Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 5

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 5.

IV.  KHÔNG CÓ CỨ LIỆU THÌ ĐỪNG NÊN SUY DIỄN

 Trong hai bài báo đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số tháng 1-2002 và số tháng 9-2005, chúng tôi đã thông báo có một Đại Đô đốc Tây Sơn mà lịch sử chưa biết đến, dựa trên cơ sở những chứng cớ lịch sử như chiếc ấn Đại Đô đốc năm 1796, di tích khu Từ đường dòng họ Bùi Hữu đã được xếp hạng là Di tích Văn hóa tỉnh Thanh Hóa, những kết quả nghiên cứu bước đầu của các nhà sử học tỉnh Thanh Hóa, những cuộc khảo cứu thực địa ở huyện Nông Cống. Ông Phan Duy Kha đã có hai bài báo trên tạp chí Thế Giới Mới (TGM) số 669 và 741 (2007) bác bỏ hoàn toàn về việc có một Đại Đô đốc Tây Sơn như vậy. Về bài báo thứ nhất của ông Phan Duy Kha, chúng tôi đó có bài trả lời trên TGM số 734. Qua bài thứ hai của ông Kha, chúng tôi có một vài trao đổi như sau:

1. Trong bài báo thứ hai này, ông Phan Duy Kha vẫn không đưa ra được điều gì mới ngoài việc phủ nhận hoàn toàn rằng không có một Đại Đô đốc nhà Tây Sơn là ông Bùi Hữu Hiếu, dù trong tay ông không có một chút tư liệu nào ngoài bài báo ngắn của chúng tôi trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Ông cho những cứ liệu chúng tôi đưa ra là “sáng tác” (PDK - Không có chứng cớ thì chỉ là “sáng tác” - TGM số 741, tr. 65). Ông không hiểu rằng trong khoa học lịch sử, có trường hợp chỉ cần một đầu mối của sự kiện thì có thể khôi phục lại gần đúng hoàn toàn những sự kiện quan trọng của lịch sử. Ông cũng không hiểu mối quan hệ giữa sáng tác và hiện thực. Trong sáng tác, dù là huyền thoại hay cổ tích thì vẫn phản ánh hiện thực xã hội trong một thời kỳ lịch sử nào đó của một dân tộc. Cho nên văn học, đặc biệt là văn học dân gian vẫn là một trong những kênh tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu và tái tạo lịch sử.

2. Trong cả bài viết, ông Phan Duy Kha không có một gợi ý gì mới như chúng tôi mong đợi, khả dĩ có thể làm rõ thêm những vấn đề còn chưa rõ trong cuộc đời binh nghiệp của ông Bùi Hữu Hiếu. Toàn bộ bài viết chỉ là những lập luận cũ theo lối suy diễn phủ định sạch trơn một cách cực đoan.

 Thứ nhất, từ một chi tiết là có một dòng họ nào đó khai “. . . ông tổ thợ cày” thành danh nhân văn hóa (PDK - tài liệu đã dẫn, tr. 65), ông Phan Duy Kha đã chụp mũ cho tất cả các dòng họ Việt Nam khi có công việc họ hàng, đặc biệt khi có những danh nhân văn hóa, lịch sử cần bàn thì đều là “có mục đích ý đồ” và là “hiện tượng không đẹp” (PDK - tài liệu đã dẫn, tr. 65 và 68). Trong bài báo trước, ông Phan Duy Kha cũng viết với luận điệu như vậy và chúng tôi đã cảnh báo ông rằng khi đánh giá các dòng họ Việt Nam, ông phải hết sức cẩn trọng.

 Thứ hai, để phủ nhận không có Đại Đô đốc Bùi Hữu Hiếu, vẫn luận điệu cũ, ông viện cớ sử nhà Nguyễn không ghi chép tên vị Đại Đô đốc này trong trận Quy Nhơn và trong chiến dịch Quy Nhơn khoảng năm 1801 (PDK - tài liệu đã dẫn, tr. 65-66). Trong bài báo trước, chúng tôi đã cho rằng sử nhà Nguyễn viết sau khi vương triều Nguyễn lật đổ nhà Tây Sơn năm 1802 thì chỉ có thể liệt kê được những tướng lĩnh Tây Sơn mà nhà Nguyễn bắt được, còn những tướng lĩnh như ông Bùi Hữu Hiếu và nhiều tướng lĩnh khác đã mai danh ẩn tích thì nhà Nguyễn làm sao biết được. Đã không biết thì không thể viết, đó là điều sơ đẳng nhất mà ông Phan Duy Kha không hiểu hay cố tình không hiểu? Trong bài báo trước, chúng tôi đã trao đổi với ông Phan Duy Kha rằng khoa học lịch sử dù sao cũng chỉ khôi phục lại gần đúng sự kiện lịch sử mà thôi. Khoa học lịch sử là chủ quan, là nhận thức lịch sử mà nhận thức thì bao giờ cũng có giới hạn, chỉ là chân lý tương đối.

