Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 26

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 26.

Nghĩa quân Lãng Hy cùng .công nhân chiếm Hà Vốc (phía tây mỏ Kế Bào). Tháng 6-1908, bồi bếp, binh lính thuộc trung đội công nhân pháo thủ Hà Nội (Compagnie d’ouvriers d’artillerie) cùng một số công nhân bên ngoài, đã tham gia vụ Hà thành đầu độc và chuẩn bị khởi nghĩa.

 Trong khi bạo động vũ trang phát triển thì một hình thức đấu tranh mới đã nảy sinh. Đó là hình thức đưa đơn tập thể hoặc cử đại biểu đưa yêu sách với chủ.

Ngày 3-4-1894, 38 công nhân đội 5, lán Thái Bình, gửi đơn cho Thống sứ Bắc Kỳ, tố cáo bọn cai đội công trường đường sắt ăn chặn tiền lương. Tháng 6-1894, công nhân đường sắt Lạng Sơn khiếu tố về việc bị bắt làm việc quá mức. Sang đầu thế kỷ XX, hình thức đấu tranh này tăng lên. Chỉ trong hai năm 1904-1905 đã có 10 cuộc khiếu tố.                                                                   

 Ngày 20-10-1904, công nhân lán Bắc Ninh trên công trường đường sắt Yên Bái gửi đơn lên Tổng đốc Bắc Ninh tố cáo về việc bắt công nhân làm khoán. Tháng 11-1904, công nhân công trường đường sắt Lào Cai cử đại biểu lên đồn khiếu tố về việc bạc đãi công nhân. Cũng trong tháng này, công nhân lán Phúc Yên trên công trường đường sắt Yên Bái gửi đơn đến Công sứ Phúc Yên tố cáo nhà thầu ăn bớt khẩu phần của công nhân và cho công nhân ăn gạo hẩm, thịt thiu…Tháng 12-1904, công nhân lán Hải Dương gửi đơn cho Công sứ Hải Dương tố cáo việc thực dân và tay sai chửi bới, đánh đập tàn tệ công nhân. Ngày 15-12-1904, công nhân tỉnh Kiến An trên công trường đường sắt Yên Bái-Lào Cai gửi đơn cho Công sứ tố cáo công trường không chấp hành đúng những giao ước khi tuyển mộ công nhân. Bên cạnh đó hình thức đình công đặc biệt phát triển. Ngày 24-6-1894, một kíp công nhân trên công trường đường sắt Lạng Sơn, do Xtiep (Stieb) cai quản, đã không chịu đi làm để phản đối việc làm quá sức và chống việc hành hung. Tháng 5-1895, thuỷ thủ Pháp và Việt Nam trên chiếc tàu Xanh Lu-ri (Saint Louis), khi đến bến cảng Hải Phòng, đã ngừng làm việc từ ngày 11-5 đến 6 giờ chiều ngày 13-5 đấu tranh đòi tăng lương và chống hành động đối xử dã man của chủ tàu. Thuỷ thủ Việt Nam đã đưa yêu sách cho thuyền trưởng. Công nhân kéo lên gặp chủ mỏ đòi trả lương để trở về quê quán. Ngày 14-11-1893, 300 công nhân mỏ than Kế Bào kiện chủ mỏ về chế độ làm việc nặng nề. Năm 1903, nữ công nhân nhà máy sàng Cửa Ông đã tắt máy đấu tranh đòi chủ phải cứu chữa cho một chị bị sảy thai khi làm việc. Năm 1906, công nhân mới ở mỏ Hà Tu nghỉ việc đấu tranh đòi chủ phải trả tiền đi đường và cuộc đấu tranh đã thắng lợi. Năm 1908, công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng bỏ việc, phản đối việc chủ trả lương chậm. Ngày 1-5-1909 nữ công nhân nhà máy chai Nam Định bỏ việc phản đối bọn Tây khám nữ công nhân. Cũng năm 1909, công nhân làm đường Hà Tu - Cẩm Phả đấu tranh đòi tăng lương, đốt lán, đốt dụng cụ.

