Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 21

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB ThanhNiên ấn hành năm 2022.

Kỳ 21.

Mở chiến dịch biên giới ta còn nhằm mở thông hành lang Đông -Tây, nối thông giữa Nam và Bắc Bộ liên khu Ba và Việt Bắc. Mở đầu chiến dịch biên giới, ngày 16-9-1950 ta tấn công Đông Khê (Cao Bằng). Trận chiến diễn ra quyết liệt. Sau hai ngày đêm chiến đấu, 10 giờ ngày 18-9-1950 ta tiêu diệt Đông Khê, diệt 300 tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Sau đó ta chiến thắng ở Thất Khê. Bị thất bại, quân Pháp lần lượt rút khỏi Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lộc Bình, Đình Cả, An Châu. Như vậy chiến dịch biên giới bắt đầu từ 15-9-1950 đến 17-10-1950 thì kết thúc. Ta tiêu diệt 11.500 tên địch, hai đại tá Lơpagiơ và Sác tông, 91 sĩ quan, 200 hạ sĩ quan, thu 11 đại bác, 3.000 súng, 60 xe tải, 500 tấn đạn dược, giải phóng 750 km đường biên giới, 4.000 km2 đất, 35 vạn dân; nối thông nước ta với phe xã hội chủ nghĩa, phá thế bao vây cô lập cách mạng nước ta của chủ nghĩa đế quốc. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, bẻ gãy hành lang Đông-Tây của Pháp. Chiến dịch Biên giới minh chứng sự trưởng thành của quân đội ta về nhiều mặt: Sự chỉ đạo chiến tranh, khả năng huy động nhân vật lực cho một chiến dịch lớn. Chiến dịch biên giới làm thay đổi hình thái chiến tranh trên chiến trường chính Bắc Bộ. Ta chuyển từ chiến tranh du kích sang chiến tranh chính quy, giành quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ. Địch chuyển sang thế phòng ngự bị động nhưng chưa phải là đã yếu hẳn mà trái lại địch đang ra sức củng cố lực lượng mong giành lại quyền chủ động chiến lược.

 Chiến tranh du kích ở vùng địch tạm chiếm: Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chiến tranh ở vùng tạm bị chiếm, ta mở ba chiến dịch ở trung du và đồng bằng: Chiến dịch Trần Hưng Đạo tấn công Vĩnh Yên, Phúc Yên từ ngày 25-12-1950 đến 13 -1 -1951. Kết quả ta tiêu diệt 2.555 tên địch, bắt sống 1.577 tên và thu nhiều vũ khí. Ngày 13-3-1951 ta mở chiến dịch Hoàng Hoa Thám, đánh xuống đường số 18, uy hiếp đường 5, cảng Hải Phòng và vùng mỏ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ta mở chiến dịch Quang Trung (Hà Nam) bắt đầu từ ngày 28-5-1951 ta tấn công vào thị xã Ninh Bình. Ngày 5 -6-1951 kết thúc chiến dịch, ta tiêu diệt 1.254 tên, làm bị thương 630 tên, bắt sống 796 tên. Qua ba chiến dịch lớn 1951 ta vẫn giữ được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ. Tuy nhiên ta chưa phá được phòng tuyến của địch, chưa thay đổi được tình thế ở đồng bằng Bắc Bộ.

 Chiến dịch Hoà Bình: Ngày 10 -11-1951 Đơ Tát xi nhi mở chiến dịch Hòa Bình nhằm chiếm lại Hòa Bình, chặn đường tiếp tế của ta giữa các liên khu, giữa Bắc và Nam chiến trường Bắc Bộ, tiêu diệt sinh lực của ta, giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. Ta đánh bại Pháp ở chiến dịch Hoà Bình. Ngày 5-3-1952 chiến dịch Hoà Bình kết thúc. Kết quả cả chiến dịch Hoà Bình và đồng bằng ta tiêu diệt 21.200 tên địch, phá tan âm mưu của Pháp nhằm giành quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, làm tan rã hậu phương địch, làm thay đổi tình thế của chiến trường chính Bắc Bộ, biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta ,

 Chiến dịch Tây Bắc: Qua các chiến dịch trên ta rút ra được phương hướng chiến lược là tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để buộc địch phân tán và tiêu diệt chúng, mở rộng vùng tự do. Theo phương châm chiến lược đó, tháng 10-1952 ta mở chiến dịch Tây Bắc đánh vào nơi yếu lực lượng nhưng rất quan trọng về chiến lược của địch, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần Tây Bắc. Kết quả ta tiêu diệt 13.500 tên địch, phá vỡ hệ thống ngụy quân, giải phóng 9/10 đất đai Tây Bắc. Chiến thắng của ta làm cho tinh thần quân đội viễn chinh Pháp, ngụy quân, ngụy quyền dao động sụp đổ. Nhân dân ta càng tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến.

