộc cháu đời thứ 5 của dòng họ kể từ cụ tổ Bùi Hữu Doãn. Hai ông bị quân Hà Nam (Tây Sơn) bắt đi. Sau đó ông Bùi Hữu Thự mất tích. Dòng họ lấy ngày 16 tháng 8 âm lịch ngày hai ông ra đi làm ngày tế giỗ cho ông Bùi Hữu Thự”.

 Trên cơ sở bản Di chúc và cuốn Gia phả Bùi tộc năm 1942, hậu duệ dòng họ Bùi Hữu đã biên soạn cuốn “Gia phả họ Bùi Hữu” năm 1970”, “Gia phả họ Bùi Hữu” năm 1984 và cuốn “Gia phả họ Bùi Hữu” năm 2000 do ông Bùi Hữu Thược chủ biên bằng chữ Quốc ngữ. Nội dung các cuốn gia phả mới này ngoài những phần như “Gia phả Bùi tộc” năm 1942 còn thêm thế thứ các đời con cháu họ Bùi Hữu cho đến năm 2000. Các cuốn gia phả mới cũng mô tả khu Từ đường, lăng mộ của họ Bùi Hữu ở làng Thượng Văn, Nông Cống, Thanh Hoá. Về Đại Đô đốc Bùi Hữu Hiếu, căn cứ vào “Gia phả Bùi tộc” 1942, căn cứ vào kí ức lưu truyền của các cụ già trong dòng họ, trong làng xã quê hương, cuốn “Gia phả dòng họ Bùi Hữu” năm 2000 viết như sau: “Ông Bùi Hữu Hiếu và ông Bùi Hữu Thự là hai anh em ruột, con ông Bùi Hữu Nhượng, đời thứ 5 dòng họ Bùi Hữu. Hai ông được cha rèn luyện giáo dục văn võ song toàn. Hai ông đã theo quân Tây Sơn đánh Nam dẹp Bắc. Ông Bùi Hữu Thự chết trong cuộc giao tranh với quân Nguyễn Ánh. Dòng họ Bùi lấy ngày hai ông theo nghĩa quân Tây Sơn làm ngày giỗ của ông Thự. Ông Bùi Hữu Hiếu là người học rộng tài cao làm tướng dưới trướng của vua Quang Trung, rất được nhà vua tin cậy. Có lần Quang Trung cử ông đi sứ Trung Quốc. Sau khi vua Quang Trung từ trần năm 1792, ông Bùi Hữu Hiếu càng tận tụy phục vụ cho triều Cảnh Thịnh, cầm quân chống quân Nguyễn Ánh, lập được nhiều chiến công và ông được vua Cảnh Thịnh phong làm Đại Đô đốc năm 1796. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, ông cùng Đại đô đốc Vũ Văn Dũng chạy ra Thanh Hoá rồi về xã Thăng Bình, Nông Cống. Bị quân Nguyễn truy sát gắt gao, ông Vũ Văn Dũng biết thời cuộc đã hết, tự nộp mình cho bọn thổ hào địa phương để mong cái chết của mình vẫn đem lại lợi ích cho dân. Để nhớ ơn ông, dân làng Ngọ Xá, xã Thăng Bình, Nông Cống hàng năm đều tế lễ Quan Tư Đồ Vũ Văn Dũng và 12 năm lại một lần tế đại lễ.

 Còn ông Bùi Hữu Hiếu về quê mai danh ẩn tích, được sự che chở của họ hàng, quê hương làng xóm, ông sống yên ổn và lập gia đình với bà Vũ Thị Đạt. Hai ông bà sinh được bốn người con”[2].

Khu di tích dòng họ Bùi Hữu: Nằm trên địa bàn thôn Thượng Văn, xã Thăng Bình, Nông Cống, Thanh Hóa. Thời Lê gọi là làng Ngọc Thiện (Ngọc Đảm), đồn Văn Thiện, châu Nông Phong, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoá. Khu di tích bao gồm Từ đường chính, hai Từ đường chi phái và khu lăng mộ. Nhân dân địa phương gọi khu di tích của dòng họ Bùi Hữu theo nhiều tên khác nhau:

-Khu Từ đường và lăng mộ Thành Hoàng làng Ngọc Đảm (Tức là gọi theo sắc phong thần của vua Lê phong cho ông Bùi Hữu Doãn làm Thành Hoàng làng Ngọc Thiện vì ông có công sáng lập ra làng).