 Thứ ba, ông Phan Duy Kha vẫn phủ định, cho rằng ông Bùi Hữu Hiếu không thể mai danh ẩn tích được ở quê nhà trước sự truy nã của vương triều Nguyễn đối với công thần Tây Sơn. Như vậy theo ông Kha thì vương triều Nguyễn đã bắt được hết tất cả các tướng lĩnh Tây Sơn, không một ai thoát? Chúng tôi cho rằng vương triều Nguyễn không thể bắt được hết tất cả các tướng lĩnh Tây Sơn. Có nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn cho họ, trong đó cơ bản nhất là sự che chở, đùm bọc của nhân dân, của họ hàng, làng xóm. Ông Bùi Hữu Hiếu là một trong những người may mắn như vậy. Trong bài báo ở TGM số 669, ông Phan Duy Kha vẫn cho rằng nếu Bùi Hữu Hiếu là Đại Đô đốc Tây Sơn thì sao gia phả dòng họ Bùi Hữu năm 1942 không ghi? Trong khi đó, gia phả họ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ghi cả thời gian mà Nguyễn Thiếp dưới trướng vua Quang Trung hay như Đô đốc Đặng Tiến Đông còn giữ được cả bằng sắc do nhà Tây Sơn cấp cho ông (PDK - tài liệu đã dẫn, tr. 66). Xin thưa với ông Phan Duy Kha rằng ông được biết gia phả dòng họ Nguyễn Thiếp và bằng sắc của ông Đặng Tiến Đông vào lúc nào? Hiển nhiên là dưới chế độ dân chủ cộng hòa, còn thời vương triều Nguyễn, tôi tin là họ cũng giấu đi để bảo đảm an toàn cho dòng họ. Mỗi dòng họ có một cách bảo đảm an toàn cho mình. Riêng dòng họ Bùi Hữu thì chọn cách không ghi rõ ràng việc ông Bùi Hữu Hiếu tham gia phong trào Tây Sơn và làm tới Đại Đô đốc, do đó, gia phả năm 1942 chỉ ghi là “bị quân Nam Hà bắt” thì đó là điều dễ hiểu.

 Thứ tư, ông Phan Duy Kha cho rằng chiếc ấn ghi năm đúc 1796 là của ông Vũ Văn Dũng. Ông thừa nhận ông Vũ Văn Dũng được phong Đại Đô đốc dưới thời vua Quang Trung (mà theo chúng tôi là vào năm 1789, sau chiến dịch đại phá quân Thanh - CVL) nhưng (theo ông Kha) ông Dũng làm mất ấn hoặc do ấn cũ, do đó phải đúc lại ấn vào năm 1796. Ông Phan Duy Kha cũng lập luận rằng việc phong chức tước và việc đúc ấn là hoàn toàn khác nhau (PDK - tài liệu đó dẫn, tr. 67). Như vậy, theo ông Kha thì dù được phong Đại Đô đốc năm 1789 mà mãi tới 7 năm sau, tức là năm 1796, ông Dũng mới được đúc ấn. Xin thưa với ông Kha rằng ngoài sắc phong thì ấn là thể hiện tư cách pháp nhân về chức vụ và quyền lực của người được phong để mà thi hành quyền lực, đặc biệt là trong quân đội. Không có ấn tín thì điều hành quân đội thế nào được, nhất là trong thời chiến tranh liên tục như thời Tây Sơn? Không lẽ vương triều Tây Sơn dưới sự điều hành của vua Quang Trung lại làm việc tắc trách như vậy? Còn ông Dũng đánh rơi ấn và đúc lại ấn là câu chuyện rất khó tin. Có câu “Khư khư như quan huyện giữ ấn”. Ấn là sinh tử đối với một quan chức thời phong kiến. Hơn nữa, một Đại Đô đốc tài năng của Tây Sơn như ông Vũ Văn Dũng (theo ông Kha) mà có một cái ấn cũng không giữ được, vậy ông Dũng là một tướng lĩnh thế nào? Vả lại, nếu có rơi ấn thì khi đúc lại, triều Tây Sơn vẫn phải ghi năm ông Dũng được phong Đại Đô đốc là năm 1789, không có lý do gì lại bớt của ông Dũng mất 7 năm “thâm niên” Đại Đô đốc? Như vậy, chiếc ấn ghi năm đúc 1796 mà dòng họ Bùi Hữu còn giữ được đến nay hiển nhiên là của ông Bùi Hữu Hiếu. Ông Kha đòi dòng họ Bùi Hữu phải có sắc phong Đại Đô đốc của ông Bùi Hữu Hiếu. Như đã nói ở trên, ấn tín và sắc phong là hai vật thể hiện “tư cách pháp nhân” của tước vị, quyền lực của người được phong. Nhưng sắc phong của ông Hiếu có thể đã bị mất. Ấn tín phải luôn mang theo mình để thi hành quyền lực, nhưng sắc phong thì không ai mang theo bên mình. Ví như bây giờ người ta chỉ mang huân, huy chương, không ai mang cả bằng huân, huy chương bên mình. Ông Hiếu có thể để sắc phong ở một nơi nào đó trong quân doanh của mình và trong cơn biến loạn của chiến tranh, việc mất mát là có thể hiểu được.