 Tháng 4 -1953 quân đội Việt Nam cùng quân đội Pha Thét Lào mở chiến dịch Thượng Lào, diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa và phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng, tạo cho nhân dân Lào có một căn cứ kháng chiến rộng lớn và vững chắc.

 Cuộc tấn công chiến lược đông xuân 1953-1954 và chiến thắng Điện Biên Phủ: Tháng 5-1953 Pháp cử Nava sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương thay tướng Xalăng. Sau khi nghiên cứu kĩ tình hình Đông Dương, Nava đưa ra một nhận định xác đáng rằng quân Pháp ở Đông Dương sa vào một mâu thuẫn lớn giữa phân tán và tập trung, thiếu hẳn một đội quân cơ động mạnh tạo nên quả đấm thép khả dĩ có thể tiêu diệt được đối phương. Từ nhận định trên Nava quyết tâm xây dựng một khối quân cơ động mạnh tập trung binh lực. Tạo nên khối quân cơ động mạnh là điểm then chốt nhất của kế hoạch Nava. Sau khi có khối quân cơ động mạnh, Nava vạch ra kế hoạch mang tên ông ta nhằm bình định Đông Dương trong vòng 18 tháng. Kế hoạch Nava có hai bước:

 Bước 1: Từ mùa thu 1953 đến mùa xuân 1954 phòng thủ ở miền Bắc, tấn công ở miền Nam, chiếm lại tất cả những vùng tự do của ta, nhất là vùng tự do Liên khu 5 và vùng tự do Khu 9.

 Bước 2: Thu đông 1954 Pháp đưa toàn bộ quân ra miền Bắc để giành thắng lợi quân sự to lớn tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh.

 Thực hiện kế hoạch trên, Nava đã tập trung được 44 tiểu đoàn mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Tháng 7-1953 Pháp đánh chiếm Lạng Sơn. Tháng 10-1953 Pháp cho thổ phỉ hoạt động mạnh ở Lào Cai, Tây Bắc. 15-10-1953 Pháp mở chiến dịch Hải Âu tấn công vào Ninh Bình, Thanh Hoá.

 Để phá tan kế hoạch Nava, ta chủ trương tập trung lực lượng mở những cuộc tấn công vào các vùng chiến lược quan trọng mà địch không thể bỏ được, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó với ta. Ta phá tan được điểm mấu chốt của kế hoạch Nava là tập trung xây dựng khối quân cơ động mạnh. Thực hiện chủ trương trên trong chiến cuộc đông xuân tháng 11-1953 ta tấn công Tây Bắc. Nava buộc phải điều quân lên Điện Biên Phủ. Sau đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ thành nơi tập trung quân thứ 2 của Pháp. Tháng 12-1953 ta tấn công Trung Lào, giải phóng thị xã Tha Khét và toàn bộ tỉnh Khăm Muộn. Địch phải điều quân lên Sênô, xây dựng thành tập đoàn cứ điểm với 13.600 quân. Sênô thành nơi tập trung quân thứ 3 của Pháp. Cũng tháng 12-1953 ta tấn công vào Hạ Lào và miền Đông Campuchia, giải phóng thị xã Atô pơ, toàn bộ cao nguyên Bôlôven. Tháng 2 – 1954 quân đội Campuchia và quân đội Việt Nam giải phóng thị trấn Viêngxai và Xiêmpang. Địch phải tăng quân cho Hạ Lào. Pắcxế thành tập đoàn cứ điểm thứ 4 của địch.

 Chiến dịch Tây Nguyên: Đầu năm 1954 Nava mở chiến dịch Atlăng đánh phá vùng tự do Liên khu 5 của ta. Địch dùng 19.200 quân tấn công Phú Yên, Tuy Hoà, Bình Định. Ta tấn công Tây Nguyên, giải phóng Công Tum, uy hiếp Plâycu. Địch phải điều quân lên giữ, Plâycu thành lập tập đoàn cứ điểm thứ 5 của Pháp. Tổng cộng ta tiêu diệt 25.000 tên địch, giải phóng toàn bộ Bắc Tây Nguyên rộng 16.000 km2 với 250.000 dân, đập tan chiến dịch At lăng của địch.

 Chiến dịch Thượng Lào: Ta tấn công địch ở Thượng Lào tháng 1-1954, tấn công Mường Khoa, Mường Ngôi, uy hiếp Luôngprabăng, giải phóng Phong xa lì. Ta diệt 2.200 tên địch, mở rộng căn cứ địa cách mạng Lào. Điện Biên Phủ mất chỗ dựa và trở nên cô lập hoàn toàn. Địch phải điều quân lên Luôngprabăng. Luôngprabăng thành nơi tập trung quân thứ 6 của địch.

