Hiện nay Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề trong cả nước, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Thành phố hiện có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 274 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề, bao gồm: (1) Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 69 làng nghề; (2) sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; (3) sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 197 làng nghề; (4) sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 13 làng nghề; (5) xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 16 làng nghề; (6) các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 05 làng nghề.
Trực trạng lao động và công tác đào tạo nghề
Các làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của Thành phố hiện thu hút và tạo việc làm cho khoảng 800 nghìn lao động, tăng khoảng 170 nghìn lao động so với năm 2010. Ngoài ra, làng nghề còn thu hút hàng nghìn lao động nơi khác đến làm thuê như làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), làng dệt kim La Phù (Hoài Đức), làng nghề mây tre đan, cỏ tế xã Phú Túc, khảm trai xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), làng nghề sản xuất đồ gỗ xã Vân Hà, Liên Hà (Đông Anh), làng nghề chế biến lâm sản xã Liên Trung (Đan Phượng),…
Cơ cấu số hộ và số lao động trong các làng nghề có sự thay đổi theo xu hướng giảm số hộ và lao động thuần nông, trong khi đó số hộ và lao động tham gia làm nghề phi nông nghiệp tăng. Cơ cấu lao động trong công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ hiện chiếm từ 75 đến 85% trong tổng số lao động, lao động thuần nông chỉ còn từ 15 - 25%. Quy mô sử dụng lao động của hộ cá thể thường từ 5-10 lao động (kể cả lao động của gia đình). Tỷ lệ lao động tại các làng nghề từ 18-50 tuổi chiếm tỷ lệ gần 80%, chỉ có gần 14% số lao động tham gia sản xuất có độ tuổi trên 50 tuổi.
Chất lượng lao động ngày càng được cải thiện nâng cao. Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 70,2 % năm 2020 tăng lên 73,2% năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ tăng từ 48,5% năm 2020 tăng lên 52,5% năm 2023. Chỉ số đào tạo lao động của Thành phố trong bộ chỉ số PCI được các doanh nghiệp đánh giá cao. Giai đoạn 2020 - 2023, thành phố Hà Nội có 02 lần đứng thứ Nhất (năm 2021 và năm 2023).
Thành phố đã phát triển được đội ngũ nghệ nhân cho các làng nghề, tính hết năm 2023, thành phố có 351 nghệ nhân được công nhận, tôn vinh, gồm: 16 Nghệ nhân nhân dân, 51 Nghệ nhân ưu tú và 284 Nghệ nhân Hà Nội.
Thành phố đã phát triển được mạng lưới cơ sở đào tạo nghề cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tính đến tháng 8.2024, trên địa bàn Thành phố có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 202 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 150 doanh nghiệp, loại hình khác. Trong tổng số 352 đơn vị quản lý, có 313 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (chiếm tỷ lệ 88,9%).
Công tác đào tạo nghề, truyền nghề cho người lao động trong các làng nghề được tổ chức thực hiện hiệu quả, giai đoạn 2018-2020, đã tổ chức đào tạo cho 48.814 người, trong đó nghề nông nghiệp là 30.996 người (chiếm tỷ lệ 63,5%), nghề phi nông nghiệp 17.818 người (chiếm tỷ lệ 36,5%). Bên cạnh đó, tổ chức 16 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề thủ công truyền thống của Hà Nội đến cho 800 lao động tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Sở Công Thương, 2023).
Thành phố đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động như: Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn Thành phố; danh mục, định mức chi phí đối với 11 nghề đào tạo cho người khuyết tật; phê duyệt chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp và định mức chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2017 - 2020. Bên cạnh đó, Thành phố đã phê duyệt các quyết định phê duyệt danh mục đào tạo các nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025; Các Quyết định ban hành Bộ định mức kinh tế - kỹ thuật đối với 40 nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nghị quyết quy định giá dịch vụ đào tạo cho 30 nghề trình độ sơ cấp áp dụng trọng lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Mặc dù vậy, phát triển nguồn nhân lực cho các làng nghề đang gặp nhiều khó khăn thách thức. Tỷ lệ lao động chưa có bằng cấp/chứng chỉ vẫn còn cao.Hiện thiếu hụt đội ngũ thợ giỏi, thợ kỹ thuật có tay nghề cao tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất tại các làng nghề. Lao động thủ công vẫn phổ biến tại các làng nghề, đa số không qua đào tạo cơ bản, nên gặp khó khăn khi tiếp thu công nghệ mới, nhất là công nghệ số, công nghệ thông tin. Chất lượng các khóa đào tạo nghề còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp (trên 90% ý kiến của các doanh nghiệp). Mặt khác cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ cho dạy nghề chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tiễn. Nguồn lực kinh phí bố trí cho công tác quản lý chỉ đạo đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Giải pháp thu hút và nâng cao chất lượng lao động làng nghề
Lao động có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề tại Hà Nội. Lao động là tác nhân quyết định trong việc truyền đạt và duy trì các kỹ thuật, quy trình sản xuất truyền thống của làng nghề. Họ chính là những người thực hành các nghề thủ công, hạn chế sự mai một của các giá trị văn hóa và nghệ thuật.