 Phong trào đã sớm tiến tới hình thức đấu tranh cao là bãi công. Đấu tranh kinh tế được kết hợp với đấu tranh chính trị: Tiêu biểu là cuộc bãi công của 200 công nhân hãng L’U. C. I (Liên hiệp thương mại Đông Dương) tháng 5 năm 1909. Thực dân Pháp hoảng sợ cho rằng công nhân Việt Nam bãi công là “Khẳng định quyền độc lập của kẻ bị bảo hộ đối với người bảo hộ” là “sự bắt chước đáng nguy hiểm của những tay xúi giục ở chính quốc”.

 Cuộc bãi công lớn thứ hai là bãi công của công nhân Ba Son, kết hợp với bãi khoá của học sinh trường Bách Nghệ Sài Gòn (năm 1912), có Tôn Đức Thắng tham gia. Học sinh trường Bách Nghệ bãi khoá phản đối với việc giám đốc bắt họ làm việc quá nhiều và bắt học sinh nhốt xà lim. Để phá cuộc bãi khoá, chính quyền thực dân bắt những người cầm đầu và điều công nhân Ba Son sang làm thay. Nhưng công nhân không chịu làm, chúng bắt luôn cả những công nhân Ba Son chống đối lại. Toàn thể công nhân Ba Son bãi công đòi thả những người bị bắt. Thực dân Pháp phải nhượng bộ.

 Ngoài ra, năm 1912 còn có cuộc bãi công của hơn 500 công nhân lò nung nhà máy xi măng Hải Phòng đòi tăng lương 5% và chống đánh đập.

 Tháng 5-1913, công nhân làm đất ở Na Đồn (Tuyên Quang) bỏ việc phản đối chủ đã giữ lại một phần lương. Tháng 6-1913, khoảng 500 công nhân mỏ Lang Hít (Thái Nguyên) bỏ việc phản đối việc hạ mức lương công nhật xuống từ 2 đến 6 xu.

Bước vào thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ I, phong trào công nhân đã xen kẽ đấu tranh kinh tế, chính trị, với bạo động vũ trang.

 Tháng 7-1914 nhiều công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc bỏ việc tập thể, phản đối việc chủ mỏ giữ thẻ thuế thân. Cũng năm 1914, công nhân mỏ than Quảng Ninh phối hợp với nghĩa quân đánh vào đồn lính khố xanh và nhà chủ mỏ Quảng Ninh. Ngày 22-2-1916, nữ công nhân nhà máy sàng Kế Bào nghỉ việc 7 ngày chống cúp phạt lương. Cũng năm 1916, gần 100 công nhân mỏ Hà Tu đã đánh bọn lính khố xanh đến cướp bóc hàng hoá, trêu ghẹo phụ nữ. Tháng 6 và 7 năm 1917, 69 công nhân mỏ bôxit Cao Bằng bỏ trốn. Ngày 31-8-1917, nhiều công nhân mỏ than Phấn Mễ và Na Lương tham gia khởi nghĩa Thái Nguyên. Cũng năm 1917, công nhân mỏ Hà Tu biểu tình trước văn phòng chủ mỏ đòi thả một công nhân bị bắt. Năm 1918, 700 công nhân mỏ Hà Tu đốt phá nhà tên bang Sâm, vì y ngược đãi công nhân.

 Đấu tranh của công nhân đã gây nên những lo lắng, không chỉ cho bọn cầm quyền, mà còn cho cả bọn tư sản kinh doanh. Các tầng lớp hữu sản đã tỏ ý lo ngại trước thái độ của một thứ vô sản thành thị mới xuất hiện với sự phát triển nhanh chóng của các đô thị lớn. Một thứ vô sản thành thị mà thái độ và hành động đã gây cho người châu Âu và các tầng lớp giầu có bản xứ những mối lo ngại nghiêm trọng và có lý.

