Chuyện làng - Chuyện phố: Bi kịch hư hỏng từ cha đến con...

Trong cái nhìn hiện thực của xã hội, hư hỏng không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn phản ánh một cách sâu sắc sự suy thoái của đạo đức và lối sống. Làng trên, xóm dưới ở Lạc Y bên dòng sông Cà Bé bàn tán chuyện về nhân vật Phạm Vấn từng “lên voi xuống chó” trong thời buổi kinh tế thị trường với những hệ lụy thăng tiến và hư hỏng, mang tiếng cả gia đình và xã hội.

dt1-pham-van-1730043556.jpeg

Tranh biếm hoạ về chống tiêu cực, tham nhũng. Ảnh: Internet.

Tưởng được về hưu là “hạ cánh” an toàn nhưng không ngờ Phạm Vấn bị truy trách nhiệm người đứng đầu, hứng chịu kỷ luật Đảng bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc của Tỉnh ủy và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc quyết định bổ nhiệm một số cán bộ không bảo đảm nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn. Ông ta đã cho chủ trương nhiều dự án có sử dụng đất không đúng quy định; thiếu quan tâm kiểm tra, giám sát để UBND tỉnh vi phạm nghiêm trọng trong quản lý đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm và trong quản lý, sử dụng đất.

Trên cơ sở đó, những giáo chức cùng thời với Phạm Vấn đã nghỉ hưu đặt câu hỏi: Điều gì đã dẫn đến sự suy thoái của vị này ? Lập tức nhận được câu trả lời: Chính là cái tôi mù quáng và lòng tham đã khiến ông ta đánh mất những giá trị nhân văn mà khi đương quyền hắn từng tỏ ra là “gương trong sáng”, lớn tiếng rao giảng “đạo đức gương mẫu...” trước bàn dân thiên hạ. Bị sai phạm nghiêm trọng mà ông ta thoát án tù, chỉ bị kỷ luật cách chức vụ về Đảng khi đương nhiệm là quá nhe, chưa đủ mức răn đe, giáo dục.

Bây giờ có dịp nhìn lại, Phạm Vấn xuất thân là một giáo viên cấp 2 trước đây, nay gọi là trung học cơ sở, đã từng bước leo lên vị trí cao nhất trong bộ máy lãnh đạo tỉnh. Thời buổi khó khăn thuở ban đầu mới chuyển sang kinh tế thị trường, vị này từng có lúc bỏ bê nghề giáo cũng như sinh hoạt Đảng vài năm, trở thành “lái buôn” chuối lên biên giới phía Bắc để kiếm tiền hơn là dạy học. Nhưng do có “người chống lưng”, ông ta không những không bị kỷ luật mà còn trở thành Trưởng phòng giáo dục, nhanh chóng lên Chủ tịch, Bí thư huyện. Rồi chẳng mấy chốc, ông ta được cất nhắc lên Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra của Tỉnh uỷ, rồi lên thẳng làm Bí thư tỉnh.

Với tư duy lái buôn, cứ “được giá cao hơn là bán”, coi tiêu chí “tiền tệ” là trên hết, thời Phạm Vấn đứng đầu tỉnh, nạn “mua quan bán tước” diễn ra sôi động, dẫn đến hậu quả thê thảm hôm nay. Bí thư tỉnh kế nhiệm từ nhiệm kỳ trước do ông ta tiến cử, được khẳng định là lựa chọn kỹ lưỡng nhưng đến giữa nhiệm kỳ hai (2021 – 2026) lấy phiếu tín nhiệm kiêm chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh vẫn đạt gần 98% số phiếu tín nhiệm cao mà chỉ vài tháng sau đó bị kỷ luật khai trừ Đảng, bị khởi tố bắt tạm giam về tôi nhận hối lộ.
Điều đáng nói hơn nữa là kẻ mà Phạm Vấn gửi gắm niềm tin, từng nhận làm “con nuôi” leo lên đến chức Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ này cũng bị bắt cùng ngày với Bí thư tỉnh để điều tra về tội nhận hối lộ “khủng”, gây chấn động dư luận, đang chờ ngày đưa ra xét xử.

Việc Phạm Vấn bị kỷ luật Đảng sau khi nghỉ hưu và người kế nhiệm làm Bí thư tỉnh cùng với “con nuôi” là Chủ tịch tỉnh đương nhiệm bị bắt giam để điều tra về tội nhận hối lộ là hệ quả tất yếu về những cán bộ do ông ta quy hoạch, kế nhiệm bị hư hỏng hẳn, không chỉ là một cú sốc đối với bản thân cùng gia đình mà còn là một hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống đã không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn tác động sâu sắc đến con cái và trật tự kỷ cương xã hội.