Chất lượng sản phẩm từ làng nghề phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề và kỹ năng của lao động. Lao động có kỹ thuật cao không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng mà còn góp phần nâng cao danh tiếng và giá trị thương hiệu của sản phẩm làng nghề; Tham gia vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại làng nghề giúp tạo ra việc làm và thu nhập cho cộng đồng. Điều này không chỉ nâng cao đời sống của người dân mà còn phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững; Gắn bó với nghề bằng tình yêu và đam mê. Điều này không chỉ tạo ra động lực cho họ trong công việc mà còn giúp kích thích sự sáng tạo trong sản xuất, từ đó cải tiến và đổi mới sản phẩm; Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, phong tục tập quán của địa phương. Họ không chỉ là những người sản xuất mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về ý nghĩa và giá trị của các nghề truyền thống; Kích thích sự đổi mới trong làm việc, tìm kiếm những phương thức sản xuất hiệu quả hơn, đồng thời áp dụng công nghệ mới vào quy trình sản xuất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; Kết nối và hợp tác với nhau, tạo ra một cộng đồng đoàn kết, cùng nhau hỗ trợ và giúp đỡ trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo ra sức mạnh lớn cho sự phát triển bền vững; Không chỉ sản xuất mà còn là những người tham gia vào hoạt động quảng bá và phát triển du lịch văn hóa. Họ đóng góp vào việc xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, giới thiệu về quy trình sản xuất, tạo ra cơ hội cho du khách tìm hiểu về nghề truyền thống.
Để thu hút lao động, thúc đẩy công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, có thể áp dụng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Đẩy mạnh các chương trình đào tạo và truyền nghề, đặc biệt hướng tới các ngành nghề đặc trưng của làng nghề. Cần có sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các nghệ nhân để tạo ra các khóa học thực tiễn, giúp lao động nhanh chóng nắm bắt kỹ năng nghề.
Thứ hai, Cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính cho lao động tham gia vào các làng nghề, như trợ cấp học nghề, hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho những người muốn thành lập cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh trong lĩnh vực làng nghề.
Thứ ba, Tăng cường quảng bá các sản phẩm và giá trị văn hóa của làng nghề qua các hội chợ, triển lãm và các kênh truyền thông. Việc giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng có thể làm tăng nhu cầu và hấp dẫn lao động tham gia.
Thứ tư, Xây dựng cơ sở hạ tầng tốt và các điều kiện làm việc thuận lợi tại các làng nghề. Đảm bảo an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc và tạo ra môi trường thân thiện thân thiện để giữ chân lao động.
Thứ năm, Khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất làng nghề để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Có thể tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng cao hơn để thu hút lao động trẻ tuổi.
Thứ sáu, Tạo ra mạng lưới và liên kết giữa các làng nghề để sẵn sàng chia sẻ thông tin, kỹ thuật, sản phẩm và thị trường. Sự liên kết này không chỉ giúp tài trợ và hỗ trợ kinh nghiệm mà còn tạo ra sự hấp dẫn đối với lao động.
Thứ bảy, Khuyến khích sự tham gia của giới trẻ vào cácdự án bảo tồn làng nghề thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, và các hoạt động cộng đồng. Tạo không gian để thanh niên có thể tìm hiểu và trải nghiệm nghề truyền thống.
Thứ tám, Thiết lập các chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường, vì môi trường sống là một yếu tố quan trọng giúp thu hút lao động. Việc bảo đảm môi trường sống trong lành sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của làng nghề.
Bằng cách thực hiện những giải pháp này, thành phố Hà Nội có thể không chỉ thu hút lao động mà còn nâng cao giá trị và uy tín của các làng nghề, từ đó góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài sản văn hóa quý báu này.
Nhà báo Vương Xuân Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật
Link nội dung: https://nongthonvaphattrien.vn/giai-phap-thu-hut-va-nang-cao-chat-luong-lao-dong-lang-nghe-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-a21257.html