 Phong trào công nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX như mảnh đất tốt để lý luận cách mạng tiên tiến chủ nghĩa Mác - Lênin nẩy mầm và khai hoa kết quả.

 Sau chiến tranh thế giới lần thứ I, giống như nhiều nước khác, tại Việt Nam “Cuộc phản công của bọn chủ diễn ra ở khắp nơi, và khắp nơi giai cấp công nhân cũng bắt đầu giác ngộ về lực lượng và giá trị của mình”(1). Sự giác ngộ đó được thể hiện ra bằng rất nhiều hình thức đấu tranh của công nhân do các quyền lợi của giai cấp mình.

 Hình thức đấu tranh thấp và ngày càng tăng lên là từng nhóm hoặc từng công nhân lẻ tẻ bỏ việc, phá giao kèo. Từ năm 1919 đến năm 1922 có 2.219 vụ công nhân bỏ việc phá giao kèo, trung bình mỗi năm có 555 vụ. Năm 1923 tăng lên 730 vụ, năm 1924: 847 vụ, năm 1925:1.081 vụ. Tính chung, trong vòng 7 năm (1919 - 1925), số công nhân bỏ việc phá giao kèo nhiều gấp hai lần so với tổng số công nhân hết hạn trở về làng. Tiến lên một bước, công nhân đánh lại bọn cai, ký, đốc công gian ác, biểu tình tập thể và đưa ra yêu sách chung lên cho chủ.

Hình thức đấu tranh ngày càng trở nên phổ biến là bãi công, một hình thức đấu tranh điển hình của công nhân quốc tế, một vũ khí lợi hại của lao động chống lại tư bản. Tin tức về sự phát triển của phong trào bãi công của công nhân thế giới sau chiến tranh, mà trực tiếp là thắng lợi của các cuộc bãi công của công nhân thủy thủ tàu Sácno (Sharnhort) tại cảng Hải Phòng (8-1919) và của trên 200 thủy thủ Pháp tại cảng Sài Gòn (3-1920) đã có ảnh hưởng tích cực tới phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam.

 Mùa hè năm 1922, công nhân viên chức ở các sở công nghiệp, thương nghiệp và đồn điền tư nhân Bắc Kỳ bãi công đòi nghỉ ngày chủ nhật như công nhân viên chức Nam Kỳ đã được hưởng từ năm 1907. Cuộc đấu tranh đã buộc viên Thống sứ Bắc Kỳ, trong thông tư gửi các phòng thương mại Hà Nội và Hải Phòng, phải thừa nhận: Vấn đề nghỉ ngày chủ nhật là yêu cầu chính đáng của người làm công mà ta phải chịu nhận thôi.

 Tháng 11 năm đó, 600 thợ nhuộm ở Chợ Lớn, vì bị bớt lương đã bãi công. Ở Chợ Lớn hồi đó, không có lò nhuộm nào có tới hàng trăm công nhân. Vì thế, đây là cuộc đấu tranh có phối hợp của công nhân ở hàng chục lò nhuộm khác nhau. Nhận xét về cuộc bãi công này, tác giả Bản án chế độ thực dân Pháp đã viết: “Nếu những công nhân bản xứ khốn khổ kia, thường là rất ngoan ngoãn, dễ sai bảo, không được giáo dục và tổ chức, đã đi đến chỗ phải tập hợp nhau lại và đấu tranh chống những đòi hỏi tàn bạo của chủ, thì đó là vì tình cảnh của họ quá ư khốn khổ, khốn khổ đến mức mà ở châu Âu người ta không tưởng tượng được. Đây là lần đầu tiên, một phong trào như thế nhóm lên ở thuộc địa. Chúng ta hãy ghi lấy dấu hiệu đó của thời đại”[1]. 