 Ở các chiến trường sau lưng địch, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích như ở đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Bộ. Địch phải điều quân cứu ứng và càng phân tán binh lực cao độ. Kết quả, khối quân cơ động tập trung của Nava bị phân tán khắp nơi. Điểm then chốt nhất của kế hoạch Nava phá sản. Dù có nắm bắt được nhược điểm này Nava cũng không thể nào khắc phục được mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán của một cuộc chiến tranh xâm lược.

 Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ: Trong quá trình phát triển của chiến cuộc đông xuân 1953-1954, Điện Biên Phủ trở thành trung tâm điểm của kế hoạch Nava. Các tướng lĩnh Pháp và Mỹ coi đây là địa bàn chiến lược quan trọng, là vị trí khống chế được miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và Tây Nam Trung Quốc, là chỗ đứng chân lý tưởng của Pháp ở Tây Bắc Việt Nam để bảo vệ Thượng Lào. Điện Biên Phủ còn là căn cứ không quân và lục quân lớn nhất để xâm lược Đông Dương và Đông Nam Á. Vì tầm quan trọng như vậy, địch đã biến cánh đồng Mường Thanh của Điện Biên Phủ, lòng chảo dài 18km, rộng từ 6 đến 8 km, chung quanh có núi bao bọc thành một tập đoàn cứ điểm đều là những công sự, giao thông hào bê tông chiều sâu dưới đất. Toàn bộ tập đoàn chia làm 3 khu: khu Trung tâm gồm 5 cứ điểm bao quanh sân bay, có chỉ huy sở tập đoàn cứ điểm, khu Bắc có 3 cứ điểm đề kháng là Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo và khu Nam có các cứ điểm đề kháng như Hồng Cúm. Địch dùng 3.000 tấn dây thép gai và nhiều mìn để bảo vệ tập đoàn. Lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất lên đến 19.000 tên bao gồm bộ binh, pháo binh, không quân, xe tăng, công binh thuộc loại tinh nhuệ bậc nhất Đông Dương

 Nava xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thành một pháo đài bất khả xâm phạm nhằm tiêu diệt chủ lực ta khi ta tấn công vào Điện Biên Phủ. Khi chủ lực ta đã bị tiêu hao ở Điện Biên Phủ thì Nava tập trung lượng cơ động tấn công tiêu diệt ta ở miền Nam, thực hiện được kế hoạch của mình, bảo vệ được Thượng Lào và Bắc Bộ.

 Ta cũng quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vì trước kia ta chỉ tiêu diệt địch trong cách phòng ngự cũ, phòng ngự cứ điểm, nay địch chuyển sang hình thức phòng ngự mới, hình thức tập đoàn cứ điểm, Điện Biên Phủ có 49 cứ điểm. Ta phải tiêu diệt được hình thức phòng ngự mới này để đẩy cuộc kháng chiến đi lên và thắng lợi. Vì thế, tháng 12-1953 Trung ương Đảng chủ trương đánh trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ trở thành trận quyết chiến chiến lược giữa ta và quân xâm lược Pháp.

 Sau hơn 3 tháng, từ tháng 12-1953 đến đầu tháng 3 -1954, sự chuẩn bị cho chiến dịch về mọi mặt đã hoàn thành, ngày 13-3-1954 quân ta được lệnh tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau khi tiêu diệt tất cả các cứ điểm bảo vệ trung tâm, cuộc tổng công kích của ta bắt đầu. Quân ta từ nhiều phía đánh vào sở chỉ huy của địch. 17g30 phút ngày 7-5, Đơ Cátxtơri và toàn bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Gần 1 vạn quân Pháp kéo cờ trắng đầu hàng. Sau 55 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một tập đoàn cứ điểm to lớn nhất của Nava mà Pháp, Mỹ dầy công xây dựng. Điện Biên Phủ thất thủ tạo đà cho quân Pháp sụp đổ trên khắp các chiến trường Đông Dương. Địch vội vã rút khỏi Việt Trì, Chợ Bến ngày 10-6-1954, rút khỏi Thái Bình, Phát Diệm, Bùi Chu, Ninh Bình ngày 28 , 29 , 30 –6-1954. Ngày 1-7 quân Pháp rút khỏi Nam Định, ngày 3-7 rút khỏi Phủ Lý. Toàn bộ Đồng bằng Bắc Bộ được giải phóng.

 Điện Biên Phủ là trận tiêu diệt lớn nhất, trận thắng oanh liệt nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta từ thời cận đại cho đến lúc đó. Tại Điện Biên Phủ ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, trong đó có 1 thiếu tướng, 16 quan năm (đại tá), 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan, bắn rơi phá huỷ 62 máy bay.