3. Về gia phả, viết lại vào năm 2000 của dòng họ Bùi Hữu, ông Phan Duy Kha quy kết đó là “. . . sáng tác của con cháu trong dòng họ được thôi thúc bởi ước vọng muốn vinh danh tổ tiên. . . ” (PDK - tài liệu đã dẫn, tr. 68). Ở đây, ông Phan Duy Kha đã “chụp mũ” và thiếu cẩn trọng khi đánh giá các dòng họ Việt Nam. Chúng tôi đã nói điều này ở mục 1, chỉ nói thêm rằng, khi viết lại gia phả vào năm 2000, soạn giả gia phả dòng họ Bùi Hữu đã dựa vào những chứng cớ lịch sử, những kết quả nghiên cứu của giới sử học Thanh Hóa, những hiện vật lịch sử mà ông Phan Duy Kha, dù tư biện thế nào cũng không thể bác bỏ nổi. Bất kỳ dòng họ nào, khi có những cứ liệu như vậy hiện hữu thì chắc chắn họ cũng viết như vậy trong gia phả dòng họ mình. Ông Kha cũng cho rằng các kết luận của các nhà sử học tỉnh Thanh Hóa là “. . . thiếu sức thuyết phục. . . ” (PDK - tài liệu được dẫn, tr. 68), đó là một ý kiến vội vàng, võ đoán của ông Kha, vì bản thân ông Kha cũng chưa rõ các nhà sử học Thanh Hóa đó làm được những gì khi nghiên cứu và kết luận về Đại Đô đốc Bùi Hữu Hiếu.

4. Tóm lại , bài báo thứ hai của ông Phan Duy Kha bàn về Đại Đô đốc Bùi Hữu Hiếu không có gì mới. Ông chưa về Nông Cống, Thanh Hóa, khảo sát theo lời mời của chúng tôi để đóng góp vào nghiên cứu, tìm tòi một Đại Đô đốc mới của triều đại Tây Sơn như giới sử học từng làm với Đô đốc Đặng Tiến Đông. Chúng tôi (CVL) nêu lên hiện tượng có một Đại Đô đốc Tây Sơn là mong để các nhà khoa học lưu tâm nghiên cứu, thì ông Kha đã viết bài đánh đồng sự kiện này với một sự kiện khác của một dòng họ nào đó “tôn vinh ông tổ thợ cày thành danh nhân văn hóa” để “cảnh báo với dư luận về hiện tượng không đẹp trên” (PDK - tài liệu đã dẫn, tr. 65), “. . . những điều đó công bố như một sự kiện bổ sung cho lịch sử thì phải cảnh giác”, rằng đó là “ý đồ. . . ” (PDK - tài liệu đã dẫn, tr. 68). Trong tranh luận khoa học, việc tác giả phải dùng đến những ngôn từ thiếu nghiêm túc, không khoa học chỉ chứng minh sự thiếu tính xác thực về luận cứ của người tranh luận.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-viet-nam-ky-5-a20147.html