 Năm 1923, bãi công nổ ra ở nhà máy xi măng Hải Phòng. Năm 1924, hàng loạt cuộc bãi công nổ ra ở nhiều trung tâm công nghiệp và đô thị lớn. Tháng 7, công nhân mỏ Cẩm Phả bãi công đòi tăng lương. Từ mùa hè đến mùa thu năm đó, công nhân ba nhà máy rượu ở Hải Dương, Hà Nội, Nam Định thuộc hãng Phôngten lần lượt bãi công đòi đuổi một tên đốc công Pháp gian ác. Cuối năm, bãi công lại nổ ra ở hãng cưa Biên Hoà.

 Nam Định, một trung tâm kỹ nghệ quan trọng lúc đó đã liên tiếp nổ ra bốn cuộc bãi công trong năm 1924: Tháng 2 gần 100 công nhân nhà máy tơ bãi công phản đối chủ bắt họ phải chụp ảnh để làm hồ sơ. Tháng 7, công nhân nhà máy xay và nhà máy rượu bãi công phản đối chủ bắt làm thêm giờ. Đầu tháng 9, công nhân hai nhà máy này bãi công chống chế độ kiểm soát. Giữa tháng 9, cuộc bãi  công của 250 công nhân nhà máy dệt lại nổ ra. Theo một báo cáo của nhà cầm quyền thực dân: Những yêu sách của công nhân nhà máy dệt lại càng rõ ràng và càng chính đáng hơn là yêu sách của công nhân nhà máy rượu. Họ phản đối sự giảm tiền công và đòi hỏi phải trả số tiền phụ cấp mà chủ đã hứa trả cho họ từ hồi tháng 8 mà tới nay chưa trả. Đặc biệt, qua cuộc bãi công, công nhân nhà máy dệt Nam Định đã có liên hệ, trao đổi thư từ, sách báo với công nhân ở các đô thị khác và cả với công nhân Pháp và công nhân Trung Quốc. Bằng cách đó, “Họ biết rằng bãi công là một vũ khí lợi hại trong tay những người làm công. Họ đọc tin tức và họ bàn tán với nhau về các cuộc bãi công ở Hồng Công, ở Nhật Bản, ở các nước phương Tây, và họ biết rằng phần nhiều các cuộc bãi công ấy đã thắng lợi”(2).

3. 2. Thời kỳ đấu tranh tự giác

 Nhiều sự kiện trong nước và thế giới đã tác động đến phong trào công nhân trong giai đoạn này. Từ giữa năm 1925, phong trào yêu nước và dân chủ của các tầng lớp nhân dân trong nước có xu hướng ngày càng lan rộng. Ở Sài Gòn, tổ chức Công hội do Tôn Đức Thắng sáng lập từ năm 1920 đã có cơ sở ở nhiều xí nghiệp công nghiệp quan trọng. Ở Trung Quốc, phong trào cách mạng dân tộc dân chủ đang sôi sục ở nhiều nơi. Nhân dân các thành phố có tô giới của đế quốc Anh, Pháp, Mỹ, Nhật như Thượng Hải, Quảng Châu, Phúc Châu, Thanh Đảo. . . rầm rộ đấu tranh tẩy chay các tô giới. Trên vùng Sài Gòn, chiếc tàu chiến Misơlê vừa từ Pháp qua phải đưa vào xưởng Ba Son sửa chữa gấp để đi đàn áp cách mạng Trung Quốc.

 Tháng 8 năm 1925 hơn 1.000 công nhân binh công xưởng Ba Son bãi công. Lãnh đạo cuộc bãi công này là Tôn Đức Thắng, người lính thợ đã từng tham gia cuộc phản chiến kéo cờ đỏ trên một chiến hạm Pháp ở biển Đen mùa xuân 1919 để tỏ rõ tình đoàn kết với nước Nga Xô Viết.