-Khu nhà thờ và lăng mộ ông bà Bùi Thượng Công và các bậc hiền nhân của dòng họ Bùi Hữu (Bùi Thượng Công cũng là danh hiệu dân làng Ngọc Thiện tôn vinh ông Bùi Hữu Doãn vì công chiêu mộ dân khai hoang lập làng).

-Khu Từ đường và lăng mộ ông Thái thuỷ tổ (Bùi Hữu Doãn) làng Ngọc Thiện

-Khu Từ đường và lăng mộ ông bà khởi Tổ (ông Bùi Hữu Doãn và vợ ông là bà Nguyễn Thị Khang) và ông hậu duệ đời thứ 5: “Hữu Bật đạo Tổng, Hữu chi các vệ Đại Đô đốc” (Bùi Hữu Hiếu) của họ Bùi.

-Nhà thờ Đại càn Quốc gia Nam Hải tam tòa tứ vị Thánh Nương.

-Mộ ông Thành Hoàng làng Thượng Văn.

Như vậy khu di tích dòng họ Bùi Hữu có nhiều tên gọi: Gọi theo công trạng và được phong Thành Hoàng làng Ngọc Thiện của ông Bùi Hữu Doãn, gọi theo danh tính ông Bùi Hữu Doãn là Thuỷ tổ của dòng họ Bùi Hữu ở Nông Cống và là Thuỷ tổ khai sáng ra làng, gọi theo tên của Đẳng Phúc Thần mà Từ đường phối thờ. Điều quan trọng nhất ở đây là nhân dân địa phương đã dùng chức danh Đại Đô đốc của ông Bùi Hữu Hiếu để gọi tên khu di tích dòng họ Bùi Hữu

 Khu Từ đường dòng họ Bùi Hữu: Từ đường gồm 3 nhà thờ: Nhà thờ chính và hai nhà thờ phụ hai chi nhất và phụ 3 chi nhất của dòng họ Bùi Hữu. Nhà thờ chính được xây dựng sớm nhất, vào những năm 30 thế kỷ XVIII khi cụ tổ Bùi Hữu Doãn tới Nông Cống lập nghiệp. Năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779) nhà thờ được vua Lê phong sắc thờ thần. Nhà thờ chính thờ ông Bùi Hữu Doãn và vợ là bà Nguyễn Thị Khang, người sáng lập ra làng Ngọc Thiện, Thuỷ tổ của dòng họ Bùi Hữu ở Nông Cống. Riêng Bùi Hữu Doãn được tôn là Bùi Thượng Công (Đảm Phủ Quân), được sắc phong làm Thành Hoàng làng Ngọc Thiện. Vợ ông được tôn là Bà Đá Phu Nhân. Trong nhà thờ chính còn thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tam tòa tứ vị Thánh Nương Đẳng Phúc thần.

 Nhà thờ phái 2 chi nhất thờ ông Bùi Hữu Nhượng (Phúc Nhượng), đời thứ 4 của dòng họ Bùi Hữu và hai con ông là ông Phúc Hiếu (Đại Đô đốc Bùi Hữu Hiếu), ông Phúc Thự (Bùi Hữu Thự) và các bậc con cháu thuộc phái 2 chi nhất.

Nhà thờ phái 3 chi nhất thờ ông Phúc Tiến (Bùi Hữu Tiến), em ông Bùi Hữu Hiếu và Bùi Hữu Thự) và các bậc con cháu phái 3 chi nhất.

Hiện vật: Trong từ đường hiện vật tương đối nhiều và phong phú về chủng loại dù đã mất mát theo thời gian. Đây là từ đường có loại hiện vật được bảo quản khá tốt trên địa bàn Thanh Hoá. Từ đường chính có 23 loại hiện vật trong đó hạc, rùa cổ một đôi, cửa bức bàn 12 cánh, bát hương cổ 4 chiếc, bát hương đá cổ hai chiếc, 5 câu đối cổ, 2 bộ hộp sắc phong, hai lọng vua Lê ban (năm Cảnh Hưng thứ 40). Từ đường phái hai chi nhất 12 loại hiện vật trong đó câu đối cổ 3 đôi.

(Còn nữa)

CVL

------------------------

[1] Cao Văn Liên, Phát hiện một Đại đô đốc Tây Sơn ở Thanh Hoá, NCLS số 1(320) năm 2002, trang 95-96

[2] .Bùi Hữu Thược chủ biên, Gia phr dòng họ Bùi Hữu, năm 2000, Tr. 9. 10, 83, 84.

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-viet-nam-ky-2-a20014.html