 Trong chiến cuộc đông xuân 53-54 mà đỉnh cao là Điện Biên Phủ, trên chiến trường cả nước, ta tiêu diệt 112.000 tên địch, bằng cả toàn bộ lực lượng vũ trang của Pháp tại Đông Dương, trong đó có 25 tiểu đoàn bị tiêu diệt hoàn toàn, 177 máy bay bị bắn rơi. Những lực lượng Pháp bị tiêu diệt là những lực lượng tinh nhuệ nhất, là nòng cốt của khối quân cơ động của Nava, làm phá sản toàn bộ kế hoạch quân sự Nava, đè bẹp ý chí xâm lược của thực dân Pháp.

 Với chiến thắng quân sự đông xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Điện Biên Phủ ta đã giải phóng được nhiều vùng đất đai rộng lớn, ngụy quân, ngụy quyền tan rã, ta giành được quyền chủ động trên chiến trường cả nước.

 Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta, sự chuyển biến to lớn trong quá trình phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Điện Biên Phủ đã đưa cuộc kháng chiến của ta từ phản công cục bộ sang hình thái phản công trên toàn chiến trường Đông Dương. Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của ta đến thắng lợi, buộc Pháp phải ký hiệp nghị Giơ nevơ, lập lại hoà bình ở Đông Dương trên cơ sở công nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương.

 Chiến tháng Điện Biên Phủ có ảnh hưởng to lớn trên thế giới, là chiến thắng của các dân tộc thuộc địa Á-Phi chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc. Điện Biên Phủ là một tiếng sấm vang rền báo hiệu thời kỳ bão táp của phong trào giải phóng dân tộc châu Á, châu Phi, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc. Điện Biên Phủ đã góp phần vào việc bảo vệ hoà bình thế giới.

 Thắng lợi của Điện Biên Phủ là kết quả của sự lãnh đạo chính trị, quân sự của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính nhưng biết tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới, tạo nên sức mạnh của dân tộc và sức mạnh quốc tế đè bẹp quân thù. Là thắng lợi của sự đoàn kết chiến đấu hi sinh biết bao xương máu của nhân dân ta, của nhân dân hai nước bạn Lào và Cam pu chia. Là thắng lợi của sức mạnh bắt nguồn từ cuộc chiến tranh chính nghĩa cách mạng, chiến tranh nhân dân, sức mạnh của cả một dân tộc quyết tâm không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ một lần nữa. Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã đóng góp 25 vạn dân công với 3 triệu ngày công được huy động để phục vụ. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp với các đơn vị công binh mở đường phá bom bảo đảm cho giao thông vận tải lưu thông. Trên hai vạn xe đạp thồ, xe trâu, xe bò, xe ngựa, hàng vạn thuyền bè đã được dùng chở hàng vạn tấn gạo, thực phẩm, đạn dược, thuốc men ra mặt trận trên những tuyến đường dài 500 km.

 Tháng 1-1954 trong cuộc họp các Ngoại trưởng 4 nước ở Béclin, theo đề nghị của Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ đồng ý triệu tập Hội nghị Giơ nevơ gồm đại diện của 4 cường quốc Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và các bên có liên quan để giải quyết vấn đề chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương. Ngày 4-5-1954 phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng, quyền Bộ trưởng ngoại giao dẫn đầu đến Giơnevơ. Ngày 8-5-1954 Hội nghị Giơnevơ bàn về vấn đề Đông Dương khai mạc. Cuộc đấu tranh ngoại giao gay gắt. Do thất bại ở Điện Biên Phủ, phía Pháp phải ký hiệp nghị Giơnevơ ngày 20 tháng 7-1954 công nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương.

 Với Điện Biên Phủ và với Giơnevơ nhân dân Đông Dương đã đánh bại cuộc xâm lược kiểu cũ của thực dân Pháp. 50 vạn quân viễn chinh nhà nghề của Pháp bị tiêu diệt và tan rã, tiêu tốn 3.000 tỉ Frăng và 2,5 tỉ USD vay của Mỹ. Chín năm chiến tranh Pháp đã thay đổi 8 tư lệnh quân đội ở Đông Dương, 20 lần chính phủ Pháp sụp đổ (tính đến tháng 3-1954). Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta đã bảo vệ, phát triển được thành quả của Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ được chính quyền cách mạng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Bắc, miền Bắc đi lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã giáng đòn mạnh mẽ, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, dấy lên một cơn bão táp cách mạng có tính chất phản ứng dây chuyền ở hai châu lục này, làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa kiểu cũ. Vào những năm 60 của thế kỷ XX hàng trăm quốc gia độc lập ở châu Á, châu Phi ra đời làm cho bộ mặt chính trị của hành tinh thay đổi.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-viet-nam-ky-21-a20956.html