Bi kịch là con trai Phạm Vấn đã trở thành “nghịch tử” hư hỏng, sa đà vào những thói quen xấu, không còn coi trọng việc học hành, rèn luyện bản thân, là kẻ nghiện ngập, nếu không có khối tài sản kết xù do ông ta kiếm chác được khi đương nhiệm thì sự phá phách của con trai nghiện ngập rồi đến lúc phải “ra đê” mà ở. Điều này cho thấy rằng, khi cha mẹ không làm gương tốt, khi họ chỉ chăm chăm vào việc thăng tiến, kiếm chác mà quên đi trách nhiệm giáo dục con cái, dẫn đến bi kịch như Phạm Vấn là hệ quả tất yếu.

Con đẻ bị hư hỏng, ông ta liền trông cậy vào con gái, gã chồng cho một vị từng đi xuất khẩu lao động về làm công nhân, chưa đóng góp được gì cho tỉnh. Ấy thề mà có lẽ bằng “quan hệ”... con rể ông ta cũng đã ngoi lên bằng nghiệp kiểm tra mà ông ta từng nắm giữ trước khi làm Bí thư tỉnh. Cung “quan lộ” của con rể phất lên như diều gặp gió, từ đứng đầu kiểm tra luân chuyển sang làm Phó chủ tịch cơ quan dân cử, nay lại vừa luân chuyển tiếp làm thị trưởng, là cán bộ nguồn chiến lược cho khoá tới. Hãy đợi thực tiễn kiểm nghiệm xem vị “phò mã” này có “khả uý” hay lại “khả ố” đi vào vết xe đổ của ông ta và không ít quan tham tỉnh này vừa bị khởi tố điều tra về tội tham nhũng cũng như các hình thức kỷ luật về Đảng và chính quyền.

Từ việc Phạm Vấn nhận "con nuôi" leo lên chức Chủ tịch tỉnh và đặt niềm tin vào người này sớm bị hư hỏng hẳn càng làm rõ nét hơn về cái gọi là "đạo đức suy thoái". “Con nuôi” từ một người làm cán bộ thuế, được nâng đỡ bằng phong bao, lo lót lên vị trí cao với những lợi ích cá nhân, cũng như thực hiện những hành vi trái pháp luật, đã phản ánh bản chất của mối quan hệ bất chính, trở thành những “con sâu làm rầu nồi canh” trong bộ máy công quyền. Sự lạm dụng quyền lực không chỉ diễn ra ở một cá nhân mà là trong hệ thống, nơi mà lòng tham và sự hư hỏng nối tiếp nhau từ bị kỷ luật cảnh cáo, cách các chức vụ đương nhiệm, đến hỏng hẳn, dính vào lao lý, thật sự là “điểm ngẽn” trong công tác cán bộ ở tỉnh này đến bao giờ mới gỡ ra được ?

Do vậy, con rể của Phạm Vấn cũng không phải là ngoại lệ. Việc được bồi dưỡng, luân chuyển lên các vị trí cao trong bộ máy công quyền mà không có thực lực, chỉ dựa vào mối “quan hệ”, “tiền tệ” như tư duy “lái buôn” của Phạm Vấn lúc đương quyền đã khiến cho người dân giảm niềm tin vào sự công bằng xã hội. Những hành vi tham nhũng, tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân mà còn làm xói mòn những giá trị đạo đức của xã hội cần phải được chấn chỉnh nghiêm túc.

Cuối cùng, bi kịch từ cha đến con nêu trên, chúng ta nhận ra rằng hư hỏng không chỉ đơn thuần là vấn đề của cá nhân, mà là bài học lớn cho toàn xã hội. Đó là một chuỗi phản ứng dây chuyền, nơi mà người cha hư hỏng sẽ để lại di sản xấu cho con cái, và nếu không có sự can thiệp kịp thời, xã hội sẽ “tụt hậu” bởi sự tha hóa của đạo đức và lối sống.

Nhìn lại, điều cần thiết hơn bao giờ hết là phải thường xuyên tự soi xét về tư tưởng, đạo đức trong mỗi cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của những người đứng đầu, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn “ Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất !". Chỉ có như vậy, mới hy vọng rằng thế hệ hiện tại và tương lai bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” sẽ không phải gánh chịu di hại của sự hư hỏng từ cha đến con như Phạm Vấn.

Q.Y

Quân Yên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/chuyen-lang-chuyen-pho-bi-kich-hu-hong-tu-cha-den-con-a20880.html