Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 13

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 13.

Từ điện Diên Hồng, các bô lão tỏa về các địa phương mang ý chí quyết chiến đến toàn dân. Qua Diên Hồng, triều đình và nhân dân đã đồng thuận, đoàn kết thành một khối thống nhất để kháng chiến cứu nước. Hội nghị Diên Hồng trở thành biểu tượng tiêu biểu nhất của việc thực hiện dân chủ, đoàn kết, đồng thuận trong lịch sử dân tộc trong thời đại đó. Lời hô quyết đánh của các bô lão ở điện Diên Hồng là tiếng kèn xung trận hùng tráng thôi thúc cả dân tộc đồng tâm nhất trí dũng cảm xông lên tiêu diệt quân thù hung bạo.

 Thời Hậu Lê, Lê Thái Tổ đã ban nhiều chiếu cho phép quan lại tấu trình về những sai lầm trong ý chỉ của nhà vua để vua chỉnh sửa. Thời Lê Nhân Tông cũng đã phát huy tinh thần dân chủ, tiếp thu phê phán như vậy. “Phàm chính sự noi theo phép cũ, đều có phép sẵn, sai đình thần họp bàn tất cả rồi mới thi hành, cho nên chính trị hay, giáo hóa tốt khắp ra bốn biển, trăm họ mến đức, đời được thái bình”[1].

c. Cách thức thực hiện dân chủ trong chọn hiền tài: Tính chất dân chủ của các triều đại cũng thể hiện ở việc trọng dụng nhân tài không chỉ xuất thân từ tầng lớp quý tộc mà còn trọng dụng những người tài đức từ tầng lớp bình dân vào bộ máy nhà nước và vào guồng máy quân sự. Thời nhà Trần dù là nền quân chủ quý tộc, tức là phần lớn quan văn và tướng đều là quý tộc, nhưng nhà Trần vẫn thu nhận nhân tài từ tầng lớp bình dân như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Đỗ Hành, Yết Kiêu… và họ đã trở thành những võ tướng tài giỏi, lập nhiều chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên-Mông.

 Bộ máy nhà nước thời Hậu Lê phát triển thành nền quân chủ quan liêu, nguồn quan lại không giới hạn ở tầng lớp quý tộc mà cũng tuyển chọn người tài ở tầng lớp bình dân lao động thông qua con đường học hành thi cử. Ngoài các trường lớn ở kinh đô như Quốc Tử Giám, nhà nước cũng cho mở các trường học ở các địa phương do các thầy đồ Nho giảng dạy, cho con em nông dân lương thiện vào học để tuyển chọn quan lại tài đức, bổ sung vào bộ máy nhà nước. Con em nông dân, bình dân được dự các kỳ thi hương, đỗ thi Hương nhận học vị Cống sĩ. Cống sĩ đi thi Hội do nhà nước tổ chức, đỗ thi Hội nhận học vị tiến sĩ. Tiến sĩ đi thi Đình đỗ nhận học vị trạng nguyên. Trạng nguyên là học vị cao nhất của thi Nho học. Đỗ tiến sĩ, trạng nguyên sẽ được bổ nhiệm vào bộ máy quan lại ở Trung ương và địa phương. Để hàng ngũ dân thường học hành thi cử trở thành trí thức, quan lại phong kiến là việc thực hiện dân chủ có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục, văn hoá. Qua thi cử, nhà nước chọn được nhân tài, nguyên khí quốc gia bổ sung cho bộ máy nhà nước. Thiếu nhân tài trong bộ máy nhà nước sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách an dân, vững yên thế nước. Ngoài nguồn thi cử để phát hiện nhân tài, nhà nước cũng khích lệ các quan phát hiện và tiến cử nhân tài. Như năm 1428 Lê Lợi đã ra lệnh cho các đại thần tiến cử những người tài giỏi thanh liêm để làm quan ở các lộ. Những quy định luật về tiến cử cũng rất rõ ràng và nghiêm khắc, tiến cử được người tài thực, người tiến cử sẽ được trọng thưởng, tiến cử giả dối sẽ bị trừng phạt.

