Chuyện làng - Chuyện phố: "Phú Quý... giật lùi !"

Gần đây, dân làng Cà Bé bỗng xôn xao về câu chuyện “Phú quý... giật lùi” đối với vị có biệt danh “quan mượn”. Nghe có vẻ là lạ! Đã phú quý, có nghĩa là giàu sang phú quý, cớ sao lại giật lùi? Thế mới nên chuyện. Nghe, tưởng như vô lý, song lại là chí lý, giật lùi là lùi lại, gần hơn trước, thấp hơn trước, hẳn nhiên đồng nghĩa với xuống cấp.

Vị “quan mượn” chính quê ở tỉnh Đông, nguyên là cán bộ cấp vụ, học vị Thạc sĩ luật, vì tham quan, "gió chiều nào theo chiều ấy" mà dân nơi đây gọi là “thạc sĩ lệch lạc”, hay “nhìn gà hoá cuốc”. Vị này từ cơ quan cấp trên, không rõ bằng con đường nào, cách nay đúng chục năm được luân chuyển làm Phó Chủ tịch tỉnh từ nhiệm kỳ trước cho đến nhiệm kỳ này.

dt2-cach-chuc-1729441335.jpg

Tranh biếm hoạ về chống tiêu cực, tham nhũng. Nguồn: Internet

Kết thúc nhiệm kỳ đầu, địa phương này cứ tưởng vị “quan mượn” đó là cán bộ quy hoạch nguồn sẽ được rút về trên để đưa vào cơ cấu cấp cao, thăng quan tiến chức ở tầm vĩ mô, làm chỗ dựa cho dàn cán bộ địa phương và để dân chúng nơi đây được nhờ. Nhưng điều mong ước ấy đã không diễn ra. Sự thể đó làm cho cả tỉnh thất vọng. Không ít cán bộ địa phương bức xúc bày tỏ phải “nuôi báo cô” vị này bị “tụt tạt” không có đường về, buộc địa phương phải gánh chịu một suất “quan mượn” thừa mứa, vô dụng từ trên dội xuống.

Vị này tiếp tục ở lì tại địa phương càng làm cho mọi người ngao ngán. Đến giữa nhiệm kỳ hai (2020 -2025), vận đen ập đến, vị “quan mượn” là một trong số những quan chức với chức danh là Phó chủ tịch tỉnh bị kỷ luật cảnh cáo do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác, đã bị thi hành kỷ luật về Đảng. Với mức kỷ luật đó, vi “quan mượn” này hết đường tiến mà “quan lộ” đương nhiên bị tụt dốc. Từ Phó chủ tịch tỉnh giáng xuống làm đốc Sở xây dựng, vẫn là “đầu gà mổ thóc”, kiếm chác tiếp!

Các cựu chiến binh ở địa phương cho rằng thằng cha này là con “sâu mọt” đục khoét lâu nay, từng bị báo chí phanh phui, nhất là “ăn bẩn” trong vụ xử lý sai phạm của lãnh đạo sân gôn Ngôi Sao, đã buộc phải bán 5% cổ phần (mỗi cổ phần 6 tỷ đồng) để “giữ ghế” quan trường, kiếm được một khoản lớn mà chỉ bị kỷ luật cảnh cáo, giáng chức là quá nhẹ. Hắn vẫn thuộc diện may mắn, thoát án tù, không bị lộ về “tài sản khủng” tích cóp được kể từ khi làm Phó chủ tịch tỉnh. Trong khi đó, cấp trên trực tiếp của hắn là cặp đôi Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh cùng một loạt thuộc hạ đã bị khởi tố, khám xét nơi làm việc và nhà ở, lộ hết chân tướng về tài sản vơ vét được, bị bắt tạm giam để điều tra về tội “nhận hối lộ” cùng những sai phạm khi đương nhiệm, chờ ngày đưa ra xét xử, coi như công danh, sự nghiệp đổ xuống sông, biển, lưu danh tiếng xấu muôn đời về “quan tham” mặc áo số.

Tuy vậy, trường hợp “giáng chức” của vị “quan mượn” này cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những tiêu chí cần thiết để giữ vững uy tín và trách nhiệm trong bộ máy công quyền.

Điều đáng chú ý là vị quan chức này từng nổi bật với những phát biểu về đạo đức công vụ và sự trong sáng trong lối sống. Hắn thường rao giảng về việc nâng cao phẩm chất đạo đức, khuyến khích sự minh bạch và trách nhiệm trong công việc. Thế nhưng, chính sự tha hóa và biến chất về đạo đức đã dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng, khiến phải chịu kỷ luật được công bố công khai trên truyền thông trong tháng 6/2024. Nếu vị “quan mượn” này không thấm thía về bài học “liêm, chính” mà vẫn “ngựa quen đường cũ”, máu “quan tham” nổi lên thì sớm muộn cũng vào “nhà đá” bóc lịch.

Dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều về các quyết định này. Nhiều người cho rằng việc hạ chức là chưa đủ mạnh tay trước những vi phạm và những tai tiếng mà vị quan chức này đã mắc phải. Họ đặt ra câu hỏi liệu có đủ tính nghiêm minh trong xử lý kỷ luật, đặc biệt trong bối cảnh người dân đang kỳ vọng vào sự minh bạch và trách nhiệm từ những người lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương?

Mỗi lần xuất hiện trước công chúng, vị quan này thường phải đối diện với những lời bêu riếu quan tham, như "không có lỗ mà chui", thể hiện sự châm biếm và phê phán về phong cách làm việc và sự thiếu trách nhiệm trong quản lý. Những hình ảnh như vậy làm xói mòn lòng tin của người dân và càng làm nổi bật sự cần thiết phải có những cán bộ công chức có năng lực và tâm huyết, phải kiên quyết loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” trong bộ máy công quyền.

Câu chuyện này cũng đặt ra một vấn đề lớn hơn về nền công vụ tại tỉnh này. Sự phú quý của chức vụ không nên là điều kiện để người ta đánh mất trách nhiệm và sự trung thực. Thay vào đó, mỗi cán bộ công chức phải ý thức được rằng, danh vọng và quyền lực đi đôi với trách nhiệm phục vụ cộng đồng và giữ gìn lòng tin của dân.

Trong bối cảnh hiện nay, việc xử lý kỷ luật là cần thiết, nhưng không thể chỉ dừng lại ở đó. Cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc công bằng và minh bạch. Điều này không chỉ giúp khôi phục niềm tin của người dân mà còn xây dựng một nền hành chính vững mạnh, hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển chung của xã hội.

Vì vậy, bài học từ vụ việc “quan mượn” này không chỉ là một câu chuyện cá biệt, mà là lời nhắc nhở đối với toàn bộ bộ máy công quyền. Để xây dựng một chính quyền trong sạch, các cán bộ phải luôn giữ vững phẩm chất, tinh thần trách nhiệm và không ngừng nỗ lực cống hiến cho xã hội. Phú quý không chỉ nằm ở chức vụ mà còn ở sự tôn trọng và lòng tin mà người dân dành cho những người lãnh đạo. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”

Q.Y

Quân Yên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/chuyen-lang-chuyen-pho-phu-quy-giat-lui-a20513.html