Sùng Thị Sơ - Cô gái 3 lần bị "bắt làm vợ" trở thành Luật sư

Sáng ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện “Nắng trên non" tại trường THCS và THPT Bắc Hà, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Sự kiện là hoạt động truyền thông thuộc khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.

Trong chương trình của sự kiện, đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Ban Dân tộc - Tôn giáo TW Hội LHPN Việt Nam, Tổ chức "Trái tim Người lính Việt Nam", CLB "Mãi mãi tuổi 20" đã trao tặng những phần quà ý nghĩa cho trường THCS và THPT Bắc Hà.

dt1qt1-1730564610.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Đến phần giao lưu với các bạn học sinh, chúng tôi được nghe em Sùng Thị Sơ, dân tộc Mông quê ở vùng cao huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái kể câu chuyện 3 lần bị cưỡng ép đi làm vợ theo phong tục “Kéo vợ" của người Mông và trốn thoát. Sùng Thị Sơ quyết tâm vượt qua nghịch cảnh, tốt nghiệp Trường Đại học Luật, trở thành luật sư để giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em vùng cao vượt qua những hủ tục lạc hậu. Sơ đã đạt nhiều giải thưởng và trở thành đại biểu tại các hội nghị lớn trong nước và quốc tế.

*

Tục "kéo vợ" từ lâu đã là một nét văn hóa của người Mông, nhưng theo thời gian, nghi thức văn hóa này đang dần trở nên xa lạ với chính ý nghĩa ban đầu, khi người ta dần không còn coi trọng sự đồng thuận của người nữ trong quá trình "kéo". Từ một phong tục thiêng liêng, đáng trân quý, nhiều cô gái người Mông hôm nay bỗng bị đặt vào tình thế phải gác lại con đường học hành, sự nghiệp, ước mơ cá nhân để bước vào hôn nhân chưa sẵn sàng. Những hệ lụy này đang gieo lên nhiều góc tối, đặt ra câu hỏi về giá trị thực sự của phong tục trong thời hiện đại.

Câu chuyện của Sùng Thị Sơ là một ví dụ đầy nghị lực. Sinh ra tại Trấn Yên, Yên Bái, em đã vượt qua không chỉ những thách thức cuộc sống, mà còn đấu tranh chống lại chính phong tục “kéo vợ” mà em từng là nạn nhân. Ba lần bị ép làm vợ, nhưng Sơ không ngừng cố gắng, quyết tâm bước vào giảng đường Đại học Luật Hà Nội với mong ước rằng các cô gái ở vùng sâu vùng xa như em sẽ được tự do lựa chọn và bảo vệ trong hôn nhân.

Cuộc sống tại Thủ đô với nhiều thử thách không làm em chùn bước. Sơ vừa học, vừa làm đủ nghề để tự trang trải cuộc sống và hỗ trợ gia đình, đồng thời tham gia các hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em, với khao khát mãnh liệt về bình đẳng và tự do. Tinh thần của cô gái trẻ ấy chính là ánh sáng cho nhiều người cùng cảnh ngộ, là động lực để thúc đẩy tư duy cởi mở hơn về vai trò và quyền lợi của phụ nữ trong xã hội.

Sùng Thị Sơ từng chia sẻ rằng "giáo dục là chìa khóa" cho những thay đổi. Chỉ có giáo dục mới có thể tạo ra những con người với tư duy mới mẻ, biết trân trọng văn hóa nhưng không quên nhịp sống mới của thời đại. Sơ mong rằng các cô gái Mông và các dân tộc ít người sẽ tiếp tục phấn đấu, học hỏi và can đảm đấu tranh vì quyền của chính mình, kể cả khi họ chỉ có một mình. Những giá trị gia đình cần được gìn giữ, là điểm tựa vững chắc giữa bối cảnh kinh tế - xã hội biến động. Bởi lẽ, gia đình là nơi con người nhận được những bài học đầu tiên và có sức mạnh để duy trì lối sống, nhân cách, và sự bền vững của văn hóa truyền thống.

Hội nhập là cơ hội nhưng cũng là thách thức, đặt ra yêu cầu về sự hòa hợp, biết chọn lọc những gì phù hợp với thời đại và đảm bảo tính nhân văn cho các phong tục văn hóa. Câu hỏi mà Sùng Thị Sơ đặt ra, “Điều gì còn phù hợp với thời đại này?”, chính là một trăn trở đầy ý nghĩa, không chỉ cho người Mông, mà cho tất cả cộng đồng vẫn còn hủ tục “kéo vợ”. Tôn trọng giá trị bản sắc là cần thiết, nhưng chắc chắn rằng quyền của người phụ nữ cũng cần được bảo vệ, tôn trọng, trong sự hài hòa với những nét đẹp văn hóa bền vững.

Qua câu chuyện của Sùng Thị Sơ, tôi thiết nghĩ, Chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ, không chỉ bằng những chiến dịch tuyên truyền mà còn qua những biện pháp hành chính, pháp lý cụ thể. Xóa bỏ tập tục kéo vợ trong trường hợp trái ý, cưỡng ép không chỉ bảo vệ quyền lợi của phụ nữ mà còn góp phần bảo tồn ý nghĩa đẹp đẽ của văn hóa dân tộc. Để các em được học hành, trưởng thành và tự quyết định tương lai của mình là sự tôn trọng cơ bản nhất mà xã hội cần dành cho những cô gái vùng cao.

Sự vào cuộc của chính quyền, kết hợp với nhận thức của cộng đồng, sẽ mở ra hướng đi mới cho tương lai của các cô gái trẻ. Một tương lai mà các em có quyền tự do trong tình yêu và hôn nhân, có cơ hội bình đẳng để xây dựng cuộc đời mình. Chính quyền đồng hành cùng người dân, để mỗi nét đẹp văn hóa được giữ gìn, nhưng chỉ giữ lại những gì thực sự tốt đẹp, nhân văn.

Q.T

Trái tim người lính

Quốc Toản

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/sung-thi-so-co-gai-3-lan-bi-bat-lam-vo-tro-thanh-luat-su-a21162.html