 Dưới triều Tây Sơn, vua Quang Trung cũng ra sức chiêu hiền đãi sĩ, kén chọn nhân tài để phục vụ cho chế độ mới. Triều đại Tây Sơn chiêu hiền đãi sĩ những trí thức quan lại xuất thân từ giai cấp thống trị của chế độ Trịnh -Nguyễn. Nhiều sĩ phu danh tiếng của Bắc Hà được vua Quang Trung mời ra, giữ những trọng trách khác nhau trong nhà nuớc Tây Sơn như Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích… Đó là kiểu thực hiện dân chủ đặc sắc của triều đại Tây Sơn, hoàn toàn vượt khỏi tâm lý chật hẹp của đấu tranh chính trị là không dung thứ những người thuộc chế độ cũ thù địch, một nhãn quan thiển cận dẫn tới nhiều lãng phí tài năng, gây nên nhiều thảm họa chính trị đau lòng. Nhưng cũng chỉ có tư tưởng phóng khoáng rộng rãi của nông dân mới có chính sách chiêu hiền đãi sĩ như vậy. .

 d. Cách thức thực hiện dân chủ với dân tộc thiểu số: Nước ta là nước có nhiều dân tộc ít người. Để đoàn kết dân tộc không thể không đoàn kết giữa dân tộc đa số với những dân tộc ít người. Các triều đại phong kiến Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của chiến lược đó nên họ có những chính sách rõ ràng đối với các dân tộc thiểu số, tức là thực thi chính sách dân chủ đặc sắc với đồng bào thiểu số. Nhà Trần đã dùng chính sách khoan dung và hiểu biết lẫn nhau để các thủ lĩnh dân tộc quy phục triều đình. Tiêu biểu là Trần Nhật Duật, một vị tướng tài năng biết tất cả phong tục, tập quán và thông thạo tiếng nói của các tộc người thiểu số của nước ta khi đó. Ông đã dùng tài năng đó cùng với lòng thương yêu, tin tưởng vào đồng bào nên đã thu phục được Trịnh Giác Mật khi thủ lĩnh này nổi dậy chống lại triều đình, bảo vệ được quyền lực nhà nước và đem lại bình yên cho mạn Đà Giang (miền Tây Bắc). Nhà Lý đã thi hành chính sách bình đẳng giữa các dân tộc, thực hiện chính sách “kimi” (ràng buộc), đem các công chúa gả cho các tù trưởng các dân tộc thiểu số, đối đãi thân tình với họ làm chỗ dựa yên dân vững nước. Nhưng điều cơ bản trong chính sách dân tộc của các triều đại là chăm lo đời sống, quyền lợi cho các dân tộc thiểu số. Chính sách đó đó mang lại hiệu quả to lớn, đoàn kết được các dân tộc và  đóng góp xứng đáng vào công cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc cũng như trong hoà bình xây dựng đất nước, củng cố giữ vững biên cương. Những tấm gương tiêu biểu cho đóng góp của đồng bào thiểu số vào sự nghiệp bảo vệ và giải phóng đất nuớc là phò mã Thân Cảnh Phúc, Dương Tự Minh, Vi Thủ An thời Lý, Hà Đặc, Hà Chương, Nguyễn Thế Lộc đời Trần, Lí Huề thời Hậu Lê. Chính sách dân tộc của nhà Hậu Lê khác nhà Lý. Lê Thánh Tông cho các tù trưởng đảm nhận những chức vụ như tri châu, biến họ thành quan chức của triều đình để họ phục tùng chính quyền trung ương, dành cho họ những quyền lực lớn ở địa phương như được cai quản dân theo phong tục tập quán của tộc người đó. Các tù trưởng có công được phong tước phẩm cao, những kẻ chống lại triều đình bị trấn áp kiên quyết. Kết quả những chính sách thân dân đối với đồng bào dân tộc thiểu số của các triều đại đã củng cố, mở rộng quyền lực trung ương ra tận những miền xã xôi biên viễn.

đ. Cách thức thực hiện dân chủ trong tố tụng: Nền pháp chế của các triều đại cũng đã thể hiện ở những mức độ nhất định sự quan tâm bảo vệ quyền lợi cho nhân dân. Pháp luật triều Lý đã tìm cách hạn chế sự oan khuất, tìm cách giải toả oan khiên cho nhân dân. Oan ức của nhân dân là một tai nạn chính trị. Ở bất cứ triều đại, chế độ tiến bộ nào cũng đều ra sức hạn chế tai nạn đó. Trước hết phải cho nhân dân bị oan khuất có chỗ kêu oan và giải quyết nỗi oan. Lý Thái Tổ đã cho xây dựng cung Long Đức, lấy điện Diên Khánh làm nơi xử kiện và khiếu kiện cho nhân dân. Nhà vua xuống chiếu: “Từ nay ai có việc tranh kiện cho đến triều tâu bày, trẫm thân xét xử. ”[2]

 Năm 1029 vua Lý Thái Tông cho đặt chuông ở thềm điện Văn Minh để “dân chúng ai có oan ức, việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông kêu lên”[3]. Năm 1033 lại cho đúc chuông vạn cân ở Lầu Chuông cung Long Trì để dân chúng dóng chuông tỏ bày oan ức.

