Thật may mắn là đã có những trang viết của chính các anh cựu chiến binh ( CCB), những nhân chứng lịch sử để lại. Những người cựu chiến binh viết hoặc kể lại cho người biên soạn, là những người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước lịch sử, vì danh dự và tính mạng của mình.
Họ là những người vừa cầm súng vừa cầm bút, đã để lại những trang đời và trang viết rất đáng trân trọng.
Để thoát ý một cách đầy đủ và cụ thể những khái niệm trên, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về những câu hỏi được đặt ra :
Trong những ngày đầu của cuộc chiến, họ đã suy nghĩ gì khi nhận lệnh đi B, một chuyến đi không hẹn ngày trở về cùng với bao gian nan thử thách? Họ đã nghĩ gì khi nhận nhiệm phải vượt sông Thạch Hãn sang bờ bên kia để một mất một còn với giặc, trong khi đã biết dưới dòng sông là một nghĩa trang liệt sĩ? Nghĩ gì khi trong chiến tranh không có quyền lựa chọn nên chấp nhận việc nguy hiểm là làm Trinh sát đặc công, có thể hy sinh khi bị bại lộ vướng vào lưới điện hoặc chó săn của địch? Nghĩ gì khi lính ở binh chủng khác đang thiếu ăn thiếu mặc nhưng mình thì được hưởng một chế độ ăn uống khá đặc biệt. Nhưng ăn rồi, có thể phải trả lại cho hà bá và đàn cá ngoài biển khơi, hoặc sau đó ít phút thôi nếu bị lộ phải ấn nút hủy tàu và cơ thể sẽ không còn nguyên vẹn ? ...
Có chăng, nói về lòng căm thù thì đúng như trong tiểu thuyết " Vượt Côn Đảo " của nhà văn Phùng Quán. Vì lòng căm thù giặc được hình thành ngay sau khi những người tù Côn Đảo phải sống trong địa ngục trần gian, bị đọa đày, bị tra tấn một cách man rợ...
Điều cốt lõi xuyên suốt tác phẩm là sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng ta, là sự kiên trung bất khuất của những con người đại diện cho một thế hệ vàng của cách mạng Việt nam.
Điều đó chính là một trong những yếu tố làm nên thắng lợi chung cho dân tộc...
*
Có một người lính đã khẳng định lý do cha ông mình tham gia cách mạng một cách vô tư và trong sáng, không một chút đắn đo tính toán, đó là vì " Bổn phận".
Cũng có người cho là: " Chỉ có thể là do hồn thiêng dân tộc trong mỗi người dân nước Việt đã chỉ lối cho tôi..."
Một người khác nói, đại ý : " Thời ấy, công tác chính trị rất tốt nên đã khơi dậy lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ..."
Và : " Đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước. Không có lựa chọn nào khác. Vì nếu làm khác đi sẽ bị xã hội lên án..."
Nếu các anh là những người lính trận vừa bước ra từ cuộc chiến, cùng với tất cả những người thấu hiểu, có thể bổ sung cho những khái niệm trên được đầy đủ hơn, sáng tỏ hơn, giải mã cho những gì còn đọng lại, giúp cho thế hệ sau này hiểu hết được.
Đó là điều trân quý !!
Đ.N
Trái tim người lính
Đàm Nhuần