 Để thực hiện mục tiêu giam chân chiếc tàu Misơlê, tỏ tình đoàn kết với nhân dân cách mạng Trung Quốc, công nhân Ba Son đã đòi tăng lương 20%, đòi thu nhận lại những người thợ bị sa thải và giữ nguyên lệ nghỉ trước nửa giờ trong những ngày lĩnh lương. Ngày 4-8 toàn thể công nhân nhất loạt đình công. Công hội Sài Gòn đã tổ chức quyên góp ủng hộ những người bãi công. Mọi thủ đoạn hăm doạ của Thống đốc Nam Kỳ và Tư lệnh hải quân Pháp đều không lay chuyển được công nhân. Cuối cùng, chúng phải tăng lương 10% cho công nhân, phải trả lương cả những ngày công nhân nghỉ việc tham gia bãi công. Ngày 12-8, công nhân trở lại làm việc, nhưng vẫn lãn công, kéo dài thời gian sửa chữa tàu Misơlê tới 28-11 mới xong.

 Cuộc bãi công của công nhân Ba Son đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam từ chỗ lẻ tẻ, tự phát đến trình độ tự giác, có tổ chức, kết hợp đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị; từ chỗ thể hiện tinh thần đoàn kết giai cấp giữa những người công nhân trong cùng một xí nghiệp, một ngành nghề, một thành phố và nhiều thành phố trong nước, đến tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, đoàn kết với nhân dân Trung Quốc, cùng chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Năm 1925 là cột mốc đánh dấu phong trào tự phát chuyển sang thời kỳ tự giác. Quốc tế Cộng sản đánh giá cao cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son. Chủ tịch của Quốc tế Cộng sản tuyên bố: “Ngày nay Trung Quốc đang nổi dậy, ngày mai sẽ đến lượt Đông Dương, Ấn Độ nổi dậy”(1). Tại Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản, đại biểu Đông Dương đã nhiệt liệt biểu dương: “Công nhân Ba Son đã bãi công không chịu sửa chiếc tàu Misơlê mà đế quốc Pháp dùng để đi tàn sát nhân dân Trung Quốc”(2)

 Trong lúc giai cấp công nhân đang phát triển, thì chủ nghĩa Mác - Lênin, qua các hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu được truyền bá vào Việt Nam và vào công nhân. Đó là nhân tố hết sức quan trọng để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển từ giai đoạn tự phát sang giai đoạn tự giác của phong trào công nhân. Khi chủ nghĩa Mác-Lênin truyền bá vào công nhân, cùng với phong trào yêu nước, phong trào công nhân là nhân tố quan trọng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, kết thúc quá trình khủng hoảng đường lối, khủng hoảng giai cấp lãnh đạo cách mạng, mở ra một thời đại mới, thời đại cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo, theo đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương, đường lối sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Đảng ra đời cũng chứng minh quá trình tự giác của vô sản Việt Nam đã hoàn thành và bước lên vũ đài chính trị, độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đúng như Mác đã chỉ rõ: “Trong cuộc đấu tranh của mình, chống lại quyền lực liên hiệp của các giai cấp hữu sản, chỉ có khi nào giai cấp vô sản tự mình tổ chức được thành một chính đảng độc lập để đối lập với tất cả mọi chính đảng cũ do các giai cấp hữu sản lập ra, thì mới có thể hành động với tư cách là giai cấp được”(1).

(Còn nữa)

CVL 

--------------------------

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1. Sách đã dẫn, tr. 446.

[1]. Hồ chí minh Toàn tập, t1, tr.446.

(2) Báo cáo của Phó công sứ Đơ Mêna (De Maynard). Sách đã dẫn, tr. 352.

(1) Báo Impartial (Vô tư), 6-8-1925. Dẫn theo Lịch sử Việt Nam. T2. Tr. 221.

(2) Tham luận của đại biểu Đông Dương tại Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản (17-8-1928). Tạp chí Học tập, số 2-1961, tr. 38

(1) C. Mác và Ph. Ănghen Tuyển tập. Tập I. Nxb Sự Thật, H. 1970, tr. 470.

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-viet-nam-ky-26-a21191.html