 Trong bộ “Quốc triều hình luật” (luật Hồng Đức) là bộ luật điển hình nhất của pháp chế phong kiến Việt Nam đã có nhiều quy phạm nhằm bảo vệ cuộc sống của con người, của người cô quả, người tàn tật, trẻ mồ côi. Luật nghiêm cấm chủ đất biến dân tự do (nông dân) thành nô tì. Luật Hồng Đức là bộ luật phong kiến duy nhất bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Luật quy định khi có việc hệ trọng trong gia đình chồng phải bàn bạc với vợ. Chồng chết thì vợ có quyền quản lý tài sản của gia đình. Phụ nữ được hưởng quyền thừa kế một phần tài sản, đặc biệt đối với loại tài sản phu thê điền sản và thê gia điền sản. Luật cho phép vợ được ly hôn chồng nếu lỗi do người chồng. Ly hôn do lỗi của người chồng thì người vợ được hưởng một phần tài sản. Bộ luật đã quan tâm đến đời sống của nhân dân ở mức độ nhất định, quan tâm đến những người nghèo khổ, quy định trừng phạt nghiêm khắc quan lại nhũng nhiễu, ức hiếp nhân dân. Trong bộ luật tố tụng “Quốc triều khám tụng luật lệ”, nhà Hậu Lê cho phép đưa những quan viên hà lạm, cậy thế ức hiếp dân lành ra xét xử.

e. Cách thức thực hiện dân chủ trong mối quan hệ với công xã nông thôn: Một trong những việc thực hiện dân chủ và đường lối chính trị thân dân là nhà nước phong kiến xử lí mối quan hệ giữa nhà nước với nền tự trị dân chủ của công xã nông thôn. Qua hàng chục vạn năm tồn tại xã hội nguyên thuỷ, đã hình thành nền dân chủ và sự bình đẳng kiểu xã hội nguyên thuỷ. Khi công xã nguyên thuỷ tan rã, bước sang xã hội có giai cấp và nhà nước thì công xã thị tộc chuyển thành công xã nông thôn. Công xã nông thôn tồn tại chủ yếu ruộng đất công, kinh tế tự túc tự cấp. Trên cơ sở đó trong công xã nông thôn vẫn tồn tại nền dân chủ tự trị tương đối độc lập với nhà nước. Dân chủ tự trị trong lệ làng (hương ước ), dân chủ trong bàn định công việc của làng xã, dân chủ trong việc cử các quan chức xã và hội đồng chức dịch. Công xã có truyền thống công bằng, dân chủ, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Công xã và là tế bào vững chắc của chế độ phong kiến, và là pháo đài bất khả xâm phạm, sức mạnh chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân để bảo vệ Tổ quốc.

 Nhà nước phong kiến chuyên chế muốn củng cố mở rộng quyền lực đương nhiên là có mâu thuẫn với nền tự trị dân chủ của công xã. Nhưng hầu hết các triều đại đều tìm cách hoà đồng với công xã nông thôn, tôn trọng quyền tự trị dân chủ của công xã, ra sức bảo vệ duy trì công xã. Nhà nước cho phép công xã duy trì ruộng đất công, duy trì hương ước lệ làng bên cạnh pháp luật của nhà nước, duy trì hội đồng chức dịch để họ toàn quyền quyết định những công việc của công xã. Thậm chí như nhà Hậu Lê còn biến công xã thành cơ sở bóc lột của nhà nước. Tự trị, dân chủ nhưng công xã không đối lập với nhà nước, với chính quyền trung ương. Người dân công xã có trách nhiệm đóng thuế, đi lính, đi lao dịch cho nhà nước. Như vậy việc dung hoà với nền dân chủ tự trị của công xã, nhà nước phong kiến đã biến công xã thành những tế bào vững chắc của chế độ, đoàn kết được nhân dân công xã để huy động họ vào sự nghiệp bảo vệ đất nước và xây dựng đất nước.

4. Kết luận. Những điều kiện bảo đảm cho nhiệm vụ dân chủ được thực hiện có hiệu quả là những nhà lãnh đạo quyết tâm thực hiện dân chủ, đem lại quyền lợi cho nhân dân. Phải có một bộ máy nhà nước (thông qua quan lại) thực thi dân chủ đồng thuận có hiệu quả để khả dĩ biến tư tưởng dân chủ, đồng thuận trở thành hiện thực trên toàn lãnh thổ, phải phát huy truyền thống dân chủ của nhân dân, của dân tộc đồng thời phải liên tục bổ sung những lý luận mới cho hợp xu thế thời đại đã thay đổi. Và một điều cực kỳ quan trọng là phải biến những tư tưởng dân chủ có thể được thành pháp luật và mượn quyền lực của nhà nước mà thực hiện, nhất là trong sự nghiệp bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

(Còn nữa)

CVL

 

[1]. Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên, H. 1993, Tr, 159.

[2]. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học Xã hội Việt Nam, H. T2, Tr. 239.

[3]. Sách đã dẫn,  Tr. 269

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-viet-nam-ky-13-a20546.html